Liệu đã đủ khoảng lặng để bàn về môn học “Tích hợp”?

20/08/2021 07:07
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bản thân tên môn Lịch sử Địa lý cho thấy đây chỉ là ghép nối cơ học hai miếng ghép mang tên Lịch sử và Địa lý vào chung một khuôn mẫu...

Bàn về một sự kiện, cần một khoảng lặng về thời gian, cần một khoảng cách về không gian, cần lùi xa hoặc đứng trên cao quan sát.

Bàn về chủ trương và cách thức thực hiện các môn học “tích hợp” ở bậc trung học cơ sở lúc này có lẽ là hơi sớm, tuy nhiên nếu sớm muộn gì cũng phải nói thì nên nói sớm.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục bậc trung học cơ sở bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).

Hai môn “Lịch sử và Địa lí” và “Khoa học tự nhiên” được gọi là môn tích hợp trong đó môn Khoa học tự nhiên tích hợp 03 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học, môn Lịch sử Địa lý tích hợp 02 môn Lịch sử và Địa lý.

Có tới ba thuật ngữ được sử dụng cho việc ghép nối một số đơn môn kể từ khi “Chương trình giáo dục phổ thông mới” được áp dụng là “tích hợp”; “tổ hợp” và “nhóm môn”.

“Nhóm môn” dùng trong văn bản chỉ đạo, “Tích hợp” là nói về môn học, “Tổ hợp” dùng trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Vậy việc hình thành hai môn học mới ở bậc trung học cơ sở chỉ là sự lắp ghép một cách cơ học hay là sự hòa trộn các môn cũ với nhau?

Chỉ khi nào trả lời được câu hỏi này thì mới có thể đánh giá tác dụng của việc tích hợp.

Tuy nhiên ngay từ bây giờ đã có thể nêu câu hỏi: “Có phải những người biên soạn nội dung môn học tích hợp cho rằng cứ “tích” đi kiểu gì rồi cũng sẽ “hợp”? ”.

Ảnh minh họa: Thùy Linh/GDVN

Ảnh minh họa: Thùy Linh/GDVN

Bản thân tên gọi của hai môn “tích hợp” đã cho thấy có gì đó không ổn bởi một môn lấy tên hoàn toàn mới còn môn kia thì ghép tên hai môn cũ thành tên môn mới?

Đã có môn Khoa học tự nhiên thì tương ứng nên có môn Khoa học xã hội, hoặc ngược lại đã có môn tích hợp tên là Lịch sử Địa lý thì tên môn kia nên là “Lý Hóa Sinh” hoặc “Sinh Lý Hóa” hoặc “Hóa Sinh Lý”,…

Nói thế nhưng nếu làm theo đều sẽ mắc sai lầm, đều không hoàn chỉnh.

Bản thân tên môn Lịch sử Địa lý cho thấy đây chỉ là ghép nối cơ học hai miếng ghép mang tên Lịch sử và Địa lý vào chung một khuôn mẫu và vì thế những chỗ lồi lõm sẽ được gọt dũa khiến việc lắp ghép không để lại khoảng trống.

Khoa học tự nhiên, hay Tự nhiên học, (tiếng Anh: Natural Science) là thuật ngữ được dùng để chỉ một nhánh của khoa học với 5 phân nhánh chính là: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Thiên văn học và Khoa học Trái Đất.

Mỗi phân nhánh lại được chia nhỏ thành các ngành, chẳng hạn phân nhánh Khoa học Trái Đất bao gồm các ngành Địa chất học, Thủy văn, Khí tượng học, Địa vật lý, Hải dương học, Khoa học đất…

Khoa học xã hội (tiếng Anh: Social Science) là một nhánh của khoa học liên quan đến con người và xã hội mà loài người sinh sống. Có rất nhiều phân nhánh của khoa học xã hội như Nhân học, Lịch sử, Địa lý, Ngôn ngữ học, Tâm lý học, Xã hội học,…

Đi sâu hơn một chút, mỗi ngành khoa học (tự nhiên hoặc xã hội) lại có thể hình thành nên một hoặc một số bộ môn, chẳng hạn ngành Công nghệ Thông tin bao gồm Công nghệ phần mềm, Kỹ thuật lập trình, Khoa học máy tính, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, ngành Hóa học bao gồm Hóa hữu cơ, Hóa vô cơ, Hóa máy,…

Với cách hiểu mà giới khoa học quốc tế thống nhất như trên thì việc gom góp ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học để thành môn Khoa học tự nhiên hình như là hơi khiên cưỡng bởi đó chưa phải là Khoa học tự nhiên, đó mới chỉ là một phần rất nhỏ của Khoa học tự nhiên.

Xin nói thêm là ngay tại nước ta cũng đang tồn tại quan điểm cho rằng Toán học, Công nghệ Thông tin, Thống kê,… cũng thuộc về Khoa học tự nhiên.

Vậy có phải các thành viên xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (nhóm ngành xã hội) nhận thức rõ ràng là Lịch sử và Địa lý không thể tạo nên “Khoa học xã hội” nên họ chọn tên môn là Lịch sử và Địa lý?

Có đôi điều người dân bình thường không thể hiểu nên rất mong lãnh đạo ngành và các chuyên gia am hiểu Giáo dục và Đào tạo Việt Nam giải thích:

Thứ nhất, môn Nghệ thuật được ghép bởi hai chuyên ngành riêng biệt: Âm nhạc và Mỹ thuật giống như Lịch sử và Địa lý vì sao không được gọi là môn học tích hợp.

Thứ hai, ở bậc trung học cơ sở ba môn Toán, Lý, Hóa được “tích hợp” thành môn Khoa học tự nhiên, không có môn Khoa học xã hội, lên bậc trung học phổ thông, tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, xuất hiện khái niệm “Nhóm môn khoa học xã hội” (gồm ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) và “Nhóm môn khoa học tự nhiên” (gồm ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học).

Quy định các “Nhóm môn” trong Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT

Quy định các “Nhóm môn” trong Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT

Vẫn là ba môn Toán, Lý, Hóa ghép với nhau, khi dạy và học là “tích hợp” khi thi là “tổ hợp” lúc ban hành chính sách biến thành “nhóm môn”, vậy tương lai sẽ còn từ ngữ nào được bổ sung vào các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Thứ ba, theo Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (văn bản hợp nhất) thì “Nội dung thi tốt nghiệp trung học phổ thông nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12”.

Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định giáo dục trung học phổ thông có “Nhóm môn khoa học xã hội” và nhóm môn này chỉ có môn “Giáo dục kinh tế và pháp luật”, không có môn “Giáo dục công dân” bởi môn Giáo dục công dân dạy và học từ lớp 6 đến lớp 9 - tức là bậc trung học cơ sở chứ không phải trung học phổ thông.

Thế vì sao học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông với quy định “Nội dung thi tốt nghiệp trung học phổ thông nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12” lại phải làm bài “Tổ hợp Khoa học xã hội” với môn “Giáo dục công dân” nằm trong chương trình giáo dục trung học cơ sở?

Thứ tư, vì sao lại không có sự thống nhất, xuyên suốt quá trình dạy và học ở hai bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông khi đã tạo nên môn “Khoa học tự nhiên” lại không tạo nên môn “Khoa học xã hội” nhưng khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông lại quy định hai bài thi tổ hợp “Khoa học tự nhiên” và “Khoa học xã hội”?

Mặt khác, cùng là môn “tích hợp” nhưng hai môn lại có hai cách đặt tên khác nhau, phải chăng cách đặt tên khác lạ biểu hiện cho quyền tự do lựa chọn tên gọi?

Vậy thì đặt tên thế nào cho hợp lý, đúng bản chất và không bị hiểu nhầm?

Giống như cách nói thông thường “môn Hóa, môn Toán, môn Lý,…”, nếu vẫn buộc phải có các môn tích hợp thì hãy đặt tên môn học tích hợp này là “môn Tự nhiên” và “môn Xã hội”, hãy bỏ từ “Khoa học” bởi “Khoa học tự nhiên” hay “Khoa học xã hội” không thể nửa vời, không thể chỉ gồm vài phân nhánh (ngành) mà các nhà biên soạn “Chương trình giáo dục phổ thông mới” tự cảm nhận.

Có ý kiến cho rằng, môn học tích hợp hiểu như hiện tại giống như nhốt chung các loài thú vào một chuồng, các loài thủy sản vào một ao và hy vọng chúng tự lai tạo nên loài mới.

Ý kiến này không phải là vô căn cứ bởi theo hướng dẫn trong “Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lí” ban hành kèm theo Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT thì thời lượng dành cho phân môn Lịch sử là 130 tiết, cho phân môn Địa lý là 155 tiết và chỉ có 12 tiết dành cho “Các chủ đề tích hợp Lịch sử và Địa lí”.

Chỉ với 12 tiết để “tích hợp” cả Lịch sử và Địa lý (285 tiết) có phải là hơi ảo tưởng?

Vậy thế nào mới đúng là môn học tích hợp?

Về câu hỏi này, người viết sẽ đề cập trong các bài tiếp theo.

Xuân Dương