Thủ tướng yêu cầu đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch COVID

28/08/2021 18:53
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với những học sinh, sinh viên ở gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí.

Năm học 2011 - 2022 là năm học đầu tiên thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 – 2026, tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 – 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 – 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành giáo cần hoàn thành Chiến lược giáo dục trong quý IV năm nay cùng Kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục căn bản ở tất cả các cấp học, tạo động lực mới, đột phá cho sự phát triển, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, vận hành cơ chế tự chủ đại học, mở rộng hợp tác quốc tế... để thu hút kiến thức, nguồn lực, công nghệ đào tạo, quản lý từ nước ngoài. Hướng tới nền giáo dục có chất lượng, uy tín trong khu vực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập và các khâu đột phá chiến lược.

Vấn đề giáo dục và đào tạo là vấn đề khó, vì tác động tới nhiều đối tượng, nhiều người, tới tất cả các gia đình. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non, trang bị cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học đang bị thiếu, xuống cấp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp từng địa phương.

Đối với những học sinh, sinh viên ở gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không được đến trường.

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu quan tâm, đó là trong đại dịch, nhiều gia đình không có thu nhập nên ảnh hưởng đến bữa ăn và chế độ dinh dưỡng của các cháu, đặc biệt là độ tuổi đang phát triển. Cần có chính sách hỗ trợ các trường bổ sung dinh dưỡng bữa ăn bán trú hoặc hỗ trợ thực phẩm bổ sung dinh dưỡng để phát triển thể chất tốt hơn cho các cháu. Theo đó, các tỉnh, thành phố nghiên cứu, duy trì, phát triển mô hình bán trú dân nuôi phù hợp với điều kiện địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ những vất vả, khó khăn của cả ngành giáo dục, của hơn 24 triệu học sinh, sinh viên, hàng triệu nhà giáo, hàng chục triệu phụ huynh học sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ những vất vả, khó khăn của cả ngành giáo dục, của hơn 24 triệu học sinh, sinh viên, hàng triệu nhà giáo, hàng chục triệu phụ huynh học sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu giảm tình trạng dạy thêm học thêm bằng giải pháp thiết kế chương trình học, cơ chế thi cử, chế độ đãi ngộ giáo viên phù hợp, cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng học dễ thi khó,… Đồng thời sớm công bố phương án kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị.

Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần có giải pháp để học sinh thích học môn Lịch sử, tìm hiểu truyền thống văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc, của cha ông ta. Thủ tướng nhấn mạnh, môn Lịch sử rất quan trọng, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và hiểu biết văn hóa Việt Nam. Việc dạy môn Lịch sử hiện nay còn thiên về học thuộc, thiếu hấp dẫn.

Cùng với đó, tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ gắn với việc đổi mới và sáng tạo cách dạy, học. Thực tế chất lượng đào tạo ngoại ngữ còn hạn chế, giảm sức cạnh tranh của nguồn nhân lực đất nước trong thời kỳ hội nhập. Thủ tướng lưu ý Đoàn Thanh niên có thể phát động phong trào học ngoại ngữ và tin học để vừa đáp ứng nhu cầu học tập của mỗi người, vừa đáp ứng nhu cầu của đất nước.

Về vấn đề thừa – thiếu giáo viên – nội dung được nhiều địa phương đề cập tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần hết sức linh hoạt, đánh giá thực chất tình hình, tìm ra cách giải quyết. Thiếu ở đâu, thiếu bao nhiêu, thiếu thế nào phải phân tích rất cụ thể, không thể chỉ nói chung chung, thống kê một cách cơ học.

Nhấn mạnh yêu cầu tổ chức lại các nhà trường, các điểm trường, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, đội ngũ phục vụ, Thủ tướng gợi ý, ví dụ, địa phương nào cũng có trường sư phạm do đó có thể đào tạo lại giáo viên trung học, tiểu học, bổ túc các kiến thức cần thiết để chuyển sang dạy khối mầm non, như vậy sẽ khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên mầm non, thừa giáo viên ở khối khác, trong khi tổng biên chế giáo viên không đổi.

“Phải đến tận nơi, khảo sát tận cơ sở mới thấy được những bất hợp lý trong thực tiễn, từ đó suy nghĩ tìm cách giải quyết”, Thủ tướng chia sẻ với lãnh đạo các địa phương. Bên cạnh đó, với những công việc cần thiết vẫn phải đầu tư, như các trường nội trú dân nuôi để phục vụ, chăm sóc con em đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng sâu, vùng xa… nhiều nơi bỏ điểm trường nội trú nên các em rất thiệt thòi.

“Chúng ta không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, đây là đường lối của Đảng và quan điểm được nêu rõ trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, bài toán đặt ra là phải làm sao sử dụng phù hợp nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất để bất kỳ trẻ em nào trên đất nước ta đến tuổi đi học đều được đến trường, được bảo đảm quyền lợi cao nhất. Đây là bản chất, là ưu việt của chế độ, chúng ta phải giữ gìn và phát huy”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu kỹ vấn đề tự chủ giáo dục, không chậm trễ, không nóng vội, thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học; tự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Thủ tướng lưu ý cần quan tâm theo dõi, sơ kết, tổng kết, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách và khâu tổ chức thực hiện, không để người dân bức xúc.

“Các đồng chí đang thực hiện trọng trách vô cùng vinh dự của sự nghiệp “trồng người”, dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng chúng ta có truyền thống, có kinh nghiệm, có lòng yêu nước, có đam mê, chúng ta sẽ vượt qua. Nhân dịp năm học mới, tôi xin chúc và mong các đồng chí với trí tuệ, sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm ra sức xây dựng nền giáo dục ngày càng phát triển, tất cả vì thế hệ trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vì một Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu ”, một Việt Nam thịnh vượng và hạnh phúc, nhân dân thực sự hạnh phúc và ấm no”, Thủ tướng gửi gắm.

Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường, Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đề cập 3 nội dung:

Thứ nhất: Chuẩn bị nền tảng công nghệ thông tin. Do có chuẩn bị từ trước nên trường đã bắt nhịp tốt khi dịch bệnh xảy ra, phải dạy học trực tuyến. Bài thi online vẫn đảm bảo chất lượng. Trường đồng thời tham gia tích cực, hiệu quả mọi hoạt động của công tác phòng chống dịch.

Thứ hai: Đảm bảo chất lượng giáo dục. Trường tiên phong xây dựng chương trình chuẩn năng lực. Đây là chương trình giảng dạy y khoa đầu tiên dựa trên khung năng lực của nước ta. Sau 6 năm triển khai đã tạo ra đội ngũ giảng viên biết cách xây dựng khung năng lực cho khối ngành sức khoẻ.

Hoan nghênh Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn chương trình – các trường xây dựng được hệ thống đánh giá chương trình và phương pháp giảng dạy, từ đó tăng năng lực cho các giảng viên.

Thứ ba: Vấn đề tự chủ đại học giúp phát huy tính năng động sáng tạo, tính cạnh tranh, nhân sự chất lượng cao của các trường đại học Việt Nam. Tuy nhiên, một số chính sách còn hạn chế về sự chồng chéo.

Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh mong Thủ tướng Chính phủ quan tâm sát sao để tự chủ đại học đi vào thực chất, bắt nhịp xu thế giáo dục đại học khu vực và thế giới hiện nay. Đây cũng là kiến nghị của Câu lạc bộ các Chủ tịch Hội đồng trường trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gồm 126 thành viên.

Thùy Linh