Nữ thủ khoa Đại học Bách Khoa dành 6 tiếng mỗi ngày để tự học

20/09/2021 06:29
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Sinh viên cần tự tìm hiểu thêm về lĩnh vực mình học, vì để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng thì chỉ học ở trường thôi là chưa đủ", Phương Thảo cho biết.

Với số điểm học tập 3,81/4 và điểm rèn luyện 87/100, Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 1999, quê Quảng Ninh) là một trong 3 nữ thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2021.

Cách đây 4 năm, Phương Thảo cũng là thủ khoa đầu vào của Viện Kinh tế và Quản lý. Không chỉ tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc ngành Kinh tế công nghiệp, trong 4 năm học, Thảo cũng giành được nhiều học bổng với thành tích học tập cao.

Trong ba năm đầu, Thảo giành "Học bổng khuyến khích tài năng" và năm cuối nhận "Học bổng khuyến khích học tập".

Nữ thủ khoa Nguyễn Phương Thảo chia sẻ, sinh viên nên tìm việc làm thêm từ khi còn đi học để tích lũy kinh nghiệm. (Ảnh: NVCC)

Nữ thủ khoa Nguyễn Phương Thảo chia sẻ, sinh viên nên tìm việc làm thêm từ khi còn đi học để tích lũy kinh nghiệm. (Ảnh: NVCC)

Với Nguyễn Phương Thảo, khoảng thời gian ở giảng đường đại học luôn có những trải nghiệm và thử thách để bản thân rèn luyện và cố gắng vươn lên.

“Thời kỳ học phổ thông, chúng em chủ yếu chỉ tập trung vào việc giải nhanh các bài tập chứ không đi sâu và phân tích nhiều khía cạnh của vấn đề, do đó khi lên đại học, môi trường đòi hỏi kĩ năng phân tích vấn đề và đi sâu hiểu bản chất hơn là hình thức, em đã cảm thấy bỡ ngỡ trong thời gian đầu.

Tuy nhiên, đứng trước những thách thức đó, em không hề nao núng mà còn lấy đó làm động lực để phấn đấu nhiều hơn”, Thảo chia sẻ.

Mỗi ngày, Phương Thảo dành ít nhất 4 - 6 giờ đồng hồ để tự học, đồng thời Thảo cùng nhóm bạn thân thường xuyên trao đổi mỗi khi gặp vấn đề khó trong học tập, cùng giúp đỡ nhau học tập tiến bộ.

Với cô nàng thủ khoa, không có bí quyết học tập nào ngoài sự chăm chỉ, nỗ lực hết mình vì mục tiêu đã đặt ra cùng việc chọn cho mình một phương pháp học tập hiệu quả.

Thảo cho biết: “Khi làm bất cứ việc gì, bản thân em đều đặt cho mình những mục tiêu, và em sẽ cố gắng hết mình để đạt được mục tiêu đó. Thành quả đương nhiên sẽ chỉ đến với người chăm chỉ chứ không bao giờ đến với kẻ lười biếng.

Phương pháp học tập cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng, là chìa khóa giúp mỗi người tối ưu được thành tích học tập, vì nếu chỉ chăm chỉ thôi là chưa đủ.

Đương nhiên mỗi người sẽ có những phương pháp học tập sẽ khác nhau, và quá trình đi tìm được phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả cũng không dễ dàng”.

Đối với những môn chuyên ngành, tùy theo ngành học và trường học mà sẽ có những giáo trình riêng. Theo Phương Thảo, phương pháp học tập quan trọng mà nhiều sinh viên thường bỏ qua đó là đọc giáo trình. Thời gian trên lớp không thể đủ để giảng viên có thể truyền đạt toàn bộ kiến thức cho sinh viên, hoặc có thể đào sâu vấn đề. Nếu sinh viên có thể chủ động trong việc tìm kiếm kiến thức thông qua sách vở, việc học tập sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Việc tìm hiểu kỹ giáo trình sẽ giúp Thảo hiểu và nhớ lâu hơn so với việc chú tâm giải bài tập một cách máy móc. Thảo cho rằng, những môn chuyên ngành kinh tế, để qua môn không quá khó, tuy nhiên để đạt điểm cao thì cần dành nhiều tâm sức.

Việc tìm hiểu giáo trình rất quan trọng và em cũng áp dụng cách này trong quá trình học. Bên cạnh đó, Phương Thảo cũng học hỏi kinh nghiệm của các anh chị khóa trước hoặc tìm thêm những tài liệu liên quan trên mạng hoặc trong các nhóm học tập.

Chia sẻ về kỷ niệm trong 4 năm học đại học, Phương Thảo ấn tượng về lần nghiên cứu khoa học cấp viện.

“Chúng em tham gia cuộc thi với đề tài “Sử dụng phương pháp Phân tích thứ bậc (AHP) lựa chọn dạng năng lượng cho phát điện cho các hộ gia đình vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới-nghiên cứu điển hình tại tỉnh Lai Châu”. Đây là đề tài tương đối khó và khác rất nhiều so với đề tài truyền thống.

Quá trình nghiên cứu đề tài thực sự là một hành trình gian nan, khi mà nhiều thời điểm chúng em như đâm đầu vào ngõ cụt. Khó khăn nhất với nhóm em là vấn đề thu thập số liệu để phân tích. May mắn chúng em có thầy hướng dẫn nhiệt tình chỉ bảo, những lúc thầy sắp đi công tác vẫn tranh thủ trả lời tin nhắn, có hôm 12h đêm thầy vẫn sửa bài cho nhóm.

Qua lần đó, em thấy rằng nghiên cứu cần bám sát những vấn đề cấp bách và nên có tính ứng dụng. Ngoài ra, vấn đề làm việc nhóm cũng rất quan trọng, cần tận dụng được thế mạnh của các thành viên và rất cần có một người trưởng nhóm có khả năng bao quát công việc, phân chia phần việc phù hợp”, Thảo tâm sự.

Đi qua những khó khăn, Thảo và nhóm nghiên cứu luôn động viên nhau, quyết không bỏ cuộc. Mặc dù kết quả thu được không quá tốt và nhóm cũng không giành được bất kì giải thưởng nào, nhưng đối với Phương Thảo, đó là trải nghiệm không thể quên. Kỷ niệm đó cho em hiểu được thế nào là nghiên cứu thật sự và hoạt động nhóm quan trọng đến thế nào, mang đến cho em những bài học quý giá đối với công việc tương lai.

Vượt qua những cám dỗ ở môi trường đại học

Theo chia sẻ của Nguyễn Phương Thảo, sinh viên hiện nay còn thiếu về kỹ năng sống và chưa có tâm lý vững vàng trước những cám dỗ ở môi trường đại học. Nhiều bạn dễ bị cuốn theo những thú vui tiêu khiển mà quên đi nhiệm vụ học tập, rèn luyện kỹ năng.

“Đã vào đại học, sinh viên phải vượt qua những cám dỗ và có tinh thần học tập nghiêm túc, hãy tích lũy cho mình những kinh nghiệm sống cũng như chuẩn bị cho mình một tâm lí vững vàng. Các bạn luôn phải tự đặt mục tiêu cho bản thân và hãy nỗ lực vì mục tiêu đó”, Thảo khẳng định.

Nữ thủ khoa cho rằng, trong quá trình học tập, mỗi sinh viên nên tự tìm hiểu thêm về lĩnh vực mà bản thân đang theo đuổi, vì để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng thì chỉ học ở trường là chưa đủ.

Ở trường, các thầy cô chủ yếu cung cấp kiến thức nền, và để phát triển những kiến thức đó, rồi áp dụng vào công việc thực tế thì còn phụ thuộc vào bản thân của mỗi người.

Do đó, việc luôn thu thập thêm kiến thức chuyên ngành từ các nguồn học liệu khác nhau như internet, sách báo, tạp chí cũng như việc trau dồi các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, làm việc nhóm, thuyết trình,… là vô cùng cần thiết.

Thảo cũng cho rằng, sinh viên nên tìm kiếm cơ hội việc làm ngay từ khi còn ở giảng đường đại học, các bạn cần chủ động liên hệ với những nhà tuyển dụng. Cùng với đó, hoàn thiện kỹ năng và làm đẹp hồ sơ của mình với kết quả học tập tốt cùng tinh thần làm việc tích cực.

Với kinh nghiệm và kiến thức tích lũy từ quá trình học tập, thực hành, hiện tại, Phương Thảo đang làm công việc “nghiên cứu chính sách và quy hoạch phát triển năng lượng/điện lực”.

Thảo chia sẻ: “Thực tập cũng chính là khoảng thời gian quan trọng để sinh viên rèn nghề. Mỗi người cần nỗ lực hoàn thành những công việc được giao và cố gắng va chạm những vấn đề thực tế để bản thân tích lũy thêm kinh nghiệm.

Bản thân em luôn cố gắng xin làm những công việc mang tính thực tế trong quá trình thực tập thay vì chỉ ngồi đọc tài liệu hay làm báo cáo. Những công việc đó sẽ giúp em biết được cách áp dụng những kiến thức đã học trong trường vào những vấn đề thực tiễn.

Trong quá trình thực tập, chúng em sẽ tiếp thu được rất nhiều kiến thức liên quan đến ngành học, được làm quen với quy trình làm việc, môi trường làm việc để tích lũy thêm vốn hiểu biết.

Khi đi vào thực tế, em hiểu hơn về quy trình làm việc trong thực tế sẽ diễn ra như nào. Bên cạnh đó, em thấy rằng có nhiều trường hợp xảy ra trong thực tế có thể sẽ khác nhất nhiều với những lý thuyết hay ví dụ trong sách vở, khi đó bản thân cần linh động để phù hợp với tình hình”.

Phạm Minh