Do đâu có sự tìm hiểu ngày 20/11?
Năm 2020 là dịp kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trong dịp kỷ niệm ngày này, Biên tập viên Hữu Bằng và Khánh Trang của Đài Truyền hình Việt Nam có nói: "20/11 là ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam"!
Nhiều nhà giáo và phụ huynh, học sinh, sinh viên cho rằng nói như vậy có gì đó chưa chuẩn? Trên cộng đồng mạng xôn xao bàn về lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam, nói sao cho chính xác đây?
Đúng lúc đó, chúng tôi đang có mặt tại Văn phòng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi cũng luận bàn về lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam để hiểu cho đúng, để còn giải thích cho các em học sinh, sinh viên.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – người khởi xướng ý tưởng về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 |
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục từ những năm 1980 là người hiểu rõ việc này, Thầy nói: “Nhân dịp này, tôi cung cấp cho các anh chị thông tin chính xác về sự kiện này.”
Thầy Trần Xuân Nhĩ kể: “Tôi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình điều động từ ngành Giáo dục Quảng Ngãi ra làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Khi đó Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp còn chưa nhập lại thành Bộ Giáo dục và Đào tạo như ngày nay.
Có thể nói, những năm 1980 khi đất nước đã thống nhất nhưng đời sống còn rất khó khăn, ngành giáo dục cũng trong tình cảnh khó khăn chung đó.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục nhận thấy toàn ngành Giáo dục – Đào tạo đang hết sức cố gắng để thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.
Khó khăn về đời sống vật chất thì đã rõ, chúng tôi suy nghĩ tìm tòi làm sao để ngành Giáo dục trụ vững và vượt qua khó khăn? Thế rồi tôi suy nghĩ ngành Giáo dục phải tìm kiếm động lực tinh thần để động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhân dân giao phó.
Tác giả, Tiến sĩ Văn Đình Ưng |
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ khi đó với cương vị là Thứ trưởng Bộ Giáo dục đã nghiên cứu lịch sử ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo, thấy rằng đây là nguồn cội động lực tinh thần mà ngành Giáo dục nên tận dụng và phát huy.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ đã báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình về suy nghĩ của mình và đề xuất: Tuy ngày 20 tháng 11 – Ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo đã kết thúc do hoàn thành nhiệm vụ của mình từ cuối những năm 1970, nhưng ở Việt Nam tinh thần của Bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương, vẫn được ngành giáo dục và toàn xã hội quan tâm thực hiện.
Hàng năm ngành giáo dục đào tạo và nhân dân vẫn chào đón ngày 20/11 như một trong các ngày truyền thống lớn của cả nước.
Nên chăng Bộ Giáo dục cùng với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp làm tờ trình lên Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đề nghị lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, để rồi hằng năm tổ chức để động viên các thầy cô giáo, coi đây là động lực tinh thần tiếp sức cho ngành giáo dục làm tốt lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến mấy cũng thi đua dạy tốt học tốt”.
Đề xuất này được Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đồng ý, giao cho Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ chủ trì trao đổi với các Bộ, ngành liên quan, với Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Sau khi có sự đồng thuận của các bên sẽ soạn thảo văn bản, Tờ trình gửi Hội đồng Bộ trưởng xem xét phê chuẩn.
Thể theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của các tổ chức Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em và Công đoàn Giáo dục Việt Nam được Hội đồng Bộ trưởng nhất trí và đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký, quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Như vậy, một sự kiện có tính quốc tế sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, đã được Việt Nam lưu giữ và phát huy, trở thành ngày truyền thống của mình.”
Thông qua những tiết mục văn nghệ, học sinh trường Marie Curie, Hà Nội tri ân thầy cô nhân ngày 20/11 |
Sơ lược lịch sử ngày 20/11
Từ tháng 7/1946, tại Paris, tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập, lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants) viết tắt là FISE.
Nǎm 1949, tại hội nghị ở Warszawa, thủ đô của Ba Lan, FISE đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương, nhưng phải sau gần 5 năm bổ sung góp ý Bản Hiến chương mới được thông qua vào tháng 8 năm 1954 tại Moscow.
Lời mở đầu Bản Hiến chương viết: "Các nhà giáo thực hiện một chức trách quan trọng trong xã hội, vì giáo dục trẻ em là một vấn đề cốt tử, không chỉ cần cho sự phát triển cá nhân, mà còn cho sự tiến bộ của toàn xã hội..."
Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mong muốn được tham gia tổ chức tiến bộ này.
Năm 1953, tại Viên - Thủ đô nước Áo, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Như vậy, Công đoàn Giáo dục Việt Nam chính thức là thành viên của FISE từ năm 1953.
Trong các ngày 26 – 30/8/1957, Hội nghị FISE diễn ra tại Thủ đô Warszawa, Ba Lan. Hội nghị có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam. Hội nghị đã bàn thảo và đi đến quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo.
Từ năm 1958, việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 đã trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới quốc tế.
Tại Việt Nam, trong ngày 20/11/1958, lễ kỷ niệm không chỉ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã miền Bắc, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh - phía Bắc Vĩ tuyến 17 trở ra đến các vùng biên giới, hải đảo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khi đất nước thống nhất thì ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo 20/11 được tổ chức trên toàn quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.