Chỉ cần quét mã QR code là biết hết thông tin, nguồn gốc thực phẩm

09/12/2021 06:33
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với việc đưa vào sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm thì bắt buộc nhà sản xuất phải công khai, minh bạch các thông tin về thực phẩm cho người dân.

Từ cuối tháng 10/2021, Đà Nẵng bắt đầu triển khai thí điểm phần mềm Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cung ứng thực phẩm trên địa bàn. Đây được xem là một bước tiến lớn trong lộ trình thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng.

Một cái quét mã là biết nguồn thực phẩm

Theo Ban quản lý an toàn thực phẩm thì Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng phần mềm và mua sắm trang thiết bị, hướng đến mục tiêu kiểm soát, truy xuất nguồn gốc 4 nhóm thực phẩm gồm chuỗi thịt – trứng, chuỗi rau – trái cây, chuỗi thủy sản và chuỗi sản phẩm bao gói.

Chỉ cần một cái quét mã thì người tiêu dùng sẽ biết được nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: NTH

Chỉ cần một cái quét mã thì người tiêu dùng sẽ biết được nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: NTH

Trong giai đoạn 1, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu và web/app truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu cho chuỗi sản phẩm thịt – trứng.

Đối với sản phẩm thịt heo, truy xuất thông tin từ lò mổ đến người tiêu dùng đối với heo chăn nuôi ngoài thành phố, trường hợp heo chăn nuôi tại Đà Nẵng thì truy xuất thông tin tận trang trại đến người tiêu dùng.

Phần mềm này được áp dụng cho 3 cấp chính quyền quản lý truy xuất nguồn gốc theo chiều rộng và cho các tác nhân của chuỗi thịt – trứng tham gia cung cấp thông tin và truy xuất.

“Sau khi cài app, chỉ cần quét mã QR code được đính kèm trên thực phẩm thì người tiêu dùng sẽ nắm hết các thông tin về nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng… của thực phẩm”, đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng cho hay.

Ông Lê Tự Gia Thạnh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hải Châu cho biết, truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua QR code là xu thế rất phù hợp hiện nay và tất yếu trong tương lai.

Do đó, quận đã cho tiểu thương, người tiêu dùng làm quen, bằng cách triển khai một số sản phẩm, trang thương mại điện tử, trang bị hạ tầng wifi và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, tiểu thương hiểu và thuận tiện tra cứu.

Ông Ngô Tấn Hải – Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng cho biết thêm, sau khi đưa vào ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm thì đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đăng ký tham gia.

Để tham gia chương trình này, doanh nghiệp thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chí của dự án về an toàn thực phẩm, có đủ nguồn lực để tham gia, tuân thủ các quy định về pháp luật.

“Giai đoạn 1 của dự án tập trung vào việc triển khai thí điểm đối với chuỗi thịt heo, thịt bò nên có 3 doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện triển khai của đợt này. Khi tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc thực phẩm do thành phố triển khai, doanh nghiệp cũng có nhiều trăn trở.

Điển hình như việc áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất là điểm mới, chưa quen đối với nguồn nhân lực hiện tại, đòi hỏi nhân viên phải thành thạo trong việc ứng dụng phần mềm để xử lý thông tin, sẽ tốn thời gian trong quá trình thao tác ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất…

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nhận thấy rằng muốn phát triển thì phải áp dụng công nghệ số trong sản xuất, phát triển kinh doanh, là điều tất yếu.

Đây là một khó khăn, thách thức mới nhưng doanh nghiệp sẽ nổ lực hết mình cùng các đơn vị thực hiện, để mục đích cuối cùng vừa tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng”, ông Hải nói.

Người tiêu dùng – nhà nước – doanh nghiệp cùng hưởng lợi

Chia sẻ về những lợi ích thiết thực của phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm này, ông Hải cho rằng, đối với các doanh nghiệp thì việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm là bước đệm để doanh nghiệp tham gia và từng bước nâng cao chất lượng, trách nhiệm với cộng đồng, đồng thời đây là xu thế bắt buộc trong kinh doanh phải ngày càng văn minh, cạnh tranh bằng chất lượng và sự minh bạch.

Đà Nẵng sẽ xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho chuỗi sản xuất thịt - trứng. Ảnh: NTH

Đà Nẵng sẽ xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho chuỗi sản xuất thịt - trứng. Ảnh: NTH

Đối với người tiêu dùng thì được cung cấp thông tin về chất lượng thực phẩm, tra cứu, đánh giá, bình chọn, thậm chí cảnh báo hoặc tố giác các vụ việc có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Đối với các cơ quan nhà nước thì thông qua phần mềm này sẽ được quyền tiếp nhận các phản ánh về sản phẩm, tiến hành kiểm tra và cập nhật thông tin giám sát lên hệ thống.

Ứng dụng truy xuất nguồn gốc cũng tập hợp các đầu mối quản lý thay cho phân cấp trước đây, chuyển mô hình quản lý từ việc chỉ có cơ quan chức năng, thì nay người dân được tham gia cùng giám sát.

“Việc làm này vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và lợi ích cho người tiêu dùng, vừa thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Sau khi đưa vào sử dụng thành công với chuỗi thịt heo, cơ quan quản lý sẽ tham mưu thành phố những chính sách hỗ trợ thích hợp cho doanh nghiệp tham gia chương trình”, ông Hải chia sẻ.

Ông Bùi Huy Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc chia sẻ thêm, không chỉ Đà Nẵng mà các tỉnh miền Trung chỉ tự cung tự cấp 10-15% nhu cầu, nên khá khó khăn khi truy xuất nguồn gốc thực phẩm ở các tỉnh khác.

Do đó, muốn lần ra gốc thì cần tạo ra nhu cầu thông tin trong thị trường tiêu thụ, trong đó sự đòi hỏi giám sát của người tiêu dùng về công khai minh bạch thông tin nguồn gốc là rất quan trọng, sẽ thúc đẩy các đơn vị cung ứng cung cấp thông tin, cơ chế thị trường vận hành song song với cơ chế quản lý nhà nước nhằm giải quyết các vướng mắc về giới hạn thẩm quyền từng địa phương.

AN NGUYÊN