Áp dụng công nghệ, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

30/09/2021 08:25
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngoài việc xây dựng phần mềm để truy vết nguồn gốc thực phẩm thì Đà Nẵng cũng áp dụng nhiều biện pháp thông qua lấy mẫu để ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm.

Giám sát ô nhiễm thực phẩm

Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng, khi địa phương bước sang giai đoạn chống dịch mới thì công tác giám sát, bảo đảm an toàn thực phẩm cũng có những thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với từng giai đoạn.

Đà Nẵng áp dụng công nghệ trong giám sát, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: DL

Đà Nẵng áp dụng công nghệ trong giám sát, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: DL

Trong đó, công tác giám sát ô nhiễm thực phẩm được triển khai thường xuyên nhằm phát hiện những thực phẩm chưa đáp ứng các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định.

Qua đó kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý để hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Tuy nhiên, theo đại diện Ban quản lý thì do thời gian vừa qua, cả thành phố thực hiện giãn cách xã hội và tạm dừng các hoạt động để phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 05/CT-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng nên công tác lấy mẫu giám sát bị tạm thời gián đoạn.

“Đến nay, thành phố đã nới lỏng hoạt động nói chung và kinh doanh, buôn bán thực phẩm nói riêng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tiếp tục triển khai công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm.

Thông qua việc kiểm tra và lấy mẫu thực phẩm tại 21 chợ quận, huyện quản lý và ba chợ thành phố quản lý, các siêu thị và cơ sở kinh doanh thực phẩm, cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm theo quyết định 3075, cơ sở tham gia chương trình thí điểm cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố.

Từ đó, phân tích các chỉ tiêu về vi sinh như: E.coli, Salmonella, Coliforms, S.aureus, Cl.perfringens, V.parachaemolytius và độc tố nấm mốc Aflotoxin; các chỉ tiêu về hóa học, kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi; các chất cấm như salbutamol, hàn the... và tồn dư chất kháng sinh như Flumequin, Enrofloxacin...”, đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm cho hay.

Qua giám sát đã tiến hành lấy 75 mẫu thực phẩm gồm các mặt hàng từ sản phẩm tươi sống như: thịt heo, thịt gà, thủy sản tươi và rau củ quả cho đến các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến như chả thịt, thủy sản khô, bánh các loại, các loại ngũ cốc đậu đỗ, gia vị, nước uống đóng chai...

Đây là các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày nhằm đánh giá nguy cơ ô nhiễm trong thực phẩm để kịp thời đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp hơn trong thời gian tới.

Đối với trường hợp có mẫu thực phẩm chưa đạt các chỉ tiêu an toàn theo quy định, Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ thông báo cho cơ sở được biết để có biện pháp khắc phục, đồng thời thực hiện truy xuất đến cơ sở sản xuất thực phẩm để kiểm tra, lấy mẫu và xử lý vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm tại các cơ sở, Đoàn kiểm tra, giám sát lấy mẫu thực phẩm hướng dẫn tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh phải đảm bảo giữ vệ sinh, mua bán thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng phần mềm

Ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng cho hay, nằm trong đề án xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng thì cơ quan này đang triển khai “dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm”.

Theo đó, thành phố sẽ đầu tư xây dựng phần mềm để kiểm tra, truy xuất nguồn gốc 4 nhóm thực phẩm chín gồm: chuỗi thịt – trứng, chuỗi rau – trái cây, chuỗi thủy sản và chuỗi sản phẩm bao gói.

Trong giai đoạn 1, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu và web/app truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu cho chuỗi sản phẩm thịt – trứng.

Đối với sản phẩm thịt heo, truy xuất thông tin từ lò mổ đến người tiêu dùng đối với heo chăn nuôi ngoài thành phố, trường hợp heo chăn nuôi tại Đà Nẵng thì truy xuất thông tin tận trang trại đến người tiêu dùng.

Phần mềm này được áp dụng cho 3 cấp chính quyền quản lý truy xuất nguồn gốc theo chiều rộng và cho các tác nhân của chuỗi thịt – trứng tham gia cung cấp thông tin và truy xuất.

“Trong ứng dụng này có tích hợp sẵn các đầu mối cung cấp thực thẩm, các đơn vị sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm. Các đơn vị này cũng được hỗ trợ xây dựng kho dữ liệu, chủ động khai báo thông tin cơ sở, nhân sự, cập nhật và sản phẩm đầu vào, đầu ra.

Với phần mềm này thì người tiêu dùng được cung cấp thông tin về chất lượng thực phẩm, tra cứu, đánh giá, bình chọn, thậm chí cảnh báo hoặc tố giác các vụ việc có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Qua đó, người dân sẽ thực hiện công tác giám sát an toàn thực phẩm một cách hiệu quả, bên cạnh các kênh giám sát của cơ quan nhà nước”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, với dự án “truy xuất nguồn gốc thực phẩm” này thì bắt buộc nhà sản xuất phải công khai, minh bạch rõ ràng nguồn gốc thực phẩm mà họ cung cấp.

Người dân có quyền lựa chọn những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có sự giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan nhà nước.

AN NGUYÊN