Dù công nghệ có phát triển đến đâu nhưng không thể thay thế "người THẦY"

22/02/2022 06:19
Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Dạy học rất cần sáng tạo, “bứt phá” ra khỏi khuôn mẫu nhưng phải giữ cho được những giá trị cốt lõi mới là làm giáo dục.

Năm 2020 và 2021 đi qua, dịch bệnh lan tràn, trường học đóng cửa. Nhiều thầy cô nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học trò... Bên cạnh những thách thức, nhiều thầy cô cũng đã tìm được các phương pháp, kĩ thuật dạy học mới, tạo sự hứng khởi trong dạy học qua mạng internet... Có thầy cô chia sẻ nhờ dịch COVID đã thay đổi lối sống tích cực hơn.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn có thầy cô quá bị áp lực vì sự thay đổi “không báo trước” của đại dịch. Kĩ năng sử dụng công nghệ, phương pháp dạy học không nhìn rõ học trò, đã làm cho một số thầy cô chới với, lo sợ “bóng đen”…

Tết Nhâm Dần (2022) vừa qua, tinh thần “mở cửa” trường học mạnh mẽ, quyết liệt, nhiều thầy cô vui vẻ, mừng rỡ nhưng đâu đó vẫn có người chưa muốn thay đổi: “dù gì online vẫn an toàn với dịch hơn”;quen với cách dạy mới rồi”;“tiết kiệm thời gian”;giảm đi lại, …

Xã hội vốn “chín người mười ý”, mong muốn đa dạng. Dạy học theo hình thức nào cũng đều có giá trị riêng, ưu điểm riêng, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần của người dạy. Nếu thầy cô dạy học bằng đam mê thì chắc chắn sẽ lan toả năng lượng tích cực, kết quả giáo dục sẽ là rất lớn.

Dạy học rất cần sáng tạo, “bứt phá” ra khỏi khuôn mẫu nhưng phải giữ cho được những giá trị cốt lõi mới là làm giáo dục. (ảnh: tác giả cung cấp)

Dạy học rất cần sáng tạo, “bứt phá” ra khỏi khuôn mẫu nhưng phải giữ cho được những giá trị cốt lõi mới là làm giáo dục. (ảnh: tác giả cung cấp)

Xin chia một vài câu chuyện liên quan đến dạy học mà tôi cảm nhận cả người dạy và người học đều hạnh phúc.

Câu chuyện giáo dục thiên nhiên

Năm 2010, có anh bạn vừa tốt nghiệp tiến sĩ ngành Sinh học ở Đại học Cambridge (Anh) về gặp. Chúng tôi nói chuyện về đào tạo, nghiên cứu liên quan đến chuyên môn rồi lan dần sang lĩnh vực giáo dục.

Câu hỏi anh đặt ra và từ đó chúng chúng tôi đã gắn bó, đó là: “Tại sao thiên nhiên ở nước mình thì người nước ngoài bảo vệ, còn một số dân mình thì phá?”. Đấy cũng là nguyên nhân mà anh từ bỏ nhiều cơ hội để về gây dựng một tổ chức bảo tồn mang tên GreenViet và tham gia làm giáo dục, đào tạo. Anh nói “không có nguồn lực thì có muốn cũng lực bất tòng tâm”. Và từ đó, hằng năm chúng tôi hợp tác tuyển chọn sinh viên tham gia khoá tập huấn “bảo tồn thú linh trưởng”.

Những bài học, hoạt động giáo dục cũng “tự biên tự diễn”, diễn từ thành phố tới rừng sâu, nhưng ở đâu người học cũng cảm nhận thích thú. Nguồn năng lượng tích cực đã lan toả, truyền khắp trong Nam và ngoài Bắc. Đến nay khoá học vẫn được duy trì, giá trị của nó cứ tiếp tục nhân lên.

Sau hơn 5 năm thành lập với tôn chỉ Người Việt bảo tồn thiên nhiên cho nước Việt”, GreenViet đã có những đóng góp tích cực và được xã hội ghi nhận. Năm 2018, GreenViet kêu gọi sự hỗ trợ của nhiều công ty, tổ chức và cá nhân xây dựng nên Trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên. Đến với hoạt động giáo dục ở trung tâm, người học không chỉ được trải nghiệm về khoa học, về thiên nhiên mà cả về văn học và nghệ thuật. Tất cả cùng hoà nhịp, đồng điệu. Câu chuyện giáo dục ở đây còn dài và chỉ có đam mê mới có thể vượt qua những “rào cản” cũng như cảm nhận được hạnh phúc qua những việc làm.

Câu chuyện giáo dục trong cộng đồng

10 năm trước, trong một lần ra đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), cảm nhận thú vị đầu tiên của tôi là đảo không túi ni-lon, dù lúc bấy giờ khách du lịch cũng đã đến rất nhiều. Bà con từ chối thẳng thừng các sản phẩm có liên quan đến ni-lon và dùng những lời tốt đẹp để nói về “người truyền đạo” nói-không-với-ni-lon trên đảo.

Nhân duyên chúng tôi gặp nhau và cùng chia sẻ câu chuyện đào tạo và cùng nhau hợp tác đến nay. Những thế hệ sinh viên, học viên các ngành Quản lí tài nguyên và môi trường, Sinh thái học… được anh tham gia đào tạo như được tiếp thêm năng lượng. Anh kiên định mục tiêu và luôn kiên trì thuyết phục.

Cộng đồng tham gia cùng anh đã thay đổi thói quen, sống thân thiện với môi trường; còn học trò của anh thì hứng thú học tập và nghiên cứu. Không chỉ dừng lại ở việc tự thay đổi, cộng đồng còn làm du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ vì sinh kế, mà còn lan toả lối sống tích cực, sự tử tế cho du khách… Quản lí tài nguyên và môi trường không cần đến công cụ luật pháp, quy chế, quy định mà chỉ cần thông qua hoạt động du lịch, học tập và làm nông nghiệp. Giá trị của của những “bài giảng” không chỉ có ở kiến thức.

Thành tựu của người thầy ở đây chính là đem đến cho mọi người cảm nhận hạnh phúc ngay trong cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, nếu không đam mê không dễ gì làm được những công việc bình thường ấy!

Câu chuyện du lịch học tập

Cách đây 5 năm, tình cờ tôi gặp một “giảng viên nông dân” dạy cho sinh viên của chúng tôi về làm nông nghiệp hữu cơ, làm du lịch cộng đồng và bảo vệ môi trường. Người giảng say sưa, “bài vở” cũng tươm tất. Tất cả được diễn ra ở ngoài đồng ruộng tại xã Cẩm Thanh (Thành phố Hội An). Sinh viên đến đây học ở khắp mọi nơi kể cả trong và ngoài nước. Họ học được rất nhiều thứ.

Nhưng có lẽ “giảng viên nông dân” này đã truyền cho sinh viên của chúng tôi một thứ rất giá trị, đó chính là sự đam mê. Không mê thì không thể một bác nông dân có thể “diễn” hay đến như thế. Tôi hỏi, bác làm du lịch từ khi nào và được đào tạo ra sao?”. Bác trả lời từ khi đi theo thầy nớ”. “Thầy nớ” chính là người đã tạo nên sự thay đổi đáng kể đối với cộng đồng cư dân ở đảo. Ngẫm lại, phải nói đối với giáo dục và đào tạo có rất nhiều thứ cần, nhưng cần nhất vẫn là người thầy.

Câu chuyện lớp học đa thành phần

Ngay những ngày đầu năm mới Nhâm Dần - 2022, cùng với anh, tôi hoà mình vào một lớp học cuối tuần ở xã Hoà Bắc (huyện Hoà Vang, Thành phố Đà Nẵng). Lớp học đặc biệt ở chỗ, đối tượng chính là học sinh tiểu học. Ngoài ra còn có một vài cháu mầm non, một vài học sinh và cả sinh viên đại học sư phạm.

Người dạy ngoài anh - một tiến sĩ môi trường, còn có một số thầy cô giáo có các chuyên môn khác. Bài học khởi động từ những trò chơi dân gian, rồi đạp xe đến học tại các điểm văn hoá, sau qua vườn hoa, đi lội đồng… Kiến thức từ vật lí, địa lí, lịch sử, toán học, sinh học được kết nối một cách tự nhiên thông qua các sự vật, hiện tượng xung quanh. Tất cả đều thích thú, vui cười… Mồ hôi cũng đỗ ướt. Đôi lúc cũng trầy xước. Đâu đó vẫn có tiếng khóc hay sự giận dỗi của các bạn nhỏ… nhưng rồi cũng được hòa giải và vui vẻ ngay sau đó. Bài học về sự sẻ chia, sự hợp tác dù rất nhỏ nhưng cũng rất giá trị.

Trong giáo dục và đào tạo, kiến thức quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sự thấu hiểu giá trị của kiến thức. Để người học hiểu, người dạy cũng phải thấu. Một người khó mà thông tường tất cả mọi lĩnh vực nên rất cần sự hợp tác, dù đó cũng chỉ là kiến thức ở bậc tiểu học hay trung học. Giá trị của giáo dục chính là sự tôn trọng và hợp tác. Tôn trọng mọi người và tôn trọng mọi góc nhìn chính là cách thầy cô hợp tác để làm giáo dục. Nhờ đó mà tất cả cùng vui, cùng học và cùng sáng tạo.

Qua một số câu chuyện kể trên, giáo dục như tôi hiểu, bắt đầu từ những gì xung quanh. Nên ở bất kì nơi đâu cũng có thể có bài học. Học để sống và học để sống tốt hơn. Mỗi ngày học để biết thêm, hiểu thêm và làm được thêm những việc có ích… Do vậy sự học có ở khắp nơi, đừng nghĩ chỉ có ở trường mới có giáo dục.

Ghi nhận, động viên chính là “chất xúc tác” để “phản ứng” giáo dục được hiệu quả cao. Tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng con người, tôn trọng sự khác biệt và tất cả cùng hướng đến mục tiêu “chân-thiện-mĩ” chính là giá trị cốt lõi mà giáo dục hướng đến.

Trong quá trình giáo dục, những tố chất vượt trội của mỗi người được bộc lộ dần. Người dạy cần quan sát, theo dõi, khách quan tư vấn, định hướng để người học theo đuổi và phát huy hết tiềm năng, để cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Điều đó sẽ thực sự ý nghĩa. Dạy học rất cần sáng tạo, “bứt phá” ra khỏi khuôn mẫu nhưng phải giữ cho được những giá trị cốt lõi mới là làm giáo dục.

Tự nhiên luôn vận động, xã hội luôn phát triển, nhiều thứ vẫn tiếp tục thay đổi “không báo trước” như đại dịch COVID vừa rồi. Dù công nghệ có phát triển đến đâu, nhưng công nghệ không thể thay thế người thầy.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng “Người thầy hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” quả là rất sâu xa. Những người thầy hạnh phúc và truyền cảm hứng mà tôi biết, họ có những điểm chung. Đó chính là sự đam mê học hỏi, yêu thương học trò và có niềm tin mãnh liệt ở sức mạnh của giáo dục.

Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)