Tại Việt Nam hiện nay hầu hết các địa phương trong cả nước đều có các chính sách đặc thù áp dụng đối với các trường chuyên.
Nhiều trường chuyên được các địa phương được coi là nơi đào tạo trọng điểm, đầu tư nguồn kinh phí rất lớn vào cơ sở vật chất, máy móc và trang thiết bị hiện đại, mời các giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Trường Phổ Thông Năng Khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thì trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) hàng năm cung cấp rất nhiều học sinh giỏi cho thành phố và cả nước.
Trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: nguồn Hội phụ huynh nhà trường) |
Nói về hệ thống trường chuyên trên cả nước hiện nay, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Minh – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, vai trò của các trường chuyên chủ yếu để phát triển các năng lực đặc thù của học sinh, để có định hướng nghề nghiệp cho các em ở bậc học cao hơn.
Về vấn đề có nên tồn tại mô hình trường chuyên hay không, theo thầy Nguyễn Minh, chủ yếu thể hiện ở góc độ tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường, sự khẳng định thương hiệu của trường chuyên đó đối với xã hội.
“Phần lớn các trường chuyên trong cả nước đều đã làm được việc này” – thầy Nguyễn Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, thầy Nguyễn Minh còn nói rằng, cần lấy nhu cầu của xã hội để mà đánh giá. Nhiều phụ huynh vẫn có nguyện vọng được cho con vào học trường chuyên. Như vậy, sự tồn tại của trường chuyên vẫn đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh, học sinh.
Tại đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 – 2020 (ban hành kèm theo quyết định 959/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ) có tiêu chí là học sinh ở các trường chuyên có thể được ưu tiên học liên thông lên đại học ở các trường có môn chuyên đã học phổ thông.
Ví dụ: Ngành Công nghệ Sinh học của Trường Đại học Khoa Học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thì có thể ưu tiên học sinh học chuyên Sinh.
Còn đối với bậc trung học cơ sở, hiện nay như mô hình của trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa là không áp dụng chuyên.
Thầy Nguyễn Minh giải thích: Sở dĩ thành phố phải tổ chức việc khảo sát đầu vào lớp 6 là do nhu cầu đăng ký xét tuyển đầu vào luôn luôn lớn hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Do đó, học sinh lớp 6 phải thực hiện một bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh bao gồm các nội dung ở môn Toán, tiếng Việt và kiến thức thường thức (hiểu biết của học sinh về các vấn đề xã hội).
Kiến thức chủ yếu nằm trong phần nội dung lớp 5. Toàn bộ những quy trình xét tuyển, kiểm tra khảo sát đầu vào lớp 6 này đều do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, thực hiện.
Việc khảo sát này thực hiện từ năm 2015, chủ yếu nhằm nâng cao các năng lực ngành nghề mũi nhọn, phát triển học sinh có năng lực ngoại ngữ cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa khẳng định rằng, việc này hoàn toàn không trái với quy định là không có trường chuyên, lớp chọn ở bậc tiểu học, trung học cơ sở.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về sự khác nhau giữa thi tuyển đầu vào với khảo sát đầu vào, thầy Nguyễn Minh trả lời: Nếu nói về thi thì cần phải có, xây dựng được quy chế thi, còn khảo sát đầu vào lớp 6 ở đây chỉ có các tiêu chí khảo sát.
Hàng năm, ở bậc trung học cơ sở, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 Thành phố Hồ Chí Minh, trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa luôn được cử hẳn 1 đội thi riêng, còn các quận huyện khác và thành phố Thủ Đức mỗi nơi chỉ có 1 đội thi.
Kết quả là các thành viên trong đội tuyển thi của trường đều có giải gần hết. Học sinh sau khi học xong lớp 9 tại trường, thi vào lớp 10 chuyên như những học sinh khác trong toàn thành phố.
Phần lớn các em đều đậu vào lớp 10 của trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, hay những trường trung học phổ thông chuyên khác như Lê Hồng Phong, Phổ thông Năng khiếu.
“Nếu không, học sinh của trường cũng đậu vào lớp 10 của các trường trung học phổ thông có điểm chuẩn cao nhất nhì thành phố” – thầy Nguyễn Minh cho biết.
Về đề xuất hướng phát triển của mô hình trường chuyên trong thời gian tới, thầy Nguyễn Minh chia sẻ, phải nhìn nhận rằng, các em học sinh sẽ có nhiều điều kiện phát triển niềm đam mê của mình khi vào học ở các trường chuyên.
Chính vì vậy, tiêu chí để lựa chọn học sinh vào học ở các trường chuyên cũng cần phải thay đổi.
Thầy Nguyễn Minh đưa ra ví dụ là có thể đưa thêm các tiêu chí phụ như học sinh cần có giải học sinh giỏi cấp thành phố ở môn thi chuyên, thì có thể được cộng thêm điểm khuyến khích, để nhằm xác định sát hơn năng lực của học sinh muốn vào học chuyên.
Song song đó, thầy Nguyễn Minh còn mong muốn sẽ thay đổi cách đào tạo ở các trường chuyên, có thể phối hợp với các trường đại học để xây dựng các chuyên đề, để học sinh có thể học “2 trong 1”, có nghĩa là cả phổ thông và đại học đều có nội dung này.
Học sinh nào đã được học ở bậc phổ thông rồi, thì lên đại học không cần học nữa, mà chỉ cần thực hiện các bài kiểm tra hay khảo sát.
Điều này có thể sẽ giúp cho rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc đại học. Với vị trí là người đứng đầu trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, thầy Nguyễn Minh nhấn mạnh, sắp tới, trường Trần Đại Nghĩa cũng sẽ thực hiện việc này, nhằm tiệm cận hơn nữa năng lực học tập của học sinh.