Vài ngày gần đây, vụ việc một cô giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh vòi vĩnh phụ huynh xin tiền hỗ trợ mua laptop nhưng không thành nên "dỗi", không chịu soạn đề cương cho học sinh, đang gây xôn xao mạng xã hội.
Sáng 30/9, tức là ngày đầu tiên đi học sau khi vụ việc được phụ huynh phản ánh, báo chí đăng tải, 24/38 học sinh lớp cô giáo này không đi học. Điều này cho thấy, phụ huynh và học sinh lo lắng như thế nào sau khi phơi bày sự thật liên quan.
Đáng lo lắng hơn khi chia sẻ với báo chí, cô giáo này còn cho rằng, cô đã sai khi vận động tiền hỗ trợ từ phía phụ huynh để mua laptop cho cá nhân, do không hiểu về các quy định trong việc xã hội hóa giáo dục. [1]
Bản thân tôi là một giáo viên nhưng khi theo dõi vụ việc trên vẫn không thể đồng cảm hay chia sẻ bất kỳ điều gì với người đồng nghiệp này. Cũng bởi, sự cao quý hay không phụ thuộc vào cách chúng ta làm nghề, chứ không phải có một nghề cao quý rồi bạn bước vào và tự dưng biến thành cao quý. Hơn cả kỹ năng giao tiếp, điều mỗi nhà giáo nên làm giữ cho mình được tôn nghiêm nghề nghiệp, luôn nhắc nhở chính mình về quá trình thiết lập và giữ gìn phẩm chất cá nhân.
Cái sai đầu tiên rất nghiêm trọng của cô giáo này là vấn đề giữ gìn lòng tự trọng. Tôi không rõ cô giáo năm nay đã bao nhiêu tuổi, thâm niên công tác trong ngành được bao lâu mà lại có cách hành xử kỳ lạ đến như thế.
Cô hồn nhiên “đánh tráo khái niệm” mặc định xem quỹ lớp là của riêng, sẵn sàng trích quỹ để phục vụ cho việc mua sắm cá nhân. Cô cho rằng mình sai khi vận động tiền hỗ trợ từ phía phụ huynh để mua laptop cho cá nhân, do không hiểu về các quy định trong việc xã hội hóa giáo dục. Điều này không chỉ vô lý mà còn thể hiện tư duy lệch lạc, lợi dụng phụ huynh và học sinh của cô. Cô giáo đứng ra “xin” phụ huynh hỗ trợ trong khi bản thân là giáo viên, tham gia công tác trong ngành được lĩnh lương hằng tháng, cũng chẳng thuộc diện đối tượng “hộ nghèo”, là một hành động vô cùng phản cảm.
Nhiều năm công tác trong nghề, tôi đã từng chứng kiến những trường hợp các thầy cô có gia cảnh khó khăn, thậm chí mắc bệnh nặng, nhưng kiên quyết từ chối tất cả quà tặng, tiền hỗ trợ của phụ huynh học sinh, bạn bè đồng nghiệp. Cũng bởi, lòng tự trọng, danh dự và tôn nghiêm của người thầy là thứ tài sản quý giá nhất mà bất kỳ ai đứng trên bục giảng cũng cần gìn giữ. Thế mà, cô giáo ở Trường tiểu học Chương Dương sẵn sàng cò kè, xin xỏ từng chút một, từ việc thoả thuận hỗ trợ 6 triệu sau đó đi mua laptop 11 triệu, tự bỏ thêm 5 triệu, cho đến hỏi ý kiến rất áp đặt kiểu: “Cái máy này của cô, phụ huynh có đồng ý không ạ?”, khiến ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm.
Tôi thầm nghĩ chẳng hiểu cô giáo đang nghĩ như thế nào trong trường hợp này, nếu cô chỉ chọn mua máy 6 triệu thì laptop ấy là của phụ huynh ư? Điều này có đồng nghĩa với việc sử dụng laptop hết năm, cô sẽ hoàn trả lại cho phụ huynh? Các phụ huynh sẽ đi thanh lý rồi chia tiền lại cho nhau? Đến năm học kế tiếp, khi chuyển sang lớp khác, cô có lại đề nghị tập thể phụ huynh lớp chủ nhiệm khác tiếp tục hỗ trợ?
Đỉnh điểm hơn là đến lúc có 3 phụ huynh không đồng tình với ý kiến “laptop là của cô” thì cô tỏ vẻ giận dỗi không muốn nhận nữa. Tuy nhiên, cô đã mua laptop, vậy cách giải quyết sẽ như thế nào, đem trả lại tiệm hay sao? Việc cô không soạn đề cương, để các em học sinh tự ôn, xét ở khía cạnh khách quan, cũng hoàn toàn bình thường vì viết soạn đề cương không phải nhiệm vụ bắt buộc. Tuy nhiên, hành động này lại rơi vào đúng thời điểm nhạy cảm nên khiến phụ huynh dễ suy đoán, liên kết hai sự việc, khiến cô cũng khó lòng giải thích. Đó là điểm sai thứ hai trong cách ứng xử của cô với phụ huynh, dẫn đến việc họ hiểu lầm cô thiếu trách nhiệm với tập thể học sinh do không được đáp ứng nhu cầu riêng về vật chất.
Điểm sai thứ ba của cô giáo này là khả năng giao tiếp, đặc biệt là qua mạng xã hội với phụ huynh quá xuề xòa. Ngày nay, khi công nghệ ngày càng phát triển, việc sử dụng các ứng dụng mạng để giáo viên kết nối với phụ huynh là điều vô cùng phổ biến, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, việc này sẽ trở nên lợi bất cập hại, khi giáo viên thiếu kỹ năng soạn thảo tin nhắn hoặc do quá bận rộn nên xuề xòa trong giao tiếp.
Cô giáo trong đoạn tin nhắn với phụ huynh thường xuyên dùng từ “xin” gây cảm giác hạ thấp vai trò của chính cô, thường xuyên sử dụng các từ viết tắt như “kg”, “nhg”, “PH” , “nha PH”, gây cảm giác thiếu chuyên nghiệp, xem phụ huynh như bạn bè. Thậm chí, tông giọng qua giao tiếp qua lại gây cảm giác khá lộn xộn khi thì “trên cơ” của phụ huynh, lúc lại kiểu dỗi hờn như với người yêu.
Hơn như thế, khi theo dõi một số hình ảnh được chụp lại từ nội dung đoạn tin nhắn của cô với phụ huynh, tôi khá ngạc nhiên về cách sử dụng dấu chấm câu lộn xộn, ngắt câu tuỳ tiện. Điều này đặt ra dấu chấm hỏi về khả năng sử dụng từ ngữ của cô. Trong khi là giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học, cô chắc chắn dạy môn tiếng Việt. Với văn phong như trong tin nhắn, dễ khiến phụ huynh hoài nghi, thiếu tin tưởng về trình độ chuyên môn của cô.
Bản thân tôi nhận thấy việc sử dụng zalo cho các thông báo ngắn, trao đổi qua lại đang bị lạm dụng trong nhiều trường học, kể cả tổ chức tư lẫn công, đặc biệt là khối công lập. Thay vì lạm dụng tin nhắn, chúng ta nên chú trọng việc soạn thảo email để gửi đến quý phụ huynh và học sinh. Cũng bởi, email thường được soạn thảo đầy đủ ý, với cấu trúc chặt chẽ, ngôn ngữ được sử dụng cũng chỉn chu và trang trọng hơn.
Tôi đã có thời gian đảm nhận vị trí đào tạo kỹ năng mềm cho giáo viên. Tại những trường tôi công tác, bất kỳ đầu năm nào, ban giám hiệu cùng đội ngũ đào tạo đều phải rèn luyện lại cho giáo viên mới trong trường về cách thức giao tiếp với phụ huynh, đồng nghiệp, quản lý, thậm chí cả các quy tắc cần lưu ý về nội dung lẫn hình thức (ví dụ: viết hoa, in đậm, tô màu chữ…). Trong thời đại thế giới phẳng, với sự phát triển của công nghệ như ngày nay, việc chịu khó học, khéo léo trong quá trình tiếp xúc với phụ huynh học sinh cũng là một việc thầy cô cần phải học hành nghiêm túc.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.