Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình: Ưu tiên cho giáo dục vùng khó khăn

22/08/2022 09:56
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cần tích cực tham mưu để tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, nguồn lực ưu tiên cho giáo dục các vùng khó trong tỉnh. 

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận những nỗ lực và kết quả toàn ngành đạt được thời gian qua; đồng thời phân tích chỉ rõ những hạn chế, thách thức cần vượt qua để nâng cao hiệu quả thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo.

Giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tham dự Hội nghị. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tham dự Hội nghị. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Trước hết, ưu tiên hàng đầu là triển khai đồng bộ, toàn diện, mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về nâng cao chất lượng ngành Giáo dục.

Trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cần đảm bảo về số lượng, năng lực của đội ngũ giáo viên, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Dạy tốt - học tốt - quản lý tốt”.

Quan tâm cơ sở vật chất, trang thiết bị và thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở. Đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục…

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cần quan tâm đối với vùng sâu, vùng xa.

"Ngành Giáo dục và Đào tạo cần tích cực tham mưu để tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, nguồn lực ưu tiên cho giáo dục vùng khó, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú. Đối với tỉnh, đây là những đối tượng cần ưu tiên hàng đầu trong quá trình thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng ngành Giáo dục và Đào tạo", Bí thư Tỉnh ủy cho hay.

Năm học 2021 - 2022, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo; chú trọng triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học và phát triển sự nghiệp của ngành.

Kết quả nổi bật: Triển khai thực hiện giảng dạy sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6 hiệu quả; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai đối với lớp 3, 7, 10 trong năm học 2022 - 2023.

Tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia tăng cả về số lượng, chất lượng giải so với năm học 2020 - 2021.

Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 tăng 29 bậc, điểm trung bình tăng 0,3 điểm so với năm 2021. Kết quả thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập đều đạt và vượt kế hoạch.

Đến nay, toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1...

Mạnh Đoàn