Bộ trưởng Thăng: "Xin nói thật là tôi chưa biết..."

23/11/2011 09:42
Ngọc Quang
(GDVN) - ĐB Trần Thị An: "Thưa Bộ trưởng, chất lượng thấp do công nghệ hay do thất thoát, ai chịu trách nhiệm?".
Sau phần nghỉ giải lao, các đại biểu tiếp tục đặt ra những câu hỏi “hóc búa” dành cho Bộ trưởng Thăng.

ĐB Trần Thị An tiếp tục “truy” sau phần trả lời của Bộ trưởng Thăng: Tôi rất thông cảm với những áp lực mà Bộ trưởng phải giải quyết, nhưng với tư cách là Tư lệnh trưởng của ngành thì đồng chí chưa làm rõ ý mà tôi cần hỏi: Vấn đề thất thoát ở các công trình là bao nhiêu phần trăm, vì thất thoát ảnh hưởng tới chất lượng công trình? Vì sao lại có hiện tượng bán thầu? Các công trình của nước ngoài hầu hết đều có tính toán tới tuổi thọ, vậy mà ở ta làm các công trình lớn lại không có dự báo là một vấn đề cần xem xét, phải chăng vì thế mà con đường TP.HCM – Trung Lương vừa làm xong đã có nhiều ổ gà, rồi cao tốc Pháp Vân cũng xuống cấp nghiêm trọng khi mới hoàn thành?

ĐB Phạm Minh Tấn – Tỉnh Đacklăk: Các tỉnh Tây Nguyên thì đường sắt không có, đường biển không có, đường sông không có, còn đường hàng không thì khiêm tốn. Quốc lộ 14 là con đường huyết mạch đang xuống cấp nghiêm trọng, đi lại hết sức khó khăn, nhất là đoạn Đăklăk đi Bình Phước. Xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 14?

ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội): Việc kiểm tra nồng độ cồn với lái xe, nâng mức phạt vẫn chưa phải giải  quyết được triệt để, nhiều cử tri cho rằng nên chăng hãy quản lý lái xe bằng thẻ tử, và cũng thực hiện giam giữ phương tiện 30 ngày để lái xe có ý thức chấp hành tốt?

Bộ trưởng có giải pháp nào ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu bia? Chúng ta chuyển các cơ quan hành chính ra khỏi trung tâm, nhưng lại xây dựng nhiều trung tâm thương mại, các chung cư cao cấp để bán với lý do là đất vàng, khiến cho các phương tiện tham gia giao thông vào khu trung tâm cũng nhiều lên mà lẽ ra thì những chỗ đó phải dành quỹ đất cho giao thông và cây xanh. Vậy Bộ trưởng sẽ làm gì để phát huy vai trò quản lý Nhà nước, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các địa phương cũng phối hợp thực hiện vấn đề này?

BĐ Đặng Thị Kim Chi – tỉnh Phú Yên nêu: Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm ách tắc giao thông và sạt lở gây TNGT tại Đèo Cả trong thời gian tới, vì dự án cải tạo từ khi lập tới khi tiến hành còn cả một khoảng thời gian dài? Khi đi tàu hỏa có những hành khách không mua vé mà đưa cho nhân viên 2/3 số tiền vé đó để được bố trí chỗ, như vậy là đã làm thất thoát một khoản tiền không nhỏ của ngân sách. Đề nghị Bộ trưởng cho biết biện pháp chấn chỉnh tình trạng này?

BĐ Trương Trọng Nghĩa – TP.HCM: Về Quỹ bảo trì đường bộ thì nhân dân đã đóng thuế và thuế đó được dùng một phần cho ngành giao thông, do đó Quỹ bảo trì đường bộ rõ ràng là một nghĩa vụ thêm vào cho người dân và doanh nghiệp. Quỹ này rõ ràng không thể đưa vào để sửa chữa các công trình giao thông kém chất lượng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc sử dụng Quỹ sẽ được tiến hành công khai minh bạch thế nào?

ĐB Trịnh Ngọc Thạch – Hà Nội: Nhiều cử tri nhất trí về việc di dời các trường đại học, một số bệnh viện ra khỏi trung tâm. Tuy vậy thời gian vừa qua thì kế hoạch này chưa thực hiện được, và vừa qua thì Nghị quyết 11 lại nói tới việc cắt giảm kinh phí, nhưng vấn đề này tôi thấy cần được ưu tiên. Bộ trưởng có thể phối hợp với các Bộ khác để thực hiện sớm vấn đề này không? Câu 2: Vừa qua, Bộ trưởng nói nhiều tới nguyên nhân ùn tắc và Bộ trưởng cũng nói tới nhiều giải pháp. Vậy xin hỏi, đâu là giải pháp đột phá?

ĐB Nguyễn Sĩ Cương - Tỉnh Ninh Thuận: Theo Nghị quyết 11 thì chỉ những công trình không gây bức xúc và chưa cần thiết thì mới cắt giảm kinh phí, nhưng thực tế thì có rất nhiều công trình gây bức xúc, thí dụ quốc lộ 27 đi qua tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, vừa qua Bộ trưởng có văn bản trả lời tôi cho là chưa thỏa đáng, vì nếu cứ đổ tại thiếu ngân sách thì chưa đúng tinh thần của Nghị quyết 11. Xin Bộ trưởng cho biết về vấn đề này? Thứ hai, tai nạn giao thông chủ yếu là từ các phương tiện giao thông đường bộ. Theo tôi biết thì có nhiều tiêu cực trong đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, nếu tiêu cực thì có thể cho đăng kiểm với thời hạn 6 tháng và kéo dài tới 18 tháng. Như vậy là rất nguy hiểm, với vị trí là Tư lệnh ngành đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến?

ĐB Nguyễn Đức Hiền (Nghệ An): Bộ trưởng từng là lãnh đạo cao cấp của Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia. Vậy những kinh nghiệm nào trong thời gian công tác này giúp cho Bộ trưởng nâng cao hiệu lực quản lý ở lĩnh vực ngành như hiện nay? Thứ hai là do kiềm chế lạm phát nên kinh phí dành cho giao thông năm 2011 chỉ bằng khoảng 1/5 so với các năm khác trong khi nhu cầu đầu tư lớn. Xin Bộ trưởng cho biết    `kinh nghiệm từng quản lý các doanh nghiệp lớn và là Tư lệnh ngành hiện nay, Bộ trưởng có sáng kiến gì để huy động vốn, khắc phục hạn chế nêu trên?

ĐB Đỗ Văng Dương (TP/HCM): Tôi thấy Bộ trưởng mới nói biện pháp khẩn cấp lâu dài, chưa có biện pháp khẩn cấp trước mắt. Theo tôi, không phải mọi cung đường, đoạn đường đều xảy ra tai nạn và mọi phương tiện đều gây ra tai nạn. Tôi cũng nêu rõ vấn đề hiện nay tập trung chủ yếu vào xe tải và xe khách, cháy nhà thì phải phá cửa xông vào cứu người đã rồi đầu tư lâu dài tính sau. Nếu xóa được các điểm đen giao thông thì theo tôi chúng ta có thể giảm tới 20% các vụ TNGT chứ không phải chỉ 5-10%. Bộ trưởng có dám cam kết trước Quốc hội là năm 2012 và 2013 sẽ xóa bỏ được các điểm đen gây tai nạn?

Sau phần nêu câu hỏi của các ĐBQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tóm gọn lại các vấn đề mà ĐB cần hỏi: Thứ nhất là vấn đề tai nạn cần có các giải pháp hiệu quả, ý kiến Bộ trưởng thế nào? Thứ hai là các điểm đen giao thông thì chúng ta xử lý ra sao? Thứ ba là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số công trình quan trọng?

Trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng: Những câu hỏi mà các ĐBQH vừa nêu ra là khá nhiều và không tập trung, thời gian có hạn, vì thế tôi xin trả lời tập trung vào vấn đề chính, còn ĐB nào chưa thỏa mãn thì xin cứ có ý kiến để tôi trả lời bằng văn bản.

Về ý kiến của ĐB Trần Thị An, tôi xin nói rõ hơn là để cải thiện tình trạng công trình kém chất lượng, chậm tiến độ thì  vấn đề quan trọng nhất là phải lựa chọn được nhà thầu có năng lực, đảm bảo được yêu cầu đề ra, công tác quản lý dự án tốt, tiến hành mọi việc công khai minh bạch thì sẽ giảm được tối đa chuyện làm thất thoát từ các công trình.

Còn chuyện có bán thầu không? Tôi đã trả lời rồi là có, các đơn vị xây lắp của ngành giao thông vận tải chính là những đơn vị thi công mạnh nhất, nhưng bởi vì với những quy định hiện nay nên họ không được tham gia công trình, trong khi đó một số công ty tư nhân, công ty cổ phần có năng lực không tốt thì lại trúng thầu (do yêu cầu về tiêu chí của nhà tài trợ, nhưng không xét tới năng lực).

Chúng tôi đã rà soát, phát hiện vấn đề này và đề nghị sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư đàm phán với các nhà tài trợ để cho các doanh nghiệp của Bộ GTVT tham gia đấu thầu thì mới đảm bảo được tính cạnh tranh, chất lượng được đảm bảo.

Về chất lượng công trình chưa đảm bảo thì tôi đã trả lời rồi là có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới chuyện chất lượng giảm xuống, nhưng quy định hiện nay là dự báo tuổi thọ bao nhiêu năm với một công trình thì chưa có. Tôi xin tiếp thu ý kiến của ĐB và sẽ nghiên cứu để đề xuất Chính phủ ra các văn bản phù hợp.

Trả lời các câu hỏi của nhiều ĐB khác, Bộ trưởng Thăng nêu: Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương để đảm bảo tới năm 2015 sẽ xóa sổ toàn bộ cầu khỉ trên cả nước.

Về quỹ đất dành cho giao thông thì đã có sự tính toán từ nhiều năm trước và hiện đang triển khai, thí dụ như đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và những dự án khác nữa. Còn về vấn đề quy hoạch thì tôi đã nói là cần phải đưa ra được dự báo, sau khi có dự báo đó và có kế hoạch thì phải kiểm tra đôn đốc để đảm bảo mục tiêu đề ra, mà muốn làm tốt điều đó thì cần sự phối hợp của tất cả các Bộ ngành, các địa phương. Nếu chúng ta thực sự quyết tâm thì chắc chắn sẽ làm được.

Đối với lái xe sử dụng rượu bia, quan điểm của tôi là phải xử lý ở mức cao nhất, phải đưa khoa học công nghệ vào để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, mọi việc đều có quy trình của nó nhưng tất cả đều phải làm đến nơi đến chốn thì mới thu được hiệu quả.

Với vấn đề di chuyển các cơ quan, trường học ra khỏi trung tâm Hà Nội thì Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì đề án này, còn Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan khác để triển khai kế hoạch ấy, mà cụ thể là xây dựng hệ thống giao thông ở nơi mà các cơ quan, trường học đặt trụ sở mới.

Về vấn đề ở Đèo Cả và một số công trình ở các địa phương khác, tôi mong rằng các ĐBQH và nhân dân cá địa phương thông cảm và chia sẻ khó khăn với Nhà nước, mục tiêu trọng tâm của chúng ta hiện nay đang làm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vì thế một số dự án cũng phải chấp nhận chưa có ngay kinh phí để triển khai. Tất nhiên ở khía cạnh quản lý, Bộ GTVT sẽ phải làm mọi cách để thu được hiệu quả cao nhất từ đồng vốn bỏ ra.

Đối với tiêu cực trong bán vé tàu, tôi cho rằng chúng ta đang áp dụng những công nghệ tốt hơn và kiếm soát tốt hơn quy trình bán vé, ngành đường sắt cũng luôn cố gắng làm tốt nhất có thể, cho nên tiêu cực như ĐB Đặng Thị Kim Chi vừa nêu là không nhiều. Tôi cũng khẳng định và mong các ĐBQH tiếp tục giám sát, nếu chuyện mua vé chui đó vẫn xảy ra, khi có thông tin chính xác, cần thiết thì Bộ sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý từ nhân viên trực tiếp thực hiện hành vi cho tới người phụ trách, kiên quyết không bao che để lấy thành tích.

Đối với phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt thì chúng tôi đã trình Chính phủ đề án phát triển loại hình phương tiện này tới năm 2020 để Hà Nội có thể đáp ứng được khoảng 15% (hiện tại là khoảng 7%) nhu cầu đi lại, còn TP.HCM khoảng 25-3-% (hiện tại khoảng 13%). Chúng tôi cũng sẽ giám sát quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo hệ thống xe buýt phục vụ hành khách đạt chất lượng tốt trong điều kiện phát triển kinh tế của nước ta. Còn đối với hệ thống phát triển đường sắt trên cao thì tôi hoàn toàn đồng tình với các ĐB đó là những việc chúng ta sẽ phải làm, nhưng ở thời điểm hiện tại việc đầu tư mới kết hợp với khai thác hạ tầng gặp nhiều khó khăn, nên mong các ĐB cũng hết sức thông cảm.

Về quỹ bảo trì đường bộ thì như tôi đã báo cáo chúng tôi trình phương án thu phí trên đầu phương tiện nên không có chuyện bắt người dân đóng thuế để lấy tiền đó sử dụng cho giao thông. Phí đó sẽ được cân đối với ngân sách của Nhà nước và sử dụng cho giao thông bao nhiêu còn tùy vào tình hình thực tế. Nhân đây, tôi cũng nói luôn là việc thu phí của chúng ta hiện nay đã quá lạc hậu, thí dụ như Thông tư 90 của Bộ Tài chính ban hành năm 2003 và tới nay thì lạc hậu, không đáp ứng được tình hình mới, cho nên cần đổi mới để có kinh phí tái đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Trả lời ĐB Phạm Minh Tấn, Bộ trưởng Thăng nói: Tôi đồng ý với ý kiến ĐB đưa ra là quốc lộ 27, những con đường nối các tỉnh miền Trung, tây Nguyên tới TP.HCM đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng hiện nay chúng ta vẫn phải tập trung cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, còn trong kế hoạch phát triển năm 2012 chúng tôi đã có sự tính toán đến các công trình, từ đầu tư xây mới cũng như bảo trì, sửa chữa và việc phân bổ vốn sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn để đảm bảo hiệu quả.

Tôi cũng đã báo cáo trước Quốc hội là hiện nay dừng lại các công trình còn dở dang thì “lợi bất cập hại” và cũng đã nêu ra vấn đề là tiếp tục đầu tư hay ưu tiên cho kiềm chế lạm phát thì đa số ĐBQH đã đồng ý với chủ trương giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát, vậy thì chúng ta phải cố gắng khắc phục, thậm chí chịu đôi chút thiệt thòi trước mắt trì mục tiêu chung của cả nền kinh tế.

Đối với các giải pháp hạn chế TNGT thì tôi cũng đã báo cáo rồi, trước mắt là phải tổ chức lại hệ thống giao thông, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giảm điểm đen TNGT, đối với quốc lộ 1A sẽ ưu tiên đầu tư, làm các dải phân cách cứng để giảm TNGT, tránh những vụ va chạm đối đầu; kiểm tra kiểm soát chặt chẽ chất lượng của các lái xe tải, xe khách, đặc biệt là xe contener bằng các công nghệ mới, đồng thời đề xuất xử lý sai phạm ở mức cao hơn nữa.

Rõ ràng các phương tiện tham gia giao thông mà chất lượng không đảm bảo thì trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ GTVT. Chúng tôi cũng đã kiểm tra và phát hiện những vấn đề không bình thường ở khâu đăng kiểm xe cơ giới, đồng thời đã siết chặt lại quy trình, đề nghị nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị làm nhiệm vụ này. Nếu phát hiện sai phạm, tôi sẽ chỉ đạo kiên quyết, cách chức đối với người quản lý và đuổi việc với nhân viên của đơn vị đó mắc sai phạm, nếu sai phạm lớn có tính hệ thống thì sẽ chuyển hồ sơ tới cơ quan công an xử lý theo luật định.

Bộ trưởng Thăng chốt lại phần trả lời chất vấn với những chia sẻ hết sức chân tình: Tôi là Bộ trưởng thứ 13 của Bộ GTVT. Trước tôi thì đã có nhiều Bộ trưởng là những người có công lớn với đất nước như Tướng Đồng Sỹ Nguyên, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu, Tướng Đinh Đức Thiện, Bộ trưởng Đào Đình Bình… họ là những người đã có những đóng góp quan trọng vào ngành giao thông vận tải nhiều năm qua.

Tôi là Bộ trưởng thứ 13, để làm tốt thì trước tiên tôi phải kế thừa được những kinh nghiệm quý báu mà các Bộ trưởng thế hệ trước đã để lại, sau đó là sự phối hợp với các cơ quan ban ngành khác để đảm bảo mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra với ngành GTVT. Mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là đột phá về đầu tư cơ sở hạ tầng, phải đi đầu trong việc phát triển Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Những vấn đề còn bức xúc hiện nay với giao thông, chúng tôi sẽ từng bước thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và từng bước giải quyết hết những khó khăn ấy. Tôi tin rằng với sự ủng hộ của các ĐBQH, nhân dân cả nước, mục tiêu ấy sẽ hoàn thành. Lời cuối cùng, cho phép tôi xin gửi lời cảm ơn tới các vị ĐBQH và nhân dân cả nước.

Kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận: “Có tổng cộng 24 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn, đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của ĐB một cách thẳng thắn, không tránh né vấn đề. Tôi thấy rằng các câu hỏi mà các ĐBQH đặt ra trúng vào vấn đề giao thông nói chung, tiếp đó là giải quyết tình trạng TNGT, ùn tắc giao thông, chất lượng công trình giao thông, xử lý tiêu cực trong ngành giao thông… Qua chất vấn và trả lời chất vấn có thể thấy rõ được thực trạng TNGT trong phạm vi cả nước đang diễn ra rất nghiêm trọng, đó là vấn đề không mới nhưng giải quyết chưa thành công và có người gọi đó là quốc nạn.

Trong tình hình tài chính còn có hạn mà nhu cầu đầu tư lớn thì chúng ta cần phải có các giải pháp đột phá để tạo được nguồn vốn, đảm bảo các mục tiêu đề ra, về cơ bản đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, nhưng muốn được như vậy thì hạ tầng phải đi trước một bước. Rất nhiều nguyên nhân được nêu ra, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực quản lý Nhà nước.

Qua chất vấn các ĐBQH cũng đã nêu thêm các giải pháp, đóng góp cho Bộ GTVT. Theo kế hoạch đã được đề ra, từ năm 2012 chúng ta sẽ giảm được số vụ TNGT và số người chết vì TNGT từ 5-10%. Chúng ta cũng tán thành lấy năm 2012 là năm siết chặt lại kỷ cương trong quản lý giao thông nói chung và phòng chống các vấn đề gây ra TNGT theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Đây là quyết tâm rất cao của Bộ trưởng Đinh La Thăng trước Đảng, trước Nhà nước và nhân dân”.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng kết thúc vào lúc 11h35 sáng nay. Chiều nay, Bộ trưởng Bộ NN & PTNN – ông Cao Đức Phát sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội.

ĐB Trần Thị An: Thưa Bộ trưởng, chất lượng thấp do công nghệ hay do thất thoát, ai chịu trách nhiệm? Ngành giao thông có dự báo về chất lượng theo thời gian không, vì cái này các nước có làm? Có tình trạng bán thầu trong ngành giao thông không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Thăng trả lời: Không thể tránh khỏi thất thoát trong thi công các công trình, hiện tượng bán thầu trong ngành giao thông là có. Chúng tôi đã chỉ đạo lấy năm 2011 là năm chất lượng công trình. Tôi kiên quyết thay thế các nhà thầu, tư vấn, giám sát không đảm bảo yêu cầu, và đặc biệt là thay thế các Ban quản lý không đảm bảo yêu cầu. Chúng tôi cũng xây dựng theo hướng phát triển các Ban quản lý trở thành các đơn vị tư vấn, như vậy thì về lâu dài sẽ đảm bảo được yêu cầu phát triển và đảm bảo được chất lượng các công trình.

Tuổi thọ công trình thì chúng ta chưa có dự báo, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: lưu lượng xe cộ, thời tiết, mức đô khai thác… tất nhiên là với những người làm giao thông chúng tôi mong công trình sẽ đạt chất lượng tốt nhất, nhưng để đưa ra dự báo về tuổi thọ thì chưa có.

ĐB Nguyễn Thanh Hải – Tỉnh Hòa Bình: Tôi quan tâm đặc biệt tới chất lượng trung tâm đào tạo lái xe. Với cương vị là Bộ trưởng, mức độ quan tâm vấn đề này thế nào? Bộ trưởng có thanh tra, kiểm tra, xử lý, thậm chí giải thể các trung tâm dạy lái xe sai phạm?

Bộ trưởng Thăng trả lời: Ngành GTVT đã đề xuất xử lý nghiêm khắc với lái xe sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông, hiện xử phạt của ta chưa nghiêm, chưa đồng bộ. Chúng tôi sẽ đề xuất các biện pháp mạnh hơn nữa.

Bộ GTVT đã cho kiểm tra, thanh tra và đề xuất thống nhất lại việc dạy và cấp bằng lái xe, phối hợp với Cục CSGT để không còn tình trạng bằng giả. Quan điểm của tôi là phải xử lý nghiêm minh các trung tâm sát hạch lái xe, thậm chí giải thể nếu mắc sai phạm nghiêm trọng, trong thời gian tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục cho thanh tra, kiểm tra vấn đề này.

Suy cho cùng những việc cần phải làm ấy vẫn là nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và những người làm công tác công vụ. Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông và các lực lượng khác làm nghiêm minh thì sẽ góp phần vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông.

Về vấn đề tai nạn giao thông, Bộ trưởng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu thêm thêm đề nghị của Chủ tịch Quốc hội. Theo Bộ trưởng Quang: Kết cấu giao thông đô thị còn nhiều bất cấp, 80 vụ tai nạn giao thông do ngwofi điều khiển xe, 44% các vụ kẹt xe ở đô thị do TNGT. Khi xảy ra ùn tắc giao thông thì người tham gia giao thông không nhường nhau mà chen lấn, dẫn tới tiếp tục ùn tắc, do đó có thể nói ý thức chấp hành tham gia giao thông kém chính là một trong những yếu tố chính dẫn tới TNGT.

Về giải pháp: Cơ bản và lâu dài là phải cải thiệt hạ tầng giao thông, các thành phố lớn, các đô thị phải dành nhiều đất cho giao thông. Hà Nội có 7%, TP.HCM có 13% quỹ đất cho giao thông, còn các nước thì 20-25% dành cho giao thông ở các TP lớn, đây chính là bất cập của chúng ta.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng sẽ tăng thêm thẩm quyền cho cảnh sát giao thông để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT thực hiện mục tiêu giảm số vụ TNGT ngay trong năm 2012.

ĐB Trần Du lịch – TP.HCM nêu hai câu hỏi: Thứ nhất, Đại hội 11 đưa ra vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó giao thông quan trọng nhất. Chúng ta cần xây dựng hàng nghìn km đường cao tốc, vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng tiến độ chậm và chất lượng thì kém. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì mang tính đột phá?

Thứ hai, đường sắt của chúng ta đã quá cũ được xây dựng từ thời thực dân Pháp. Cử tri cho rằng, chúng ta cố gắng tới 2025 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, chúng ta có hệ thống đường sắt tốt hơn hiện nay, không phải cao tốc, nhưng phải đạt được mức 150km/h. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào?


Bộ trưởng Đinh La Thăng: Nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông trong 10 năm tới ước tính khoảng 70 tỷ USD, quan điểm của ngành GTVT là đổi mới tư duy, hướng vào từng mục tiêu để đầu tư hạ tầng. Chính phủ đã có chỉ đạo, trong thời gian tới vốn Nhà nước tập trung làm nhiệm vụ đối ứng, chúng ta phải từ mục tiêu đầu tư để huy động bằng được chứ không thể cứ có bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu, như vậy thì rất manh mún và không đáp ứng được yêu cầu.

Theo tôi, phải lấy hạ tầng nuôi hạ tầng, phí và lệ phí hạ tầng hiện nay thì phải chuyển đổi và tính theo giá thị trường để có kinh phí đầu tư các công trình mới, đây là một trong những ý tưởng đột phá.

Dự kiến Ngân sách Nhà nước chỉ chi khoảng 40%, còn lại từ các nguồn vốn khác. Các công trình hiện nay chậm từ 1-3 năm, thậm chí là 5 năm, chủ yếu là do giải phóng mặt bằng quá chậm, vì vậy phải thay đổi triệt để ngay vấn đề này. Chúng tôi cũng sẽ đề xuất Chính phủ phê duyệt cơ chế mới cho đấu thầu, còn với tình hình hiện nay thì chọn nhà thầu giỏi, có năng lực tốt là rất khó.

Đối với đường sắt: Đây là vấn đề lớn cần phải có nghiên cứu cẩn thận. Được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ GTVT đã ký hợp tác với JICA (Nhật Bản) để lập dự án nâng cấp hệ thống đường sắt và nâng cấp tốc độ tàu thống nhất lên 120km/h. Vào quý II/2012 tổ chức JICA sẽ có báo cáo với Bộ GTVT về kế hoạch khảo sát và Bộ sẽ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng như ĐB Trần Du Lịch.

Bổ sung thêm vào phần trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Ông Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết: Nguồn vốn chính là thách thức rất lớn với nướcc ta, hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng còn kém và đây chính là một trong những điểm tắc của phát triển kinh tế trong tương lại.

Vốn cho giao thông chính là vấn đề khó nhất với Chính phủ, vì nhu cầu vốn lớn nhưng cân đối khó. Trước đây chủ yếu dựa vào ngân sách và trái phiếu Chính phủ, gần đây Chính phủ đưa ra quan điểm đổi mới đầu tư cho giao thông. Giao thông vẫn phải phát triển, tổng mức đầu tư toàn xã hội gia tăng khi chúng ta có sự phát triển. Giảm đầu tư công thì chúng ta phải mở ra các nguồn khác tương ứng để mức đầu tư không giảm thì đất nước mới phát triển, còn nếu ngược lại chúng ta cắt giảm đầu tư công mà không mở ra các nguồn đầu tư khác thì năm 2020 chúng ta không thể trở thành nước công nghiệp được.

Vì thế, giảm đầu tư công thì chúng ta sẽ sử dụng các nguồn vốn khác trong và ngoài nước. Vốn nhà nước trước đây chúng ta đầu tư 100% cho công trình, vậy thì tới đây với các công trình có khả năng thu hồi vốn tốt, Nhà nước sẽ không đầu tư mà vốn Nhà nước làm nhiệm vụ vốn đối ứng để thu hút vốn tư nhân trong nước và vốn nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn sẵn sàng đầu tư nếu họ thu hồi được vốn. Nhà nước sẽ giải quyết khâu giải phóng mặt bằng, phần còn lại sẽ kêu gọi các nguồn vốn ngoài ngân sách.

Ngân sách Nhà nước sẽ tập trung vào vùng sâu vùng xa, giao thông nông thôn, đó là những công trình mà chúng ta khó thu phí, khó thu hồi vốn. Chính phủ đã chỉ đạo một số Bộ liên quan trong đó có Bộ KHĐT nghiên cứu và báo cáo kết quả với Chỉnh phủ về việc này. Chúng ta cũng cần phải thay đổi tư duy về giá phí, đó là điều quan trọng, Nhà nước có thể hỗ trợ nhưng nguyên tắc là chúng ta phải thu hồi được vốn, vì nếu có thu hồi vốn thì mới có tiền đầu tư các công trình mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Đầu tư tập trung có hiệu quả lớn, nhu cầu lớn nhưng vốn có hạn và Chính phủ đã ban hành văn bản số 1792, tư tưởng là đầu tư không dàn trải, người nào có thẩm quyền ký quyết định đầu tư mà không thẩm định được, để cho dự án kéo dài thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Về vấn đề đầu tư cho tuyến đường sắt Bắc-Nam đã có nhiều đại biểu đưa ý kiến, riêng tôi cho rằng đầu tư vào đó cũng phải chọn dự án đầu tư trúng và đúng? Trúng và đúng ở đây thể hiện ở chỗ: Đầu tư đường sắt thì đầu tư thế nào, phân kỳ thế nào cho hợp lý?

ĐB Nguyễn Thành Tâm – tỉnh Tây Ninh: Đầu tư xây dựng cơ bản đang được đánh giá là kém cả về chất lượng và tiến độ, người dân phải chịu hai lần: tiền đầu tư và tiền sửa chữa. Bộ trưởng sẽ làm thế nào để xử lý dứt điểm tình trạng này?

Trả lời của Bộ trưởng Thăng: Vấn đề công trình hỏng nhanh, thất thoát, trong thời gian tới, chúng tôi tập trung thúc đẩy dự án có chất lượng, trong thời gian triển khai sẽ chọn nhà thầu có năng lực tốt, giám sát tốt, Ban quản lý dự án có chất lượng, quá trình triển khai minh bạch trước tòa dân. Chúng tôi sẵn sàng thay thế ngay lập tức các đơn vị không đạt yêu cầu.

Tôi nghĩ rằng với những hành động kiên quyết, không bao che cho bất kỳ sai phạm nào thì chất lượng và tiến độ các công trình chắc chắn sẽ được đảm bảo.

Đối với dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương vừa qua, xin nói thật với các ĐBQH là tôi chưa biết tin cho tới khi một số báo nêu vấn đề. Trong ngày chủ nhật vừa qua, tôi đã trực tiếp vào kiểm tra và thấy đúng là một số đoạn chất lượng không đảm bảo đúng như báo chí phản ánh. Tôi đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, trách nhiệm của bộ phận nào thì bộ phận đó phải gánh vác, còn với các nhà thầu thi công không đảm bảo được chất lượng thì phải khắc phục sự cố và các nhà thầu ấy phải tự bỏ chi phí ra mà làm, chứ không có chuyện Nhà nước sẽ lại phải bỏ tiền ra sửa chữa.

Nếu sửa lại mà không tốt, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp khác, yêu cầu kiên quyết phải đảm bảo chất lượng công trình.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền tiếp tục "truy": Cứ trả lời lòng vòng thì ai cũng làm Bộ trưởng được? Tôi đề nghị phương án đột phá, mấy năm thì giảm ùn tắc và giảm tai nạn?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Hiện nay việc xử lý ùn tắc giao thông Hà Nội và TP.HCM đã trong quá trình chốt lại các vấn đề còn vướng mắc để thực hiện từ đầu năm 2012.

Tôi cho rằng, có đạt được hiệu quả hay không thì vấn đề số 1 là phải nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, để giải quyết được ùn tắc thì cần nhiều giải pháp, nhưng không thể chờ có tất cả các giải pháp, mà phải tiến hành từng giải pháp trước mắt và lâu dài. Vừa rồi, việc đổi giờ có nhiều người cho rằng manh mún, chắp vá, nhưng tôi xin thưa với các ĐBQH rằng đây là một giải pháp nằm trong gói giải pháp lâu dài chứ không phải là manh mún, còn nếu chúng ta cứ chờ cho đủ tất cả các giải pháp thì không bao giờ làm được, bởi vì sự phát triển của các thành phố của nền kinh tế khiến cho dân số tăng lên, lượng xe cộ cũng tăng, các giải pháp cần tiến hành bây giờ mà để tới hai năm sau thì muộn mất rồi.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng


Nếu chúng ta thực hiện đúng Nghị quyết của Ban Bí thư, của Chính phủ thì không thể có nhiều nhà cao tầng mọc lên trong nội thành như vậy, không thể có chuyện nhiều vỉa hè, thậm chí lòng đường bị chiếm giữ làm nơi coi xe như hiện nay.

Tôi cho rằng, cần phải lấy năm 2012 để phát động phong trào chống ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, lòng đường và vỉa hè phải dành cho giao thông chứ không thể bị dùng cho việc coi giữ xe hoặc những việc không đúng mục đích ý nghĩa của nó; xây các cầu vượt nhẹ, tăng cường chế tài xử phạt để nâng cao ý thức của người dân, thực hiện thu phí đối với phương tiện cá nhân, nâng cao chất lượng phương tiện vận tải.

Tôi trả lời hơi dài để các ĐB thấy rõ các giải pháp trước mắt và lâu dài. Còn vấn đề đột phá ở đây đơn giản là phải nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, trước hết những người thực thi công vụ phải làm đúng trách nhiệm, phải hành động ngay, vấn đề của chúng ta bây giờ không phải bàn nên làm hay không nữa, vì hiện nay tình trạng tai nạn giao thông quá lớn, ùn tắc ở các đô thị lớn cũng là chuyện vô cùng bức xúc với nhân dân ở những nơi đó, vì vậy các ngành các cấp phải cùng chung tay thực hiện giải pháp.

ĐB Thuyền vừa nêu vấn đề là: Bao giờ hết tai nạn và ùn tắc giao thông? Tôi xin trả lời rằng, đây là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển đất nước, Trung Quốc và Thái Lan cũng ùn tắc và tai nạn rất nhiều. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu chúng ta cùng quyết tâm thì sẽ hạn chế tới mức tối đa số vụ tai nạn giao thông, đồng thời cũng giải quyết tốt tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn; mục tiêu chúng tôi đưa ra mỗi năm giảm 5-10%, chứ nói ngay là tới bao giờ hết ùn tắc và hết tai nạn thì quả thật là không thể có câu trả lời chính xác được.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền – Đoàn ĐB tỉnh Lâm Đồng nêu câu hỏi: Ùn tắc, tai nạn giao thông đang là vấn đề vô cùng nóng bỏng hiện nay, tình trạng cầu đường cứ làm trước rồi hư hỏng sau. Vậy Bộ trưởng làm gì để nâng cao chất lượng các công trình, góp phần chống ùn tắc?



Trả lời của Bộ trưởng Thăng:

Tính đến hôm nay là 3 tháng 15 ngày tôi nhậm nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ GTVT, so với cả nhiệm kỳ 5 năm thì thời gian mới được 5,5% tức là mới ở bước xuất phát, cho nên tất cả từ ý tưởng đến việc triển khai mới bắt đầu, nên rất mong các ĐBQH và cử tri cả nước đang hết sức kỳ vọng vào các thành viên mới của Chính phủ, tuy nhiên cũng cần có thêm thời gian để hành động.

Tôi quan niệm là phải hành động ngay cái gì làm được và cái gì sẽ làm. Tôi quan niệm là ngành GTVT thì phải đi trước để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Thời gian vừa qua, ngành GTVT nhận đc sự giúp đỡ ủng hộ, có rất nhiều đóng góp chia sẻ cả phê bình thẳng thắn, mục tiêu tâp trung vào giải quyết ùn tắc giao thông, tai nạn, chất lượng chưa đảm bảo, tiến độ chậm.., và một số vấn đề khác, chúng tôi xin lắng nghe và giải quyết thời gian tới

Giao thông đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây thiệt hại cho toàn dân. Từ năm 2002, Chính phủ đã đưa ra các Nghị quyết để giảm thiểu tai nạn giao thông. Tiếp đó năm 2003 Ban bí thư TƯ đã ra Nghị quyết, rồi tới năm 2008 Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 88. Tuy nhiên, dù có sự nỗ lực của các ngành các cấp, nhưng hiện nay tình hình ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao. Tính bình quân thì ở nước ta 1 tháng có khoảng 1 nghìn vụ tai nạn giao thông và số người bị tai nạn gần bằng số đó.

Tai nạn ở Hà Nội và TP.HCM xảy ra nhiều lần, tiến độ và chất lượng công trình cũng là rất bức xúc. Về vấn đề có giảm thiểu tai nạn không? Chúng tôi cho rằng phải đầu tư xây dựng đúng mức hệ thống hạ tầng giao thông, đó cũng là mục tiêu mà Chính phủ đã chỉ đạo trong 10 năm tới.

Tập trung nâng cấp tuyến đường quốc lộ 1 A, tập trung đầu tư phát triển đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đầu tư phát triển đường Hồ Chí Minh, giao thông trên biển, giao thông nông thôn.
Đối với hệ thống đường sắt thì sẽ tập trung nghiên cứu lập dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao, khi có điều kiện thì sẽ triển khai đường sắt cao tốc Bắc Nam. Tập trung đầu tư hai cảng hàng không lớn là Cảng hàng không Nội Bài và xây dựng Cảng Hàng không Long Thành. Bên cạnh đó, cũng phải hoàn thành, nâng cấp các cảng hàng không hiện có là Ban Mê Thuột, Cát Bi…
Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị nguồn vốn để tập trung xây dựng 3 cảng biển lớn nhất của cả nước, phát triển đồng bộ các loại hình phương tiện vận tải, đảm bảo khai thác có hiệu quả nhất.

Có những quan điểm là tai nạn do ý thức người dân hay cơ sở hạ tầng kém? Tôi cho rằng ngoài chuyện hạ tầng kém thì quản lý Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Đa số người dân tham gia giao thông đều muốn an toàn, nhưng do công tác quản lý Nhà nước chưa tốt, đường chật, đường tắc thì dân lại đi lên vỉa hè. Công tác xử lý các đối tượng vi phạm chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông coi thường luật, sẵn sàng sử dụng quan hệ hoặc các hình thức khác để xin sỏ, chuyện mãi lộ vẫn còn.

Nếu chúng ta không coi tai nạn giao thông là của Đảng, Chính phủ, của toàn dân, mà chỉ coi nó là việc của ngành giao thông thì không bao giờ giải quyết được. Tôi đề nghị là các địa phương cũng phải coi việc khắc phục tai nạn giao thông cũng như phát triển kinh tế địa phương thì mới hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn này.

Ngọc Quang