Giáo sư Trần Diệp Tuấn: Cần phân biệt đào tạo từ xa với dạy học trực tuyến

04/11/2022 06:44
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Trần Diệp Tuấn cho rằng, đối với ngành y, không thể áp dụng đào tạo trực tuyến 100% nhưng có thể đào tạo kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Theo dự thảo Thông tư về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến trong đó yêu cầu các trường chỉ đào tạo từ xa với các ngành đã tuyển sinh tối thiểu ba khóa chính quy liên tục, không áp dụng hình thức này đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Đây cũng là những điểm mới của dự thảo so với quy định hiện hành tại Thông tư 10 năm 2017.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, cần phải phân biệt rõ hai khái niệm: đào tạo từ xa và giảng dạy trực tuyến.

Đối với nhóm ngành sức khỏe là đào tạo nghề nghiệp, hành nghề. Vì vậy, đòi hỏi việc triển khai đào tạo thực hành hết sức quan trọng, không thể áp dụng đào tạo 100% trực tuyến đối với ngành y.

Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, không hẳn là cần phải loại bỏ hoàn toàn hình thức dạy học trực tuyến. Thay vào đó, chúng ta có thể kết hợp giữa phương thức đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp. Nghĩa là cần phân chia một tỷ lệ hợp lý khi kết hợp hai phương thức đào tạo này.

Với đặc thù của ngành y, cần một tỷ lệ nhất định bắt buộc phải đào tạo trực tiếp, mặt đối mặt với nhau để thầy cô hướng dẫn thực hành, cầm tay chỉ việc. Song, điều đó không có nghĩa bắt buộc 100% phải đào tạo trực tiếp. Có thể cho phép đào tạo trực tuyến đối với những phần chuyển tải kiến thức lý thuyết cơ bản, phần kiến thức lý thuyết của thực hành.

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Doãn Nhàn)

“Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, vì những phần lý thuyết, kiến thức cơ bản có thể giảng dạy trực tuyến, vấn đề quan trọng là cách chúng ta triển khai tổ chức dạy học như thế nào cho phù hợp và hiệu quả.

Tất nhiên không thể đào tạo trực tuyến toàn bộ nhưng có thể phân chia tỷ lệ nhất định cho đào tạo trực tuyến, từ 20 - 30% tổng số tín chỉ”, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.

Giáo sư Trần Diệp Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò và ý nghĩa của đào tạo thực hành trong ngành y.

Thầy Tuấn phân tích, đối với bài học về khám bệnh, nhà trường không thể triển khai dạy học trực tuyến và người học cũng không thể khám bệnh online.

Sinh viên phải khám, hỏi bệnh trực tiếp, khai thác bệnh sử trực tiếp trên bệnh nhân. Thầy giáo đứng cạnh quan sát, đánh giá sinh viên khám đúng hay không, việc này hoàn toàn không thể thực hiện nếu không đào tạo theo cách trực tiếp mặt đối mặt.

Hay đơn giản là học đo huyết áp cũng cần phải được thực hành, giảng viên hướng dẫn và quan sát để biết người học đo đúng hay sai, thậm chí nhiều người phải thực hành nhiều lần mới thao tác đúng. Với những học phần này cần phải được thực hành thực tế.

Học cách rửa vết thương cũng không thể dạy trực tuyến, khi người học rửa vết thương trực tiếp trên bệnh nhân, thầy giáo chỉ ra thao tác nào chưa đúng để sinh viên rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, ngay cả phần thực hành cũng có thể đào tạo trực tuyến những phần lý thuyết thuộc về thực hành. Ví dụ trước khi tiến đến thực hành rửa vết thương thì người học được đào tạo lý thuyết về những nguyên tắc khi rửa vết thương, các thao tác khi rửa vết thương, xem video về rửa vết thương cho bệnh nhân. Những phần kiến thức này có thể được triển khai dạy học trực tuyến để người học có hình dung rõ ràng trước khi bước vào thực hành.

Nhưng sau khi được học lý thuyết, người học buộc phải thực hành trên mô hình, bệnh nhân chuẩn và trên người bệnh.

Như vậy, phải phân chia hợp lý phần kiến thức nào có thể đào tạo trực tuyến, phần nào bắt buộc người học phải được đào tạo thực hành. Chính việc tổ chức triển khai giảng dạy sẽ quyết định chất lượng đào tạo.

Giáo sư Trần Diệp Tuấn chia sẻ thêm, đối với đào tạo bổ sung, cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ, có thể 50% đào tạo trực tuyến, còn với chương trình đại học, đào tạo trực tuyến có thể chiếm khoảng từ 20-30 %.

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược Thái Bình cho biết, từ lâu, Bộ Y tế đã có quy định không áp dụng hình thức đào tạo từ xa hay đào tạo tại chức đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe. Vì vậy, Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cụ thể hoá quy định của Bộ Y tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược Thái Bình. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược Thái Bình. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, các trường có thể dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Thời gian qua, các đơn vị vẫn triển khai dạy học trực tuyến trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, tuy nhiên, chỉ có thể thực hiện hình thức này với phần lý thuyết, chứ không đào tạo từ xa hoàn toàn như các ngành nghề khác, vì ngành y liên quan nhiều đến thực hành và thực tế.

Đối với ngành y, khối ngành đào tạo sức khoẻ, đào tạo thực hành theo hướng “cầm tay chỉ việc” phải được thực hiện nghiêm túc, đào tạo từng kỹ thuật, chấm từng học phần một.

Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến cho rằng, quy định không đào tạo từ xa đối với ngành y, Bộ Y tế cũng đã có quy định cụ thể và các trường đã thực hiện trong những năm qua.

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược – Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược – Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược – Đại học Thái Nguyên cho rằng, để đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ đại học, với khối ngành sức khỏe, không nên có hình thức đào tạo từ xa.

Với ngành y, việc đào tạo thực hành có vai trò rất quan trọng, quyết định chất lượng nguồn nhân lực nên đào tạo từ xa sẽ không đảm bảo điều kiện cho giảng dạy thực hành, khó khăn trong quản lý người học, trong đào tạo kỹ năng thực hành.

Nguyên Phương