Trường đau đầu lo bữa ăn, giấc ngủ cho học trò bán trú khi mức hỗ trợ còn thấp

18/12/2022 06:43
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều địa phương cho rằng mức hỗ trợ tiền ăn, tiền phòng ở cho học sinh phải ở trọ ngoài theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP hiện không phù hợp với thực tế. 

Thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn”, hiện nay, tỉnh Điện Biên có 292 trường học (trong đó có 131 trường phổ thông dân tộc bán trú, 161 trường có học sinh bán trú) với hơn 47.300 học sinh bán trú được hưởng chế độ hỗ trợ.

Theo chế độ chính sách, mỗi học sinh được hỗ trợ 15kg gạo/tháng. Những học sinh phải tự lo nhà ở, được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở/tháng; hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, chính sách này còn nhiều điểm chưa phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Xuân Chiến - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ (Điện Biên) cho biết: “Nghị định số 116 thể hiện chính sách ưu việt của Nhà nước trong việc quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhất là chăm lo cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo động lực cho việc phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách về giáo dục, đào tạo và chất lượng cuộc sống giữa các vùng, các địa phương.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như: định mức hỗ trợ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho trường thấp so với giá cả thị trường; chưa phù hợp đối với những trường có tổng số học sinh bán trú ăn tập trung lớn hơn 150 người hoặc những trường có số học sinh ăn tập trung dưới 30 người - không đủ 1 định mức quy định nên không được hỗ trợ.

Bởi Nghị định 116 nêu rõ: Trường hợp trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức; nhưng mỗi trường chỉ được hưởng không quá 05 lần định mức nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm.

Bên cạnh đó, quy định về hỗ trợ nhà ở của học sinh cũng đang khiến nhiều nhà trường rất vất vả. Bởi, theo điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, quy định mức hỗ trợ nhà ở đối với học sinh bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học.

Học sinh bán trú của huyện Nậm Pồ hằng năm chiếm khoảng 60% tổng số học sinh, có những nơi, học sinh ở lại trường cả ngày thứ bảy và chủ nhật.

100% học sinh bán trú có nguyện vọng được ở bán trú tại trường, trong khi hệ thống nhà ở cho học sinh bán trú của các trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Học sinh bán trú ở vùng cao phải học tập, ngủ nghỉ trong những căn nhà tạm. Ảnh: LC

Học sinh bán trú ở vùng cao phải học tập, ngủ nghỉ trong những căn nhà tạm. Ảnh: LC

Chỗ cho học sinh trong trường thiếu nhưng xung quanh các trường học, người dân cũng không làm nhà cho thuê. Nếu để các em tự dựng lều tạm quanh trường thì không đảm bảo an toàn.

Để từng bước khắc phục khó khăn, trước mắt, ngành giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội để hằng năm xây dựng, sửa chữa hệ thống nhà ở cho học sinh bán trú... Hiện tại, chỗ ở đảm bảo theo quy định đối với học sinh bán trú mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 60% nhu cầu. Số học sinh còn lại, các trường đã thống nhất với phụ huynh học sinh ở ghép giường để tăng tỷ lệ học sinh/phòng ở, sửa chữa những phòng học tạm còn dư... làm chỗ ở cho học sinh bán trú.

Về lâu dài, đề nghị các cơ quan chức năng có chính sách tăng cường đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú để các em có điều kiện học tập và sinh hoạt tốt hơn”.

Nói về tình hình tại địa phương, ông Phạm Thiết Chùy – Trường phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điên Biên) cho biết, 20 năm sau thành lập, đến nay toàn huyện Mường Nhé vẫn còn gần 100 phòng học, nhà ở cho thầy cô là nhà tạm, hơn 600 phòng học và nhà ở cho giáo viên, học sinh là nhà bán kiên cố (nhà lắp ghép).

Để kiên cố hoá số phòng học, phòng ở trên cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Cùng với đó, việc lo chỗ ở bán trú cho học sinh, cân đối bữa ăn hàng ngày cũng khiến các thầy cô rất vất vả.

Mức hỗ trợ đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở do nhà trường không thể bố trí phòng ở bán trú còn thấp, trong khi thực tế giá thuê nhà ở thường cao hơn nhiều lần.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ nấu ăn tập trung, chỗ ở của học sinh tại một số trường còn thiếu; nhiều công trình thiết yếu đã xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở của học sinh…

Bên cạnh đó, hiện nay, mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú là 40% mức lương cơ sở/tháng, chia ra từng bữa ăn thì số tiền này rất thấp.

Bữa cơm trưa trị giá 8 nghìn đồng rất khó để các em trong độ tuổi ăn, tuổi lớn đảm bảo chất dinh dưỡng. Ảnh: LC

Bữa cơm trưa trị giá 8 nghìn đồng rất khó để các em trong độ tuổi ăn, tuổi lớn đảm bảo chất dinh dưỡng. Ảnh: LC

Mức hỗ trợ này rất khó để đảm bảo về sức khỏe dinh dưỡng cho học sinh trong quá trình học tập tại các cơ sở giáo dục.

Hiện nay, giá cả cũng đã khác đi nhiều nên các thầy cô giáo đặc biệt vất vả trong việc điều chỉnh bữa ăn sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Nói về các bất cập từ thực tế trong khi triển khai chế độ cho học sinh theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết:

“Tại Điện Biên, cũng đã có nhiều đoàn lên khảo sát (của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, các đoàn địa phương…) trong việc thực hiện chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Điện Biên có nhiều kiến nghị và đã được các đoàn ghi nhận, trong đó có nội dung đề nghị tăng hỗ trợ cho học sinh bán trú từ 40% lên 60%, học sinh trường nội trú tăng từ 80% lên 100% mức lương cơ sở.

Chưa kể hiện nay trong các trường phổ thông có học sinh bán trú, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa có chế độ chính sách gì hỗ trợ (có những trường trung học phổ thông hơn 600 học sinh bán trú - các trường phải thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh như ở trường nội trú), vì vậy ngành giáo dục tỉnh cũng đã có những nội dung kiến nghị với các cơ quan chức năng.

Hi vọng thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ ghi nhận ý kiến từ thực tế để hoàn thiện chính sách cho học sinh bán trú, nội trú và các thầy cô giáo, nhân viên tại những trường học này".

Trần Phương