Đầu tháng 8/2022, Đỗ Hoàng Mai Linh (sinh năm 2003, Hà Tĩnh) giành học bổng toàn phần của Chính phủ Hungary. Hiện nữ sinh đang theo học bậc cử nhân ngành International Business Economics (Kinh tế Kinh doanh Quốc tế) tại Eötvös Loránd University - trường nằm trong top 2.7% trường đại học hàng đầu thế giới theo công bố của Center for World University Rankings (CWUR).
Trước đó, Mai Linh là sinh viên ngành Kinh tế Quốc tế tại Học viện Ngoại giao. Xuất phát từ mong muốn trải nghiệm môi trường học thuật, nền văn hóa mới ở một đất nước phát triển và thực hiện ước mơ du học từ những năm trung học phổ thông, nữ sinh quyết định làm hồ sơ giành học bổng khi học năm nhất đại học.
Đỗ Hoàng Mai Linh (sinh năm 2003, Hà Tĩnh) xuất sắc giành học bổng toàn phần của Chính phủ Hungary. Ảnh: NVCC |
Có duyên với sư phạm nhưng quyết định chọn học kinh tế
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Mai Linh chia sẻ, thời trung học phổ thông, nữ sinh không coi hoạt động ngoại khoá là một thành tích để ghi vào hồ sơ mà hơn hết đó là sự cống hiến, vậy nên Mai Linh chỉ dành phần lớn thời gian tham gia duy nhất quỹ Vì trẻ em nông thôn (VTEN). Xuất phát là một học sinh chuyên Anh của Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh, nữ sinh đã tham gia với tư cách tình nguyện viên dạy tiếng Anh vào mùa hè.
Tại nhiều vùng quê ở Hà Tĩnh, đời sống của người dân còn khó khăn, điều kiện dạy học thiếu thốn, số lượng giáo viên giảng dạy tiếng Anh ở các vùng này tương đối ít. Vì vậy, khi quỹ tổ chức các lớp học tiếng Anh đã được phụ huynh, người dân địa phương hưởng ứng nhiệt tình, họ sẵn sàng cho con đi học ở các lớp học thiện nguyện này.
Mai Linh kể, trong khoảng thời gian tham gia hoạt động của quỹ, việc di chuyển đến các trường vùng xa cũng không hề dễ dàng. Mỗi khi có ca dạy, Mai Linh phải đi xe buýt từ thành phố đến huyện (cách nhau khoảng 20km), dạy xong rồi lại đi xe buýt từ huyện về nhà, cứ đi đi về về như thế ròng rã suốt những kỳ nghỉ hè trong vòng ba năm trung học phổ thông. Chưa kể, thời tiết miền Trung vào thời điểm giữa hè cực kỳ khắc nghiệt, nắng nóng triền miên, gió Lào bỏng rát.
Dù vất vả nhưng nữ sinh luôn thấy vui vì được cho đi kiến thức, giúp đỡ được các em học sinh không có điều kiện tiếp xúc nhiều với tiếng Anh. Sau mỗi giờ dạy, bản thân Linh còn được nhận lại nhiều hơn thế, đó là cơ hội được ôn lại kiến thức, được gặp gỡ, giao lưu với nhiều em nhỏ.
“Em có cơ hội chứng kiến những nỗ lực, ý chí vươn lên của các em học sinh. Do đó, đây là dự án mà em tâm đắc nhất trong suốt hành trình tham gia thiện nguyện vì cộng đồng. Với em, việc được cống hiến cho giáo dục vùng khó có ý nghĩa rất lớn”, Mai Linh nói.
Một trong những lý do thúc đẩy ý chí được làm thiện nguyện liên quan đến giáo dục của Mai Linh bắt nguồn từ truyền thống gia đình theo nghề dạy học.
Mai Linh cho biết, ông ngoại nữ sinh là giảng viên đại học; mẹ và các dì của em đều theo ngành giáo dục. Vì vậy, mọi người trong gia đình rất hy vọng nữ sinh có thể tiếp nối truyền thống ấy và trở thành giáo viên trong tương lai - một nghề cao quý.
Dù có duyên với nghề giáo và cũng thấy mình có những tiêu chí phù hợp để theo nghề này, tuy nhiên, Mai Linh cũng nhận thấy rằng, bản thân là một người thích được xông pha, muốn làm những điều mới lạ, đi ra thế giới và trải nghiệm. Vì vậy, nữ sinh quyết định trở thành sinh viên ngành Kinh tế Quốc tế của Học viện Ngoại giao theo diện xét tuyển thẳng.
Mai Linh và ông ngoại của mình. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ về lý do chọn ngành Kinh tế, nữ sinh nói: “Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ và sâu rộng, đặc biệt là hội nhập về kinh tế. Vì vậy, để có kiến thức về thị trường, biết được cách vận hành của xã hội, được tiếp cận với các kiến thức mới, em đã chọn học ngành kinh tế. Để từ đó, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm góp phần phát triển kinh tế trong nước”, Mai Linh cho hay.
Tự “săn” chứng chỉ để làm đẹp hồ sơ
Môi trường ở Học viện Ngoại giao đã đem lại nhiều trải nghiệm quý giá cho Mai Linh. Tuy nhiên, nữ sinh vẫn luôn muốn tiếp tục thực hiện giấc mơ được đi du học châu Âu (được gia đình, đặc biệt là mẹ định hướng trước đó) đã bỏ lỡ vì tình hình dịch bệnh COVID - 19 phức tạp.
Khi tìm hiểu các trường và học bổng, để không bị quá tải thông tin, nữ sinh chỉ tìm những trường đại học top đầu ở châu Âu, những quỹ hỗ trợ, quỹ chính phủ cung cấp học bổng toàn phần cho sinh viên quốc tế ngoài EU. Rồi sau đó mới tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn để xem xét và đánh giá xem với các tiêu chí của bản thân phù hợp với học bổng nào. Cuối cùng, Mai Linh đã chọn Stipendium Hungaricum - Học bổng Chính phủ Hungary.
Đây là học bổng toàn phần bao gồm toàn bộ tiền học phí cho 4 năm đại học; hàng tháng sẽ được trường chu cấp tiền thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt; bảo hiểm y tế hàng năm.
Chia sẻ cách làm hồ sơ của bản thân trở nên nổi bật, nữ sinh cho biết, thay vì các hoạt động ngoại khoá, Mai Linh lựa chọn các chứng chỉ của Google, Microsoft, University of London, Duke University, Macquarie University,... Tổng cộng, Linh đã có khoảng 16 chứng chỉ để “làm đẹp” thêm hồ sơ của mình. Các chứng chỉ thường xoay quanh các nội dung về tiếp thị, kinh tế, kỹ năng mềm,...
Đồng thời Mai Linh còn lọt vào top 4 thí sinh chung cuộc của VOICE OF THE WEEK IELTS Face-Off, một chương trình không thể thiếu đối với cộng đồng học tiếng Anh trên cả nước, thuộc VTV7 kênh truyền hình giáo dục quốc gia.
“Tuy so với nhiều người thì hồ sơ của em còn rất bình thường, thế nhưng tất cả đều là niềm tự hào, nỗ lực của bản thân cho đến tận bây giờ”, Mai Linh nói.
Thông thường, nếu muốn giành học bổng của trường thì chỉ cần đỗ trường. Tuy nhiên, đối với học bổng Chính phủ thì phải trải qua nhiều vòng hơn để có thể được chọn.
Mai Linh cho biết, thay vì một bài luận thì mình sẽ phải viết hai bài luận. Trong đó, một bài gửi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, bài còn lại gửi cho phía Hungary. Cả hai bài luận phải khẳng định được bản thân cũng như giá trị mà mình có thể mang lại, thêm vào đó là nguồn cảm hứng mang tính lan tỏa đến với cộng đồng.
Cụ thể, vì đây là quỹ học bổng thể hiện sự hợp tác giữa Việt Nam và Hungary, trong bài luận gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Mai Linh đã viết hi vọng sứ mệnh của em là cầu nối hữu nghị giữa 2 quốc gia.
Còn với bài luận bằng tiếng Anh gửi Hungary, nữ sinh nhấn mạnh sự phù hợp với học bổng này, kể về hoạt động thiện nguyện, những gì đã và sẽ cống hiến.
Linh đặc biệt lưu ý đến việc phải khai thác được những ưu điểm của bản thân để khiến cho hồ sơ của mình nổi bật lên trong số hàng nghìn hồ sơ khác.
Mai Linh (bên trái hàng cuối) và những người bạn đại học của mình. Ảnh: NVCC |
“Sau nhiều cố gắng cùng sự động viên giúp đỡ to lớn của gia đình, thầy cô và bạn bè cuối cùng em cũng nhận được kết quả xứng đáng, đỗ Eötvös Loránd University và giành Học bổng Chính phủ Hungary.
Mặc dù, em sẽ học đại học lâu hơn các bạn đồng trang lứa 1-2 năm nhưng điều đó không khiến em nản chí, dừng bước trên con đường đi tìm tri thức. Sau này, khi học xong bậc cử nhân, em hi vọng có thể học lên nữa. Với những kiến thức tiếp thu được từ nước bạn, em sẽ trở về Việt Nam cống hiến và làm việc”, Mai Linh nói.