Đã tinh giản 10% biên chế, có phòng GD vẫn thấp thỏm lo tiếp tục bị cắt giảm

07/03/2023 06:38
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù đã tinh giản 10% biên chế, có Phòng GD vẫn thấp thỏm lo bị giảm tiếp người làm, do số nhân sự đang nhiều nhất trong các đơn vị sự nghiệp cần tinh giản.

Cũng với nỗi lo về khối lượng công việc nhiều, khó trưng tập giáo viên các trường về phòng hỗ trợ, Phòng Giáo dục còn thêm nỗi lo sẽ tiếp tục bị tinh giản biên chế.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Văn Phúc – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Thực hiện công tác tinh giản biên chế trong giai đoạn 2015 - 2021, tỉnh đã có văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm. Trong giai đoạn này, Phòng đã thực hiện tinh giản 10% biên chế (từ 10 người giảm còn 9 người).

Song, lãnh đạo Phòng vẫn lo lắng thời gian tới có thể sẽ tiếp tục bị giảm biên chế vì số nhân sự của Phòng đang nhiều nhất trong các đơn vị cần tinh giản của địa phương.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

“Năm 2023, chủ trương là tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế nhưng chúng tôi chưa rõ đơn vị nào của huyện cần giảm, và Phòng cũng không rõ có được duy trì số biên chế 9 người như hiện nay hay không", thầy Phúc chia sẻ.

Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hồng Dân có 1 Trưởng phòng, 2 Phó Trưởng phòng, 3 chuyên viên phụ trách chuyên môn các bậc học, 2 chuyên viên khác và 1 giáo viên trưng tập phụ trách hoạt động đoàn, đội, thiếu niên.

“Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện được giao từ 7-9 biên chế là không đảm bảo số người làm. Vì với khối lượng công việc hiện tại, Phòng cần 10 - 11 nhân sự. Mỗi người phụ trách một nội dung thì sẽ sâu sát về mặt quản lý, tập trung chỉ đạo chất lượng chuyên môn tốt hơn. Hơn nữa, có một số nội dung mang tính đặc thù, cần phải có người giỏi chuyên môn nghiệp vụ phụ trách mới hiệu quả. Nhân sự hạn chế, Phòng không phân chia việc theo khung cứng mà các Phó Trưởng phòng sẽ chia sẻ, cùng thực hiện các nhiệm vụ với chuyên viên”, thầy Phúc cho biết.

Liên quan đến bài toán thiếu nhân sự, thầy Phúc cho hay, từ năm 2018, Phòng không còn giáo viên biệt phái.

“Phòng không thực hiện biệt phái giáo viên toàn thời gian mà chỉ trưng tập giáo viên - phụ trách một số mảng nội dung đặc thù.

Như về công tác đoàn, đội, thanh niên thì cần người trẻ, hoạt bát, hiểu chuyên môn nghiệp vụ, trong khi cán bộ, chuyên viên của Phòng đều lớn tuổi, phụ trách sẽ không phù hợp, hiệu quả bằng. Do đó, Phòng có một vị trí giáo viên trưng tập phụ trách nội dung hoạt động đoàn, đội, thiếu niên”, thầy Phúc chia sẻ.

Giáo viên được trưng tập về Phòng phụ trách nội dung hoạt động đoàn, đội, thiếu niên hiện là giáo viên trung học cơ sở. Giáo viên này được giảm từ 19 tiết/tuần xuống còn 13 tiết dạy học tại trường/tuần, 6 tiết còn lại làm việc tại Phòng.

“Bao giờ chính sách đối với cán bộ Phòng Giáo dục phải như chính sách của nhà giáo thì mới thu hút được cán bộ quản lý, giáo viên về Phòng làm việc.

Hiện giáo viên đi dạy học ở trường được hưởng phụ cấp đứng lớp. Cán bộ công chức làm việc ở Phòng thì hưởng phụ cấp công vụ. Nhưng khi cán bộ quản lý, giáo viên chuyển từ trường về Phòng làm việc thì đều bị cắt hết phụ cấp thâm niên - điều này là khó khăn, trở ngại lớn khiến thầy cô ở trường không muốn về Phòng công tác.

Trước khi về Phòng, tôi làm việc ở trường tiểu học. Nếu còn ở trường, tôi được nhận phụ cấp thâm niên. Về Phòng làm việc, tôi không còn phụ cấp thâm niên nên có phần cảm thấy buồn và thiệt thòi", thầy Phúc nói.

Cùng chia sẻ với phóng viên, một vị Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện ở tỉnh Đắk Nông cho biết, Phòng không có chuyên viên mảng trung học cơ sở và mầm non.

“Phòng có 6 cán bộ, chuyên viên, trong đó có 1 Trưởng phòng, 2 Phó Trưởng phòng, 1 chuyên viên phụ trách mảng tiểu học, 1 kế toán và 1 văn thư. Để kịp thời xử lý công việc, Phòng mới biệt phái một 1 cán bộ quản lý từ trường về hỗ trợ”, vị này chia sẻ.

Chia sẻ về thực hiện biệt phái cán bộ quản lý trường học về làm việc tại Phòng, vị này cho biết, khi Phòng có việc cần giúp, Phòng sẽ huy động, đề nghị cán bộ này tham gia làm việc. Cán bộ quản lý sẽ làm việc 2 nơi (ở trường và ở Phòng) và vẫn hưởng lương ở trường, không có chế độ ở Phòng vì không có văn bản nào quy định.

Thiếu chuyên viên phụ trách chuyên môn bậc trung học cơ sở và mầm non nên hiện các lãnh đạo Phòng phải kiêm nhiệm thêm, việc nhiều nên hiệu quả tham mưu, chỉ đạo hoạt động giáo dục không đạt như mong muốn.

“Công việc của Phòng Giáo dục và Đào tạo rất nhiều, trong khi nhân sự thì chỉ có 5-6 người. Số lượng người làm của Phòng hiện chưa đáp ứng được khối lượng công việc thực tế.

Mong muốn cấp thiết nhất của Phòng là có thêm 2 chuyên viên nữa để phụ trách bậc mầm non và trung học cơ sở, đảm bảo tập trung chỉ đạo chuyên môn sâu hơn, cán bộ lãnh đạo Phòng đỡ vất vả, công việc được san sẻ, giảm áp lực, tạo hiệu lực quản lý giáo dục và đào tạo tốt hơn.

Ngoài ra, Phòng mong có thêm các vị trí như chuyên gia tiếng Anh để cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh của các trường trong huyện; và một số vị trí mang tính chất đặc thù công việc như hoạt động công tác đội…”, vị Trưởng phòng chia sẻ.

Ngọc Mai