Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang đi vào thời kỳ rất quyết liệt
Thời gian qua, việc không ít lãnh đạo, cán bộ cấp cao của Trung ương cũng như một số địa phương bị xác định vi phạm và đưa ra xử lý, thậm chí bị khởi tố ngay khi còn đương chức, đã càng khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Có thể nói, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đã và đang đi vào thời kỳ rất quyết liệt; quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ.
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã và đang thực hiện rất tốt, bằng nhiều biện pháp mạnh mẽ, bằng nhiều phương hướng. Bằng chứng là đã xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự không ít cán bộ, lãnh đạo, quản lý.
Chính vì thế, tôi rất ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thực hiện một cách triệt để, quyết liệt như thời gian qua. Và công tác này thực sự ở một tầm mới, phát hiện đến đâu, cương quyết xử lý đến đó, “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”, cho dù người đó đang ở bất cứ cương vị nào, đang giữ bất cứ chức vụ nào”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đánh giá: “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo sức lan mạnh mẽ, toàn diện ở khắp mọi miền Tổ quốc và bây giờ cũng dần dần hướng về cơ sở, tạo nên một bức tranh sáng cho sự sàng lọc môi trường làm việc và thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đất nước, làm an lòng dân.
Thứ hai, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi chọn xuất phát điểm từ trên xuống, tức là từ Trung ương xuống cơ sở, thể hiện chúng ta đã có một nền tảng để thực thi, các tổ chức có chức năng, có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có “điểm tựa” và thuận lợi cho việc triển khai.
Nhưng mà khó ở chỗ, chống tham nhũng, tiêu cực này có dừng được không? Chắc chắn vẫn có nhiều người sẽ đặt ra vấn đề, tình trạng tham nhũng, tiêu cực khi nào thì chấm dứt. Có lẽ, chỉ chấm dứt khi cán bộ tuân thủ tuyệt đối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tự giác thực hiện đúng vai, đúng vế, đúng vị trí công tác của mình ở mọi lúc, mọi nơi... Trên thực tế, chủ trương đã có, quy định đã có, nhưng vấn đề là ở thực thi, thi hành”.
Cần tăng cường giám sát chéo và ngăn tình trạng “kê khai mẫu”, không kiểm chứng
Về công tác giám sát cán bộ, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, đầu tiên là cán bộ tự giám sát chính mình.
“Bên cạnh sự soi chiếu vào các quy chế, quy định, cũng phải soi chiếu, giám sát về giá trị, sản phẩm tạo ra của cán bộ, đặc biệt là cái đội ngũ chủ chốt, tức là bản thân cán bộ có đóng góp, giúp ích như thế nào cho xã hội, cho người dân cả trên hai mặt vật chất và tinh thần..., trên cơ sở đó, mới đánh giá được cán bộ đó năng lực đến đâu, phẩm hạnh như thế nào.
Thứ hai là giám sát qua kê khai minh bạch tài sản. Tôi vẫn còn thấy đâu đó có câu chuyện của “kê khai mẫu”, thông tin trong cái bản kê khai đó có thực chất hay không cũng không được kiểm chứng. Tôi vẫn thấy có một số điểm rất đáng băn khoăn: Sau khi cán bộ kê khai tài sản, chúng ta đã thẩm tra, thẩm định kỹ chưa, toàn diện chưa?
Chính vì vậy, tôi cho rằng, rất cần có một bộ phận chuyên môn để giám sát vấn đề kê khai tài sản, qua tài liệu, qua soi chiếu thực tế của những cán bộ nằm trong diện kê khai tài sản, để thực sự minh bạch, rõ ràng. Khâu này của chúng ta còn đang tồn tại nhiều vấn đề.
Một khâu nữa, chính là sự giám sát chéo giữa các cán bộ với nhau, đặc biệt là cán bộ nằm trong diện kê khai và đồng vị giữa các địa phương, các bộ, ngành. Nên xem xét để có phương pháp giám sát chéo như vậy, theo tôi sẽ có hiệu quả. Đặc biệt, phải triệt để khắc phục câu chuyện “bật đèn xanh” cho nhau trong nội bộ các cơ quan, tổ chức” - nữ đại biểu phân tích thêm.
Về vấn đề kiểm soát quyền lực và giám sát tài sản của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng: “Càng những người đứng đầu, đặc biệt trong các cơ quan quản lý nhà nước, trong các doanh nghiệp nhà nước, trong các đơn vị sự nghiệp có điều kiện để thực hiện hành vi tiêu cực thì càng cần phải có nhiều biện pháp cụ thể.
Tôi cho rằng, Trung ương cần lập ra một bộ phận chuyên trách trong Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, giám sát, kiểm tra tài sản, thu nhập của công chức, viên chức, đặc biệt của các cán bộ, lãnh đạo, quản lý một cách thường xuyên, khách quan, minh bạch. Một khi đã có sự có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, yêu cầu kê khai thu nhập đầy đủ, giải trình rõ ràng nguồn gốc tài sản, ai có thu nhập bất chính, sẽ có thể dễ dàng phát hiện. Như vậy, mới có thể phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý xác đáng; đồng thời cũng là một biện pháp phòng ngừa, răn đe để những cán bộ này không muốn, không dám thực hiện hành vi tham nhũng”.
Bên cạnh đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng khẳng định vai trò giám sát của dư luận. “Thông thường, khi có một đồng nghiệp có dấu hiệu có nguồn thu bất chính, hay sở hữu một khối tài sản bất thường, cơ quan, tổ chức không thể không có ai nhận ra. Một khi có dư luận, có phản ánh, tố cáo hay thậm chí có thông tin ì xèo, cơ quan chuyên trách về giám sát tài sản của cán bộ không thể bỏ qua, phải ngay lập tức tìm hiểu, xác minh. Và những người làm công tác thanh tra, kiểm tra cũng phải thực sự khách quan, trung thực, chí công vô tư, còn nếu “trong lòng nghiêng ngả” thì tôi cho rằng, có kiểm tra cũng như không” - vị đại biểu bày tỏ.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, cần phân cấp xây dựng quy chế, quy định giám sát quyền lực. Tức là bên cạnh những quy định chung của cán bộ, đảng viên, cần xây dựng các tiêu chí kiểm soát quyền lực riêng đối với từng cấp lãnh đạo, lãnh đạo cấp cao hơn phải có đòi hỏi, yêu cầu cao hơn.
Nữ đại biểu lý giải: “Trước hết, cán bộ, đảng viên cần tuân theo Luật Cán bộ công chức, Bộ luật Lao động, Điều lệ đảng viên... Tuy nhiên, muốn kiểm soát quyền lực tối ưu, cần phân cấp xây dựng những bộ tiêu chí kiểm soát quyền lực đối với từng cấp lãnh đạo, trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ đối với từng vị trí phải được quy định cụ thể, gắn với từng chức vụ, chức danh rõ ràng.
Đồng thời, đi liền với quy định, phải có chế tài, nếu vi phạm ở mức độ nào, sẽ xử lý ở mức độ đó, tất cả đều rõ ràng, cụ thể, thì cán bộ mới không dám vi phạm, không dám tham nhũng, không dám tiêu cực...”.
Về vấn đề này, ông Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng phân tích: “Trong công tác quản lý đảng viên từ chi bộ đến Trung ương, công tác kiểm tra của Đảng yêu cầu ngay từ chi bộ, không phân biệt cao thấp, đó là những việc phải làm hết sức rốt ráo, kịp thời.
Ví dụ như đối với một số cán bộ cấp cao bị xác định vi phạm từ trước đó, nếu tăng cường trách nhiệm từ trước, theo dõi, phát hiện dấu hiệu và đề xuất kiểm tra, giám sát từ sớm, để cảnh tỉnh và không có cơ hội tiếp tục thăng tiến. Trong thực tế, tại sao có những người rõ ràng trước đó không lâu, bỏ phiếu tín nhiệm vẫn rất cao, mà ngay sau đó đã bị khởi tố. Phải chăng trong tổ chức còn có sự né tránh, không dám mạnh dạn đấu tranh?”.
Theo ông Phan Xuân Xiểm, từ những vụ việc trong thời gian gần đây, đã để lại một số bài học trong công tác cán bộ: “Thứ nhất, công tác giám sát, kiểm tra, tự phát hiện trong tổ chức cần quyết liệt, chứ không phải né tránh, làm hài lòng nhau. Đó cũng là một trong những giải pháp ngăn chặn những cán bộ đang có khuyết điểm, có vi phạm tiếp tục “leo sâu”, “leo cao”.
Thứ hai, về giám sát tài sản cán bộ, không phải cứ kê khai sao là tin tưởng như vậy, phải có sự kiểm tra, kể cả đối với những cán bộ có chức vụ rất cao”.
Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự “nói đi đôi với làm”, mỗi cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu phải nêu gương, phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, khách quan, công tâm.
“Lời nói phải đi đôi với việc làm. Cụ thể là gì? Đó là cương quyết từ chối những hành vi vi phạm, những đối tượng làm ăn bất hợp pháp, hoặc những chuyện có thể “đưa đẩy” thành đưa - nhận hối lộ,... thấy sai phạm là phải xử lý” - vị đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng nhìn nhận: “Vừa rồi, sự việc liên quan đến một số lãnh đạo chủ chốt cũng đang khiến dư luận quan tâm và đặt dấu hỏi, làm thế nào để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự không chỉ là phong trào trong lời nói, mà thể hiện qua kết quả trong thực tiễn.
Chủ trương của Đảng đã rất rõ ràng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”, như vậy, mới tạo được tính nghiêm minh; và quan trọng hơn nữa, là sự bình đẳng, công bằng trước pháp luật.
Trước pháp luật, trước khi và trong khi làm cán bộ cấp cao hay chủ chốt, bản thân vẫn là một công dân, là một đảng viên, mà càng là đảng viên, càng là cán bộ chủ chốt, thì càng phải nêu gương.
Tuy nhiên, với thực tế phát hiện và xử lý vi phạm cán bộ thời gian qua, chúng ta thấy một thực trạng nói không đi đôi với làm, làm không như nói, nói một đằng làm một nẻo... trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên... Đó là một thực trạng cần phải cảnh báo mạnh mẽ, toàn diện.
Song, không chỉ cảnh báo, mà kèm với đó là cần những cái giải pháp mới bổ sung cơ chế, quy định mới, bổ sung chế tài đủ mạnh, đủ lớn để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng, hành vi tham nhũng, tiêu cực”.