Được đầu tư nâng cấp theo mô hình hiện đại, thông minh
Với mục đích chú trọng đầu tư và phát triển xứng tầm với thư viện của trường đại học, đặc biệt trong thời đại 4.0 và bối cảnh chung của toàn thế giới về chuyển đổi số ngành thư viện, Trung tâm Thư viện Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (UNETI) được thành lập theo Quyết định số 358/QĐ-ĐHKTKTCN ngày 04/8/2020 của Hiệu trưởng, trên cơ sở tách ra từ tổ Thư viện trực thuộc Phòng Đào tạo trước đây, trở thành một đơn vị độc lập.
Thời gian qua, Trung tâm Thư viện được lãnh đạo trường định hướng phát triển theo mô hình lấy bạn đọc làm trung tâm, được nhà trường đầu tư nâng cấp, xây dựng tạo nên một không gian giáo dục, trong đó có các thiết bị chuyên dùng hiện đại như máy mượn trả tự động, hệ thống cổng an ninh sử dụng công nghệ RFID, các thiết bị lưu thông, kiểm kê hiện đại; có hạ tầng mạng được nâng cấp ổn định; không gian thư viện được mở rộng với nhiều tiện ích; đặc biệt là ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý thư viện thông minh mang đến trải nghiệm tốt nhất cho bạn đọc khi đến với thư viện.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đã có những chia sẻ về chiến lược phát triển Trung tâm Thư viện của nhà trường.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quang, thư viện trong các trường đại học ngày nay không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp thông tin mà còn là nơi mang lại các trải nghiệm học tập đa dạng, nơi hỗ trợ kết nối và giúp người học xây dựng ý tưởng cho các mô hình đổi mới sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp.
“Xuất phát từ nhận thức đó, trong những năm gần đây, nhà trường đã lập kế hoạch để xây dựng Trung tâm Thư viện có năng lực về hạ tầng thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu đa dạng, có các khu học tập, làm việc theo nhóm chức năng… để đáp ứng nhu cầu về học tập, nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp” - vị Phó Hiệu trưởng chia sẻ.
Theo đó, vai trò của Trung tâm Thư viện đối với Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp được xác định vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và hỗ trợ quá trình học tập, nghiên cứu của cả giảng viên và sinh viên.
“Đó không chỉ là nơi lưu trữ sách vở mà còn là trung tâm thông tin, cung cấp các tài liệu, công nghệ và không gian làm việc phù hợp cho giảng viên, sinh viên.
Nhà trường đang triển khai các công tác quản lý để đảm bảo rằng Trung tâm Thư viện được xây dựng và phát triển một cách hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu của cả giảng viên, sinh viên thông qua việc kiểm soát đầu tư vào cơ sở vật chất, cũng như việc áp dụng các công nghệ mới để tối ưu hóa quá trình quản lý và sử dụng tài nguyên thông tin.
Việc xây dựng mô hình thư viện quy mô, hiện đại và thông minh đã mang lại môi trường học tập, nghiên cứu thuận lợi, tạo điều kiện cho sự phát triển và sáng tạo.
Thư viện có thể trở thành trung tâm giao lưu văn hóa và khoa học trong cộng đồng trường học.
Đồng thời, tạo ra cơ hội học hỏi và trải nghiệm mới mẻ cho toàn bộ người dùng” - thầy Quang cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, Thư viện có ở cả 3 địa điểm đào tạo của nhà trường với tổng diện tích 3.700m², được bố trí: 03 phòng đọc mở, 02 học nhóm, 02 phòng tự học, 01 phòng hội thảo, 01 phòng tự học 24/7, 03 phòng nghiệp vụ, 01 phòng luận văn, khóa luận, 02 phòng giáo trình để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của bạn đọc. Trong đó, riêng tại các địa điểm 353 Trần Hưng Đạo (Nam Định) và 454 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp với quy mô 1.145m², với 400 chỗ ngồi đọc.
Nguồn học liệu thư viện gồm các tài liệu in với gần 10.000 đầu sách, tài liệu số với gần 4.000 đầu tài liệu thuộc các lĩnh vực đào tạo của nhà trường và các cơ sở dữ liệu liên kết, chia sẻ để bạn đọc khai thác tài liệu như: Trung tâm kết nối Tri thức số - Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số (Thư viện số dùng chung), Tài nguyên số của Trung tâm Truyền thông và Tri thức số - Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trung tâm kết nối Tri thức số, cơ sở dữ liệu điện tử Springer với 1.699 tài liệu được nhà trường mua quyền truy cập vĩnh viễn.
“Dự kiến, đến năm 2025, một Trung tâm Thư viện hiện đại 5 tầng với quy mô 2.435m² sẽ được hình thành ở cơ sở 218 Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) của nhà trường. Khi hoàn thành, sẽ đáp ứng đủ nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên trong toàn trường” - vị Phó Hiệu trưởng chia sẻ.
Vận hành phần mềm quản lý thư viện thông minh L’ima
Trong những năm qua, được sự quan tâm và đầu tư từ phía nhà trường, Trung tâm Thư viện đã và đang từng bước phát triển, bắt kịp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng thêm nhiều công nghệ, thiết bị mới, hiện đại trong hoạt động quản lý, phục vụ bạn đọc.
Hệ thống phần mềm thư viện thông minh L’ima mới được đầu tư và chính thức được khai thác, sử dụng từ ngày 25/03/2024.
“L’ima là sản phẩm áp dụng bộ giải pháp phần mềm để tạo ra các giải pháp, ứng dụng, tính năng hữu ích mới mà trong đó người dùng là trung tâm, cung cấp nhiều trải nghiệm và tiện ích theo hướng cá nhân hóa.
Đây cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý nguồn học liệu của nhà trường, nâng cao chất lượng phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu của bạn đọc” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Trung tâm Thư viện UNETI cho biết thêm.
Hệ thống phần mềm thư viện thông minh L’ima cho phép thư viện có thể quản lý người dùng tập trung, giúp bạn đọc chỉ cần đăng nhập một lần mà có thể truy cập, sử dụng, tìm kiếm mọi tài nguyên của thư viện; hỗ trợ xây dựng nguồn học liệu theo chương trình đào tạo của nhà trường hỗ trợ quá trình học tập, nghiên cứu của bạn đọc theo từng học phần trong từng chuyên ngành cụ thể. Đặc biệt phần mềm cung cấp cơ chế bảo vệ bản quyền số cho tài liệu cho phép bạn đọc có thể tải về và khai thác tài liệu ngoại tuyến mà không ảnh hưởng đến bản quyền số của tài liệu.
Hệ thống phần mềm thư viện thông minh L’ima cũng cho phép bạn đọc sử dụng dịch vụ đặt lịch hẹn, hỗ trợ bạn đọc đặt một lịch hẹn trực tiếp hoặc trực tuyến tới cán bộ chuyên trách và có thể lựa chọn khung thời gian theo nhu cầu. Dịch vụ này đảm bảo giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc trong quá trình sử dụng thư viện.
Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm thư viện thông minh L’ima cũng cho phép bạn đọc sử dụng dịch vụ đặt phòng thư viện. Dịch vụ này hỗ trợ người đọc có nhu cầu cần một không gian riêng dành cho mục đích nghiên cứu, thuyết trình, học tập theo nhóm, tổ chức hội thảo, họp câu lạc bộ…
Với không gian rộng rãi và thiết kế hiện đại, phòng học nhóm sẽ giúp người dùng khơi gợi niềm cảm hứng, sáng tạo, tăng sự kết nối, tương tác trong quá trình học tập, làm việc, nghiên cứu và giảng dạy.
Có thể nói, công cụ chat trực tuyến của phần mềm thư viện L’ima là “cầu nối” rút ngắn khoảng cách giữa bạn đọc và thư viện, tăng cường trải nghiệm các dịch vụ, tiện ích cho bạn đọc. Nhờ vậy, thư viện dễ dàng nhận diện được nhu cầu mong muốn của bạn đọc và sẵn sàng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu.
Ngoài ra, hệ thống phần mềm thư viện thông minh L’ima hoàn toàn có thể tích hợp với phần mềm quản lý thư viện truyền thống, phần mềm quản lý thư viện số; ứng dụng di động UNETI Library, giải pháp bảo vệ bản quyền số của tài liệu DRM; máy mượn trả tài liệu tự động, thiết bị an ninh thư viện công nghệ RFID,… đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thư viện.
Sau khi học tập và tra cứu tại Trung tâm Thư viện, sinh viên Lê Thị Thuý - lớp DHKT15A3HN (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) chia sẻ: “Tôi rất thích không gian vừa đẹp, lại rộng rãi, thoáng mát và yên tĩnh này. Đầu sách thì nhiều vô kể, từ sách học ngoại ngữ đến các sách chuyên ngành, được sắp xếp chỉn chu theo từng kệ, thuận tiện cho việc tìm kiếm.
Trang tra cứu mới của thư viện cũng vô cùng đa dạng và hữu ích cho người sử dụng. Tôi thấy mình được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về học tập, nghiên cứu khi đến thư viện. Có lẽ vì vậy mà nhiều lúc tôi đã ở thư viện vùi đầu vào những cuốn sách và tìm hiểu tài liệu đến quên giờ về”.
Sinh viên Nguyễn Văn Thiện - lớp DHNN15A5HN (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sách UNETI) cũng bày tỏ: “Thư viện không chỉ là nơi lưu trữ sách, mà còn là một trung tâm tri thức quan trọng trong hành trình học tập của tôi. Tại đây, tôi có thể tìm kiếm thông tin từ các nguồn tài liệu đa dạng như sách, báo, tạp chí và cơ sở dữ liệu điện tử.
Sự yên bình và không gian tĩnh lặng của thư viện giúp sinh viên tập trung hơn vào việc nghiên cứu và tự học”.
“Ngoài ra, thư viện cũng là nơi mà tôi thường xuyên tham gia các hoạt động nhóm học tập, thảo luận, trao đổi kiến thức cùng bạn bè. Việc này giúp tôi mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết, đồng thời rèn luyện kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
Tôi tin rằng, việc tận dụng tối đa nguồn tài nguyên và không gian học tập tại thư viện là một phần quan trọng trong việc phát triển bản thân và đạt được thành công trong học vấn” - nam sinh chia sẻ thêm.
Thúc đẩy văn hóa đọc trong sinh viên
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cũng bày tỏ: “Với mô hình thư viện hiện đại, thông minh, nhà trường kỳ vọng sẽ tạo một môi trường học tập hiện đại, trong đó nền tảng là kho tri thức (bao gồm cả tài liệu bản cứng và tài liệu số) đa dạng, đủ để đáp ứng nhu cầu về tra cứu, tìm hiểu thông tin cho người học.
Đặc biệt, với các khu chức năng đa dạng sẽ giúp người học có nhiều cảm hứng trong việc học tập, giao tiếp và làm việc nhóm để phát triển không chỉ kiến thức mà cả các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cũng như công việc sau này.
Hơn thế nữa, với các không gian mở, sáng tạo, người học cũng sẽ được truyền động lực, cảm hứng để đọc sách, tra cứu thông tin, gián tiếp qua đó thúc đẩy văn hóa đọc trong sinh viên”.