Các trường đại học cùng hướng tới kết nối thư viện số dùng chung

08/11/2022 13:01
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, do các trường sử dụng các công cụ phần mềm khác nhau nên việc kết nối vào kho tài nguyên thông tin số đại học dùng chung không đơn giản.

Sáng ngày 08/11, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp cùng Liên chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc tổ chức tọa đàm trực tuyến: Kết nối thư viện số dùng chung bảo vệ bản quyền của tài liệu và phương thức thực hiện. Tọa đàm đã kết nối và thu hút sự tham gia của gần 200 trường đại học và cao đẳng trên cả nước.

Ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban Hỗ trợ Câu lạc bộ Khối trường công bố chương trình tọa đàm. (Ảnh: NP)

Ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban Hỗ trợ Câu lạc bộ Khối trường công bố chương trình tọa đàm. (Ảnh: NP)

Chương trình có sự tham dự của Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên chi hội các Thư viện đại học Khu vực Phía Bắc (NALA), Hội Thư viện Việt Nam; Ông Hoàng Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L, Ủy viên Ban chấp hành Liên chi hội các Thư viện đại học Khu vực Phía Bắc.

Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, có sự tham dự của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội; ông Lê Trung Nghĩa – chuyên gia giáo dục mở, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cùng một số trưởng ban Hiệp hội.

Buổi tọa đàm kết nối và có sự tham gia của gần 300 trường đại học và cao đẳng trên cả nước. (Ảnh: NP)

Buổi tọa đàm kết nối và có sự tham gia của gần 300 trường đại học và cao đẳng trên cả nước. (Ảnh: NP)

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương cho biết, trong kỷ nguyên số, dùng chung, chia sẻ tài nguyên thông tin/tri thức chính là quá trình tạo mạng kết nối nhằm huy động một cách tối đa các tiềm năng về thông tin/tri thức của các thư viện trong mạng.

Một vấn đề cấp thiết được đặt ra cho hệ thống thư viện đại học là làm thế nào để người dùng của các trường có thể truy cập, khai thác tối đa kho tài nguyên thông tin/tri thức phong phú, đa dạng của nhân loại đang được lưu giữ trong các thư viện trường.

Theo Tiến sĩ Chương, thư viện số không chỉ là phần mềm quản lý tài nguyên số mà còn là các dịch vụ số, cho phép người dùng khai thác sản phẩm, dịch vụ của thư viện trên môi trường số.

Các dịch vụ này có thể kể đến như dịch vụ tư vấn nghiên cứu, dịch vụ tương tác giữa cán bộ với người dùng, dịch vụ đặt phòng học nhóm... đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ, gợi ý cho người dùng sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), big data (dữ liệu lớn), machine learning (học máy).

Các dịch vụ này sẽ phân tích hành vi, nhu cầu và đưa ra gợi ý khai thác thư viện: nên đọc sách gì, nên chọn tác giả nào của cùng một chủ đề, nên tham gia hội thảo nào...

Thư viện số cung cấp các định dạng mới về sản phẩm và dịch vụ thư viện. Thư viện tiến hành thu thập, quản trị và phân phối mọi loại hình, mọi định dạng dữ liệu lớn (big data) trên toàn cầu và hỗ trợ tương tác/giao tiếp dựa trên đa nền tảng công nghệ (cho phép tương tác kết hợp giữa người với người, người với thiết bị và thiết bị với thiết bị.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên chi hội các Thư viện đại học khu vực phía Bắc chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: NP)

Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên chi hội các Thư viện đại học khu vực phía Bắc chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: NP)

Xu hướng ứng dụng di động để người dùng khai thác thư viện trở nên phổ biến. Thông qua các phần mềm ứng dụng như Bookworm, người dùng có thể truy cập, mượn trả hoặc gia hạn sách số bằng điện thoại thông minh.

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ IoT vào môi trường trong thư viện số giúp tự động hoá trang thiết bị thư viện, tự động điều chỉnh môi trường (ánh sáng, nhiệt độ) trong thư viện theo từng khu vực, từng thời điểm. Giúp tăng trải nghiệm người dùng, tiết kiệm năng lượng, hướng tới thư viện xanh.

Hiện nay, mặc dù hầu hết các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đã có bộ sưu tập số của riêng mình, song việc kết nối vào kho tài nguyên thông tin số đại học dùng chung hoàn toàn không đơn giản do các trường sử dụng các công cụ phần mềm khác nhau, không theo chuẩn chung khi tạo lập bộ sưu tập số.

Cuối tháng 12 năm 2021, Liên chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc phối hợp với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi phiếu khảo sát hiện trạng tình hình xây dựng tài nguyên thông tin số của các đại học, cao đẳng gồm các thông tin về phần mềm quản trị thư viện số, loại hình tài liệu trong thư viện số, xuất nhập theo giao thức OAI_PMH hay xuất nhập dữ liệu thủ công...

Liên chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc đã nghiên cứu và có ý kiến trả lời từng trường về việc nhà trường đã đủ điều kiện kết nối Thư viện số dùng chung hay chưa và hỗ trợ các trường thực hiện kết nối.

Liên chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc sẽ tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn, đồng thời trực tiếp cử nhóm chuyên gia tới hỗ trợ hoặc chuyển giao công nghệ nếu các trường có nhu cầu.

Chia sẻ với các trường đại học, ông Hoàng Dũng đã trình bày mô hình và phương thức thực hiện kết nối thư viện số dùng chung và xu thế trong quản lý, bảo vệ bản quyền của tài liệu.

Theo đó, yêu cầu chức năng của Hệ thống quản lý tài nguyên số trong thư viện bao gồm: Tổ chức tài liệu số; Lưu trữ, bảo quản tài liệu số; Phân phối, khai thác tài liệu số; Kết nối, chia sẻ tài liệu số.

Ông Dũng cũng đã có những chia sẻ các vấn đề về bản quyền của tài liệu và phương án cho thư viện.

Cụ thể, các vấn đề bản quyền trong quản lý tài nguyên số bao gồm: Xác định bản quyền và sở hữu trí tuệ của tài liệu số; Tổ chức, phân quyền, phân phối và khai thác theo chính sách của trường; Tổ chức, phân quyền, phân quyền khai thác theo bản quyền của tài liệu; Tuân thủ Luật Sở hữu Trí tuệ.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các trường đại học cũng đã có cơ hội trao đổi, thảo luận với các chuyên gia về việc kết nối thư viện số dùng chung và vấn đề bảo vệ bản quyền của tài liệu.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, đây là những vấn đề quan trọng phải làm, không chỉ liên quan đến việc sử dụng hệ thống thư viện dùng chung, mà là hướng đi cần thiết để phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục.

Người dân đòi hỏi ngày càng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, trong khi nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp. Vậy chúng ta phải làm sao để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống.

Thời gian tới, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để tiến tới hỗ trợ các cơ sở giáo dục cùng kết nối thư viện số dùng chung. Hiệp hội luôn sẵn sàng đồng hành cùng các trường, lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ và có thể có các kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để thực hiện được những mục tiêu tốt đẹp cho giáo dục.

Nguyên Phương