Ngành Khoa học cây trồng: Mức học phí thấp, cấp học bổng để thu hút sinh viên

08/05/2024 06:23
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học cây trồng có thể làm việc ở các đơn vị nhà nước, doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu giống cây trồng hoặc tự khởi nghiệp.

Trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, đất canh tác bị thu hẹp dần và dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhu cầu nhân lực ngành trồng trọt có trình độ cao ngày càng gia tăng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người.

Hơn nữa, thế giới đang từng bước tiến tới một nền nông nghiệp xanh an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường, ngành Khoa học cây trồng ra đời để đào tạo nhiều lực lượng lao động có trình độ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới.

Ngành học cốt lõi của Nông nghiệp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ninh Thị Phíp - Phó trưởng khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ngành Khoa học cây trồng tại khoa Nông học được thành lập từ năm 1956.

Ngành có lợi thế về đội ngũ giảng viên hơn 90% được đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới, cơ sở vật chất hiện đại được đầu tư từ dự án World Bank, liên kết phối hợp trong đào tạo nghiên cứu với nhiều công ty, doanh nghiệp lớn, viện, trường đại học trong và ngoài nước.

Anh1.jpg
Sinh viên thực hành nghiên cứu chọn giống lúa tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: Trang Tuyển sinh VNUA)

Nếu như ngành Bảo vệ thực vật đi sâu về các loại sâu, bệnh gây hại cây trồng, ngành Khoa học cây trồng nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng cả tốt và không tốt đến cây trồng như đất, nước, dinh dưỡng, di truyền, côn trùng, nấm, vi khuẩn, virus, cỏ dại…. Bên cạnh đó, người học có khả năng tạo ra những giống cây trồng mới, tiếp cận những phương pháp, công nghệ hiện đại góp phần tạo ra các sản phẩm cây trồng sạch, an toàn và chất lượng.

Trong suốt quá trình học tập, sinh viên rèn luyện nhiều kiến thức chuyên môn và các kỹ năng mềm thông qua các hoạt động ngoại khoá, các câu lạc bộ. Sinh viên được ưu tiên tham gia các đề tài nghiên cứu chuyên sâu và viết bài seminar, bài báo khoa học quốc tế, tham gia hội thảo quốc tế, các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế.

Từ năm 2016, chương trình đào tạo ngành Khoa học cây trồng tiên tiến bằng tiếng Anh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được xây dựng trên cơ sở phát triển từ chương trình đào tạo của Trường Đại học California tại Davis (Hoa Kỳ).

Đầu vào, nếu có chứng chỉ IELTS 5.5, sinh viên có thể nhập học luôn mà không cần đăng ký học tiếng Anh hay đóng học phí các môn tiếng Anh. Đây là một trong hai chương trình đào tạo đầu tiên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đạt chuẩn quốc tế AUN-QA của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network).

Ngoài ra, thí sinh yêu thích ngành Khoa học cây trồng cũng có thể đăng kí vào rất nhiều cơ sở đào tạo trên toàn quốc như Viện Nông nghiệp và Tài nguyên (Trường Đại học Vinh), Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiền, Trưởng bộ môn Khoa học cây trồng, Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh, từ năm thứ 3 trở đi, sinh viên ngành Khoa học cây trồng sẽ tham gia các kỳ thực tập rèn nghề, thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam như Dalat hasfarm, WinEco, Tập đoàn TH…

Khi tham gia thực tập tại các doanh nghiệp, sinh viên còn được hỗ trợ kinh phí với mức từ 2.000.000 – 5.000.000 đồng/tháng.

Anh3.jpg
Cán bộ, sinh viên Trường Đại học Vinh trong chuyến tham quan thực tế (Ảnh: Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh)

Các em cũng có cơ hội học tập ngắn hạn hoặc thực tập nghề nghiệp tại Israel, Nhật Bản, Úc, Ba Lan…. Thông qua các kỳ thực tập là cơ hội để sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận thực tế sản xuất kết hợp với tiến hành các đề tài nghiên cứu.

Nguyễn Minh Xuân, sinh viên năm 3 ngành Khoa học cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Em đã được đến thực tập tại hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Kiên Thành tại Yên Bái và hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu tại Hưng Yên.

Chúng em được trực tiếp trồng măng Bát Độ, thực hành các công việc trong quy trình sản xuất nhãn lồng như ghép cành, chiết cành, tỉa cành, tỉa hoa, bón phân hữu cơ vi sinh và phun chế phẩm phòng trừ dịch hại.

Qua hai đợt thực tập, em nhận thấy rằng nông sản của Việt Nam rất đa dạng và phong phú, mỗi vùng miền đều có thứ đặc sản riêng góp phần đưa nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Khi đi thực tập chúng em không chỉ được học hỏi về quy trình sản xuất nông sản mà còn các khâu khác như sơ chế, chế biến để tăng hiệu quả kinh tế. Hơn thế, em còn được truyền tải năng lượng tích cực từ những người nông dân yêu nghề, được học hỏi về những sáng tạo trong mô hình sản tại cơ sở thực tập”.

Nhu cầu nhân lực ngành Khoa học cây trồng cao

Ngành Khoa học cây trồng đã đào tạo ra hàng nghìn chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần không nhỏ trong phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Theo thống kê của Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học cây trồng có việc làm sau 12 tháng là 92%.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học cây trồng có nhiều cơ hội việc làm, có thể làm việc tại các các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; sở, phòng nông nghiệp các địa phương; các trung tâm nghiên cứu giống cây trồng; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc tự tự thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

Anh4.jpg
Sinh viên ngành Khoa học cây trồng làm thực tập sinh tại Úc (Ảnh: Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiền, sinh viên được cam kết sau khi ra trường có việc làm thu nhập cao và ổn định nếu có kết quả học tập, rèn luyện tốt.

Em Nguyễn Minh Xuân chia sẻ: “Chương trình đào tạo hiện nay không chỉ đào tạo kiến thức lý thuyết chuyên môn về ngành mà còn trang bị cho sinh viên chúng em kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo vào giải quyết vấn đề cụ thể trong nghiên cứu, sản xuất cây trồng; kỹ thuật trong sản xuất cây trồng đạt năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; kỹ năng phát hiện các triệu chứng gây hại cây trồng để thực hiện những biện pháp phòng trừ thích hợp; kỹ năng thiết kế và triển khai thí nghiệm trong nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, chúng em còn được trải nghiệm thực tế qua các học phần rèn nghề và thực tập nghề nghiệp. Điều đó giúp chúng em tự tin khi bước vào môi trường làm việc sau khi ra trường.

Hiện nay các vị trí như cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý liên quan đến nông nghiệp hay kỹ sư trồng trọt, chuyên viên kỹ thuật, quản lý vùng trồng cho các công ty xuất khẩu nông sản đang rất thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Vì vậy có thể nói cơ hội việc làm của em cũng như các bạn trong ngành rất cao, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì vai trò của các kỹ sư nông nghiệp ngày càng quan trọng và cần thiết”.

Còn gặp khó trong tuyển sinh

Dù là một ngành Nông nghiệp mũi nhọn, Khoa học cây trồng vẫn phải đối mặt với khó khăn khi tuyển sinh.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhóm ngành Nông nghiệp sinh thái và Nông nghiệp đô thị trong năm 2024 dự kiến tuyển 250 sinh viên, ít hơn hẳn so với Thú Y (500 chỉ tiêu), Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (500 chỉ tiêu), Quản trị kinh doanh, hay nhóm ngành Thương mại và Du lịch (1670 chỉ tiêu)...

Ở Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), năm 2024, ngành Khoa học cây trồng dự kiến tuyển 30 chỉ tiêu, trong khi các ngành Nuôi trồng thủy sản tuyển 120 chỉ tiêu, Thú Y, Quản lý đất đai và Công nghệ thực phẩm đều tuyển 90 chỉ tiêu.

Đáng chú ý, Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) đã tạm ngừng tuyển sinh ngành Khoa học cây trồng vì ít người nhập học, số lượng trúng tuyển dưới 10. [1]

Phó Giáo sư Ninh Thị Phíp cho biết, các bạn trẻ có xu hướng ít chọn khối ngành Nông nghiệp, nên tuyển sinh ngành Khoa học cây trồng cũng gặp khó khăn này.

Trong năm qua, Học viện có nhiều chính sách thu hút người học, ngành Khoa học cây trồng có mức học phí thấp hơn các ngành khác và có tỷ lệ học bổng doanh nghiệp cao.

Kể từ khi mở ngành, chương trình đào tạo luôn chú trọng công tác cải tiến để phù hợp với nhu cầu của xã hội qua các giai đoạn thông qua lấy ý kiến của các bên liên quan (bao gồm nhà tuyển dụng, người học, cựu sinh viên, nhà khoa học, nhà giáo…).

Nhà trường chú trọng các tín chỉ thực hành, thực tập nghề nghiệp nâng cao kỹ năng rèn nghề cho sinh viên tại các cơ sở sản xuất, phối hợp, đồng hành với doanh nghiệp trong đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên làm việc tại doanh nghiệp sau khi ra trường. Học viện cũng không ngừng xây dựng cơ sở vật chất (giảng đường, đồng ruộng, nhà kính, nhà lưới và các phòng thí nghiệm…), hệ thống thư viện điện tử phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/nam-2024-truong-dh-tan-trao-tam-dung-tuyen-3-nganh-hoc-vi-it-nguoi-nhap-hoc-post241231.gd

Trần Trang