Kinh tế nông nghiệp (tên tiếng Anh là Agricultural Economics) là một ngành học chuyên đào tạo về các hoạt động kinh tế, tài chính và thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm mục đích khai thác và sử dụng các nguồn lực trong nông nghiệp một cách hiệu quả để góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế của cả nước nói chung.
Mặc dù hiện nay nước ta đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhưng nông nghiệp vẫn giữ một vị trí quan trọng và không thể thiếu trong cơ cấu nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, người học ngành này ở nhiều vùng miền trên cả nước đã góp phần phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương của họ.
Kinh tế nông nghiệp - “trụ đỡ” bền vững cho sự phát triển kinh tế
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng - Trưởng Bộ môn Kinh tế nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, xu hướng hội nhập toàn cầu hoá đang được thúc đẩy mạnh mẽ, kinh tế nông nghiệp cũng cần phải theo kịp và đáp ứng được các yêu cầu của xu thế phát triển đó.
Xuất phát từ thực tiễn đó, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng và nhiều trường đại học trên cả nước nói chung, ngành Kinh tế nông nghiệp chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt trình độ và năng lực, để phục vụ cho ngành nông nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nước ta nói chung.
Đáng chú ý, Kinh tế nông nghiệp là một trong những ngành đào tạo các hệ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đầu tiên gắn liền với sự hình thành và phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kể từ năm 1956 cho đến nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Thông - Trưởng Khoa Kinh tế nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ cho hay: Kinh tế nông nghiệp là một ngành học đào tạo về cách thức sử dụng, phát huy, tối ưu hoá các tài nguyên thiên nhiên, từ đó gia tăng giá trị hiệu quả cho nền nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của xã hội.
Do dân số ngày càng tăng nhanh, thu nhập của người dân cũng tăng trưởng, vì vậy, nhu cầu của con người đối với lương thực, thực phẩm là rất lớn. Không những thế, xã hội cũng đòi hỏi cao hơn về chất lượng của sản phẩm, chất lượng của hàng hóa trong nông nghiệp.
Ví dụ thực tiễn, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm ở nước ta. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nơi đây đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GRDP của vùng. Tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. [1]
Theo Phó Giáo sư Phạm Lê Thông, hơn 60% nhân lực tại đây hoạt động trong nhóm ngành nông nghiệp hoặc các lĩnh vực khác có liên quan tới nông nghiệp. Như vậy, có thể thấy, Kinh tế nông nghiệp là một lĩnh vực có vai trò then chốt, tiềm năng dồi dào và cơ hội việc làm rộng mở.
Trong bối cảnh như hiện nay, việc làm sao để sử dụng tối ưu hóa nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tạo ra năng suất cao và gia tăng giá trị hiệu quả là một vấn đề vô cùng quan trọng và cốt yếu. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo cần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kinh tế nông nghiệp.
Hơn nữa, công tác đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao là một giải pháp bền vững cho việc nâng cao giá trị gia tăng của lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nền kinh tế và cải thiện chất lượng đời sống cho người dân tại các địa phương.
Cơ hội việc làm rộng mở nhưng người học chưa mấy mặn mà
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Thông nhận định: Hiện nay, xu hướng chung là số lượng sinh viên theo học ngành này đang ngày càng giảm. Vì vậy, số lượng các trường đại học trên cả nước đào tạo ngành Kinh tế nông nghiệp cũng ngày càng ít đi.
Trong khi đó, khối lượng công việc, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này lại đòi hỏi rất lớn. Theo dự báo, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực nhóm ngành nông nghiệp có thể xảy ra trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp rất phổ biến, rộng rãi và đã ăn sâu vào đời sống của người dân.
Người học ngành này sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm việc trong các công ty, doanh nghiệp về kinh doanh hàng hóa; xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy, hải sản; chế biến nông sản; hoặc làm việc trong những dự án về phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo; các cơ quan quản lý nhà nước; chuyên viên nghiên cứu tại trường đại học;...
Do đó, nếu lực lượng lao động có chuyên môn cao trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như kinh tế nông nghiệp giảm thiểu, thì có thể dẫn đến việc vận hành kém hiệu quả, thiếu chất lượng và dần dần mai một nền “văn minh lúa nước" đặc thù. Ngoài ra, công tác đào tạo nếu không được đẩy mạnh và thu hút nhiều sinh viên, về lâu dài, điều này có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của xã hội.
Lý giải về “cơn khát” nguồn cung của nhân lực ngành Kinh tế nông nghiệp, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng cho biết vấn đề này bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính như sau.
Thứ nhất, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể công tác ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau theo định hướng cá nhân. Do đó, một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, phân phối và kinh doanh về nông nghiệp có thể đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự chất lượng cao.
Thứ hai, hiện nay, việc quyết định lựa chọn đăng ký chuyên ngành tại các trường đại học của học sinh, sinh viên viên cũng ảnh hưởng nhiều bởi truyền thông và xã hội. Nhiều bậc phụ huynh lo ngại rằng nếu con mình theo học lĩnh vực nông nghiệp thì sẽ phải công tác, đi lại và làm việc ở khu vực nông thôn khá vất vả. Tuy nhiên, đây là một định kiến chưa đúng về ngành học khi cho rằng nông nghiệp là ngành học vất vả, “chân lấm tay bùn”.
Trong khi đó, cơ hội việc làm và tiềm năng trong lĩnh vực Kinh tế nông nghiệp thực chất lại rất lớn và rộng mở. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều người học sau khi tốt nghiệp ra trường đã thành công ở nhiều mảng lĩnh vực khác nhau như khởi nghiệp, tạo lập doanh nghiệp nông sản,... với mức thu nhập hấp dẫn.
“Nông nghiệp là một lĩnh vực rộng. Quy mô của các doanh nghiệp thường phát triển dần dần lên từng bước với sự thành công bền vững. Đặc biệt, tốc độ phát triển của ngành nghề này sẽ không hào nhoáng, sang chảnh như một số lĩnh vực khác, nhưng nó thể hiện được tiềm năng thăng tiến bền vững và dài hạn.
Bên cạnh đó, học ngành Kinh tế nông nghiệp còn góp phần tạo ra giá trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho tầng lớp nông dân, những người yếu thế trong xã hội, đồng thời khai thác tiềm năng và phát huy thế mạnh của mỗi địa phương. Từ đó, người học thể hiện được vai trò cá nhân trong xã hội nhiều hơn, lan toả vị trí quan trọng cho người nông dân trong nền kinh tế", Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Chia sẻ về ngành học này, ông Nguyễn Văn Bính - Phó Chánh Văn phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, cựu sinh viên ngành Kinh tế nông nghiệp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Kinh tế nông nghiệp là một ngành học giúp chúng ta trang bị kiến thức, kỹ năng xây dựng kế hoạch, chiến lược, từ đó có thể khai thác tối đa nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, đem lại nguồn lợi lớn hơn.
Ngoài ra, ngành Kinh tế nông nghiệp cũng cung cấp cho người học kiến thức về việc thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất, tăng cường quá trình thương mại và tạo nên sự bền vững cho nền kinh tế.
Mặt khác, Việt Nam là đất nước có điều kiện khí hậu nhiệt đới, rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt.
Với dân số ngày càng đông như hiện nay, vấn đề an ninh lương thực cũng là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Nhất là khi nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đứng đầu thế giới hoặc chỉ có duy nhất ở nước ta.
Theo ông Bính, người học ngành Kinh tế nông nghiệp sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm rất rộng mở ở những vị trí như: chuyên viên liên quan đến ngành nông nghiệp trong các cơ quan quản lý Nhà nước, thuộc Chính phủ, tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã,...; làm việc tại các tổ chức quốc tế; các đơn vị giảng dạy, trung tâm nghiên cứu; làm nhân viên kinh doanh, quản lý về phát triển thị trường tại các doanh nghiệp sản xuất; khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp;...
Đối với những sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, mức thu nhập khởi điểm dao động trung bình từ 5-20 triệu đồng/tháng.
Song, để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường xã hội, chúng ta cần tuyên truyền, phổ biến cho lao động trẻ hiểu về tinh thần trong ngành học, từ đó thúc đẩy nhu cầu học tập, nghiên cứu về Kinh tế nông nghiệp.
Cơ sở đào tạo và cơ quan truyền thông cần tăng cường các tin, bài viết, tổ chức sự kiện, chương trình quảng bá, giới thiệu những điển hình thành công của ngành này.
Ngoài ra, các trường có thể xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp sớm; thường xuyên tổ chức hội nghị giao lưu với các chuyên gia, cựu sinh viên để giới thiệu tiến bộ mới về công nghệ, quản trị, quản lý ở trong nước và quốc tế.
Chương trình đào tạo đẩy mạnh kỹ năng thực tế
Phó Giáo sư Phạm Lê Thông chia sẻ, chương trình đào tạo của Khoa Kinh tế nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ tập trung cung cấp kiến thức cần thiết phục vụ cho hoạt động nghiên cứu kinh tế, kinh doanh hàng hóa, sản phẩm, kỹ năng phân tích, giải quyết các vấn đề, tình huống phát sinh trong quá trình khai thác và sử dụng nguồn lực nông nghiệp,...
Ngoài việc cung cấp kiến thức chuyên môn, nhà trường cũng tổ chức nhiều kỳ kiến tập, thực tập, buổi tham quan thực hành tại các tổ chức, doanh nghiệp, để giúp sinh viên nắm bắt thực tế tốt hơn, phục vụ cho công việc sau này. Các bộ môn chuyên ngành chiếm khoảng 20-30% tổng khối lượng chương trình đào tạo.
Hiện tại, bộ phận giảng viên của Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ có số lượng khoảng 130 người, trong đó có 75 giảng viên đã có học vị tiến sĩ và 25 giảng viên đang là nghiên cứu sinh tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Đội ngũ giảng viên chuyên ngành đều là lực lượng nòng cốt của Khoa, được đào tạo bài bản, năng lực nghiên cứu chuyên sâu; và hằng năm xuất bản nhiều bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.
Năm 2024, cùng với xu hướng “học đi đôi với hành”, Khoa Kinh tế Nông nghiệp nói riêng và Trường kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ nói chung sẽ đưa thêm vào chương trình đào tạo những nội dung về thực hành, tiếp cận thực tế, mời gọi các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp tới giao lưu, trao đổi, thuyết trình, để sinh viên được hành trang kỹ năng thực chiến.
Hơn nữa, Khoa cũng định hướng thực hiện chủ trương khuyến khích sinh viên vừa học vừa tham gia dự án nghiên cứu khoa học cùng với giảng viên nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận công việc và các kỹ năng mềm được hiệu quả hơn.
Phó Giáo sư Phạm Lê Thông chia sẻ lời khuyên: “Điểm chung của các nhóm ngành Kinh tế là người học nên quan sát thực tiễn xã hội, những chuyển động trong cuộc sống, của mọi người xung quanh mình. Đối với Kinh tế nông nghiệp, đối tượng cần quan sát là nông dân, người quản lý, những cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Qua đó, người học sẽ dễ dàng nắm bắt, ứng dụng thành công được cơ sở kiến thức vào quá trình học tập và công việc sau này. Đồng thời, quan sát càng nhiều thì sinh viên càng tích lũy được cho mình vốn hiểu biết, các ý tưởng, hoài bão trong tương lai”.
Còn theo chia sẻ của Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng, sinh viên ngành Kinh tế nông nghiệp sẽ được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản về kinh tế xã hội, quản trị kinh doanh; kiến thức chuyên sâu về quy hoạch phát triển nông thôn, tổ chức và phân tích ngành hàng nông sản, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thị trường nông sản thế giới,...
Bên cạnh đó, sinh viên được rèn luyện kỹ năng hoạch định, đánh giá, phân tích, giám sát và thực hiện những chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; kỹ năng tổ chức sản xuất – kinh doanh; phân tích thị trường các ngành hàng nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường; kỹ năng xây dựng các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn;…
Theo Tiến sĩ Mạnh Hùng, giáo trình học liệu là một trong những nội dung mà Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề cao và quan tâm đến. Nhà trường xây dựng bằng việc huy động nhiều nguồn lực và định hướng lộ trình 5 năm sẽ cập nhật, biên tập lại các giáo trình.
Chương trình đào tạo được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở tham khảo, kế thừa giáo trình của nhiều trường đại học hàng đầu thế giới; đồng thời điều chỉnh nhằm phù hợp với nhu cầu thực tế và cách thức tiếp cận tư duy giáo dục của Việt Nam hiện nay.
Trước khi đưa vào hệ thống giáo dục của nhà trường, tất cả giáo trình đều phải sắp xếp, kiểm duyệt và đánh giá kiến thức qua Hội đồng khoa học của trường. Ngoài ra, những năm gần đây, để khuyến khích biên soạn giáo trình học liệu, nhà trường chú trọng đẩy mạnh mức thù lao chi trả cho các giảng viên tăng lên đáng kể.
Trong quá trình học tập, sinh viên có cơ hội trải nghiệm, tham quan thực tế tại nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Kinh tế nông nghiệp. Cụ thể ở một số cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương,... hay nhiều tổ chức, doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vneconomy.vn/nam-2023-dong-bang-song-cuu-long-thu-hut-khoang-100-nghin-ty-dong-dau-tu-vao-nong-nghiep.htm