Trở thành Thủ khoa đầu ra ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến tại Trường Đại học Y Hà Nội với GPA 8.0/10, Nguyễn Hồng Lương (sinh năm 2001, quê Hà Nam) tiếp tục gắn bó với nhà trường, khi trở thành một trong những trợ giảng trẻ tuổi tại Khoa Điều dưỡng - Hộ sinh.
Ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến của Trường Đại học Y Hà Nội được xây dựng theo khung chương trình của Trường Đại học Tổng hợp California, Long Beach, Hoa Kỳ.
Ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến quy định thời gian học tập 4,5 năm, trong khi đó ngành Điều dưỡng (chương trình đại trà) tại Trường Đại học Y Hà Nội chỉ đào tạo trong 4 năm. Dù cả hai đều là chương trình đào tạo chính quy, tuy nhiên, với chương trình tiên tiến, sinh viên sẽ được giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh. Điều này cũng giúp sinh viên ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến được tiếp cận nhiều tài liệu, sách báo nước ngoài; từ đó, cập nhật thêm về kiến thức y học thế giới. Các cử nhân sau khi tốt nghiệp cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn khi muốn lựa chọn công tác, làm việc tại những quốc gia tiên tiến như Đức hay Nhật Bản.
Yêu thích y học từ lâu và ước mơ theo học ngành y
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hồng Lương cho biết, việc đặt nguyện vọng vào ngành Điều dưỡng của Trường Đại học Y Hà Nội, đối với cô, như một cơ duyên, bởi, ban đầu, bản thân hoàn toàn không không nghĩ đến sẽ theo đuổi chuyên ngành này. Mặc dù có niềm yêu thích với các ngành học chăm sóc sức khỏe, song, niềm yêu thích ấy đối với Hồng Lương vẫn chưa được định hình một cách rõ nét.
Nữ thủ khoa tâm sự: “Từ khi học phổ thông, tôi đã đam mê các môn tự nhiên, có niềm yêu thích với y học và luôn mong muốn sau này có thể làm những công việc được chăm sóc người bệnh. Chính vì vậy, khi đặt bút viết nguyện vọng xét tuyển đại học, hầu hết nguyện vọng của tôi đều nằm ở các khối ngành y dược.
Tôi chọn Trường Đại học Y Hà Nội để gắn bó suốt những năm tháng đại học, bởi trường có lịch sử lâu đời và đây cũng là ngôi trường mơ ước của rất nhiều thí sinh muốn theo đuổi ngành y. Đặc biệt, khi còn học lớp 10, sau khi tình cờ xem được video của một thủ khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội, tôi đã vô cùng ngưỡng mộ. Đó là động lực mạnh mẽ, thôi thúc tôi nuôi ước mơ được lên Hà Nội, được theo học tại ngôi trường này”.
Xuất thân trong một gia đình không có ai làm trong lĩnh vực y tế, Hồng Lương lựa chọn cho mình một ngã rẽ hoàn toàn khác và may mắn được bố mẹ luôn luôn ủng hộ.
“Gia đình tôi chưa từng có ai theo ngành y. Tuy nhiên, ngay từ khi tôi còn nhỏ, bố mẹ đã luôn sát sao, đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc học tập của tôi và cũng cho tôi được tự do lựa chọn ngành nghề yêu thích. Bố mẹ cũng luôn đồng hành, khích lệ tôi qua mỗi hành trình” - cô kể.
Tâm sự về đặc thù ngành học, nữ thủ khoa ví von nghề điều dưỡng như “làm dâu trăm họ”, bởi ngoài việc đảm bảo kiến thức chuyên sâu, kỹ năng tốt, điều dưỡng viên còn cần thấu hiểu, nắm bắt tâm lý và bao quát những vấn đề xoay quanh bệnh nhân. Bên cạnh đó, điều dưỡng viên cũng là người thực hiện y lệnh của bác sĩ hay hỗ trợ làm các thủ thuật trong khi điều trị.
Cô không ngần ngại chia sẻ về những thuận lợi xen lẫn khó khăn của sinh viên ngành y thường xuyên gặp phải: “Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội nói chung và sinh viên ngành Điều dưỡng nói riêng đều được học các thầy cô có trình độ, chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm giảng dạy và thâm niên công tác tại các bệnh viện lớn.
Bên cạnh đó, tài liệu học tập cũng rất phong phú, khi các giảng viên đều không ngại chia sẻ với học trò, thậm chí, nhiều thầy cô còn thu thập các sách báo về y học sau những chuyến công tác nước ngoài để làm tài liệu bổ trợ cho sinh viên”.
Cô gái 23 tuổi cũng cho biết, sinh viên ngành Điều dưỡng nói chung sẽ có cơ hội việc làm rộng mở, bởi ngành này hiện đang rất thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao.
“Trong suốt quá trình học tập, tôi may mắn được trải nghiệm công việc thực tế tại những bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức hay Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Khi được trao thêm các cơ hội lăn xả ngoài thực tiễn, sinh viên sẽ được cọ xát với tất cả các chuyên ngành, nắm vững kiến thức từ cơ bản tới tổng hợp. Đây cũng chính là điểm thuận lợi, giúp mỗi sinh viên ngành này dễ dàng lựa chọn theo đuổi những chuyên khoa khác nhau sau khi ra trường” - cô bày tỏ.
Bí quyết học tập của thủ khoa, không để “nước đến chân mới nhảy”
Bên cạnh những thuận lợi, Nguyễn Hồng Lương cũng chia sẻ, điều khó khăn nhất đối với sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội là cường độ học tập cao. Nhiều ngày, cô cùng các bạn phải đi thực tập ở viện từ sáng sớm, lên giảng đường học lý thuyết vào buổi chiều, tối đến lại tiếp tục đi trực ở bệnh viện.
“Với cường độ học tập như vậy, cộng thêm nhiều đợt thi liên tục, khiến không ít sinh viên bị đuối sức nếu không biết phân bổ thời gian một cách khoa học, hợp lý. Đây không phải là vấn đề của riêng tôi hay sinh viên ngành này, mà có lẽ, còn là áp lực của toàn bộ sinh viên khối y, dược nói chung”, nữ thủ khoa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo Hồng Lương, chính từ áp lực ấy, mà cô đã rèn cho mình sự bền bỉ và khả năng phân bổ thời gian hợp lý, để có thể cùng lúc vừa hoàn thành tốt việc học tập, vừa tham gia các hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện tại trường.
Hồng Lương từng được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư kiêm Lớp phó học tập. Bên cạnh đó, cô cũng tham gia nhiều hoạt động do Đoàn trường tổ chức, cô là tình nguyện viên của Đội Thanh niên vận động hiến máu Trường Đại học Y Hà Nội, Chi hội trưởng Hội sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội và là thành viên các câu lạc bộ về điều dưỡng, võ thuật hay thiện nguyện tại trường.
Vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Hồng Lương cũng tích cực tham gia vào Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, với nhiệm vụ chính là phân loại mức độ của từng người bệnh, trực tiếp gọi điện tư vấn hoặc liên hệ cấp cứu đối với những trường hợp bệnh nhân nặng cần sự hỗ trợ.
Với thành tích đáng nể của mình, Nguyễn Hồng Lương đã giành được học bổng trong suốt 7 kỳ học. Ngoài ra, cô còn đạt được nhiều bằng khen, giấy khen tại Trường Đại học Y Hà Nội như Sinh viên 5 tốt; Thủ khoa toàn khối Y 4; giấy khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.
Khi được hỏi về bí quyết trở thành thủ khoa đầu ra ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến, cô không ngại bật mí, bản thân luôn cố gắng tiếp thu hết kiến thức bài học trong khoảng thời gian nhất định, thay vì để dồn tới gần lúc thi.
Cô cho biết: “Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội sẽ có khoảng 2-3 tháng đầu tiên “làm quen” thông qua học phần lý thuyết hoặc thực tập ở các bệnh viện. Đến mùa thi, các môn học có khối lượng kiến thức lớn cùng tần suất thi liên tục khiến nhiều sinh viên cảm thấy quá tải.
Chính vì vậy, tôi thường áp dụng chiến thuật của riêng mình bằng cách học “dứt điểm” các bài từ trước, đến khi gần thi, chỉ cần ôn tập lại để củng cố thêm kiến thức. Từ khi áp dụng cách học này, tôi chỉ cần dành 1-2 tiếng mỗi tối để ôn lại kiến thức, khi đến hôm thi cũng không gặp tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.
Tôi thường đọc trước phần lý thuyết trong các giáo trình trước khi lên lớp, ghi chú những ý chính hay câu hỏi còn thắc mắc. Nếu trong quá trình đọc, gặp phải những nội dung cảm thấy khó hiểu, tôi thường tham khảo thêm thông tin trên Internet hoặc xem bài giảng trực tuyến trên các nền tảng mạng mạng xã hội để nắm bắt tốt hơn. Điều này giúp tôi không cảm thấy quá bỡ ngỡ với bài giảng của thầy cô khi lên giảng đường. Khi nghe thầy giảng lại những kiến thức đó trên lớp, tôi sẽ đem những câu hỏi thắc mắc hôm trước mình tự đặt ra, để giảng viên giải đáp”.
Nữ thủ khoa cũng bày tỏ, cô luôn muốn học lên cao hơn để trau dồi thêm cho mình những kiến thức chuyên sâu.
“Tôi luôn yêu thích việc học các môn chuyên ngành, bởi càng tìm hiểu, bản thân càng biết thêm về nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, nắm rõ tình trạng của bệnh nhân, và quá trình làm việc, chăm sóc người bệnh sẽ hiệu quả, dễ dàng hơn” - cô lý giải.
Sau hơn 4 năm theo học ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến, giờ đây, cô sinh viên năm nào đã tiếp tục lựa chọn gắn bó, công tác tại Trường Đại học Y Hà Nội trong chặng hành trình mới, với vai trò mới là trợ giảng tại Khoa Điều dưỡng - Hồi sức.
“Tôi luôn ấp ủ dự định sẽ đi du học trong tương lai, với mong muốn trau dồi, lĩnh hội thêm vốn kiến thức y khoa của các nước tiên tiến, từ đó, có thể về cống hiến cho nền y học nước nhà”, nữ thủ khoa tâm sự về định hướng tương lai của bản thân.