Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong các ngành STEM ở Việt Nam

25/10/2024 06:16
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hiện nay lao động trong khối ngành này vẫn còn thiếu, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực STEM còn rất thấp.

Các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) có đóng góp đáng kể cho sự đổi mới và phát triển toàn cầu, đặc biệt là trong xã hội tri thức. Cùng với cuộc cách mạng 4.0, nhu cầu lao động trong lĩnh vực STEM ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay lao động trong khối ngành này vẫn còn thiếu, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực STEM còn rất thấp.

Nhằm tìm ra các giải pháp để giải quyết vấn đề này, sáng ngày 24/10, tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học Cao đẳng Việt Nam (VNEI), Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Bách Khoa Hà Nội (BK Holdings) tổ chức hội thảo “Xây dựng giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong giáo dục và việc làm các ngành STEM”.

PHIÊN THẢO LUẬN .jpg

Hội thảo thu hút khoảng 100 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện Lãnh đạo Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Trường Đại học và Cao đẳng, các doanh nghiệp công nghệ và các nữ sinh khối ngành kỹ thuật của các trường Đại học/Cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo không chỉ là nơi các chuyên gia gặp gỡ, trao đổi và tìm ra giải pháp thúc đẩy sự bình đẳng giới và phát triển toàn diện, khuyến khích trao quyền và phát triển nghề nghiệp cho phụ nữ mà còn là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc và truyền cảm hứng để trao quyền và tôn vinh phụ nữ trong lĩnh vực STEM.

Phát biểu tại chương trình chuyên gia cho biết, hiện nay thế giới phát triển rất nhanh nhờ tiến bộ của khoa học công nghệ mở ra cơ hội phát triển về các ngành nghề xã hội tuy nhiên sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực này còn hạn chế, Báo cáo tiến độ năm 2022 của Liên Hợp Quốc về Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (mục tiêu Bình đẳng giới) cho thấy phụ nữ chỉ tham gia 20% công việc trong lĩnh vực STEM trên toàn cầu, tại Việt Nam tỷ lệ này còn thấp hơn.

Vì thế mong rằng hội thảo lần này sẽ là cuộc đối thoại cởi mở về những thách thức mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt khi bước vào các lĩnh vực STEM và quan trọng nhất là những cơ hội phía trước để trao quyền cho họ phát triển trong các lĩnh vực có nhu cầu cao này.

Chuyên gia cũng nêu ra những kiến nghị như: nên có các chương trình học bổng, cố vấn, các chương trình giáo dục về bình đẳng giới từ học đường, đặc biệt là xóa bỏ hoàn toàn sự phân biệt, đối xử với trẻ em gái trong môi trường giáo dục.

Đối với cơ hội việc làm cho phụ nữ, các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng chính sách hỗ trợ phụ nữ thăng tiến, các chương trình đào tạo chuyên môn cho lao động nữ và lãnh đạo nữ rất cần được triển khai để đảm bảo họ có thể tham gia và hưởng lợi từ sự phát triển của nền kinh tế số một cách công bằng và bền vững.

PGS.TS. TRẦN THỊ HỒNG PHÁT BIỂU TẠI HỘI THẢO .jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo.

Giải thích lý do về lý do thiếu nhân sự trong lĩnh vực STEM, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, trên thực tế vẫn còn những khoảng trống về giới trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học.

Số lượng sinh viên là nữ giới học các ngành kỹ thuật rất ít, số lượng phụ nữ tham gia các lĩnh vực STEM, nhất là ở vị trí lãnh đạo, còn hạn chế điều này xuất phát từ nguyên nhân khách quan là xã hội vẫn còn định kiến về giới, chưa coi trọng năng lực của người phụ nữ.

Về nguyên nhân chủ quan thì do bản thân những người phụ nữ, những bé gái chưa tự tin chọn lựa những ngành học liên quan đến khoa học kỹ thuật.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hồng nhấn mạnh rằng những hội thảo như thế này sẽ góp phần giải được bài toán về bình đẳng giới, chính phủ Việt Nam đã ban hành những chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầy đủ cho cho bình đẳng giới nhưng thực hiện nó như thế nào thì thuộc về trách nhiệm của các chuyên gia, của các nhà học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hồng cũng đưa ra các đề xuất như: Nâng cao nhận thức và giáo dục bình đẳng giới trong STEM; Khuyến khích nữ giới tham gia các ngành khoa học tự nhiên; Có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, hỗ trợ phụ nữ trong công việc; Thúc đẩy và tạo ra môi trường bình đẳng, chính sách cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho lao động nữ đồng thời có biện pháp ngăn chặn sự phân biệt đối xử giới tính.

Có 2 tham luận được trình bày tại hội thảo, đại diện Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học Cao đẳng Việt Nam – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Trưởng Ban Công nghệ và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã đặt ra vấn đề về: “Mất cân bằng giới trong tuyển sinh ngành kỹ thuật – công nghệ”.

Bài tham luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông cung cấp góc nhìn toàn diện về thực trạng nữ giới chiếm tỷ lệ thấp trong các ngành kỹ thuật – công nghệ, vốn được xem là nhóm ngành trụ cột của sự phát triển kinh tế và công nghiệp hiện đại.

PGS. TS. Nguyễn Tiến Đông, Trưởng Ban Công nghệ và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Trưởng Ban Công nghệ và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ.

Trong tham luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông đã trình bày số liệu cụ thể minh chứng cho sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ giới trong tuyển sinh các ngành kỹ thuật – công nghệ.

Dữ liệu này cho thấy, tỷ lệ nữ sinh theo học các ngành này vẫn ở mức thấp so với nam giới, bất chấp những nỗ lực gia tăng cơ hội tiếp cận trong thời gian qua.

Tham luận nêu rõ rằng sự mất cân bằng giới trong các ngành này không chỉ ảnh hưởng đến tính đa dạng và sáng tạo trong nghiên cứu và phát triển công nghệ mà còn làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật cao, từ đó giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, sự chênh lệch này còn gây ra lãng phí cơ hội phát triển cho cả nền kinh tế, bởi những đóng góp tiềm năng từ lực lượng lao động nữ không được khai thác đầy đủ.

Tham luận cũng phân tích các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới trong STEM, bao gồm các định kiến giới từ giai đoạn giáo dục cơ bản, sự thiếu hụt hình mẫu nữ giới thành công trong ngành kỹ thuật – công nghệ, và sự chênh lệch trong chính sách cũng như cơ hội tiếp cận học tập.

Những yếu tố này đã góp phần hình thành rào cản tâm lý và tạo ra sự thiếu tự tin ở nữ giới khi lựa chọn và theo đuổi các ngành học kỹ thuật – công nghệ.

Từ các phân tích trên, tham luận đưa ra khuyến nghị cần thiết về việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, để xây dựng các chương trình toàn diện, thúc đẩy sự tham gia và thành công của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực STEM.

Các chương trình này cần hướng đến việc tạo ra môi trường học tập và làm việc thân thiện, thúc đẩy nữ giới tham gia các ngành nghề kỹ thuật – công nghệ, đồng thời xóa bỏ các định kiến và rào cản xã hội, nhằm đạt được sự bình đẳng giới thực chất trong lĩnh vực này.

PGS.TS. Đinh Văn Phúc – Phó Viện trưởng thường trực, Viện Khoa học Xã hội liên ngành - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Phúc – Phó Viện trưởng thường trực, Viện Khoa học Xã hội liên ngành - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Trong bài tham luận thứ hai tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Phúc – Phó Viện trưởng thường trực, Viện Khoa học Xã hội liên ngành - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành – đã trình bày một cách chi tiết về các hoạt động STEM phục vụ cộng đồng của nhà trường, với mục tiêu hướng đến phát triển bền vững.

Ông nhấn mạnh triết lý giáo dục của trường gồm “Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp”, nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng nghiên cứu và sáng tạo cần thiết để giải quyết các thách thức về môi trường, xã hội và kinh tế.

Bài tham luận đã cung cấp một cái nhìn toàn diện về vai trò của giáo dục STEM tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Theo đó, trường tích hợp giảng dạy các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, từ đó giúp sinh viên có được cái nhìn đa chiều và khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng STEM tại trường bao gồm các hoạt động thí nghiệm STEM, các talkshow, hội thảo và các buổi tập huấn nâng cao năng lực trong việc thiết kế bài giảng và mô hình STEM.

Những chương trình này nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho người tham gia, qua đó đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng địa phương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Phúc khuyến nghị cần có sự hợp tác đa phương giữa các bên liên quan để tạo ra các chương trình giáo dục STEM toàn diện và bền vững, từ đó thúc đẩy sự phát triển và cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng​.

Phiên thảo luận của Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, đại diện các bên liên quan đã chia sẻ và làm rõ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển sự nghiệp của phụ nữ trong các ngành STEM cũng như đề xuất các giải pháp để thu hẹp những khoảng cách về giới đang cản trở sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trả lời câu hỏi tại sao trong những năm gần đây, số lượng học sinh lựa chọn những khối ngành kỹ thuật ít hơn những khối ngành khác Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Linh - Vụ Giáo dục – Ban tuyên giáo trung ương cho rằng việc các em học sinh chưa tiếp cận được các thông tin nghề nghiệp là trách nhiệm của các cơ quan quản lý vì chưa cung cấp được hệ thống thông tin để các em học sinh hiểu được các giá trị, những khó khăn của ngành nghề để đưa ra lựa chọn nghề nghiệp nhất là những ngành nghề thuộc lĩnh vực STEM.

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ về cơ hội của những ngành học thuộc lĩnh vực STEM trong hoạt động khởi nghiệp.

Buổi chiều cùng ngày là các hoạt động nhóm nhằm xây dựng những giải pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong các ngành STEM, đồng thời trao cơ hội giáo dục và việc làm để họ phát huy được tiềm năng và đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Thu Giang