ĐH Nguyễn Tất Thành: SV Kỹ thuật Y sinh được học điều trị bằng y học hạt nhân

21/08/2024 10:44
Ngọc Huệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Môn học của ngành Kỹ thuật Y sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được thiết kế phù hợp với sở thích và khả năng của từng sinh viên.

Kỹ thuật Y sinh (Biomedical engineering) là khoa học ứng dụng dựa trên các nguyên lý cơ bản trong kỹ thuật và các ý tưởng về thiết kế để đưa ra giải pháp trong y học, sinh học cũng như các mục đích chăm sóc sức khỏe khác.

Những năm qua, ngành Kỹ thuật Y sinh của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thu hút nhiều sự quan tâm của người học.

Sinh viên được học kiến thức chuyên sâu

Chị Trần Thị Kim Ngân (cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) hiện đang công tác tại Viện Vật lý Y sinh học đánh giá, học ngành Kỹ thuật Y sinh của nhà trường đã trang bị cho chị những kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành cần thiết để làm việc trong môi trường y tế.

Sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong tiết thực hành. (Ảnh: website nhà trường)
Sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong tiết thực hành. (Ảnh: website nhà trường)

"Trong quá trình học tập, tôi được tiếp cận với nhiều kiến thức chuyên sâu về Kỹ thuật Y sinh và thực hành nghiên cứu, tìm hiểu các thiết bị y tế. Giảng viên của ngành đã giúp tôi xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc. Sau khi vừa kết thúc chương trình đào tạo, tôi có cơ hội làm việc và nghiên cứu tại Viện Vật lý Y Sinh học, nơi mà tôi đã thực tập trong quá trình học tập tại trường", chị Ngân chia sẻ.

Hiện tại, với vị trí nhân viên của Viện, mức lương của chị Ngân là 10 triệu đồng/tháng. Chị Ngân cho hay, việc học tập và rèn luyện tại trường không chỉ mang lại những kiến thức cần thiết mà còn giúp chị tự tin và sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong công việc.

"Môi trường nghiên cứu tại Viện Vật lý Y Sinh học đã giúp tôi áp dụng và phát triển những kiến thức đã học, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho sự nghiệp của bản thân trong tương lai", chị Ngân cho biết.

Còn Trương Thị Thùy Trang - cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh (niên khóa 2019-2023) chia sẻ rằng, học ngành Kỹ thuật Y sinh tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là một trải nghiệm tuyệt vời và đầy thử thách.

Trương Thị Thuỳ Trang - Cựu Sinh viên -K19.jpg
Em Trương Thị Thùy Trang. (Ảnh: NTCC)

Theo Trang, chương trình học của ngành được thiết kế rất chặt chẽ, cập nhật liên tục những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực y tế. Nhờ đó, Trang đã có cơ hội nắm bắt và áp dụng những kiến thức hiện đại vào thực tế, giúp Trang tự tin hơn trong công việc.

"Khi em còn học ngành Kỹ thuật Y sinh của nhà trường, em được thực tập tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện 175. Trong quá trình học các môn như Thiết bị Xét nghiệm và Thiết bị Y học Hạt nhân, em đã có cơ hội đi kiến tập tại các khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa xét nghiệm và y học hạt nhân. Điều này không chỉ giúp em nâng cao kỹ năng thực hành mà còn cho em hiểu rõ hơn về quy trình và công nghệ trong các lĩnh vực này.

Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo có chuyên gia đầu ngành và trang bị các thiết bị hiện đại trong phòng thí nghiệm, giúp chúng em có những trải nghiệm học tập quý báu, phát triển kỹ năng nghiên cứu, khẳng định bản thân trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh", Trang tâm sự.

Cho rằng những kỹ năng, kiến thức mà sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh cần chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, anh Nguyễn Văn Mận - Trưởng phòng Thiết bị Y tế của Bệnh viện Thẩm mỹ Thu Cúc cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Hệ thống Bệnh viện Thẩm mỹ Thu Cúc) nhấn mạnh, sinh viên cần hiểu rõ về vị trí công việc mình xin ứng tuyển sau khi ra trường.

Nguyễn Văn Mận - Trưởng phòng Thiết bị Y tế Bệnh viện Thu Cúc.jpg
Anh Nguyễn Văn Mận. (Ảnh: NTCC).

"Theo tôi, sinh viên cần thể hiện được tinh thần ham học hỏi và chủ động với công việc; luôn giữ được thái độ tích cực trong quá trình làm việc. Sau đó, khi vào làm việc tại một công ty thiết bị y tế, hoặc bệnh viện, sinh viên cần xây dựng cho bản thân một lộ trình để phát triển nghề nghiệp. Đồng thời, các em cũng cần trang bị khả năng ngoại ngữ để có thể nhanh chóng tiến xa trong công việc", anh Mận thông tin.

Sinh viên được học về chẩn đoán và điều trị bằng y học hạt nhân

Để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Y sinh của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành luôn được cập nhật, đổi mới.

Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh - Trưởng Bộ môn Y Sinh học cơ sở, Khoa Y, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, Kỹ thuật Y sinh là ngành đang ngày càng phát triển trên thế giới và ở Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Quỳnh _ Trưởng bộ Môn Y Sinh học Cơ sở.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh - Trưởng Bộ môn Y Sinh học cơ sở, Khoa Y, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)

Ngày nay, tại các bệnh viện, phòng khám, kỹ thuật y sinh có vai trò quan trọng. Hầu hết các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế và sinh học gần đây đều là sản phẩm thuộc về kỹ thuật y sinh. Vì vậy, nhu cầu nhân lực của ngành Kỹ thuật y sinh hiện tại và trong tương lai là rất lớn.

So với những cơ sở giáo dục đại học cùng đào tạo ngành này, sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được trang bị kiến thức đại cương, cơ sở ngành và tập trung vào các định hướng phát triển hiện nay như: kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (X-quang, siêu âm chẩn đoán, chụp cộng hưởng từ,...); các kỹ thuật thăm dò chức năng (điện tâm đồ, điện não đồ,...); chẩn đoán và điều trị bằng y học hạt nhân (PET, SPECT, xạ trị,...).

Bên cạnh đó, khi theo học ngành Kỹ thuật Y sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, sinh viên còn được thường xuyên tham gia thực tập, thực tế tại nhiều bệnh viện lớn để nâng cao kỹ năng tay nghề như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện 115, Bệnh viện 175…

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật Y sinh có những đổi mới, cập nhật thường xuyên. Chia sẻ về điều này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Lan - Giảng viên ngành Kỹ thuật Y sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, các môn học của ngành Kỹ thuật Y sinh được thiết kế theo chuẩn chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Môn học được thiết kế phù hợp với sở thích và khả năng của từng sinh viên. Toàn bộ các bài giảng, giáo trình đều được biên soạn, sử dụng và cập nhật thường xuyên cho tất cả các môn học.

Cô Nguyễn Thị Huỳnh Lan - giảng viên.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Lan - Giảng viên ngành Kỹ thuật Y sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)

"Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bố trí một thời lượng đáng kể cho học phần tiếng Anh, Tin học, kỹ năng mềm (giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, tư duy hiệu quả và sáng tạo, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng xin việc, giao tiếp ứng xử,…) nhằm giúp sinh viên ngành Kỹ thuật Y Sinh có thể dễ dàng nghiên cứu tài liệu và trao đổi chuyên môn với các chuyên gia nước ngoài một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Y sinh cũng được cải tiến, chuyên sâu, gắn liền thực tiễn phù hợp với thị trường lao động, dễ dàng liên thông với các chương trình đào tạo Kỹ thuật Y sinh của các nước tiên tiến trên thế giới. Sinh viên cũng sẽ có điều kiện thường xuyên tham gia thực tập, thực tế tại nhiều bệnh viện lớn hợp tác với nhà trường để nâng cao kỹ năng tay nghề", cô Lan chia sẻ.

Tất nhiên quá trình đào tạo ngành Kỹ thuật Y sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng gặp một số khó khăn.

Cô Quỳnh đánh giá, ngành Kỹ thuật Y sinh là ngành đòi hỏi nhiều kiến thức liên ngành, lĩnh vực kỹ thuật y sinh có tốc độ đổi mới và phát triển rất nhanh. Vì vậy, đội ngũ giảng viên của ngành có đặc điểm rất khác biệt, đó là ngoài công tác giảng dạy thì tất cả giảng viên đều phải trực tiếp tham gia vào các công việc thực tế trong lĩnh vực khoa học y tế (ví dụ như nghiên cứu công nghệ mới, sản xuất trang thiết bị y tế, triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho bệnh viện, phòng khám…). Chỉ có như vậy mới có thể đảm bảo được chất lượng giảng dạy.

Trong khi đó, cô Lan cho rằng, một trong những khó khăn trong quá trình đào tạo ngành Kỹ thuật Y sinh là thiếu giảng viên. Điều này cũng là khó khăn đặc thù vì lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có tốc độ phát triển nhanh nên ngành Kỹ thuật Y sinh cũng đòi hỏi nguồn nhân lực thực sự có trình độ chuyên môn, các kỹ năng mềm quan trọng khác (như khả năng giao tiếp, sử dụng máy tính).

Cũng theo cô Lan, bản thân các sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh cần liên tục học hỏi, trau dồi, cập nhật kiến thức mới để đảm bảo bắt kịp với nhu cầu xã hội.

Các vị trí việc làm của sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận gồm:

Chuyên viên kỹ thuật đảm bảo về các thiết bị y tế trong bệnh viện.

Nhân viên phân phối trang thiết bị y tế cho các công ty.

Tư vấn trang thiết bị y tế cho các loại hình tổ chức liên quan.

Làm việc cho các đại diện các hãng thiết bị y tế nước ngoài tại Việt Nam.

Nghiên cứu về kỹ thuật y sinh tại các viện nghiên cứu, bệnh viện, nhà trường.

Giảng dạy tại các trường cao đẳng, trung cấp thiết bị y tế.

Tự thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành sắp xếp cho sinh viên được tiếp xúc, thực hành, thực tập trực tiếp tại các đơn vị hoạt động thực tế trong lĩnh vực y sinh để sinh viên có cơ hội định hướng việc làm ngay từ khi chuẩn bị tốt nghiệp. Mạng lưới các doanh nghiệp, bệnh viện đang kết nối với nhà trường cũng sẽ là cơ sở để hỗ trợ rất tốt cho các bạn sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh sau khi tốt nghiệp, đảm bảo tiêu chí thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp.

Ngọc Huệ