Trường đại học mong Bộ GDĐT sớm ban hành quy chế tuyển sinh đại học

13/12/2024 06:28
Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch và hướng dẫn công tác tuyển sinh năm 2025 sớm, giúp các trường triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học và cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới thu hút sự quan tâm từ các cơ sở giáo dục đại học.

Những điểm mới như giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm hay yêu cầu điểm chuẩn xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn đợt xét tuyển chính thức được kỳ vọng sẽ đảm bảo công bằng cho các thí sinh và nâng cao chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng những điểm mới này có thể khiến các trường top dưới khó tuyển sinh.

Nhiều trường đại học có thể gặp khó khăn trong việc thích ứng với quy định mới

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Hoàng Ngọc Viết - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng nhận định, việc giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm là quy định được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra sau khi đã xem xét toàn diện các khía cạnh của quy chế hiện nay. Đồng thời, 20% là con số phù hợp nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa các hình thức xét tuyển và giữ vững chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo.

z6100529564185_1fe7bb5ea469570a2f66800af64152f2.jpg
Thạc sĩ Hoàng Ngọc Viết - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Hoàng Ngọc Viết cho biết thêm: “Đối tượng xét tuyển sớm của trường chủ yếu là các vận động viên đạt thành tích cao, được tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với đối tượng vận động viên thuộc diện ưu tiên xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường.

Tuy nhiên, quy chế tuyển thẳng hiện tại khá khắt khe, chỉ áp dụng cho những em đạt giải thể thao ở các đấu trường quốc tế như các giải vô địch thế giới, Thế vận hội (Olympic),... và các giải khác thuộc khu vực châu Á hoặc Sea Games, thời gian đạt giải tính trong 4 năm nhưng chỉ tuyển thẳng trong năm các em vận động viên tốt nghiệp trung học phổ thông, điều này hạn chế số lượng thí sinh đáng kể.

Ngoài ra, những năm trước đây, nhà trường chưa triển khai mạnh các phương thức xét tuyển sớm, chủ yếu sử dụng phương thức xét học bạ, xét kết quả điểm thi trung học phổ thông theo kế hoạch xét tuyển chung, kết hợp với điểm thi tuyển môn năng khiếu thể dục thể thao do trường tổ chức. Vì vậy, tỷ lệ 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm theo ngành, nhóm ngành đào tạo theo dự thảo đưa ra không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh của nhà trường".

Trong khi đó, Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên đánh giá, quy định mới về chỉ tiêu xét tuyển sớm có thể được xem như một bước điều chỉnh hợp lý từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, dựa trên những khảo sát thực tế về kết quả học tập của thí sinh.

“Trước đây, không ít trường đã tiến hành so sánh kết quả học tập sau năm nhất của các thí sinh trúng tuyển bằng học bạ với thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và nhận thấy nhóm thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi có kết quả học tập tốt hơn”, thầy Đăng phân tích thêm.

Theo Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng, việc hạn chế chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ mang lại những lợi ích tích cực như nâng cao chất lượng thí sinh trúng tuyển. Khi chỉ tiêu xét tuyển sớm giảm, các trường sẽ phải thiết lập tiêu chí chặt chẽ hơn, chỉ chọn những thí sinh thực sự xuất sắc và phù hợp với yêu cầu đào tạo.

Đồng thời, việc tập trung vào điểm thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông, một phương thức được đánh giá toàn diện hơn giúp đảm bảo tính công bằng và khách quan trong tuyển sinh. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tăng uy tín của các cơ sở giáo dục đại học trong việc tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Nhà trường sẽ điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển sớm theo hướng tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu dự thảo được thông qua, giới hạn không vượt quá 20% chỉ tiêu từng ngành, nhóm ngành. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt với các trường quy mô nhỏ, không thuộc nhóm trường đại học top đầu.

467329033_1096202999179856_5925604482708420970_n.jpg
Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên. (Ảnh: website nhà trường)

Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Phú Yên chia sẻ: “Trước đây, nhà trường thường phải lấy chỉ tiêu xét tuyển sớm cao hơn so với nhu cầu thực tế, vì xét tuyển sớm làm tăng lượng thí sinh ảo, các trường khó dự báo được tỷ lệ nhập học của thí sinh, gây nhiễu trong xét tuyển.

Cụ thể, các hình thức xét tuyển sớm của các trường đại học luôn thu hút được số lượng lớn học sinh nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, các trường đại học không thể chắc chắn được thí sinh có chọn trường mình hay không, vì một thí sinh có thể đăng ký xét tuyển và đỗ vào nhiều trường khác nhau. Chỉ khi thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học mới biết chính xác lựa chọn của thí sinh.

Đa số thí sinh đỗ xét tuyển sớm thường có xu hướng chọn các trường top đầu, vì vậy, với quy định giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm còn 20%, việc dự đoán và điều chỉnh lại chỉ tiêu cũng trở nên khó khăn hơn đối với nhà trường”.

Đồng quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ: “Việc xét tuyển sớm giúp cho các cơ sở giáo dục đại học chủ động trong việc tuyển sinh như: lựa chọn được học sinh khá, giỏi; có phương án tuyển sinh tiếp theo khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, việc giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ có tác động ít nhiều đến các cơ sở giáo dục, nhất là trường ở top giữa và top dưới vì tỷ lệ ảo cao. Nhiều học sinh sẽ chọn đăng ký các trường top trên và đăng ký dự phòng các trường top giữa và top dưới.

Năm 2025, nhà trường dự kiến sẽ tiếp tục sử dụng đồng thời các phương thức tuyển sinh như: kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kết quả học tập 3 năm học trung học phổ thông; tuyển thẳng theo quy chế của Trường Đại học Hồng Đức; xét tuyển học sinh có chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL iBT; kết quả thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy do các đại học hoặc trường đại học tổ chức thi năm 2025. Ngoài ra, nhà trường sẽ có nhiều chính sách khác để thu hút được học sinh khá, giỏi vào trường".

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Lê Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, đối với các trường ngoài công lập, hình thức xét tuyển sớm đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận thí sinh có học lực xuất sắc. Nếu siết chỉ tiêu xét tuyển sớm thì nhà trường sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thu hút và giữ chân thí sinh tiềm năng, đặc biệt là những thí sinh có năng lực vượt trội và đạt yêu cầu sớm.

Tuy nhiên, trên quan điểm là chấp hành nghiêm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường sẽ tiến hành điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh phù hợp để đảm bảo hiệu quả nếu dự thảo được thông qua. Đồng thời, cân nhắc và tập trung vào các phương thức xét tuyển khác như điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để bổ sung vào chỉ tiêu xét tuyển sớm bị cắt giảm.

Hiện tại, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang chờ quy chế chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2025.

th.s lê dũng uef.jpg
Thạc sĩ Lê Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Bên cạnh đó, một nội dung đáng chú ý khác trong dự thảo là các cơ sở đào tạo phải bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Phú Yên đánh giá, yêu cầu về điểm chuẩn xét tuyển sớm là một điều chỉnh hợp lý, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh đăng ký qua các phương thức tuyển sinh khác nhau. Điều này giúp hạn chế tình trạng thí sinh trúng tuyển sớm bằng phương thức có tiêu chí dễ dàng hơn nhưng lại không đáp ứng được chất lượng học tập tương xứng với các thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Quy định này cũng thúc đẩy các cơ sở giáo dục xây dựng tiêu chí xét tuyển sớm chặt chẽ hơn, chọn lọc được những thí sinh thực sự có năng lực vượt trội, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đầu vào và sự minh bạch của công tác tuyển sinh.

Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Dũng đưa ra nhận định: “Mặc dù quy định điểm chuẩn xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển chính thức là một thay đổi để đảm bảo tính công bằng và chất lượng tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi tham gia xét tuyển sớm, thí sinh thường có xu hướng ưu tiên chọn các trường top đầu, dẫn đến tỷ lệ nhập học tại các trường này thường khớp với dự kiến ban đầu. Điều đó mang lại lợi thế lớn cho các trường trong việc xác định điểm chuẩn và chỉ tiêu xét tuyển sớm. Ngược lại, các trường đại học địa phương hoặc ngoài công lập sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc dự báo chính xác tỷ lệ nhập học, bởi thí sinh thường coi đây là lựa chọn dự phòng.

Với quy định này, các trường ngoài công lập và trường top dưới sẽ phải tính toán cẩn thận hơn trong việc xác định điểm chuẩn xét tuyển sớm sao cho vừa đảm bảo chất lượng đầu vào, vừa không làm giảm tỷ lệ thí sinh đăng ký nhập học.

Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cân nhắc áp dụng quy định linh hoạt hơn, cho phép các trường điều chỉnh điểm chuẩn xét tuyển sớm dựa trên đặc thù và quy mô tuyển sinh của từng trường, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn hệ thống giáo dục đại học”.

Cần có sự tính toán kỹ lưỡng từ các cơ sở giáo dục đại học

Trước những quy định mới của dự thảo thông tư, các cơ sở giáo dục sẽ phải điều chỉnh đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2025 để vừa đảm bảo được tính công bằng giữa các thí sinh, vừa duy trì chất lượng đầu vào đồng đều.

Về phía Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, Thạc sĩ Hoàng Ngọc Viết cho biết: “Nhà trường sẽ nghiên cứu và tính toán cẩn thận khi đặt ra các tiêu chí tuyển sinh, bao gồm cả điểm các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông lẫn điểm năng khiếu thể dục thể thao.

Trước khi công bố kết quả xét tuyển sớm, nhà trường cũng cần rà soát để đảm bảo điểm chuẩn không thấp hơn điểm chuẩn dự kiến của đợt xét tuyển chính thức. Những điều kiện này không chỉ đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ mà còn khẳng định cam kết của trường trong việc duy trì uy tín và chất lượng đào tạo.

Để hạn chế sự mất công bằng giữa thí sinh xét tuyển sớm và thí sinh xét tuyển theo kế hoạch chung, nhà trường sẽ căn cứ vào quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng đề án phù hợp. Với các ngành sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp cùng điểm thi năng khiếu thì điểm năng khiếu sẽ được ưu tiên, nhưng ngưỡng đầu vào của các môn văn hóa cũng cần được đảm bảo.

Mặt khác, nhà trường mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế sớm, giúp các trường có thời gian triển khai kế hoạch phù hợp, đảm bảo việc tuyển sinh được thực hiện theo đúng quy chế và hiệu quả. Việc công khai thông tin và kế hoạch tuyển sinh sớm còn giúp thí sinh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tạo nên sự tin tưởng vào tính minh bạch, công bằng của quá trình xét tuyển. Ngoài ra, nhà trường cũng kỳ vọng có thể điều chỉnh một số tiêu chí xét tuyển thẳng đối với vận động viên, nhằm tạo điều kiện thu hút thêm nhân tài thể thao".

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn nêu quan điểm: "Để đảm bảo công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển sớm và các thí sinh xét tuyển theo kế hoạch chung, nhà trường sẽ điều chỉnh để thực hiện chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% và điểm chuẩn không thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển chung. Song song với đó, hướng dẫn thí sinh trúng tuyển sớm phải đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, tuyên truyền để thí sinh có nguyện vọng, nhu cầu học tại Trường Đại học Hồng Đức biết và tham gia đăng ký xét tuyển".

10-20230321040123-e (1).jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. (Ảnh: website nhà trường)

Cũng theo thầy Thìn, các cơ sở giáo dục cần duy trì sự bình đẳng và nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào bằng cách tiếp tục phát huy hiệu quả việc sử dụng phần mềm và cách thức tổ chức thực hiện lọc ảo chung toàn quốc.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch và hướng dẫn công tác tuyển sinh năm 2025 sớm, giúp các trường triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, việc hướng dẫn cụ thể về cách quy đổi tương đương điểm xét tuyển, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn về một thang điểm chung là rất cần thiết. Điều này không chỉ đảm bảo tính công bằng trong xét tuyển mà còn giúp hệ thống tuyển sinh trở nên minh bạch, thống nhất và thuận lợi hơn cho cả các trường lẫn thí sinh.

Thiết kế chưa có tên (2).png
(Ảnh minh họa: Phương Thảo)

Còn Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên đề xuất: “Các cơ sở giáo dục cần linh hoạt phân bổ chỉ tiêu xét tuyển sớm cho từng ngành dựa trên đặc thù và sức hút của ngành đó, các ngành có tính cạnh tranh hoặc thuộc nhóm ngành đặc thù có thể ưu tiên phần lớn chỉ tiêu xét tuyển sớm trong mức giới hạn cho phép.

Đồng thời, công tác truyền thông, tăng cường tư vấn và hỗ trợ thí sinh về việc đăng ký chính thức trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được chú trọng, đồng thời sử dụng dữ liệu tuyển sinh những năm trước để dự đoán chính xác hơn số lượng thí sinh thực sự nhập học, giảm rủi ro khi số lượng thí sinh đăng ký thực tế thấp hơn kỳ vọng và tối ưu hóa khả năng tuyển đủ chỉ tiêu”.

Phương Thảo