Thạc sĩ Dương Đức Tâm (sinh năm 1998, quê ở Vĩnh Phúc), hiện đang là giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trước đó, anh đi du học Trung Quốc theo diện học bổng toàn phần và tốt nghiệp thạc sĩ ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Tốt nghiệp loại xuất sắc, có nhiều cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn nhưng Đức Tâm vẫn lựa chọn quay lại Việt Nam cống hiến cho nền giáo dục nước nhà.
Tốt nghiệp xuất sắc toàn thành phố Bắc Kinh, chàng trai lựa chọn về Việt Nam làm việc
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Dương Đức Tâm cho biết, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Trường Đại học Thăng Long, anh đã ấp ủ giấc mơ đi du học để nâng cao thêm kiến thức học thuật và kỹ năng giảng dạy.
Sau nhiều nỗ lực, Dương Đức Tâm đã giành được học bổng toàn phần hệ thạc sĩ của 2 trường là Đại học Nhân dân Trung Quốc và Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Anh lựa chọn học ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Chế độ học bổng toàn phần mà Dương Đức Tâm nhận được gồm miễn 100% học phí, ký túc xá, bảo hiểm và được trợ cấp chi phí sinh hoạt hàng tháng (gần 130 triệu đồng/ năm) đến khi hoàn thành chương trình học thạc sĩ theo thời gian quy định.
Trong thời gian học tập tại Trung Quốc, Dương Đức Tâm tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi nghiên cứu như: là một trong 3 đại diện của Đại học Nhân dân Trung Quốc tham gia Trại hè nghiên cứu do Hội liên hiệp Nho học quốc tế tổ chức, quy tụ 22 bạn trẻ ưu tú đến từ những trường đại học hàng đầu Trung Quốc; Giành giải luận văn xuất sắc tại cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học viên cao học tại tỉnh Giang Tô - Trung Quốc và là đại diện du học sinh duy nhất trong cuộc thi này, cạnh tranh với 16 bạn sinh viên Trung Quốc đến từ những trường đại học top đầu trong nước.
Năm 2023, chàng trai Việt Nam được nhận học bổng du học sinh có thành tích học tập xuất sắc của Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Tháng 6 năm 2024, Dương Đức Tâm tốt nghiệp thạc sĩ ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc. Anh được bầu chọn danh hiệu "Học viên cao học tốt nghiệp xuất sắc toàn thành phố Bắc Kinh" cạnh tranh cùng học viên bản địa và đại diện cho các học viên phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp.
Sau 4 tháng tốt nghiệp, Thạc sĩ Dương Đức Tâm được nhận thêm học bổng trị giá gần 75 triệu đồng từ Đại học Nhân dân Trung Quốc dành cho học viên quốc tế có thành tích học tập xuất sắc. “Để được xét duyệt học bổng này, ngoài chuẩn bị hồ sơ cơ bản, tôi cần tham gia một buổi phỏng vấn để thuyết trình với thầy cô về những thành tích, cống hiến nổi bật của tôi trong quá trình học tập tại trường”, anh cho biết thêm.
Gặt hái nhiều thành tích học tập ấn tượng, thay vì ở lại Trung Quốc để có thêm cơ hội phát triển sự nghiệp, Thạc sĩ Dương Đức Tâm quyết định trở về Việt Nam với mong muốn cống hiến cho nền giáo dục nước nhà.
Sau khi về nước, anh đã nộp đơn và trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trở thành giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc.
Anh nhận ra, được đứng trên bục giảng chia sẻ những kiến thức mình có là lúc bản thân cảm nhận rõ nhất ý nghĩa sâu sắc của hai từ “sứ mệnh” trong nghề giáo.
“Lần đầu tiên đứng lớp với vai trò giảng viên, tôi không giấu được những cảm xúc hồi hộp và háo hức. Tôi biết mình còn rất nhiều điều cần học hỏi, tôi sẽ tiếp tục cố gắng nâng cao kiến thức và làm việc hết mình, hy vọng có thể truyền cảm hứng giúp các em sinh viên thêm chăm chỉ, ngày càng tiến bộ và góp phần sức mình vào sự phát triển của đất nước”, giảng viên 9X bày tỏ.
Khi đặt hết tâm huyết và sự khác biệt vào một việc, bạn có thể tạo nên dấu ấn đáng nhớ
Trước khi trở thành thạc sĩ ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế, Dương Đức Tâm từng là sinh viên có nền tảng hạn chế về tiếng Trung so với các bạn cùng lớp đại học. Xuất phát điểm thấp khiến anh từng hoài nghi về bản thân liệu có thể tiếp tục theo đuổi ngành học này hay không.
“Điểm xuất phát không tốt khiến tôi luôn hoài nghi rằng mình sẽ chẳng thể học giỏi và tiến xa hơn. Trong hai năm đầu đại học, tôi luôn lo lắng trước mỗi kỳ thi và cảm thấy lo sợ khi đối mặt với kết quả bài kiểm tra.
Đã có những lúc tôi nghĩ đến việc chuyển ngành học, suy nghĩ rằng mình có thể đã chọn sai con đường khiến tôi thấy bế tắc và mất phương hướng.
Nhưng dần dần tôi nhận ra, điều mình cần thay đổi không phải là ngành học, mà là cách nhìn nhận bản thân và đối mặt với thử thách. Những khó khăn ban đầu dần trở thành động lực để tôi khám phá khả năng thật sự của mình”, Đức Tâm nhớ lại.
Vì vậy, chàng trai Vĩnh Phúc quyết tâm khắc phục những điểm yếu của mình khi học tiếng Trung là nói ngọng, phát âm sai "l" và "n". Theo anh, việc phát âm không chuẩn là lý do dẫn đến các kỹ năng khác như nghe, đọc, viết chậm tiến bộ. Sau khi vượt qua được những khó khăn về phát âm, Đức Tâm tiếp tục tìm thêm phương pháp học tập phù hợp với bản thân để nâng cao kiến thức, bên cạnh đó là tranh thủ luyện tập từ vựng và ngữ pháp mọi lúc, mọi nơi.
Bằng sự nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ, Đức Tâm đã có những bứt phá đầu tiên trong thời sinh viên của mình. Năm 2019, Dương Đức Tâm tham gia và đạt giải quán quân cuộc thi Tranh biện tiếng Hoa được tổ chức bởi Trường Đại học Ngoại thương. Cũng trong năm đó, anh đỗ học bổng của Bộ Giáo dục Đài Loan đi học trao đổi trong trong 2 tháng hè.
Tại các năm học tiếp theo, Đức Tâm được nhận học bổng sinh viên xuất sắc và đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt của Trường Đại học Thăng Long.
Bên cạnh sự nỗ lực và quyết tâm không ngừng, một yếu tố khác giúp Dương Đức Tâm có thể vượt qua khó khăn, sở hữu cho mình những thành tích đáng ngưỡng mộ chính là sự chỉn chu, tâm huyết trong mọi việc, dù là chi tiết nhỏ nhất.
Điều này được thể hiện cụ thể trong quá trình anh chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học. Đức Tâm cho hay: “Học bổng Chính phủ Trung Quốc hệ thạc sĩ yêu cầu rất nhiều tài liệu và giấy tờ. Ngoài chỉn chu và tâm huyết trong từng nội dung, tôi còn chăm chút đến hình thức thể hiện.
Tôi đã tự thiết kế hồ sơ theo phong cách riêng, lấy cảm hứng từ màu sắc chủ đạo và các công trình kiến trúc đặc trưng của ngôi trường mà tôi muốn ứng tuyển.
Về mặt nội dung, tôi cố gắng “cá nhân hóa” từng câu chữ, thể hiện rõ ràng câu chuyện của riêng mình và những mục tiêu cụ thể. Để hạn chế những nội dung sáo rỗng hay đại trà, tôi chia sẻ những trải nghiệm, mục tiêu và định hướng thực tế, gắn liền với con người và hành trình cá nhân của tôi.
Cụ thể, trong phần kế hoạch nghiên cứu, tôi viết về việc tôi đã có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Trung trước đó, và trong quá trình giảng dạy có những vấn đề tôi thấy cần phải nghiên cứu thêm, từ đó gợi mở ra định hướng tôi sẽ nghiên cứu trong quá trình học thạc sĩ. Có một lời khuyên là các bạn nên đọc trước các đầu sách chuyên ngành để kế hoạch nghiên cứu của bạn được hoàn thiện hơn và cũng sẽ giúp ích trong quá trình phỏng vấn về sau.
Một điểm nhấn đặc biệt khác trong hồ sơ của tôi là CV giới thiệu bản thân dưới dạng video do chính tôi tự thực hiện. Video này không chỉ đơn thuần giới thiệu về hành trình tôi bén duyên với tiếng Trung, mà còn chia sẻ những khó khăn tôi đã gặp phải, cách tôi vượt qua chúng và nhờ vào tiếng Trung, tôi đã cống hiến những giá trị gì cho cộng đồng.
Sau này, khi được thầy cô chia sẻ, tôi mới biết giữa hàng trăm bộ hồ sơ được gửi đến vào thời điểm đó, sự sáng tạo và chân thành trong video đã giúp tôi nổi bật hơn, để lại ấn tượng sâu sắc với thầy cô tuyển sinh của trường. Đây chính là minh chứng rõ ràng rằng khi đặt hết tâm huyết và sự khác biệt vào một việc, bạn có thể tạo nên dấu ấn đáng nhớ”.
Vượt qua vòng đánh giá hồ sơ ban đầu, các thí sinh sẽ có một buổi phỏng vấn với nhà trường trước khi hồ sơ được các chuyên gia tuyển sinh học bổng CSC xét duyệt.
Với kinh nghiệm tham gia phỏng vấn, giảng viên 9X chia sẻ: “Khi bắt đầu buổi phỏng vấn, thí sinh sẽ có 2 phút để giới thiệu bản thân. Đây là khoảng thời gian ngắn nhưng vô cùng quan trọng, có thể tạo ấn tượng, gây chú ý ban đầu và giúp thầy cô nhớ đến bạn như một ứng viên tiềm năng.
Sau phần giới thiệu, thầy cô sẽ tiếp tục đặt câu hỏi, nhưng thường tập trung vào những nội dung không có sẵn trong hồ sơ. Đây là lúc thí sinh cần thể hiện sự tự tin, thái độ nghiêm túc, và đặc biệt là khả năng phản xạ linh hoạt.
Do đó, để chuẩn bị tốt nhất, thí sinh nên luyện tập trước trả lời các câu hỏi mở và tập trung vào việc trình bày quan điểm cá nhân một cách rõ ràng, mạch lạc. Ngoài ra, hãy luôn giữ thái độ bình tĩnh, tích cực và cho thầy cô thấy sự đam mê với lĩnh vực bạn muốn theo đuổi”.
Với hành trình đầy thử thách đã trải qua, thạc sĩ Dương Đức Tâm muốn gửi gắm đến các bạn trẻ: “Cơ hội luôn dành cho những ai có sự chuẩn bị, vì vậy hãy cố gắng trau dồi, trải nghiệm nhiều hơn, bởi tất cả những gì bạn đang học, đang đọc hay đang xem ở thời điểm hiện tại đều là quá trình tích lũy, chuẩn bị để khi cơ hội tới bạn có thể nắm bắt dễ dàng, thay vì hối hận và tiếc nuối vì trước đây đã không chuẩn bị sớm hơn một chút”.