Băn khoăn của nhiều nhân viên y tế trường học về khoản phụ cấp ưu đãi 20%

19/12/2024 06:52
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Một nhân viên y tế trường học cho biết, cô vào nghề đến nay đã 7 năm nhưng lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng.

Một nhân viên làm công tác y tế học đường tại một trường tiểu học tại phía Nam bày tỏ trăn trở về khoản phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học được quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

giao-vien-y-te-4860.jpg
Ảnh minh họa trên giaoduc.net

Đi hỏi loanh quanh vẫn chỉ là chờ xem xét

Cô M.L. (đề nghị không nêu tên) là nhân viên y tế một trường học tại một tỉnh phía Nam chia sẻ: “Cũng là nhân viên y tế trường học nhưng một số đồng nghiệp của tôi ở địa phương lân cận lại nhận được khoản tiền phụ cấp 20%/tháng. Riêng tôi, bao nhiêu năm nay, cũng đã đi hỏi nhiều nơi nhưng cuối cùng vẫn chưa nhận được khoản tiền này”.

Nói rồi, cô M.L cho biết mình đã từng hỏi kế toán về khoản phụ cấp và được trả lời nếu có quyết định của hiệu trưởng, kế toán sẽ làm. Lên hỏi thầy hiệu trưởng thì thầy chỉ trả lời quanh co và chỉ cô đi hỏi một cơ quan khác.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của người viết, Khoản 6, Điều 2 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định mức phụ cấp ưu đãi: "Đối với công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức y tế làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung (trừ đối tượng quy định tại điểm b khoản 5 Điều này), viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng".

Quy định chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế trường học chưa rõ ràng?

Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.

Có người thắc mắc Nghị định quy định hiệu trưởng phải căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định việc chi trả phụ cấp ưu đãi với nhân viên y tế trường học nhưng đối với các trường công lập hiện nay đặc biệt ở bậc tiểu học đều được ngân sách chi 100% không có một khoản thu thêm nào khác thì sẽ xem xét như thế nào? Trường có nguồn thu nào mà căn cứ?

Có lẽ vì quy định: “…thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định…” nên một số hiệu trưởng đã không giải quyết vì đơn vị không có nguồn thu nào khác.

Tuy nhiên, một nhân viên kế toán trường học có chi trả khoản phụ cấp này cho nhân viên y tế chia sẻ với người viết rằng: “Đầu năm, nhà trường làm quy chế chi tiêu nội bộ và đưa khoản phụ cấp sẽ chi trả cho nhân viên y tế học đường vào là sẽ có kinh phí chi trả vào lương hàng tháng. Nghị định quy định rõ ràng, mình có tự đặt ra khoản chi đâu mà sợ”.

Không riêng địa phương tôi, nhân viên y tế trường học tại tỉnh Ninh Bình cũng đã có kiến nghị và được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình thông tin trên báo chí như sau: “Ngày 22/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc căn cứ Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ để xem xét, quyết định hỗ trợ phụ cấp ưu đãi cho các viên chức y tế trong trường học.

Mức hỗ trợ không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.[1]

Mong mỏi của nhân viên y tế trường học

Cô M.L. nhân viên y tế một trường tiểu học gần 900 học sinh cho biết, bản thân cô làm việc gần 10 tiếng/ngày. Một mình phụ trách số lượng học sinh nhiều như vậy cũng khá vất vả. Có ngày hàng chục học sinh bị sốt, ho, cảm cúm cần nhân viên y tế chăm sóc, tư vấn.

Nhân viên y tế phải đo nhiệt độ, có em sốt cao phải cho uống thuốc hạ sốt, liên hệ người nhà chở về. Giờ ra chơi, học sinh thường xuyên bị vấp té gây thương tích nhẹ.

Rồi thực hiện cân, đo, ghi sổ sức khỏe theo dõi. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh còn phải lên kế hoạch, làm sổ theo dõi, kết hợp y tế địa phương hỗ trợ tiêm chủng…

Công việc nhiều nhưng thu nhập thấp nên nên đời sống cô rất khó khăn. Nói rồi cô M.L. cho biết, cô vào nghề đến nay đã 7 năm nhưng lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng.

Mong muốn của cô M.L. cũng là nguyện vọng của nhiều nhân viên y tế học đường là được quan tâm về chế độ phụ cấp, thâm niên để họ yên tâm gắn bó.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/y-kien-ban-doc/xem-xet-chi-tra-phu-cap-cho-nhan-vien-y-te-hoc-duong-1428572.ldo

Thuận Phương