Tranh thủ thời cơ, nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

14/12/2024 14:52
Theo Nhandan.vn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sáng 14/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bùi Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế thông minh, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm trở thành mục tiêu, định hướng của cả thế giới này. Muốn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì chúng ta phải đi đúng hướng của thời đại, đánh giá chuẩn xác trên cơ sở đó có phản ứng chính sách kịp thời; phải theo kịp, tiến cùng, vượt lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (Ảnh: Trần Hải)

Giai đoạn tới, chúng ta phải thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (năm 2030 kỷ niệm 100 năm Thành lập Đảng, năm 2045 kỷ niệm 100 năm Thành lập nước), nếu cứ tiến “bình bình” thì sẽ mắc bẫy trung bình thấp, đồng thời 2 mục tiêu trên khó đạt được, do đó phải tạo đột phá, nhất là tăng trưởng kinh tế, từ đó sẽ kéo theo thu nhập bình quân đầu người tăng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Theo Thủ tướng, ngoài động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) cần làm tốt hơn thì phải thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, trong đó chuyển đổi số là động lực lớn mà các nước đang nỗ lực thúc đẩy, coi đây là cuộc cách mạng xác định tiến trình lịch sử và trật tự thế giới mới. Chuyển đổi số là lĩnh vực rộng, nhưng cốt lõi là trí tuệ nhân tạo (AI), mà AI phải dựa vào cơ sở dữ liệu của Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải nâng cao nhận thức về tư duy đột phá, về vai trò của các động lực tăng trưởng mới trong đó có chuyển đổi số, AI…; phải hoàn thiện thể chế, ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực đã lựa chọn là động lực tăng trưởng; rà soát về hạ tầng để chú trọng đầu tư phát triển; coi trọng phát huy nguồn nhân lực, khâu quản trị, bảo đảm cung ứng điện ổn định.

Trong đó, về nguồn nhân lực, Thủ tướng yêu cầu cần mạnh dạn giao các cơ sở đào tạo đại học thực hiện việc này.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần này, vào cuộc tích cực, khẩn trương với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó thì mới “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái” vì đây là thời cơ rất thuận lợi.

Chúng ta cần nắm bắt thời cơ, chuyển từ thời cơ thành hành động cụ thể để phát triển, góp phần tạo ra tăng trưởng ở mức 2 con số. Do đó, Thủ tướng cũng đề nghị cần phải tạo cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian vừa qua, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh, khả năng phát triển cơ sở hạ tầng, các cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở và quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ.

Trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam hiện đang tham gia vào các công đoạn: thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, sản xuất thiết bị và nguyên liệu liên quan đến bán dẫn nhưng chưa có nhà máy sản xuất chip. Trong đó, có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 6.000 kỹ sư, công đoạn đóng gói kiểm thử có 7 nhà máy, với khoảng 6.000 kỹ sư, chưa bao gồm hơn 10.000 kỹ thuật viên; các doanh nghiệp về sản xuất thiết bị và nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn như Samsung, Seojin, Coherent,... cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động.

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như NVIDIA, Qualcomm, LAM Research, Qorvo, AlChip... chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Điển hình là Samsung có kế hoạch đầu tư 2 nhà máy kiểm định, đóng gói bán dẫn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,1 tỷ USD.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ, cơ quan và các bên liên quan thành lập Tổ công tác triển khai hợp tác với NVIDIA do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng; thành lập Tổ đàm phán tiến hành các cuộc trao đổi, làm việc với lãnh đạo Tập đoàn NVIDIA để thu hút đầu tư, cụ thể hóa phương án hợp tác với Việt Nam và đã đạt được một số kết quả đột phá, đem lại tiếng vang lớn và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Cụ thể: NVIDIA đã ký thỏa thuận với một số đối tác về việc dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam, cung cấp các bộ vi xử lý hình ảnh (GPU) và các thiết bị kết nối với cam kết đầu tư từ 4 -4,5 tỷ USD trong vòng 4 năm tới tại 6 địa phương. Việc này sẽ giúp tạo thêm khoảng 4.000 việc làm trực tiếp và khoảng 40.000-50.000 việc làm gián tiếp trong những năm tới.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Ngày 5/12/2024, Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã được ký kết nhằm hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI), Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Thỏa thuận là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có tác động lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam; đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài công nghệ AI và bán dẫn.

Sự kiện ký kết thỏa thuận với NVIDIA đã được dư luận xã hội đánh giá rất cao về sự quyết tâm, hành động quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động, tích cực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn: thời gian vừa qua, thực hiện định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, tiềm năng trong lĩnh vực bán dẫn, đưa hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ thành nội hàm then chốt của các khuôn khổ đối tác, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác từ việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ đầu tư, công nghệ.

Cụ thể: tích cực lồng ghép nội dung hợp tác công nghệ, nhất là các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp với Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc. Tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập các khuôn khổ hợp tác bán dẫn với các đối tác như:

Với Mỹ, tích cực triển khai các chương trình của Quỹ đổi mới và an ninh công nghệ (ITSI), sáng kiến quan trọng của Đạo luật Chip của Mỹ. Cụ thể, trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ đào tạo 120 giảng viên và 4.000 sinh viên và hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo về đóng gói, kiểm thử chip cho 20 trường đại học tại Việt Nam.

Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Với Hàn Quốc, đẩy mạnh triển khai dự án Đối tác tương lai Việt-Hàn về nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy thiết lập Tổ công tác liên ngành Việt-Hàn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và AI.

Với Nhật Bản, hợp tác bán dẫn, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, là một trong năm ưu tiên của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới giai đoạn 1 (tháng 3/2024-10/2025). Dự kiến sẽ có khoảng 100 nhà nghiên cứu được cử sang học tập, nghiên cứu chuyên sâu tại Nhật Bản hằng năm.

Với Đài Loan (Trung Quốc): bước đầu hình thành các cơ chế hợp tác thông qua kênh hiệp hội doanh nghiệp “Chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế" (INTENSE) cho sinh viên Việt Nam, dự kiến mỗi năm sẽ có khoảng hơn 1.000 sinh viên Việt Nam được phía Đài Loan cấp học bổng học tập và làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Đài Loan. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) sang khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam, riêng trong năm 2024 đã có khoảng 5 doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn lớn của Đài Loan thống nhất phương án hợp tác, đầu tư với Việt Nam.

Với các nước châu Âu, Việt Nam cũng đã có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác liên quan của Hà Lan, Pháp, Đức, Bỉ,... để kết nối doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, cũng như cấp các chương trình học bổng cho sinh viên, giảng viên Việt Nam sang học tập, làm việc trong lĩnh vực bán dẫn tại châu Âu.

Những kết quả trên là minh chứng thể hiện sự nỗ lực và hành động quyết liệt của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo và cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Nhandan.vn