Bắt đầu từ năm 2024, thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ phải thi hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn; hai môn học sinh tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ.
Theo khảo sát lựa chọn đăng ký môn thi tốt nghiệp của học sinh ở nhiều trường cho thấy, đa phần học sinh có xu hướng lựa chọn các môn thi khoa học xã hội. Hai môn thi mới từ năm 2025 là Tin học, Công nghệ thí sinh ít chọn.
Học sinh “chưa dám” lựa chọn đăng ký những môn thi mới
Theo khảo sát lựa chọn môn thi tốt nghiệp năm 2025 của học sinh tỉnh Lạng Sơn vào đầu năm học, môn Địa lý là môn học được thí sinh đăng ký lựa chọn nhiều nhất với 53,1%, xếp vị trí thứ hai là môn Lịch sử với 34,6%, tiếp đến là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật với 33,4%. Trong khi đó, các môn tự nhiên có lượng thí sinh đăng ký thấp hơn hẳn. Cụ thể, có 20,1% thí sinh đăng ký thi môn Vật lý, 15,8% thí sinh đăng ký thi môn Hóa học và 10,3% đăng ký thi môn Sinh học. Được biết, đầu học kỳ II, tỉnh sẽ phối hợp với các trường khảo sát lại nguyện vọng đăng ký môn thi của học sinh nhưng theo dự đoán sẽ không có quá nhiều thay đổi.
Tỉnh Sơn La cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Theo đó, môn Địa lý cũng là môn được thí sinh tỉnh này đăng ký lựa chọn nhiều nhất với 64,67%, xếp vị trí thứ hai là môn Lịch sử với 50,24%, thứ ba là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật với 40,52%. Trong khi đó, các môn tự nhiên chỉ có thí sinh đăng ký từ 10-11%. Cụ thể, chỉ có 11,63 thí sinh đăng ký thi môn Vật lý, 11,98% đăng ký thi môn Sinh học và 10,79% đăng ký thi môn Hoá học.
Ông Đặng Hồng Cường, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn nhận định, việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông và định hướng nghề nghiệp của học sinh hiện nay là một quá trình dài, chịu sự tác động từ nhiều yếu tố như thông tin tuyển sinh, tình hình kinh tế - xã hội và định hướng cá nhân.
Năm nay, học sinh vẫn xu hướng lựa chọn môn các môn thi khoa học xã hội. Các môn khoa học tự nhiên có hệ thống kiến thức phức tạp và đòi hỏi học sinh phải có tư duy logic, nền tảng chắc chắn mới có thể đạt kết quả cao. Trong khi đó, các môn khoa học xã hội được chia thành từng vấn đề cụ thể, học sinh có thể tìm hiểu và ghi nhớ dần, chỉ cần chăm chỉ, học sinh vẫn có thể đạt điểm cao và đảm bảo khả năng đỗ tốt nghiệp. Việc lựa chọn các môn xã hội được xem là phương án an toàn đối với các học sinh.
Bên cạnh đó, tại khu vực miền núi, các ngành công nghiệp, kỹ thuật chưa phát triển mạnh, cơ hội việc làm trong các lĩnh vực này còn hạn chế. Do đó, học sinh miền núi có xu hướng chọn các môn xã hội và ngành nghề liên quan, phù hợp với đặc điểm kinh tế và điều kiện sống của địa phương.
Theo cán bộ Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La, tại khu vực miền núi, chỉ khoảng 40% học sinh có nguyện vọng thi đại học, còn 60% có nhu cầu tốt nghiệp.
Năng lực học tập các môn tự nhiên của đa số học sinh tại đây còn hạn chế, khiến việc đăng ký các môn này trở thành lựa chọn ít phổ biến hơn. Phần lớn học sinh (gần 70%) đăng ký thi tốt nghiệp với các môn thuộc nhóm khoa học xã hội dễ đạt điểm để đảm bảo tốt nghiệp.
Tại một số trường trong thành phố, dù tỷ lệ học sinh chọn các môn xã hội vẫn cao hơn các môn tự nhiên, nhưng khoảng cách lựa chọn các môn xã hội và tự nhiên này đã thu hẹp đáng kể so với những năm trước.
Tại Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La), thầy Bùi Ngọc Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu cho biết, năm nay, nhà trường có 545 học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có khoảng 60% thí sinh lựa chọn môn thi xã hội và 40% thí sinh lựa chọn môn thi tự nhiên, những năm trước thí sinh đăng ký thi tổ hợp môn xã hội là khoảng 70%, thí sinh đăng ký thi tổ hợp tự nhiên là khoảng 30%.
Việc học các môn tự nhiên đòi hỏi hệ thống kiến thức chắc chắn ngay từ đầu, chỉ những học sinh rất giỏi môn tự nhiên và tự tin mới “dám” đăng ký các môn này. Phần lớn học sinh chọn môn xã hội như một lựa chọn an toàn, vì yếu tố chăm chỉ có thể giúp các em vượt qua kỳ thi tốt nghiệp dễ dàng hơn.
Việc lựa chọn môn thi xã hội là xu hướng từ trước đến nay của học sinh nhà trường, tuy nhiên tỷ lệ lựa chọn giữa môn thi xã hội và môn thi tự nhiên qua các năm ngày càng được cân bằng. Sự chuyển dịch này phản ánh việc triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, khi đầu vào giữa các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đã cân bằng hơn, với tỷ lệ gần 50-50.
Ngoài các môn truyền thống trước đây năm nay môn Tin học và Công nghệ lần đầu xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, số lượng học sinh lựa chọn còn rất ít. Tại Lạng Sơn ghi nhận số học sinh đăng ký ở hai môn này là 3% đối với môn Tin học và 8,7% đối với môn Công nghệ. Tại Sơn La, số lượng đăng ký hai môn này cũng không khả quan với 0,25 thí sinh lựa chọn đăng ký môn Tin học và 0,93% thí sinh lựa chọn đăng ký môn Công nghệ.
Lý giải về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn cho biết, đây là năm đầu tiên hai môn này trở thành môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, việc học sinh quyết định lựa chọn các môn thi mới như Tin học và Công nghệ còn gặp nhiều khó khăn. Học sinh còn dè dặt khi chọn thi các môn Tin học và Công nghệ do chưa xác định được lộ trình rõ ràng cho đầu vào đại học từ hai môn này. Mọi người đều chưa có trải nghiệm thực tế hay kinh nghiệm, lựa chọn tổ hợp thi từ hai bộ môn này để chia sẻ, tư vấn với các học sinh.
Ngoài ra, đến thời điểm này, các trường đại học vẫn chưa công bố rõ ràng đề án tuyển sinh chính thức, chưa có phương thức, tổ hợp xét tuyển từ môn thi mới. Điều này tạo ra tâm lý e ngại cho học sinh khi chọn lựa các môn học này làm định hướng thi xét tuyển đại học.
Trường đại học công bố đề án tuyển sinh, học sinh có thể điều chỉnh lại lựa chọn
Theo ông Đặng Hồng Cường, các cuộc khảo sát chỉ mang tính tham khảo, giúp các trường xây dựng kế hoạch ôn luyện cho học sinh. Đến học kỳ II, khi các trường đại học công bố đề án tuyển sinh, học sinh có thể điều chỉnh lại lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng của mình.
Thời điểm quyết định cuối cùng sẽ là khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu học sinh chốt môn thi. Trước đó, trong quá trình tiếp nhận thông tin và cân nhắc đề án tuyển sinh của các trường, việc thay đổi môn thi là điều bình thường và cần thiết để phù hợp với mục tiêu học tập của học sinh.
Các trường trung học phổ thông phải luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Điều này sẽ tạo áp lực cho các thầy cô, nhưng quan trọng hơn cả là đảm bảo quyền lợi cao nhất cho học sinh. Tuy nhiên, kế hoạch ôn luyện cụ thể cần được tính toán dựa trên tình hình thực tế từng thời điểm.
Ngay từ đầu năm lớp 10, học sinh cần được định hướng lựa chọn khối học gắn liền với nghề nghiệp tương lai. Việc lựa chọn môn tự chọn trong chương trình học phổ thông sẽ ảnh hưởng đến định hướng thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học sau này. Do đó, cần có sự liên thông chặt chẽ từ cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông đến đầu vào các trường đại học.
Thầy Bùi Ngọc Khánh chia sẻ, ngay từ khi tuyển sinh vào lớp 10, các trường đã tổ chức nhiều buổi tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin rõ ràng về lựa chọn tổ hợp môn học. Học sinh và phụ huynh được định hướng chọn lớp dựa trên năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp. Với Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, việc phân hóa học sinh theo tổ hợp môn học đã rõ rệt hơn, giúp quá trình định hướng trở nên thuận lợi.
Hầu hết học sinh đã có định hướng nghề nghiệp ngay từ lớp 9. Điều này giúp việc chọn lớp, chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 trở nên dễ dàng. Đến cuối năm lớp 12, số học sinh thay đổi nguyện vọng tổ hợp môn thi rất ít, gần như không có. Nếu có sự thay đổi, thường xảy ra ở lớp 10 hoặc lớp 11, khi học sinh nhận thấy bản thân không phù hợp với môn học ban đầu hoặc có nguyện vọng mới do gia đình hoặc bản thân thay đổi hướng nghề nghiệp.
Việc thay đổi tổ hợp môn học trong quá trình học đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ học sinh. Đặc biệt với các môn tự nhiên, nếu học sinh muốn chuyển sang tổ hợp xã hội thì cần bổ sung kiến thức nền từ đầu. Tuy nhiên, theo quy định, học sinh có thể xin chuyển nếu đáp ứng đủ yêu cầu về kiến thức và vượt qua bài kiểm tra đánh giá. Nhà trường cũng tích cực hỗ trợ học sinh trong trường hợp này.
Vị cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La nhận định, tình trạng mất cân đối trong lựa chọn tổ hợp môn học phần nào phản ánh xu hướng thực dụng của học sinh, khi các em ưu tiên những môn dễ học, dễ đạt kết quả thay vì theo đuổi các môn học khoa học cơ bản. Dù chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thay đổi nhiều về cách thức thi tốt nghiệp và tuyển sinh tuy nhiên nếu cách dạy, cách học không khơi gợi được sự hứng thú với các môn khoa học tự nhiên thì rất khó thu hút được các em.
Hiện nay, quyền lựa chọn môn học hoàn toàn thuộc về học sinh. Do đó, để không làm mất cân bằng giữa các tổ hợp, ngành nghề tương lai, địa phương và các trường cần được đẩy mạnh công tác định hướng thông qua tuyên truyền và tư vấn từ sớm.
Từ lớp 10, học sinh cần tự đánh giá năng lực cá nhân cũng như xác định nhu cầu nghề nghiệp tương lai để chọn tổ hợp môn phù hợp. Quyền tự chọn môn học giúp các em phát huy thế mạnh của mình ngay từ bậc trung học cơ sở, nhưng nếu sau lớp 11, các em muốn đổi hướng môn học để thi tốt nghiệp, nhà trường sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, việc này thường gây thiệt thòi, do các em phải bổ sung kiến thức nền để bắt kịp bạn bè đã học tổ hợp đó từ đầu.
Ông Đặng Hồng Cường cũng cho hay, địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền phân luồng học sinh để đảm bảo nguồn nhân lực trong tương lai. Các trường đã triển khai nhiều mô hình tư vấn để học sinh tìm hiểu, định hướng nghề nghiệp. Đồng thời, sở ban ngành liên quan cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực của địa phương, định hướng phát triển ngành nghề để có thể tư vấn, định hướng cho học sinh một cách tổng quan nhất.
Nhu cầu an toàn và tính thực tế là yếu tố quan trọng trong quyết định của học sinh. Chỉ khi nhìn thấy tiềm năng phát triển và cơ hội nghề nghiệp rõ ràng, học sinh mới tự tin lựa chọn ngành học và môn thi phù hợp. Việc lựa chọn ngành nghề là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Học sinh đã được tư vấn và phân luồng từ cấp trung học cơ sở, có sự hình dung về nghề nghiệp dựa trên truyền thống gia đình, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, năng lực và sở thích cá nhân.
Các trường đại học cũng chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn của học sinh. Trường đại học chính là đầu ra của các trường trung học phổ thông, đích mà các học sinh đang hướng đến. Các trường đại học cần công bố đề án tuyển sinh sớm và ổn định phương thức, tổ hợp để học sinh có thông tin kịp thời lựa chọn môn thi, định hướng nghề nghiệp phù hợp.