Chiều 17/12, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức đánh giá kết quả triển khai thi hành Luật Thủ đô trong năm 2024; triển khai tuyên truyền, tập huấn Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành trong năm 2025; đồng thời triển khai đợt cao điểm tuyên truyền về Luật Thủ đô vào thời điểm Luật có hiệu lực từ 01/01/2025 gắn với Chỉ thị 37-CT/TU ngày 06/12/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về triển khai thi hành Luật Thủ đô. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Hội nghị do Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì.
Ban hành 17 Nghị quyết quy định chi tiết Luật Thủ đô năm 2024
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho biết, năm 2024, trong tổng số 96 văn bản triển khai thi hành Luật phải xây dựng, các đơn vị đã trình 17 Nghị quyết, được Hội đồng nhân dân Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua tại Kỳ họp thứ 20 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) nhằm thể chế hóa Luật Thủ đô, 5 dự thảo Nghị quyết phải lùi lại do điều kiện khách quan.
Về tình hình triển khai Luật Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đào Duy Phong cho biết, Sở được giao xây dựng 4 Nghị quyết về triển khai thi hành Luật Thủ đô. Đối với 2 Nghị quyết Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách phát triển hạ tầng giao thông nhằm thể chế hóa Điều 30 của Luật Thủ đô, dự kiến sẽ trình Ủy ban nhân dân Thành phố vào tháng 3/2025, tháng 5 trình Hội đồng nhân dân Thành phố.
Đối với 2 Nghị quyết liên quan chuyển đổi năng lượng xanh, sạch và Nghị quyết về khuyến khích khai thác xây dựng bến bãi đỗ xe, Sở xác định đây là cơ hội để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố, dựa trên quy định trong Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch ngành Giao thông vận tải Thủ đô, đơn vị đang tiến hành xây dựng dự thảo.
Đối với các quận, huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, giữa năm 2025 quận hoàn thành 4 nội dung triển khai thi hành Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt, gồm: Đề án Trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng; Khu thương mại, văn hóa (BID); Đề án khu bảo tồn nội đô và Quy định về quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô.
Trên cơ sở tiến độ triển khai 41 danh mục dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân Thành phố các sở, ban, ngành báo cáo tiến độ thực hiện, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu Sở Tư pháp Thành phố lập danh mục dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở rà soát tiến độ của dự thảo, đề xuất trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, phê duyệt thông qua.
Đẩy mạnh tuyên truyền về dấu mốc Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Luật Thủ đô 2024 mang nhiều ý nghĩa với Hà Nội. Do đó, công tác truyền thông phải có sự đầu tư, vừa bề nổi vừa chiều sâu, có kế hoạch cụ thể, bài bản.
Để đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ triển khai đợt tuyên truyền cao điểm về Luật Thủ đô (thời điểm Luật có hiệu lực từ 1/1/2025), gắn với tuyên truyền Chỉ thị số 37-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về triển khai thi hành Luật Thủ đô và các Nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 19 và 20 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025).
Chiến dịch tuyên truyền tập trung cao điểm vào Quý I và Quý II năm 2025, bao gồm các hoạt động quán triệt, tuyên truyền, phổ biến luật đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tổ chức đợt sinh hoạt chuyên đề về Luật Thủ đô 2024 và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô…
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị, trong Quý I và Quý II năm 2025, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền về dấu mốc Luật có hiệu lực, và những lợi ích, tác động tích cực của Luật Thủ đô mang lại cho người dân.
Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch tuyên truyền cao điểm từ ngày 1/1/2025 đến hết Quý 1/2025.
Đồng thời, đề nghị, các đơn vị triển khai đồng loạt 3 nhiệm vụ về công tác tuyên truyền gồm: tổ chức các chương trình tọa đàm, hội thảo; mở các lớp tập huấn về triển khai Luật, trong đó triển khai đồng bộ các nội dung: xây dựng bộ tài liệu chuẩn; xây dựng đội ngũ báo cáo viên là chuyên gia trực tiếp xây dựng Luật; cán bộ, công chức trực tiếp tham gia xây dựng Luật và triển khai hình thức tập huấn phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Đối với các cơ quan báo, đài Thành phố, lãnh đạo Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu các đơn vị phải lên kế hoạch chi tiết cho ngày chính thức ra mắt Luật Thủ đô 01/01/2025, các hình thức thể hiện đa dạng, sinh động, thu hút người xem và khán giả. Các phương án báo cáo lãnh đạo Thành phố duyệt trước khi chính thức phát hành.
Ngày 6/12/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô. Chỉ thị nhằm triển khai thi hành Luật Thủ đô đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn Thành phố, gắn kết chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về nội dung, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.
Đặc biệt là tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Tập trung, huy động mọi nguồn lực, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô theo thẩm quyền của Thành phố.
Việc xây dựng văn bản phải bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của Luật Thủ đô và yêu cầu thực tiễn của Thành phố. Bảo đảm thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Tiếp tục rà soát về tổ chức, bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, viên chức để triển khai việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan bên trong, bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác.
Bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính Nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; bố trí hợp lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu về đặc điểm, tính chất, khối lượng công việc đặc thù của Thủ đô và thực hiện chế độ chi thu nhập tăng thêm theo thẩm quyền được giao cho thành phố quy định tại Luật Thủ đô.
Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đề án về phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật Thủ đô, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng quản lý, điều kiện, khả năng cân đối các nguồn lực cần thiết để bảo đảm việc tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền Thành phố.