Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị cấp cao đầu tiên về bệnh lao. ảnh: TTXVN. |
Hiện nay trên thế giới có khoảng 10,4 triệu người trên khắp thế giới và thủ phạm gây bệnh là đói nghèo, mất bình đẳng, di cư và xung đột.
Theo Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - bà Amina Mohammed, cần có những hệ thống y tế và phúc lợi xã hội tốt hơn, đầu tư nhiều hơn để chấm dứt cuộc khủng hoảng này.
Bà Mohammed cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có những công cụ tốt hơn để khắc phục tình trạng kháng vi sinh vật: mỗi năm có khoảng 60.000 ca mắc bệnh lao "nhờn thuốc."
Tổ chức Y tế thế giới sẽ đi đầu những nỗ lực của toàn Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ các chính phủ, hợp tác với xã hội dân sự và tất cả các đối tác để đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Việt Nam đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về giảm bệnh lao, nhưng hiện nay vẫn còn đến 13.000 người chết và 126.000 người mắc bệnh mỗi năm - con số không thể chấp nhận được.
Nghị quyết Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao, và Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia chấm dứt bệnh lao với trách nhiệm của các ngành, các cấp và của cộng đồng cho nhiệm vụ hết sức quan trọng này.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra cam kết sẽ thực hiện thành công Chương trình chấm dứt bệnh lao, vì lợi ích chung của toàn nhân loại, vì cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
Việt Nam cũng cam kết sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một nước nào bị tụt hậu trong cuộc chiến nhằm "xóa sổ" bệnh lao vào năm 2030.
Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phòng, chống bệnh lao. ảnh: TTXVN. |
Hàng năm, Việt Nam phát hiện, đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỷ lệ phát hiện đạt 81% số mắc mới hàng năm so với mức trung bình 61% trên thế giới. Điều trị khỏi bệnh 90% số trường hợp mắc lần đầu; trong số 12.019 người bệnh lao kháng đa thuốc được điều trị, tỷ lệ khỏi đạt trên 75% (mức trung bình trên thế giới là 52%).
Hiện chương trình chống lao quốc gia có thể điều trị cho tất cả các thể lao kháng đa thuốc và siêu kháng với phác đồ ngắn hạn và phác đồ có thuốc mới mở rộng trên phạm vi toàn quốc.
Việt Nam đang đứng thứ 16 trên thế giới về gánh nặng bệnh lao, xếp thứ 13 về lao kháng thuốc. Ước tính năm 2017, có thêm 126.000 người mắc lao và 13.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia phòng chống lao, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm đa ngành và cả hệ thống chính trị cho công tác này.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho chương trình chống lao tiếp tục được Bộ Y tế ưu tiên đầu tư trong chương trình mục tiêu y tế và dân số.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 7 vừa qua, bà Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao, mở đường cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.
Chương trình Lao toàn cầu cam kết hỗ trợ mạnh mẽ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong những nỗ lực kết thúc bệnh lao, căn bệnh có thể phòng và chữa khỏi.