Cán bộ và Cái gốc

30/04/2020 06:00
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Điều mà người dân và không ít đảng viên chưa biết là trong số hơn 180 cán bộ quy hoạch cấp chiến lược đã được bồi dưỡng, ai được quy hoạch vào vị trí nào...

Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá một cách toàn diện thành tích và yếu kém của công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ.

Cho đến nay, không ít phát biểu của một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về cán bộ đã trở thành câu trích dẫn thường nhật trong các bài báo như:

“Ăn của dân không từ thứ gì”;

“Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này";

“Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”;…

Sau khi đọc bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảm nhận như là lần đầu tiên thấy một vị lãnh đạo đề cập một cách thẳng thắn, không né tránh những gì đã và đang xảy ra trong công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ - yếu tố quyết định đến đời sống chính trị đất nước.

Phần nói về ưu điểm, mặt tích cực của đội ngũ cán bộ, từ câu “Sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới…” đến câu “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế thích ứng nhanh…” gồm 382 từ.

Phần nói về khuyết điểm, tồn tại từ câu “Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng…” đến câu “Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc…” có 468 từ (*).

Không nên ngây thơ cho rằng số từ nhiều hơn nên khuyết điểm nhiều hơn ưu điểm.

(Ảnh minh họa trên Dangcongsan.vn)
(Ảnh minh họa trên Dangcongsan.vn)

Như nhiều phát biểu từ trước đến nay, những tồn tại trong công tác cán bộ và chính đội ngũ cán bộ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn thừa nhận:

“Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.

Bài viết “Sức mạnh của niềm tin” đăng trên Tạp chí Cộng sản vào tháng 10 năm 2019 có đoạn: “Một bộ phận không nhỏ đảng viên có biểu hiện suy thoái, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng”. [1]

Có thể thấy sự khác biệt rõ nét trong ngôn từ của các nhà lý luận, của người viết báo với lời văn của người đứng đầu Đảng – Nhà nước.

Tổng Bí thư không dùng cụm từ “Một bộ phận không nhỏ đảng viên” mà là “Một bộ phận cán bộ”, sự suy giảm niềm tin mà ông đề cập không còn bó hẹp trong phạm vi Đảng như trong bài viết [1] mà là “Đảng và Nhà nước”.

Nói đến “một bộ phận cán bộ” tức là những người được xếp vào hàng “cán bộ” không phân biệt đảng viên hay ngoài đảng.

Nói đến “Đảng và Nhà nước” tức là nói đến thể chế chính trị và hệ thống chính trị.

Nói đến “suy giảm niềm tin” tức là niềm tin chưa mất nhưng không còn nguyên vẹn.

Ai thua trong cuộc chiến “Cán bộ - Quy trình”?

Hậu quả của công tác cán bộ (nhiệm kỳ 12) thể hiện qua một con số tương đối tròn trĩnh:

“Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 12 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự”.

Trong số gần 100 người bị kỷ luật có ba vị từng là hoặc đang là Ủy viên Bộ Chính trị gồm các ông Đinh La Thăng, Lê Thanh Hải, Hoàng Trung Hải, có một vị nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Trong số những người bị xử lý hình sự có một số Bộ trưởng, tướng lĩnh cao cấp quân đội, công an và mức án cao nhất đã tuyên là chung thân (Nguyễn Bắc Son).

Công tác cán bộ chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 13 mà báo chí đăng tải cho thấy đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được quy hoạch là 184 người.

Cũng có thông tin cho rằng “Hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương xác định đội ngũ cán bộ cấp chiến lược khoảng 600 người, ở Trung ương bao gồm các đồng chí cấp Thứ trưởng, Phó Ban của Đảng và các cấp tương đương trở lên, còn ở địa phương là Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh”. [2]

Cuối tháng 10/2019, Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã bế giảng 2 Lớp bồi dưỡng kiến thức cho 95 học viên được quy hoạch. 

Hai lớp tiếp theo gồm 86 người đã tổ chức bế giảng vào ngày 02/03/2020.

Những người trong quy hoạch sẽ được “giới thiệu, đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các địa phương, ban, bộ, ngành ở Trung ương, Trưởng các cơ quan, đoàn thể Trung ương, Tập đoàn, Tổng công ty lớn; quy hoạch Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương,…”. [3]

Có thể thấy các vị trí lãnh đạo trong toàn bộ hệ thống chính trị đã được quy hoạch và chỉ còn chờ kết quả bầu cử cuối cùng khi tiến hành đại hội Đảng.

Chưa thể khẳng định toàn bộ số cán bộ được quy hoạch sẽ trúng cử khi đại hội bỏ phiếu bởi quyết định cuối cùng chỉ có sau khi bầu cử, điều này có nghĩa là vẫn có thể có những người thuộc diện quy hoạch nhưng không đủ tín nhiệm trước đại hội.

Điều mà người dân và không ít đảng viên chưa biết là trong số hơn 180 cán bộ quy hoạch cấp chiến lược đã được bồi dưỡng, ai được quy hoạch vào vị trí nào, dựa vào tiêu chí cụ thể nào ngoại trừ tiêu chuẩn chung cho cán bộ cấp chiến lược?.

Giống lép và Mùa củi
Giống lép và Mùa củi

Nói đến tiêu chí cụ thể bởi trước đây, đã là cán bộ thì hình như làm việc gì cũng được, có người lúc thì lãnh đạo bộ, lúc lãnh đạo đoàn thể quần chúng, lúc lại làm công tác đảng và hình như không gặp khó khăn nào.

Sau đại hội 13, những người sẽ đảm nhận những vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống chính trị sẽ phải đối diện với “Tình hình tư tưởng trong Đảng và tâm trạng trong nhân dân, bên cạnh mặt tích cực là cơ bản, cũng có những biểu hiện đáng lo ngại” – như nhận định của Tổng Bí thư.

Liệu các khó khăn, sự lo ngại có gia tăng khi đội ngũ cấp chiến lược này lại không phải là những người “sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây” mà là “lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”?

Thực ra nêu câu hỏi này là không cần thiết bởi ngay từ ngày mới thành lập Đảng, đội ngũ lãnh đạo đã được học tập và đào tạo từ nhiều quốc gia có thể chế chính trị khác nhau như Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc,…

Chính Hồ Chủ tịch đã có một thời gian dài sống và hoạt động chính trị tại Anh, Pháp.

Vấn đề là đội ngũ cán bộ “được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau” ấy phải thực sự trung thành với ai, vì lợi ích của ai?

Câu hỏi này đã được ông Nguyễn Phú Trọng trả lời:

Lựa chọn cán bộ cần “Có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.

Trong các lợi ích, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước khẳng định đứng ở vị trí hàng đầu là “lợi ích của quốc gia - dân tộc”.

Và như vậy, những ai vì quyền lợi của cá nhân, gia đình, của “nhóm lợi ích” mà họ tham gia công khai hoặc bí mật sẽ phải bị loại bỏ.

Một trong những tiêu chí nhận diện người không thể để lọt vào Ban chấp hành Trung ương khóa 13 đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rất cụ thể, đó là những người:

“Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”.

Ý kiến trên chỉ áp dụng với những người đang được quy hoạch hay cũng sẽ được sử dụng để tái xem xét sự giàu có của một bộ phận khá đông quan chức trong hệ thống chính trị, những người theo cách nói của truyền thông là đã “hạ cánh an toàn”?

Bài viết đề cập nhiều đến trách nhiệm của Tiểu ban nhân sự mà ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu. Điều này gói gọn trong một câu:

“Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”.

Thực tế công tác nhân sự khóa 12 cho thấy, gần 100 cán bộ lãnh đạo diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự cho thấy “tai họa” đối với Đảng là niềm tin của dân vào Đảng suy giảm nhưng tai họa với đất nước thì nặng nề không thể thống kê nếu chỉ nhìn vào những con số.

Chỉ một vụ Mobifone (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) mua công ty nghe nhìn AVG, ngân sách suýt bị mất gần 7.000 tỷ đồng.

Vụ bán đất tại Công ty Tân Thuận (trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) nếu thực hiện trót lọt có thể khiến chủ sở hữu thiệt hại hàng nghìn tỷ.

 Vấn đề đặt ra là việc kỷ luật mới chỉ dừng ở những cán bộ vi phạm mà chưa thấy nói đến trách nhiệm của người/cơ quan làm công tác cán bộ trước và trong đại hội 12.

Phải chăng chính vì thế mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của Tiểu ban nhân sự, của Tổ giúp việc và các thành viên Tiểu ban?

Một trong những điều nhân dân quan tâm là liệu việc quy hoạch cán bộ sau Đại hội 13 có khắc phục được những tồn tại, yếu kém đã xảy ra trong quá khứ?

Câu hỏi này không chỉ tồn tại trong dân chúng mà cũng được chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập:

“Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt) thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó?”.

Liệu người dân có cần phải chờ đợi vài năm, đến gần cuối nhiệm kỳ như vừa qua hay chỉ cần nhìn vào một vài kết quả mà những người được lựa chọn thực hiện?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://tapchicongsan.org.vn/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/ content/suc-manh-cua-niem-tin

[2] http://hoinhabaovietnam.vn/Can-bo-cap-chien-luoc-can-nhung-tieu-chuan-gi_n34869.html

[3] https://vov.vn/nhan-su/them-86-can-bo-quy-hoach-cap-chien-luoc-hoan-thanh-lop-boi-duong-1016654.vov

(*) Sử dụng cách đếm tự động của Microsoft Word

Xuân Dương