Vì sao người ta thích “chạy chức, chạy quyền”?

05/10/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Muốn chống chạy chức, chạy quyền thì phải triệt “nguồn nuôi” tức là tài sản ngầm của cán bộ, công chức.

Tiếp theo Bài 1, Quyền lực chỉ có thể kiểm soát bằng thể chế.

Trong hai mươi năm qua, tính từ khi ban hành Quy chế 53-QĐ/TW, đời sống cán bộ, công chức tuy đã được cải thiện song thu nhập từ lương của một công chức loại A3 (loại cao nhất), hệ số lương kịch khung là 8,00 thì thu nhập một tháng là 11,92 triệu đồng, một năm thu từ lương chưa đến 150 triệu (không kể phụ cấp, thâm niên,…).

Vì sao người ta thích “chạy chức, chạy quyền”? ảnh 1
Binh pháp quan trường, kế thứ 8 – “Ngôn pháp Tà Lưa”

Với công chức loại C, nhóm 3, bậc lương kịch khung là bậc 12 thì thu nhập một tháng là 4,96 triệu đồng, một năm chưa đến 60 triệu đồng, mức lương này thấp hơn nếu thuê  người giúp việc gia đình (ăn, ở, sinh hoạt cộng với 4,5 – 5 triệu đồng tiền mặt một tháng).

Chính sách, chế độ tiền lương chậm thay đổi trong khi nền kinh tế sau 30 năm đổi mới đã có những biến chuyển đáng kể, một bộ phận cư dân như doanh nhân, giới biểu diễn, bác sĩ,… có thu nhập gấp nhiều lần công chức, viên chức có phải là một trong những nguyên nhân khiến “người nhà nước” cảm thấy thua thiệt.

“Sự cảm thấy thua thiệt” ấy không chỉ tạo nên sự “phản kháng ngầm” mà ta gọi là “tham nhũng”, mà nó còn phản ánh hậu quả “quy trình” xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo kiểu quy hoạch các “4 C”, “4 ệ” chứ không phải sự sàng lọc minh bạch, công khai bằng các cuộc thi tuyển. 

Muốn chống chạy chức, chạy quyền thì phải triệt “nguồn nuôi” tức là tài sản ngầm của cán bộ, công chức. (Tranh minh họa. Nguồn: hoinhabaovietnam.vn)
Muốn chống chạy chức, chạy quyền thì phải triệt “nguồn nuôi” tức là tài sản ngầm của cán bộ, công chức. (Tranh minh họa. Nguồn: hoinhabaovietnam.vn)

Vậy tăng lương cao như công chức Singapore có giảm được tham nhũng, có giảm được chạy chức chạy quyền?

Với những người hưởng lương từ ngân sách – tương quan giữa đãi ngộ vật chất và ý thức phục vụ thường không phải là quan hệ tuyến tính theo kiểu toán học. Lương cao hay thấp thì tình trạng tham nhũng vặt ở cấp thấp và tham nhũng bự ở cấp cao vẫn tồn tại.

Có ý kiến cho rằng số tiền mà cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận từ doanh nhân Phạm Nhật Vũ không phải chỉ là 3 triệu USD – tương đương gần 70 tỷ đồng.

Đã qua rồi thời sử dụng các khẩu hiệu, các câu động viên bằng tinh thần, bằng sự cao quý của “nghề công bộc”, “nghề dạy học” thay thế cho đồng lương “chỉ bảo đảm 40% nhu cầu cuộc sống".

Vậy thì vì sao người ta lại chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu chỉ để kiếm một “suất nhà nước” – như ý kiến một cựu cán bộ Thành ủy Hà Nội - chứ chưa nói giai đoạn sau, tức là từ khi chắc “suất nhà nước” đến khi có chức, có quyền.

Thực sự số tiền phải bỏ ra chạy chức, chạy quyền gấp mấy lần “suất nhà nước”?

Khi chấp nhận nền kinh tế thị trường, nên áp dụng phương thức bỏ một đồng vốn thu lại hai đồng lãi hay tiết kiệm một đồng vốn để mất đi hai đồng lãi?

Áp dụng câu hỏi này vào công tác cán bộ, nếu Hệ thống thực hiện một “thí điểm cấp nhà nước”, mức lương trả cho cán bộ công chức bảo đảm mức sống trung lưu kèm theo kỷ luật nghiêm minh thì tệ tham nhũng, chạy chức, chạy quyền sẽ giảm hay vẫn thế?

Rất nhiều dự án mà doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu đều có giá bỏ thầu rất thấp, cuối cùng thì dự án vốn đội gấp nhiều lần và thời gian thi công kéo dài nhiều năm mà chưa biết đến bao giờ có thể đưa vào sử dụng.

Thiệt hại phải chăng chỉ do cách suy nghĩ thiển cận của người/cơ quan có quyền quyết định hay cũng còn vì những suất “lại quả” khiến họ mờ mắt?

Vậy nên sau khi đã nhận thức (một cách biện chứng) vai trò của các lợi ích vật chất trong công tác cán bộ, việc tiếp theo là phải xác định nguyên nhân nào khiến cán bộ, công chức “thích chạy” như vậy.

Thứ ba, vì sao người ta thích “chạy chức, chạy quyền”?

Quyền lực công hay quyền ông?
Quyền lực công hay quyền ông?

Điều này đã được cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh lý giải:

“Tôi thấy xu hướng kinh tế khó khăn nên khuyên con thôi bây giờ quay về hướng nhà nước”.

Sau khi “quay về hướng nhà nước”, ở tuổi 30, con trai ông Thanh được bổ nhiệm làm Giám đốc sở Kế hoạch Đầu tư “tỉnh nhà”.

Có nhiều cách làm giàu: “Làm trang trại, kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ, nghiên cứu, phát minh các công nghệ mới,…”, thế thì vì sao không ít người chạy để làm “công bộc” chứ không dám tự thân vận động ngoài thương trường?

Câu trả lời ngay và luôn là lãi suất của các chuyến “buôn quan” - theo quy luật kinh tế mà Karl Marx đề cập - phải lên tới 300% hoặc hơn thì người ta mới háo hức, ít hơn chẳng bõ.

Tuy nhiên nếu chỉ kiếm được 300% so với số vốn bỏ ra thì vẫn chưa đủ lý giải sự hấp dẫn của chuyện “buôn quan”, còn ít nhất hai lý do nữa:

Một là khi đã được đặt vào ghế thì chẳng cần tài cán gì, thậm chí có người được gọi theo cách dân gian là “đầu đất” nhưng có “ghế cao” thì những “cuộc thăm viếng” của cấp dưới hay các đại gia sẽ phải được lên kế hoạch tỉ mỉ trước nhiều ngày.

Những chuyến công du miễn phí, những suất học bổng cho con cháu du học nước ngoài, những tấm thẻ hội viên câu lạc bộ golf,… chỉ là bề nổi. Những tài khoản nhiều triệu USD ở các thiên đường trốn thuế (mà dư luận râm ran) mới là điều cần nói.

Sự thật này liệu có giống câu ngạn ngữ dân gian tổng kết: “Ngu si hưởng thái bình”?

Có điều, để được “ngu si” như không ít người “mới bị lộ” thì không thể thiếu điều kiện tiên quyết, hoặc là “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” hoặc là thành viên của “nhóm lợi ích”.

Hai là thành công của các chuyến “buôn quan” không chỉ thuần túy vật chất mà còn những “lợi ích phi vật chất” khác mà nhiều khi có tiền chưa chắc đã mua được.

Nếu lợi ích vật chất thường được đương sự giấu kín thì “lợi ích phi vật chất” lại thường được khoe khoang hết mức có thể. Có thời khi giới thiệu chức vụ quan chức, người ta không quên thêm vào cụm từ “Giáo sư – Phó giáo sư” hay “Tiến sĩ”.

Các danh hiệu thi đua khen thưởng và những thứ “vinh hoa, phú quý” mà gia đình, dòng tộc được thơm lây là những cám dỗ khó cưỡng.

Làm Bí thư Tỉnh ủy như ông Hồ Xuân Mãn vẫn chưa đủ vinh hoa vì thế nên ông mới khai man lý lịch để được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.

Gần đây, chuyện cha đẻ một ông cựu Bộ trưởng được “bạn bè” tổ chức vinh danh như một nhân vật “kiệt xuất thầm lặng” đã khiến mạng xã hội dậy sóng.

Việc xuất bản và tung hô cuốn sách “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay” do cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chủ biên cũng là một ví dụ, có người đã không ngần ngại tung hô:

“Với những đúc kết sâu sắc của tác giả, cuốn sách sẽ là cẩm nang quý giá cho mỗi cán bộ, đảng viên”. [5]

Kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền
Kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền

Sau khi ông Trương Minh Tuấn bị bắt tạm giam, nhiều ý kiến cho rằng nên thu hồi cuốn sách này.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) cho rằng:

“Cuốn sách là minh chứng cho thái độ thiếu trung thực, lừa dối của ông Trương Minh Tuấn, bộc lộ trước đảng viên và người dân…

Không cần thiết phải thu hồi, cứ để như vậy bởi chẳng có ai đọc làm gì và tự khắc cuốn sách sẽ chết". [6]

Với những cán bộ, công chức “bao trọn gói” khả năng “Chỉ đi ra, đi vào, không cãi ai, không chửi ai” thì “buôn quan” là con đường duy nhất để có cả tiền tài và danh vọng.

Thương trường là chiến trường, lao vào đó chẳng khác gì lao vào chốn dầu sôi, lửa bỏng thế nên với “Nhóm lợi ích đầu đất”, ngồi phòng mát, tài khoản đầy mới là lý tưởng, mới “xứng đáng” cho người ta dấn thân.

Trong hoàn cảnh đó, những người thực sự tài giỏi, không chen chân được hoặc không muốn chen chân vào “nhà nước” không phải là sự “râm ran” của dư luận mà là sự thật.

Một khi trí tuệ vẫn chưa cải thiện được vị trí trong bảng xếp hạng “tứ ệ”, “ngũ ệ”, vẫn giữ vị trí hạng bét thì “buôn quan” trở thành công cụ, phương tiện cho mục đích “vinh thân phì gia” là chuyện dễ hiểu.

Vậy nhiệm vụ từ nay đến giai đoạn 2030 - 2045 là gì?

Là đổi mới thể chế chính trị đồng bộ với kinh tế và xã hội.

Ban hành các văn bản, luật hóa các chủ trương, nghị quyết, quy định chống tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền là rất cần thiết nhưng tác dụng sẽ thế nào nếu các “nhân tố mới” vẫn song hành với “quy trình cũ”?

Trong một nhà nước pháp quyền, các lực lượng chính trị, kể cả đảng cầm quyền không thể tận dụng nguyên tắc “Sử dụng pháp luật để cai trị” mà phải là “Hoạt động trong khuôn khổ pháp luật” đúng như quy định tại khoản 2, 3 điều 4 Hiến pháp 2013:

“2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

“Đứng ngoài hay đứng trên Hiến pháp và pháp luật, đứng ngoài sự giám sát của nhân dân” là không được phép. [7]

Muốn chống chạy chức, chạy quyền thì phải triệt “nguồn nuôi” tức là tài sản ngầm của cán bộ, công chức.

Muốn triệt “nguồn nuôi” thì một trong các biện pháp là phải công khai tài sản cán bộ cho toàn dân biết.

Nếu bản kê tài sản cán bộ, đảng viên không đến được với dân, nếu danh sách cán bộ quy hoạch trong Đảng nhưng sẽ trở thành lãnh đạo Hệ thống Nhà nước, thành công chức, viên chức trong cơ quan công quyền không công khai cho dân biết thì Nhân dân làm sao có thể “giám sát” hoạt động của Đảng như Hiến pháp quy định?

Những câu hỏi của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thể chế, về Điều lệ Đảng, về chế độ sở hữu,… phải chăng đang là trăn trở lớn nhất mà thế hệ lãnh đạo hôm nay trao cho những người sẽ nắm quyền hoạch định đường lối, chính sách từ năm 2021?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/52607/Chong-chay-chuc-chay-quyen-mot-giai-phap-chong-tham-nhung.aspx

[2] http://www.tapchicongsan.org.vn/home/nghiencuu-traodoi/2019/54825/mot-so-van-de-cot-yeu-ve-xay-dung-the-che-phat.aspx

[3]https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhieu-can-bo-xin-rut-khi-duoc-quy-hoach-ve-quoc-hoi-1463978.tpo

[4] https://thanhnien.vn/thoi-su/luong-can-bo-cong-chuc-moi-chi-dap-ung-40-nhu-cau-song-toi-thieu-890991.html

[5]https://infonet.vn/ra-mat-sach-do-bo-truong-bo-tttt-truong-minh-tuan-chu-bien-post213334.info

[6] https://vtc.vn/ong-truong-minh-tuan-nhan-hoi-lo-cuon-sach-phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa-do-ong-chu-bien-co-bi-thu-hoi-d496224.html

[7] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/ba-giai-phap-lon-tiep-tuc-doi-moi-phuong-thuc-cam-quyen-cua-dang-572617.html

Xuân Dương