“Cách ly” với các nhân viên
Buổi chiều cùng ngày, quản lý công ty bắt đầu cho việc “trả bài” đối với nhân viên mới. Họ thông báo các nhân viên mới được tuyển dụng lần lượt vượt qua vòng sơ tuyển để vào vòng trong.
Ngày kế tiếp, các nhân viên mới sẽ chính thức nhận được câu trả lời: “Đậu – rớt”. Buổi sáng hôm sau, ngày 25/9/2018, là ngày học việc thứ 2 kế tiếp.
Đây cũng là lúc, những nhân viên mới “vượt qua thử thách” bằng màn khủng bố tinh thần. Khi vừa ngồi vào chỗ, nhân viên mới sẽ được “nắn gân” bằng cuộc trò chuyện về những cảm nhận của bản thân.
Chiếc áo mà công ty bắt nhân viên phải mua khi phỏng vấn. (Ảnh: V.G.L) |
Lúc này, có khoảng 2 – 3 chị nhân viên khác lần lượt bước đến như tra khảo và hỏi cung nhân viên mới với thái độ rất căng thẳng. “Ai hướng dẫn, phụ trách và những người này đã nói với cô điều gì?”, một người phụ nữ đứng tuổi hỏi.
Lát sau, có một nam thanh niên tự xưng là quản lý đã đến và mắng rồi cất lời xỉ nhục khá nặng trước những nhân viên có thái độ… tò mò.
Nam thanh niên này yêu cầu những nhân viên mới không được nói ra suy nghĩ của bản thân về công ty. Họ đã “tách” những nhân viên mới học việc khó bảo và mang tâm lý hoài nghi sang một căn phòng khác để tiếp tục dùng lời lẽ nặng nề.
Những người này muốn “tẩy” ra khỏi đầu nhân viên mới về sự nghi ngờ công ty có hoạt động bán hàng đa cấp. Quản lý của công ty dọa: “Công ty có hệ thống camera an ninh, có thể ghi âm các cuộc trao đổi giữa nhân viên với nhau nên chỉ cần “điều tra” thì tất cả mọi chuyện sẽ rõ ràng”.
Nhóm nhân viên này đã dẫn nhân viên học việc đến gặp một chị quản lý cấp trên để phổ biến công việc. Người này “phán” ngay: “Làm nhân viên kế toán lương chỉ từ 2 – 3 triệu đồng/tháng và phải có kinh nghiệm chứ không tuyển sinh viên mới ra trường”.
Người phụ nữ này muốn ép nhân viên được tuyển dụng vào làm công việc kế toán phải đi tư vấn và bán sản phẩm. Không đúng với ngành nghề chuyên môn, tất nhiên, những nhân viên mới sẽ không đồng ý.
Nữ quản lý của công ty hạ giọng: “Hoặc có thể làm cả 2 công việc vừa kế toán vừa kiêm nhân viên kinh doanh tư vấn sản phẩm”.
Ngưỡng cửa kinh doanh đa cấp
Quản lý của công ty khẳng định: “Làm nhân viên kinh doanh thu nhập cao hơn, dù không hưởng lương cơ bản, không có chỉ tiêu doanh số”. Thu nhập của nhân viên kinh doanh ở đây chủ yếu từ việc tư vấn tìm kiếm đối tác bán hàng.
Nếu bán được cho một người thì có thêm là 600.000 đồng. Công ty sẽ đảm bảo hỗ trợ cung cấp nguồn khách hàng để thu nhập của nhân viên bán hàng dao động từ 7 – 10 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn nếu làm tốt và sẽ có cơ hội thăng tiến…
Những nhân viên mới với số tiền eo hẹp do đã tiếc tiền mua bộ áo đồng phục 250.000 đồng đành phải tin lời hứa “có cánh” của người quản lý. Các nhân viên sẽ phải viết lại đơn xin việc và được dẫn lên gặp vị sếp khác ở tầng 3 của căn nhà.
Vừa gặp mặt, vị sếp quản lý trực tiếp các nhân viên bán hàng đã thể hiện uy quyền bằng cách quát tháo một cách hùng hổ và đặt ra yêu cầu quái gỡ. Nhân viên mới phải trải qua một thử thách mang tính “sống - còn”.
Để vượt qua thử thách này, vị sếp nữ yêu cầu phải đặt cược cho năng lực của bản thân. Nhân viên mới phải lột hết những món đồ có giá trị trên người, gồm: 1 cái đồng hồ Thụy Sĩ, 2 chiếc nhẫn vàng, tất cả tiền mang theo trong người và điện thoại di động.
Sau khi bị tước hết tài sản, nữ quản lý cất giọng: “Tất cả tài sản này bây giờ là thuộc về tôi”. Người này trả lại điện thoại di động và đặt ra luật… chơi.
“Trong vòng 1 tiếng đồng hồ, cô phải có được 13 triệu đồng đặt trên bàn. Và nếu không, tất cả những đồ đã đặt cược sẽ thuộc về tôi”, vị nữ quản lý nói.
Nhân viên cũ kéo nhân viên mới ra bên ngoài rồi dẫn xuống phòng ở tầng dưới. Tại đây, các nhân viên cũ khuyến khích nhân viên mới gọi điện thoại cho bạn bè và người thân để hỏi mượn tiền nhằm thắng cuộc chơi.
Các nhân viên cũ luôn giám sát cuộc gọi để nhằm tránh cho đối phương trình báo công an. Những người này đe dọa, không được nói thật là đang tìm cách “vượt qua thử thách” tại công ty vì họ sợ bị lộ.
Nếu vi phạm luật chơi, tài sản đặt cược trên bàn của vị sếp nữ sẽ bị tịch thu bất kỳ lúc nào. Sau gần 1 tiếng đồng hồ, tôi tỏ ra thất bại với thử thách do vị sếp nữ này đặt ra và ngỏ ý xin tại tài sản.
Bằng một sự kiên quyết, tôi đã lấy lại được tài sản mà vị sếp nữ đang “cầm cố” của mình và thoát ra khỏi công ty một cách an toàn.
Với cách thức tuyển dụng của trách nhiệm hữu hạn Hàn Quốc Nashi đã khiến nhiều bạn trẻ phải sa chân vào con đường đa cấp một cách rất… kịch tính.
Ngày 26/9, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trình báo sự việc lên Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Thủ Đức để phối hợp xử lý vụ việc. Qua đó, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có những biện pháp cụ thể nhằm răn đe, ngăn chặn để tránh những trường hợp “biến tướng” có thể xảy ra với các sinh viên mới ra trường. |