LTS: Các em học sinh bắt đầu trở thành sinh viên sẽ dễ dàng trở thành đối tượng bị dụ dỗ, lừa đảo.
Cô giáo Phan Tuyết chia sẻ bài viết cảnh báo về những cạm bẫy dễ gặp.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhiều năm tháng sống trong sự đùm bọc, cưu mang của cha mẹ, nay rời xa gia đình lên thành phố học tập.
Trước cuộc sống nhộn nhịp, muôn sắc muôn màu của phố phường, khá nhiều em choáng ngợp và vô cùng bỡ ngỡ.
Lợi dụng sự ngây thơ non nớt, sự nhẹ dạ cả tin của một số tân sinh viên, những kẻ cơ hội đã rắp tâm giăng bẫy đưa các em vào tròng.
Trong thực tế, đã có khá nhiều em rơi vào thảm cảnh bị buộc thôi học còn mang bệnh vào người (trầm cảm, thần kinh) và nợ nần bủa vây.
Tân sinh viên dễ bị lừa đảo vướng vào cạm bẫy. Ảnh minh họa: Tiin.vn |
Những chiêu thức lừa phổ biến tuyệt đối tránh
Có khá nhiều cạm bẫy như xin việc làm, mua đồ giá rẻ, mua tăm, mua bút từ thiện, chuyển khoản giúp, cho mượn giấy tờ tùy thân… nhưng hình thức bán hàng đa cấp đã lôi kéo nhiều sinh viên tham gia nhất.
Mặc dù đã được nhiều đài báo khuyến cáo, nhiều bài học phá sản làm gương.
Thế nhưng không ít sinh viên vẫn bị lừa, bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền.
Những công ty đa cấp kiểu này tồn tại ở rất nhiều lĩnh vực như mĩ phẩm, thực phẩm chức năng hoặc biến tướng thành mua thẻ câu lạc bộ, mua thẻ học kỹ năng mềm …
Người trực tiếp lôi kéo lại chính là những sinh viên khóa trước, là một số người bạn của bạn, người mới quen hoặc làm quen trên facebook, Zalo…
Với bề ngoài rất lịch sự, quần áo đàng hoàng, ngoại hình ưa nhìn, giọng nói hay và đặc biệt họ tỏ ra là người cực kì chu đáo.
Những câu chuyện họ kể loanh quanh kiểu gì cũng đi tới việc thu nhập của anh A, của cô B, của chị C đang còn là sinh viên mà kiếm được hàng chục triệu, trăm triệu đồng một tháng.
Thậm chí còn dẫn ra khá nhiều người nổi tiếng, tên tuổi… họ giàu sang, quyến rũ nhờ thu nhập tiền tỉ…
Khi “con bài” có vẻ đã say, họ mời đi tham quan công ty, đi hội nghị, hội thảo kiểu như "làm giàu không khó", "nghĩ giàu, làm giàu"... được đãi ăn, được tặng quà, được nghe chia sẻ bí quyết thành công về cách kiếm tiền và được gặp ban giám đốc, doanh nhân thành đạt…họ khoe xe, khoe tiền khiến bạn mờ mắt và nghĩ mình đặc biệt.
Bạn được yêu cầu là người bán hàng cho họ hay làm tư vấn viên cho công ty.
Nghe cái tên thực sự chuyên nghiệp nhưng chỉ đơn giản là kéo bạn mua sản phẩm rồi tuyên truyền bán cho họ.
Sản phẩm bình thường với giá đắt cắt cổ nhưng bạn vẫn phải mua rồi mong chờ ngày nhận bảng lương “trăm triệu”.
Thực chất công việc này là lừa lọc bán hàng, người trên bóc lột người dưới. Bạn lôi kéo càng nhiều người thì bạn càng được hưởng nhiều tiền.
Vướng vào vòng xoáy nợ nần nhiều nhất là những sinh viên nghèo muốn có tiền đỡ đần ba mẹ ngoài quê nhưng tiền lời đâu không thấy chỉ thấy gánh nặng nợ nần ngày càng đè chặt.
Hoàng H., một sinh viên người Hàm Tân - Bình Thuận đã phải nghỉ học khi ôm một cục nợ về quê.
Dù thế vẫn không thoát, cha mẹ đành bán ruộng vườn để cứu con.
Hoàng H. kể rằng không có tiền để mua sản phẩm ban đầu với giá trên trời (6-7 triệu/ 1 sản phẩm) người ta đã cho em vay nặng lãi.
Ngỡ sẽ kiếm được lương rồi trả nhưng em không thể chiêu dụ được ai.
Rồi lãi mẹ đẻ lãi con, lãi con đẻ lãi cháu, hoa hồng chưa thấy đâu mà ngày nào cũng bị xã hội đen dí.
Tới công ty đòi lại tiền chẳng những không nhận được mà còn bị chửi bới, hành hung.
Khi tiền vay lên đến dăm chục triệu đồng nên đành trốn về quê nhà cũng bị đám đầu gấu lần ra.
Em ân hận nói rằng “ngỡ giúp được ba mẹ giờ lại quàng lên vai họ gánh nặng nợ nần nhiều hơn thế”.
Không dính vào đa cấp như Hoàng H., bạn Minh D. ở Long Khánh cho biết, em muốn tìm một công việc làm bán thời gian không chỉ vì muốn kiếm tiền đỡ bố mẹ mà còn muốn trải nghiệm cuộc sống.
Không có công việc nào phù hợp hơn dạy kèm. Mỗi tuần chỉ dạy 2 đến 3 buổi mỗi buổi được khoảng 100 nghìn đồng.
Minh D. đã tìm đến một trung tâm gia sư ở thành phố Hồ Chí Minh tìm việc.
Khi xin việc, em được yêu cầu nộp sơ yếu lý lịch. Sau khi qua vòng phỏng vấn, họ yêu cầu Minh D. nộp tiền đặt cọc và kí kết hợp đồng.
Em nói mình không ngờ chính “hợp đồng” là vật khiến em rơi vào thế bị động.
Sau khi được gọi đi dạy vài ba buổi, gia đình học sinh đã gọi điện cho Minh D. không cần đến dạy nữa vì học sinh không hiểu bài.
Bức xúc, em về trung tâm đòi lại tiền đặt cọc thì họ sẽ trả lời thẳng thừng “chúng tôi không phạt là may vì chính em làm việc không tốt nên gia đình không thuê nữa”.
Còn Thanh H., một sinh viên ở Đồng Nai, kể rằng do nể người bạn thân cùng phòng nên em đã cho bạn mượn thẻ sinh viên để đi vay tiền ở một nơi gọi là “ngân hàng tín dụng sinh viên”.
Chỉ một thời gian sau, suốt ngày Thanh H. bị đám cho vay truy hỏi còn người bạn thì trốn biệt.
Hậu quả Thanh H. phải cầu cứu cha mẹ ở quê lên giải quyết nhưng ba mẹ em cũng khó khăn không thể xoay xỏa đâu ra số tiền đã lên gần trăm triệu đồng.
Thanh H. bị đình chỉ học vì kết bết bát do thường xuyên sống trong cảnh trốn nợ. Còn ba mẹ em cũng phải bán đổ bán tháo một số tài sản để cứu con.
Hiện nay, thẻ AMT trở thành phương tiện hữu dụng và tiện ích đối với các em sinh viên không những để bố mẹ gửi tiền chu cấp học hành hàng tháng cho các em khi xa nhà, mà là phương tiện để các em thanh toán tiền học phí nhanh gọn qua thẻ ATM.
Chính vì thế, nhiều kẻ lừa đảo đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách trắng trợn ở các cây rút tiền.
Một sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại vào năm nhất khi đang rút tiền tại cây ATM, em được người phụ nữ lạ đến năn nỉ:
“Con chị bị bệnh ở xa, hiện cần tiền đóng viện phí gấp nhưng chị chưa thể ra kịp.
Con làm ơn làm phước chuyển giùm cho cô 3 triệu đồng, cô đưa tiền mặt cho con”.
Nghĩ mình cũng đang cần rút 3 triệu đồng nên chuyển giùm cho chị ấy giúp con. Mình chẳng mất gì lại được làm phước.
Khi tiền vừa chuyển xong, người phụ nữ bung cửa ra chạy và leo lên xe một người bên ngoài vọt mất.
Cũng bị lừa tại cây ATM, L. - cô sinh viên trường Kinh tế nói rằng mình vừa rút tiền xong thì có người lạ nhờ kiểm tra điện thoại vì chị ta không biết sử dụng.
Khi tay vừa chạm nhẹ vào điện thoại lập tức như bị thôi miên, L. đã tự tay đưa tiền cho tên lừa đảo trên mà không thể kiểm soát.
Phải khá lâu sau tỉnh lại, em mới hoảng hốt sấp tiền vừa rút đã không cánh mà bay.
Cách phòng tránh một số cạm bẫy
Miễn, giảm học phí chỉ là một phần để cầu người tài vào ngành sư phạm |
Lời khuyên của một số anh chị sinh viên có kinh nghiệm hoặc chính những người đã từng là nạn nhân của những cạm bẫy trên.
Đó là, tuyệt đối không cho số điện thoại, địa chỉ facebook, Zalo, địa chỉ nhà cho người lạ.
Thậm chí cảnh giác ngay với cả những người bạn thân cùng quê lâu ngày gặp lại.
Những người bạn cùng lớp, cùng nhà trọ… vì biết đâu họ cũng đang đi tìm "đại lý" bán hàng đa cấp cho chính họ mà mình không hề mảy may nghi ngờ.
Tuyệt đối không bị những lời chào mời đường ngọt để tò mò đến dự các buổi hội nghị khách hàng, các lớp đào tạo kỹ năng mềm tại các khách sạn, khu thương mại sầm uất.
Đấy chính là màn "giăng tơ" đăng dọn đường để đưa bạn vào chòng đấy.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thu Hương, Phó Chủ nhiệm khoa Tâm lý, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã khuyên các bạn trẻ nên tỉnh táo khi chọn việc để không bị sập bẫy các công ty bán hàng đa cấp.
“Khi các bạn trẻ được tham gia hội nghị, hội thảo của công ty đa cấp, họ sẽ vào một trung tâm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không được sử dụng điện thoại, nên các bạn không có thông tin từ bên trong đến bên ngoài.
Thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin và bị mê hoặc với những giấc mộng làm giàu, xong buổi họp cảm thấy như mình đã tìm ra con đường đổi đời, từ đó quyết định ký kết, cầm cố giấy tờ để kinh doanh” và hậu quả là khôn lường.
Với những sinh viên đang cần việc làm, các em cần cẩn trọng tối đa.
Nên tránh các trung tâm nhỏ, nằm ở các hẻm hóc, thiếu tin cậy, càng không nên tin với những lời quảng cáo đường mật trên mạng xã hội.
Chỉ nên liên hệ với các trung tâm có uy tín, hoặc thông qua bạn bè tin cậy giới thiệu, hay qua những trung tâm giới thiệu của đoàn thanh niên, liên đoàn lao động,…
Những trung tâm này, phí thu rất thấp, thường dưới 100.000 đồng, thậm chí không hề mất phí mà bạn vẫn tìm được một việc làm hợp khả năng.
Phải biết nói “Không” với các ông anh, ông bạn, ông em đồng hương, đồng khói, đồng môn... khi hỏi mượn các loại giấy tờ cá nhân của mình như giấy chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên…
Thôi thì mất lòng trước, được lòng sau bởi cái kết cuối cùng là đầu gấu chỉ đi tìm bạn để trả nợ, chứ họ không biết ông anh, ông bạn, ông em kia là ai.