Dự án VNEN ươm mầm những điều giả dối?

14/10/2018 09:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Địa phương nào cha mẹ học sinh gây áp lực đủ mạnh thì ngành giáo dục sẽ bỏ VNEN, nếu không, họ sẽ vẫn tiếp tục duy trì. Giáo viên gần như không dám mở miệng.

VNEN giữa tụng ca của lãnh đạo ngành giáo dục và thực tế giảng dạy của giáo viên

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang Nguyễn Đức Hiền ngày 19/8/2015 được Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang đẫn lời cho biết:

Trong năm học (2015-2016), tiếp tục chỉ đạo xây dựng Mô hình trường học mới Việt Nam tại 15 trường tiểu học với 292 lớp và 7.681 học sinh, nhân rộng mô hình tại 74 trường tiểu học với 299 lớp và 8.255 học sinh, xây dựng hệ thống 10 trường điểm VNEN ở 10 huyện, thành phố. [1]

Gánh nặng VNEN đè lên vai các tỉnh, tương lai học sinh thí điểm chông chênh

Thế nhưng đến năm học 2017-2018, toàn tỉnh Bắc Giang chỉ còn 3 trường trung học cơ sở và 13 trường tiểu học tiếp tục duy trì mô hình VNEN.

Tại những trường dừng VNEN, giáo viên phải lo bù đắp kiến thức để học sinh theo kịp chương trình hiện hành.

Đó là phản ánh của Báo Bắc Giang trong bài "Dừng mô hình VNEN, các trường lo bù đắp kiến thức cho học sinh". [2]

Trả lời chất vấn của Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 15/12/2016, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho biết:

Đây là chủ trương lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phải thực hiện. Cốt lõi của mô hình VNEN là đổi mới toàn diện về giáo dục đào tạo.

Nguyên nhân tại sao cha mẹ học sinh phản đối, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, chủ yếu do tâm lý đám đông và tâm lý ứng thí của phụ huynh học sinh và người dân, theo Báo Nghệ An. [3]

Cũng Báo Nghệ An ngày 09/10/2017 có bài "Ai chịu trách nhiệm về chương trình trường học mới VNEN?", bài báo cho biết:

Thày Nguyễn Vinh Hiển dự một tiết học tại Trường Trung học cơ sở Vũng Tàu khi còn là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: MINH THIÊN / chauduc.baria-vungtau.gov.vn.
Thày Nguyễn Vinh Hiển dự một tiết học tại Trường Trung học cơ sở Vũng Tàu khi còn là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: MINH THIÊN / chauduc.baria-vungtau.gov.vn.

Năm học 2017 - 2018 đã bắt đầu, đây cũng là thời điểm mà trên 300 học sinh lớp 7 và lớp 8 ở Trường Trung học cơ sở Hưng Dũng (thành phố Vinh) sau 3 năm làm “chuột bạch” thí nghiệm chương trình giáo dục mô hình trường học mới (VNEN) lại quay về học theo chương trình sách giáo khoa bình thường như bạn bè cùng trang lứa.  

Nhưng vẫn còn đó hàng nghìn học sinh và hàng trăm thầy cô giáo đang hàng ngày “đối phó”, vật lộn với “chương trình trường học mới” để tránh bị tụt hậu kiến thức so với các học sinh học chương trình sách giáo khoa bình thường.

Những học sinh, thầy cô giáo đang phải giảng dạy và học theo “chương trình trường học mới” này cũng “ước” gì được quay trở lại với chương trình sách giáo khoa hiện hành để tránh tình trạng “sáng học sách VNEN, chiều học thêm chương trình sách giáo khoa thường”. 

Nhưng điều này lại tùy thuộc vào sự gây áp lực của các phụ huynh ở từng trường! [4]

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các vụ chức năng của Bộ luôn khẳng định rằng, VNEN là phương pháp giáo dục mới giúp học sinh tiếp thu tốt hơn kiến thức chương trình phổ thông hiện hành;

Đồng thời mô hình này còn giúp học sinh tự tin và phát triển các kỹ năng mà phương pháp truyền thống không có.

Thực tế khác xa những khẳng định của các vị có trách nhiệm trong ngành giáo dục và đào tạo, từ cấp phòng cho đến Bộ.

Giáo viên đã sớm bị định hướng, bịt miệng?

Bộ Giáo dục đá quả bóng VNEN, sách giáo khoa sang Trung ương, Quốc hội?

Trước áp lực từ dư luận cha mẹ học sinh và chất vấn của Hội đồng Nhân dân tỉnh, năm 2016 Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tổ chức lấy ý kiến giáo viên về mô hình VNEN.

Báo Dân Trí ngày 15/9/2016 dẫn nguồn tin từ Sở này, cho biết: với 73 trường nằm trong dự án thì có 70 trường trên 90% cán bộ quản lý, giáo viên đề nghị tiếp tục mô hình trường học mới, trong đó, có 58 trường có 100% cán bộ giáo viên đồng ý tiếp tục thực hiện; 

3 trường gồm Tiểu học Giai Xuân (huyện Tân Kỳ), Tiểu học Long Thành (huyện Yên Thành) và Tiểu học Tiền Phong 2 (huyện Quế Phong) có trên 10% giáo viên đề nghị không tiếp tục triển khai theo mô hình VNEN.

Kết quả khảo sát các trường nằm ngoài dự án cho thấy hầu hết các trường đều đồng ý tiếp tục thực hiện mô hình trường học mới từ một đến hơn một thành tố, có những trường đồng ý áp dụng thực hiện cả bốn thành tố của mô hình trường học mới theo tài liệu hiện hành. [5]

Tình trạng tương tự này cũng gặp phải tại tỉnh Thái Bình, mặc dù cha mẹ học sinh không phải vất vả gây áp lực với ngành giáo dục như ở Nghệ An.

Nhưng nhiều thày cô giáo gần như không dám nói thật các suy nghĩ của mình vì áp lực từ lãnh đạo phòng, sở giáo dục. Ở Thái Bình, một số thầy cô chỉ lên tiếng cho đến khi được gặp lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương về khảo sát mô hình trường học mới.

Trong bài "Vì sao Thái Bình dừng nhân rộng mô hình trường học mới?" đăng trên Báo Nhân Dân ngày 13/9/2017, cô giáo Lại Thị Thỏa, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Vũ Thư (huyện Vũ Thư) cho biết: 

“Lúc đó, tất cả cán bộ, giáo viên các trường tiểu học trong toàn huyện tập trung về Trường tiểu học Tự Tân để xem các tiết giảng mẫu trong ba buổi. Sau đó, tự về trường triển khai. 

Ngay tại các buổi tập huấn, nhiều giáo viên đã phàn nàn, lắc đầu về phương pháp dạy và học như đi chơi, quá xem nhẹ kiến thức, nhất là đặt vai trò của thầy, cô giáo là phụ, còn học sinh là chủ thể, tự tìm hiểu, tự học”.

Đây là mô hình không bắt buộc, nhưng do bị trên ép xuống phải tổ chức thực hiện để có phong trào, nên phần lớn các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Bình chỉ triển khai ở một vài khối lớp. 

Khi có đoàn kiểm tra xuống thì giáo viên và học sinh “diễn” cho tròn trịa, không dám có ý kiến phản hồi. [6]

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT, tiến sĩ Hoàng Mai Lê - Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD & ĐT về thăm và làm việc tại trường Tiểu học Thụy Sơn-Thái Thụy-Thái Bình tháng Tư 2017, ảnh: thaithuy.edu.vn.
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT, tiến sĩ Hoàng Mai Lê - Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD & ĐT về thăm và làm việc tại trường Tiểu học Thụy Sơn-Thái Thụy-Thái Bình tháng Tư 2017, ảnh: thaithuy.edu.vn.

Báo cáo số 185/SGDĐT-GDTrH ngày 27/3/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình do ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở ký gửi lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh vẫn khẳng định:

"Tại tỉnh ta qua 2 năm tổ chức thực hiện, năng lực và phẩm chất của các em học sinh được học tại các trường học mới có chuyển biến rõ rệt, các kỹ năng: giao tiếp, hợp tác, tự quản, tự tin, tự tìm tòi...khả năng lĩnh hội kiến thức và vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống của các em hơn hẳn học sinh học tại các trường học truyền thống;

Qua khảo sát, thăm dò ý kiến tại các trường học đa số cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh và chính quyền địa phương đều đánh giá cao và có nguyện vọng cho con em mình được học theo mô hình trường học mới;"

Trên cơ sở những nhận định (không có bằng chứng, kết quả khảo sát đi kèm), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cho tiếp tục duy trì VNEN.

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình Đàm Văn Vượng ngày 5/10/2018 có bài viết trên cổng thông tin điện tử Hội đồng Nhân dân tỉnh, cho biết:

Tại Kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về mô hình trường học mới (VNEN) áp dụng đối với học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở; 

Nhiều cha mẹ học sinh băn khoăn, lo lắng về phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị của đa số các nhà trường chưa phù hợp với yêu cầu dạy và học theo mô hình trường học mới. 

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện mô hình trường học mới trên địa bàn tỉnh. 

Qua kiến nghị của đoàn giám sát cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo không áp dụng mô hình trường học mới trên địa bàn tỉnh từ năm học 2018-2019, nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của cử tri trong tỉnh. [7]

Giáo sư Phạm Tất Dong trong một chuyến công tác về Thái Bình năm ngoái, lãnh đạo tỉnh đã than vãn với ông rằng họ đang rất khổ vì nghe lời Bộ phát triển tất cả các trường ở Thái Bình theo mô hình giáo dục VNEN.

Bây giờ không làm nữa biết trả lời dân ra sao? [8]

Chúng tôi chưa biết vì nguyên nhân và động lực gì đã khiến ngành giáo dục, từ cấp phòng cho đến cấp Bộ ra sức tán tụng VNEN, nhưng sự thật giấy không bọc được lửa, rồi cũng dần lộ rõ, vì hơn ai hết, cha mẹ học sinh là người thấy rõ nhất kết quả của con em họ và chất lượng thật sự của VNEN.

Có điều, như Báo Nghệ An nhận xét, ở địa phương nào cha mẹ học sinh gây áp lực đủ mạnh thì ngành giáo dục sẽ bỏ VNEN, nếu không thì họ sẽ vẫn tiếp tục duy trì.

Giáo viên gần như đã bị định hướng, không dám nói lên sự thật, trừ một số ít sắp nghỉ hưu hoặc được gặp lãnh đạo cấp cao hơn như ở Thái Bình.

Tốt đâu chưa thấy, nhưng sự giả dối đã và đang tồn tại trong ngành giáo dục bởi việc sống chết bảo vệ một mô hình nhập khẩu từ Colombia của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nguồn:

[1]http://www.bacgiang.gov.vn/ves-portal/27267/Nam-hoc-2015-%E2%80%93-2016:-Bac-Giang-phan-dau-duy-tri-vi-tri-dung-dau-toan-quoc.html

[2]http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/188524/dung-mo-hinh-vnen-cac-truong-lo-bu-dap-kien-thuc-cho-hoc-sinh.html

[3]https://baonghean.vn/chu-tich-hdnd-tinh-de-nghi-tam-dung-nhan-rong-mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-122320.html

[4]https://baonghean.vn/ai-chiu-trach-nhiem-ve-chuong-trinh-truong-hoc-moi-vnen-155020.html

[5]https://dantri.com.vn/khuyen-hoc/nghe-an-lay-y-kien-giao-vien-ve-mo-hinh-vnen-20160915232740964.htm

[6]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/34077502-vi-sao-thai-binh-dung-nhan-rong-mo-hinh-truong-hoc-moi.html

[7]http://hdnd.thaibinh.gov.vn/Tin-Tuc/nghiencuu-traodoi/191_Hoi-dong-nhan-dan-tinh-Thai-Binh-chu-trong-nang-cao-chat-luong,-hieu-qua-hoat-dong-giam-sat-thuc-hien-tra-loi-chat-van

[8]https://www.nguoiduatin.vn/vnen-vo-tran-that-bai-dau-don-cua-bo-gddt-a333331.html

Hồng Thủy