Trong nền kinh tế thị trường, nếu không tạo ra sự cạnh tranh sẽ làm mất động lực phát triển và dẫn đến thất bại. Ngược lại, cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp lớn mạnh hơn.
Trong khuôn khổ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Cuba, trong 2 ngày 17-18/4, SCIC đã tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Vai trò của cải cách doanh nghiệp nhà nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Tại đây các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước suốt gần 30 năm qua tại Việt Nam.
Đáng chú ý, bên cạnh những mặt thành công, các chuyên gia cũng nhìn lại, chia sẻ cả những bài học thất bại trong quá trình cải cách, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hơn nữa quá trình này trong thời gian tới.
Cải cách doanh nghiệp nhà nước có tác động lớn tới phát triển kinh tế. |
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban-Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam được thực hiện từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và theo từng giai đoạn: 1991-2000, 2001-2005, 2006-2010, 2011-2015 và 2016-2020.
Ở thời điểm năm 1980, Việt Nam có 12.000 doanh nghiệp nhà nước, năm 1991 Việt Nam bắt đầu phân loại doanh nghiệp nhà nước và với doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn của doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện sắp xếp lại theo các hình thức: Sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hoá, giải thể hay cho phá sản.
Đến năm 2000, số doanh nghiệp nhà nướcđã giảm một nửa, chỉ còn 6.000 doanh nghiệp nhà nước.
Trong quá trình sắp xếp này, Việt Nam cũng thành lập những tổng công ty nhà nước để đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung mở rộng quy mô, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.
Từ đó đã có những tập đoàn, tổng công ty nhà nước gọi là tổng công ty 90 – tổng công ty 91.
Tập trung các giải pháp sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2019 |
Việc cổ phần hoá ở Việt Nam vẫn chậm trễ do nhiều nguyên nhân, trong đó có một thời gian chậm trễ là do khuôn khổ pháp lý của việc xác định giá trị quyền sử dụng đất doanh nghiệp khi cổ phần hoá.
Thậm chí các quy định có nhiều kẽ hở, khiến thất thoát vốn khi cổ phần hoá.
Sau đó, các quy định sửa đổi đã khắc phục được phần nào vấn đề về đất đai, nhưng đến nay, việc cổ phần hoá vẫn bị chậm trễ, đây chính là một điểm nghẽn của quá trình cổ phần hoá.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đã có giai đoạn Việt Nam dùng mệnh lệnh hành chính để các doanh nghiệp nhà nước lớn lên (không tự nhiên), sau đó phải mất rất nhiều thời gian để tái cấu trúc.
Việt Nam đã gộp lại hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước lúc trước để dễ quản lý vào khoảng năm 1991, với việc thành lập 2 loại tổng công ty 90 - tổng công ty 91 trên cơ sở gộp các doanh nghiệp cùng ngành nghề.
Sau 10 năm, nhận thấy mô hình này không lớn lên nên Việt Nam thí điểm chuyển một số tổng công ty 91 lên tập đoàn kinh tế. Từ đó đến 2007 đã thành lập 7 Tập đoàn kinh tế.
Sau khi thành lập 7 Tập đoàn kinh tế thì có xu hướng nhiều Tổng công ty 91 muốn nâng lên tập đoàn. Nhưng cũng là giai đoạn bắt đầu gặp khó khăn kinh tế nên một số tập đoàn làm ăn kém.
Sau đó một số tập đoàn, tổng công ty chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con.
Nếu như mô hình Tổng công ty 90-Tổng công ty 91 thành lập theo quyết định hành chính thì với mô hình công ty mẹ-công ty con, công ty con là công ty trực thuộc không có tư cách pháp nhân đầy đủ.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc thành lập tập đoàn, tổng công ty vẫn theo mệnh lệnh hành chính.
Kiểu gộp nhỏ thành to không phải là cách hay, lẽ ra phải để doanh nghiệp lớn lên dần dần, tự nhiên…
Trong quá trình đó sẽ thành lập các công ty con, sẽ lớn lên thành Tập đoàn.
Phải xây dựng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần quan trọng để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông Cung dẫn ví dụ điển hình nhất là việc hình thành thị trường trong lĩnh vực viễn thông, từ chỗ độc quyền, thay đổi sang thị trường cạnh tranh, nhờ có cạnh tranh mà dịch vụ tốt hơn, giá cả rẻ hơn.
“Không chỉ cạnh tranh trong nước, các tập đoàn kinh tế phải cạnh tranh với các ông lớn trên thị trường nước ngoài, hướng đến mục tiêu tăng dần thị phần, có như vậy mới chứng tỏ năng lực của doanh nghiệp. Nhưng điều này ở Việt Nam hầu như chưa làm được”, ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, cần phải bám sát quan điểm, Nhà nước chỉ làm những gì tư nhân không thể làm tốt, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2-năm 2017, cụ thể là “những gì tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước nên tạo điều kiện cho họ làm”.
Cần nhất quán đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.