Làm thế nào để học sinh nông thôn không thua kém thành thị?

02/03/2019 07:58
Hưng Long
(GDVN) - Thầy giáo ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học cho các em học sinh đã được nhà nước ghi nhận.

Không để học sinh nông thôn thua kém thành thị

Thầy Nguyễn Ngọc Hải (sinh năm 1973) - Tổ trưởng Tổ Chuyên môn Sinh, Trường Trung học phổ thông An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).

Hơn 20 năm đi dạy, thầy Hải luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long – nơi thầy và trò đang gắn bó, sinh sống.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải. (Ảnh: N.H)
Thầy Nguyễn Ngọc Hải. (Ảnh: N.H)

Những năm qua, thầy Hải đã hướng dẫn các thế hệ học sinh của mình thực hiện nhiều đề tài về bảo vệ môi trường mang bản sắc của miền Tây Nam bộ.

Đóng góp của thầy Hải đã được nhà nước ghi nhận và tặng Huân chương lao động hạng Ba. Thầy Hải rất vui và tự hào về những thành quả mà bản thân mình và các em học sinh đã đóng góp.

Thầy chia sẻ, đây không những là thành quả của cá nhân mà còn của cả tập thể là những học sinh trong Câu lạc bộ Em yêu môi trường.

Chính nhờ các em nỗ lực tham gia Câu lạc bộ để có được những thành quả như ngày hôm nay.

Thầy Hải có quan niệm duy nhất: “Muốn tất cả mọi người biết rằng, những em học sinh ở vùng sâu vùng xa đều có những đề tài nghiên cứu khoa học, đều có những công trình mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội”.

Những học sinh ở vùng sâu, vùng xa ngày nay đã biết nỗ lực  vươn lên và không chịu thua kém những bạn ở các trung tâm, những thành phố lớn.

Các em cần có người tạo niềm đam mê, niềm tin và được hun đúc bằng ngọn rực cháy niềm đam mê đó. Tôi chỉ là người tạo cho các em ngọn lửa đó để giúp các phấn đấu, giảng dạy và hướng dẫn cho các em nghiên cứu được những đề tài cho đến ngày hôm nay.

Nghiên cứu khoa học thường được nghĩ đến ở các viện, trường đại học, cao đẳng. Nhiều người vẫn nghĩ học sinh các trường trung học không có các công trình khoa học.

Không cần một chương, điều với tên gọi là “triết lý giáo dục" ở Luật Giáo dục 

Qua những bài dạy, thầy Hải luôn lồng ghép vào ứng dụng trong cuộc sống. Đề tài thầy Hải hướng đến là bảo vệ môi trường và khơi gợi cho các em nhiều ý tưởng.

Thầy hướng đến cho các em những ý tưởng thực tiễn xuất phát từ nông thôn ứng dụng vào bài học. Thầy Hải nói, tôi chỉ là người giúp các em phát huy ý tưởng thành đề tài.

Đã là người thầy, không mang phận “đưa đò”

Thầy Hải dạy bộ môn Sinh có liên quan mật thiết với môi trường. Và môi trường lại là vấn đề nan giải trên toàn cầu. Khi có môi trường trong sạch thì sức khỏe con người được nâng lên và ngày càng tốt hơn.

Giáo dục cho các em về môi trường là hình thức rẻ nhất và hiệu quả nhất. Thông qua các em học sinh, các em có ý thức thì gia đình các em sẽ có ý thức để nhân rộng ra một cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường.

Thế hệ học sinh của thầy Nguyễn Ngọc Hải từng đạt giải cao trong các cuộc thi cấp Bộ. (Ảnh: N.H)
Thế hệ học sinh của thầy Nguyễn Ngọc Hải từng đạt giải cao trong các cuộc thi cấp Bộ. (Ảnh: N.H)

Những đề tài thầy Hải chọn thường nghiên cứu liên quan đến bộ môn sinh và vấn đề ô nhiễm môi trường được ưu tiên hàng đầu.

Thầy Hải không nghĩ làm nghề giáo chỉ như những người đưa đò. Thầy đã chọn nghề giáo và chấp nhận về Sóc Trăng để giảng dạy cho các em ở An Lạc Thôn vì yêu mến sự thật thà, ngây thơ và hồn nhiên của các em.

Chỉ với bấy nhiêu thôi, đã đủ để trói buộc thầy Hải hơn 21 năm qua. Sau mỗi “chuyến đò” đưa các em sang sông, thầy Hải lại dõi theo các em để biết, các em đi đâu, làm gì và tương lai đi đến của các em là đâu?

Ngoài bản thân giáo dục cho học sinh, thầy Hải được các em yêu mến rất nhiều. Những học sinh đã từng được thầy Hải dạy dỗ, thường có tâm tư nguyện vọng khó nói đã tìm đến thầy. Thầy đã định hướng cho các em một hướng đi tốt nhất.

Thầy Hải không những làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Em yêu môi trường, giáo dục về môi trường, thầy còn giáo dục cho các em về cái “tôi” của học sinh ngày nay.

Thầy thường tổ chức những buổi giao lưu, tọa đàm để các em hiểu được, cha mẹ các em hiểu được trong cuộc sống hằng ngày.

Đơn cử, các em đi học về, gặp phụ huynh gật đầu chào tưởng rằng đã là ngoan. Nhưng qua những buổi giao lưu, thầy Hải còn cho các em và phụ huynh hiểu hơn về tâm tư của tuổi mới lớn trong thời buổi hiện nay.

Thầy Hải nói, có những em học sinh là con một trong gia đình nên không hiểu được nỗi lòng của cha mẹ. Có những bậc phụ huynh sinh trưởng và lớn lên trong môi trường gia giáo nên không biết được suy nghĩ của con.

Những buổi tọa đàm của thầy Hải đã lấy được nước mắt của rất nhiều học sinh. Giáo dục cho học sinh không phải chỉ kiến thức mà còn là nhân cách sống mới là cần thiết trong xã hội tiến bộ hiện nay.

(Còn tiếp)

Hưng Long