Nhiều người cứ nghĩ giáo viên nhàn lắm

13/02/2020 06:07
Vũ Ninh
(GDVN) - Cô giáo Vũ Hoài Phương chia sẻ: “Đối với học sinh có ngày nghỉ nhưng đối với giáo viên chúng tôi thì không có ngày nghỉ".

Với những diễn biến phức tạp của dịch virus corona, học sinh, sinh viên tại nhiều địa phương vẫn chưa thể đến lớp sau quãng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. 

Thế nhưng đối với giáo viên, các thầy cô vẫn phải căng mình làm việc gấp đôi, gấp 3 so với bình thường.

Bất chấp tình hình thời tiết mưa giông, nhiều ngày qua các giáo viên tại Nam Định vẫn đến trường thực hiện công tác quét dọn, vệ sinh trường lớp. 

Thầy cô giáo lo gì nhất trong mùa dịch virus Corona?
Thầy cô giáo lo gì nhất trong mùa dịch virus Corona?

Chưa kể giáo viên còn phải tham gia các buổi tập huấn phòng chống dịch virus corona do địa phương tổ chức.

Về chuyên môn, nhiều thầy cô vẫn dành thời gian tham gia các công tác bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc dạy học trực tuyến.

Cô giáo Vũ Hoài Phương (Nam An, Nam Định) cho biết: “Đối với học sinh có ngày nghỉ nhưng đối với giáo viên chúng tôi thì không có ngày nghỉ.

Bên cạnh đảm bảo công tác chuyên môn thì chúng tôi cũng được nhà trường giao nhiệm vụ vệ sinh, dọn dẹp trường lớp phòng chống dịch virus Corona.

Một số giáo viên chẳng hạn như tôi vẫn làm nhiệm vụ dạy học sinh thông qua các tiết học trực tuyến. Khối lượng công việc những ngày này gấp hai lần so với những ngày bình thường.

Nhiều người cứ nghĩ giáo viên nhàn lắm nhưng phải đến khi xảy ra dịch bệnh thì mới thấy chúng tôi vất vả như thế nào”.

Bên cạnh công việc chuyên môn, giáo viên còn tham gia công tác chống dịch bệnh tại trường (Ảnh:Thu Hương)
Bên cạnh công việc chuyên môn, giáo viên còn tham gia công tác chống dịch bệnh tại trường (Ảnh:Thu Hương)

Tại tỉnh Phú Thọ mặc dù học sinh trong toàn tỉnh được nghỉ học nhưng 100% cán bộ, giáo viên vẫn đến trường trong ngày làm việc. 

Nội dung công việc của các thầy cô những ngày này bao gồm sinh hoạt chuyên môn, hướng dẫn học sinh tự học và dạy học trực tuyến.

Bên cạnh đó giáo viên cũng là lực lượng tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại trường và cộng đồng (ngoại trừ các trường hợp được nghỉ ốm theo chế độ, người đang đi công tác hoặc đang bị ốm…).

Ngoài ra các trường cũng được yêu cầu bố trí các bộ phận trực trường tất cả các ngày trong tuần để theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh trong thời gian học tại nhà.

Đảm bảo công tác chuyên môn, ăn uống sinh hoạt và chăm lo sức khỏe học sinh (Ảnh: V.N)
Đảm bảo công tác chuyên môn, ăn uống sinh hoạt và chăm lo sức khỏe học sinh (Ảnh: V.N)

Cô giáo Bùi Thị Nga (Phong Châu, Phú Thọ) nói: “Học sinh toàn tỉnh được nghỉ thế nhưng giáo viên vẫn phải đảm bảo 100% quân số có mặt tại trường các ngày làm việc. 

Ngoài công tác chuyên môn, chúng tôi còn tham gia dọn dẹp, vệ sinh trường lớp. Một số giáo viên trực cuối tuần đảm bảo công tác theo dõi sức khỏe học sinh. Khối lượng công việc của giáo viên như tăng lên gấp đôi. 

Dù vất vả là vậy nhưng giáo viên vẫn cảm thấy vui vẻ. Chỉ mong sao học sinh khỏe mạnh và dịch bệnh sớm được khống chế để các con có thể đến trường”.

Vùng không dịch có thể đi học bình thường sau khi các trường đã khử trùng
Vùng không dịch có thể đi học bình thường sau khi các trường đã khử trùng

Làm công tác hiệu trưởng đã gần 20 năm nhưng đây là năm đầu tiên thầy Nguyễn Duy Tiến (Yên Bái) và các giáo viên trong trường đối đầu với một đợt dịch bệnh kéo dài và học sinh nghỉ học lâu đến vậy.

Nếu như mọi năm bên cạnh công tác dạy – học, nhà trường chỉ cần quan tâm, đảm bảo sĩ số học sinh cũng như điều kiện ăn uống, sinh hoạt.

Trong năm nay khối lượng công việc nhiều hơn, mỗi giáo viên là một chiến sĩ, một tuyên truyền viên đến từng thôn bản tuyên truyền, vận động học sinh đi học.

Bên cạnh đó các thầy cô còn được tập huấn và trực tiếp làm khử trùng, vệ sinh, dọn dẹp trường lớp phòng chống dịch bệnh corona.

Thầy Tiến tâm sự: “Dịch bệnh lần này khiến giáo viên vất vả gấp đôi. Mọi năm chúng tôi chỉ cần đảm bảo đúng và đủ sĩ số và chăm lo đời sống của học sinh như bữa ăn bán trú, nơi ăn, chốn ở.

Năm nay giáo viên còn phải làm thêm một nhiệm vụ nữa đó chính là trở thành những y bác sĩ bất đắc dĩ xung phong vào vùng tâm dịch, điểm nóng để vận động, tuyên truyền cho người dân. 

Ngoài ra mặc dù học sinh toàn tỉnh đang được nghỉ nhưng tại trường vẫn chỉ đạo đảm bảo 100% cán bộ, giáo viên.  Cuối tuần chúng tôi cử giáo viên ở lại trực trường để theo dõi tình trạng sức khỏe của học sinh”.

Giáo viên tham gia công tác khử trùng,dọn dẹp lớp học (Ảnh:Thu Hương)
Giáo viên tham gia công tác khử trùng,dọn dẹp lớp học (Ảnh:Thu Hương)

Tại tỉnh Vĩnh Phúc đã có một số ca dương tính với virus corona, mặc dù đang trong thời điểm nhạy cảm, nhưng giáo viên vẫn sẵn sàng làm việc gấp 2, gấp 3 lần để đảm bảo công tác chuyên môn và phòng chống dịch bệnh.

Cô giáo Nguyễn Phương Nga (Vĩnh Tường,Vĩnh Phúc) giãi bày: “Chúng tôi cũng sợ bị nhiễm bệnh chứ, nhưng đã được tập huấn và được giao nhiệm vụ nên phải đảm bảo cả công tác phòng chống dịch bệnh lẫn công tác chuyên môn. 

Tại thời điểm này, chúng tôi cũng mong muốn làm sao dịch bệnh sớm được khống chế để học sinh trở lại học, ổn định trường lớp”.

Khối lượng của giáo viên nhiều hơn trong thời gian chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra (Ảnh:V.N)
Khối lượng của giáo viên nhiều hơn trong thời gian chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra (Ảnh:V.N)

Cô Nga cũng hy vọng rằng phụ huynh học sinh sẽ hiểu và đồng hành cùng các thầy cô: “Một số phụ huynh cho con ở nhà đã thấy có sự xáo trộn trong sinh hoạt hàng ngày vì không có người trông nom. Lúc ấy có lẽ phụ huynh sẽ hiểu hơn khi chúng tôi quản lý đến 40-50 học sinh. Vì vậy mà chúng tôi mong được phụ huynh hiểu và chia sẻ để cùng chăm sóc, dạy bảo các con trưởng thành".

Vũ Ninh