Ở Đại học Kinh tế, có thầy hướng dẫn 40 học viên cao học một năm

31/07/2019 07:20
Xuân Dương
(GDVN) - Liệu có chuyện lãnh đạo Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh không biết một Trưởng khoa trong trường mỗi năm hướng dẫn đến 40 học viên cao học?

Những sai phạm trong tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã khiến báo chí tặng cho Học viện này danh hiệu “Lò ấp tiến sĩ”.

Nhân vật điển hình là giáo sư tiến sĩ Võ Khánh Vinh, ông Vinh hướng dẫn cùng lúc 44 học viên cao học các ngành Luật, Chính sách công, Công tác xã hội và 12 nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Lời xin lỗi của tác giả:

Trong bài viết đăng lần đầu ngày 31/07/2019, tác giả đã có sai sót trong tính toán thời gian hướng dẫn của người hướng dẫn luận văn thạc sĩ, tác giả đã nhận được một số góp ý của bạn đọc và đã cập nhật, bổ sung các sai sót.

Tác giả xin nhận lỗi và trân trọng cảm ơn góp ý của bạn đọc.

Xuân Dương

Những sai phạm trong đợt xét công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2018 đã bị báo chí phanh phui và 41 người đã bị đưa ra khỏi danh sách vì không đủ chuẩn.

Cứ nghĩ những chuyện đó đã trở thành dĩ vãng nhưng không ngờ, vẫn còn đó những “lò ấp thạc sĩ, tiến sĩ” đang công khai tồn tại nhưng cơ quan chức năng hoặc là làm ngơ, hoặc là không biết!

Theo quy định tại mục b, khoản 1, điều 27 Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT thì người có học vị tiến sĩ (từ đủ 1 năm trở lên) “được hướng dẫn tối đa 3 học viên trong cùng thời gian, kể cả học viên của cơ sở đào tạo khác”. Điều này cũng được quy định lại trong Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vậy điều gì đang xảy ra với việc đào tạo thạc sĩ tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh?

Ngày 15/07/2019, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh công bố “Danh sách ứng viên đã nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019 tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh”, danh sách gồm 8 người. (Hình 1) [1]

Hình 1 - Ảnh chụp màn hình danh sách ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
Hình 1 - Ảnh chụp màn hình danh sách ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

Người thứ 6 trong danh sách là tiến sĩ Đinh Công Khải, vị tiến sĩ này như khai báo tại trang 1 Bản đăng ký xét công nhận tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư hiện là giảng viên, chưa phải giảng viên chính. Mục kê khai “Kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học” của vị tiến sĩ này ghi: [2]

“Đã hướng dẫn (số lượng) 240 học viên cao học bảo vệ thành công luận vă thạc sĩ trong 6 năm cuối từ 2013-2019”. (Hình 2)

Hình 2 - Kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học” của tiến sĩ Đinh Công Khải
Hình 2 - Kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học” của tiến sĩ Đinh Công Khải

Trong 6 năm từ 2013 đến 2019 tiến sĩ Đinh Công Khải hướng dẫn 240 học viên cao học, bình quân một năm là 40 người.

Theo quy định tại khoản 3 điều 3 “Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ” ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ kéo dài từ một đến hai năm học. Cụ thể:

“a) Tối thiểu 1 năm học đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên;

b) Từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với những ngành, chuyên ngành không thuộc quy định tại Điểm a, Khoản này.

c) Căn cứ vào quy định về chương trình đào tạo tại Khoản 3, Điều 20 Quy chế này, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể thời gian đào tạo, việc kéo dài thời gian đào tạo phù hợp với từng ngành, chuyên ngành đào tạo. Thời gian đào tạo kéo dài không được quá hai năm so với thời gian quy định tại Điểm a, b Khoản này”.

Rởm ở xứ ZÔ
Rởm ở xứ ZÔ

Quy định cho thấy chỉ có thể “kéo dài thời gian đào tạo” chứ không được rút ngắn thời gian đào tạo.

Khối ngành Kinh tế, Sư phạm,… thời gian đào tạo trình độ đại học thông thường là 4 năm, như vậy thời gian đào tạo thạc sĩ bắt buộc phải phải từ một năm rưỡi đến hai năm.

Tuy nhiên, căn cứ vào mục b, khoản 1 điều 26 Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT thì người hướng dẫn cần tối thiểu 06 tháng để hướng dẫn một luận văn, do vậy trong một năm (12 tháng) có thể hướng dẫn nhiều nhất 06 học viên cao học. Điều này có nghĩa là một tiến sĩ trong 06 năm chỉ được phép hướng dẫn tối đa 6x6=36 học viên cao học.

Trong 6 năm tiến sĩ Khải đã hướng dẫn 240 học viên, có thể thấy có tới 204 người được Tiến sĩ Đinh Công Khải hướng dẫn “chui”.

Tính cụ thể thì vị tiến sĩ này đã hướng dẫn số học viên cao học nhiều gấp gần 7 lần so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Người tiếp theo là tiến sĩ Lê Nhật Hạnh, vị nữ tiến sĩ này được công nhận học vị tiến sĩ tháng 5/2013 tại Đại học trung ương quốc gia - Đài Loan.

Đại học Sư phạm phớt lờ thông tư, Bộ biết hay không?

Theo quy định phải sau 01 năm, nghĩa là sau tháng 5/2014 tiến sĩ Hạnh mới được hướng dẫn học viên cao học.

Từ tháng 5/2014 đến thời điểm đăng ký xét công nhận tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư (tháng 7/2019) là khoảng 05 năm, vị tiến sĩ này đã kịp hướng dẫn 35 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, ngoài ra còn hướng dẫn chính một nghiên cứu sinh và hướng dẫn phụ hai nghiên cứu sinh khác.

Bản kê khai của tiến sĩ Hạnh cho thấy chỉ từ năm 2015 vị tiến sĩ này mới có giờ hướng dẫn học viên cao học (609 giờ) (Hình 3).

Tuy nhiên ngay trong năm 2014 tiến sĩ Hạnh đã hướng dẫn 08 học viên cao học, cứ cho rằng ngay sau khi được phép hướng dẫn theo quy định (tức là từ tháng 6/2014) thì trong 6 tháng cuối năm 2014, tiến sĩ Hạnh chỉ được hướng dẫn tối đa 03 học viên cao học.

Với cách tính toán như đã nêu trên, thực tế trong năm 2014, tiến sĩ Hạnh đã hướng dẫn số học viên gấp gần 3 lần so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hình 3: Số giờ hướng dẫn luận văn thạc sĩ của tiến sĩ Lê Nhật Hạnh.
Hình 3: Số giờ hướng dẫn luận văn thạc sĩ của tiến sĩ Lê Nhật Hạnh.

Trong bản kê khai, phải đến năm 2015 tiến sĩ Hạnh mới bắt đầu hướng dẫn luận văn thạc sĩ (609 giờ), năm 2016 là 974 giờ,… (Hình 3), điều này có gì mâu thuẫn với phần khai tiến sĩ Hạnh đã “hướng dẫn chính” học viên cao học ngay từ năm 2014 (Hình 4)

Cũng phải nói thêm năm 2015 tiến sĩ Hạnh đã hướng dẫn 13 học viên cao học, năm 2016 là 11 người, tổng cộng là 24 người, gấp 2 lần so với số lượng tối đa được phép (2 năm tối đa chỉ được hướng dẫn 12 người)?

Hình 4: Năm 2014, tiến sĩ Hạnh ghi đã hướng dẫn chính nhiều học viên cao học.
Hình 4: Năm 2014, tiến sĩ Hạnh ghi đã hướng dẫn chính nhiều học viên cao học.

Trong bản kê khai tiến sĩ Lê Nhật Hạnh ghi:

“Về phẩm chất đạo đức, tôi luôn tốt đường lối chủ trương, chính sách của đảng và pháp luật của Nhà nước…”. [3]

“Chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước” thế nào khi tiến sĩ Lê Nhật Hạnh trong các năm 2014, 2015 đã “hướng dẫn chui” nhiều học viên cao học bất chấp quy định trong Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT - tức là văn bản quy phạm pháp luật - mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành?

Có hai vấn đề cần xem xét:

Thứ nhất, những người làm trái quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn học viên thạc sĩ, dù có rất nhiều thành tích khoa học song có đủ phẩm chất, tư cách để xem xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư? Liệu những người ấy có đủ trung thực trước dư luận, trước học trò khi bản thân họ nói một đàng, làm một nẻo?

Thứ hai, phải chăng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đào tạo tràn lan thạc sĩ không khác gì tại Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa hoch xã hội Việt Nam?

Lãnh đạo Đại học này có coi Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo là văn bản quy phạm pháp luật bắt buộc phải tuân thủ?

Xin đừng làm “nhọ” danh nhà giáo
Xin đừng làm “nhọ” danh nhà giáo

Liệu có chuyện lãnh đạo Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh không biết một Trưởng khoa trong trường mỗi năm hướng dẫn đến 40 học viên cao học?

Và liệu tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có còn những trường hợp khác mà “thành tích” hướng dẫn học viên cao học cũng không kém gì hai trường hợp nêu trên?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có cần chỉ đạo Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc xem xét một cách nghiêm túc việc đào tạo thạc sĩ tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh?

Cũng cần phải dẫn thêm thông tin mà báo Tuoitre.vn đề cập:

“Chúng tôi tiếp cận tiến sĩ S. - giảng viên làm việc trong lĩnh vực đào tạo sau đại học một trường đại học công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh, người chuyên "cung" cho những học viên có nhu cầu mua luận văn tốt nghiệp”.

Giá mỗi luận văn, như điều tra của Tuoitre.vn là 15 triệu đồng. [4]

Đã từng có tiền lệ một phó giáo sư tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được báo Infonet.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông cho là “ngồi nhầm chỗ”, vậy nên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước có cần đưa ý kiến công luận vào các phiên họp của mình, tránh tình trạng sau khi xem xét lại “lọt sàng” vài chục vị như năm 2018?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://ueh.edu.vn/news.aspx?id=13636&tl=danh-sach-ung-vien-da-nop-ho-so-xet-cong-nhan-dat-tieu-chuan-chuc-danh-giao-su-pho-giao-su-nam-2019-tai-truong-dai-hoc-kinh-te-tp-ho-chi-minh

[2]http://ueh.edu.vn/images/upload/editer/05.BAN%20DANG%20KY%20-%20XETPGS%20-%20DINH%20CONG%20KHAI.pdf

[3] http://ueh.edu.vn/images/upload/editer/04.BAN%20DANG%20KY%20-%20XETPGS%20-%20LE%20NHAT%20HANH.pdf

[4]https://tuoitre.vn/chi-15-trieu-dong-co-ngay-luan-van-thac-si-20190729091457145.htm?fbclid=IwAR1iPcXjrukZHG2kG57bBMQiPwSQ7WKTTMJicUdElQYRnUJHQ_zxUDWQWnE

Xuân Dương