Đã gần 2 tháng trôi qua, tàu khảo sát địa chất Hải dương 08 được sự hỗ trợ, bảo vệ của một cơ số tàu vũ trang, bán vũ trang hùng hậu của Trung Quốc, ngày đêm liên tục quần đảo tại khu vực biển xung quanh bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Tình hình này, đặc biệt là những diễn biến gần đây nhất, khiến cho dư luận hết sức quan ngại, khi tiếp cận nhiều thông tin khác nhau về lập trường và cách ứng xử của các bên liên quan trực tiếp hay gián tiếp đối với sự kiện này.
Thiết nghĩ đây cũng chính là nguyên nhân tạo ra tình trạng phản ứng ở những mức độ khác nhau của dư luận xã hội, trong và ngoài nước, cần được phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học.
Lập trường của Việt Nam và Trung Quốc
Việt Nam
Ngày 16/7/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại đã khẳng định rằng:
“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên.
Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam…”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao bà Lê Thị Thu Hằng (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Chỉ 3 ngày sau, khi mọi thông tin đã được kiểm chứng, ngày 19/7/2019, bà Lê Thị Thu Hằng đã chỉ đích danh đối tượng vi phạm và nội dung cụ thể:
“Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực…”.
Tiếp đến, tại cuộc họp báo ngày 25/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lại một lần nữa tuyên bố:
“Về vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi đã đề cập nhiều lần trong các phát biểu trước đây. Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế…”.
Đặc biệt, Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Thái Lan ngày 31/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.
"Những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật Biển 1982.
Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển.
Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC".
Tàu khảo sát Hải Dương 8 (HD-08) của Trung Quốc (Ảnh: Gulf Times). |
Ngày 16/8/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13/8/2019 tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.
Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế”.
Trung Quốc
Ngày 17/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lại nói rằng, Chính phủ Việt Nam nên tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc đối với một số khu vực trên Biển Đông và phía Việt Nam cũng nên kiềm chế hành động sẽ làm trầm trọng thêm tình hình trong khu vực.
Trong cuộc họp báo ngày 22/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: "tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định", cáo buộc "các thế lực bên ngoài", trong đó có Mỹ, "từ lâu đã đưa ra những bình luận nhằm khuấy động rắc rối và gieo rắc hiềm khích".
Phát biểu trước báo giới tại Bangkok, Thái Lan ngày 31/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói: "Chúng tôi nghĩ các nước không phải trong khu vực không nên cố tình thổi phồng những khác biệt vốn đã để lại từ quá khứ".
Yêu cầu Trung Quốc rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam |
Các nước bên ngoài cũng không được "lợi dụng những khác biệt này để gieo rắc sự ngờ vực giữa Trung Quốc và các nước ASEAN”.
Ngoại trưởng Trung Quốc lặp lại quan điểm phản đối sự can thiệp của các nước bên ngoài khu vực trong vấn đề Biển Đông.
Tại họp báo thường kỳ ngày 19/8, phóng viên đặt câu hỏi với ông Cảnh Sảng về thông tin tàu Hải Dương 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 16/8 cho biết Việt Nam đã phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Người phát ngôn Cảnh Sảng trả lời: Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo “Nam Sa” (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và các vùng biển phụ cận, có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan.
Tàu thuyền tác nghiệp của Trung Quốc luôn tác nghiệp trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Trong quá trình đó, tàu thuyền tác nghiệp căn cứ vào tình hình biển và nhu cầu thực tế điều chỉnh hợp lý kế hoạch tác nghiệp.
Hy vọng các quốc gia liên quan thiết thực tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và cùng với Trung Quốc duy trì an ninh hài hoà tại vùng biển liên quan.
Phản ứng của Mỹ và các nước khác
Mỹ nhanh chóng lên tiếng mạnh mẽ
Trong thông cáo phát đi ngày 20/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Washington rất lo ngại về các báo cáo Trung Quốc gây cản trở các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí ở khu vực Biển Đông, đặc biệt là của Việt Nam:
"Các hoạt động khiêu khích nhiều lần của Trung Quốc nhắm vào hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí xa bờ của các nước liên quan đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và phá hoại thị trường năng lượng tự do mở rộng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Cơ quan này nhắc lại nhận định của Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi đầu năm 2019 rằng, Trung Quốc đã "ngăn các nước ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng trị giá hơn 2.5 nghìn tỉ USD thông qua bắt nạt đe doạ".
Thông cáo cũng chỉ trích các động thái cải tạo và quân sự hoá các thực thể chiếm đóng trái phép của Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Việc sử dụng lực lượng dân quân biển để cưỡng ép và đe dọa các quốc gia khác là một "hành động phá hoại hòa bình, an ninh của khu vực".
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc chính quyền Bắc Kinh cố tình tạo sức ép buộc các quốc gia ASEAN thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn các nước này hợp tác khai thác dầu khí trong khu vực với bên thứ ba. Hành động này bộc lộ rõ ý định độc chiếm các nguồn tài nguyên ở Biển Đông của Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm thứ 2 (26/8 giờ Mỹ) đã lên án Trung Quốc có hành động quấy rối các hoạt động khai thác tài nguyên dầu khí của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình:
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm tại vùng biển Việt Nam |
“Trung Quốc đã nối lại các hoạt động quấy nhiễu, đe dọa các hoạt động khai thác dầu khí lâu đời của Việt Nam trên Biển Đông.
Động thái này của Bắc Kinh đã đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trong bài phát biểu của ông tại Singapore đầu năm nay rằng Trung Quốc sẽ kiên định con đường phát triển hòa bình…”.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh, các hoạt động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, ở đó mọi quốc gia bất luận lớn nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền, không bị đe dọa và có thể phát triển kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc đã được thừa nhận của Mỹ và các quốc gia khác ngoài khu vực.
Nhật Bản quan ngại về tình hình nghiêm trọng ở Biển Đông
Ngày 27/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khẳng định: “Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác và có liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực.
Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Cộng đồng quốc tế cần phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và bất cứ hành động nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào.
Ngoại trưởng Kono nhấn mạnh: “Tôi đề nghị tất cả các bên liên quan cần phi quân sự hóa các cơ sở hoặc thực thể trên Biển Đông và bất cứ tranh chấp nào cũng cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”;
“Chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và bất cứ nơi nào khác”.
Các nước ASEAN
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 Bangkok đã ra tuyên bố chung sau nhiều diễn đàn đã không ra được tuyên bố chung, đánh dấu một bước tiến mới về lập trường của Hiệp hội ASEAN về tình hình Biển Đông.
Các nước khác như Ấn Độ, Úc, EU, Anh, Nga…
Bằng những hình thức và mức độ khác nhau, các nước này đều đã bày tỏ sự quan ngại trước những diễn biến phức tạp, căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông và đều tỏ thái độ ủng hộ lập trường và cách ứng xử của Việt Nam trong thời gian qua.
Nhận xét về những nội dung chủ yếu được thể hiện trong lập trường của Mỹ và các nước
Bộ Ngoại giao Mỹ đã lần thứ hai lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành xử ở Biển Đông với lời lẽ đanh thép hơn và theo nhận định của một chuyên gia ở Washington, Mỹ muốn gửi đi một thông điệp tới Việt Nam và ExxonMobil rằng Hoa Kỳ sẽ không để Bắc Kinh “hăm dọa” công ty dầu khí của họ tại mỏ Cá Voi Xanh.
Thách thức luật pháp quốc tế - Trung Quốc đang hành xử vô pháp trên Biển Đông |
Ngày 22/8, Mỹ “quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí lâu nay của Việt Nam trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là Vùng đặc quyền kinh tế”.
Đây là lần thứ 2 Mỹ lên tiếng về hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông kể từ khi Bắc Kinh đưa tàu thăm dò Địa chất Hải Dương 8 vào khu vực bãi cạn Tư Chính và gây ra vụ đối đầu giữa các tàu hải cảnh của hai bên trong gần 2 tháng qua.
Trong đoạn văn cuối cùng của thông cáo lần thứ 2, Bộ Ngoại giao Mỹ đặc biệt nhấn mạnh đến việc “các công ty của Mỹ là những công ty hàng đầu thế giới trong việc khai thác và thăm dò các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông” và rằng Mỹ “mạnh mẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hay cưỡng chế các quốc gia đối tác phải rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ.
Đi đôi với những tuyên bố mạnh mẽ đó, Mỹ đã điều tàu chiến, máy bay, kể cả tàu sân bay, tên lửa đạn đạo…đến hoạt động ở khu vực Biển Đông.
Mặc dù, chưa trực tiếp xuất hiện ở khu vực bãi Tư Chính, nhưng những hoạt động đó của Mỹ, cùng với chuyến thăm Việt Nam của 2 vị Đại tướng Mỹ diễn ra gần đây đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, sẽ không chịu khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc làm mưa làm gió ở Biển Đông;
Washington sẽ không để Trung Quốc xâm hại các quyền và lợi ích chính đáng của đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực và không để Trung Quốc tiếp tục đe dọa gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ và các quốc gia khác ngoài khu vực tại Biển Đông nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương nói chung.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù có thể Mỹ sẽ không can thiệp quân sự nếu nổ ra xung đột, nhưng Washington sẽ tìm cách để làm mọi thứ có thể để đánh động thế giới về những gì Trung Quốc đang làm bởi vì Trung Quốc càng trông như là một kẻ bắt nạt không được thừa nhận thì cái giá mà Trung Quốc phải trả cho hành vi của họ càng đắt…
Như vậy, có thể thấy rằng, để tiếp tục nhận được nhiều tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ hơn, nhiều sự lên án các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế một cách rõ ràng cụ thể hơn, để phát huy và lan tỏa sức mạnh công lý và lẽ phải trong dư luận xã hội về sự kiện bãi Tư Chính, thiết nghĩ chúng ta nên tiếp tục công bố sự thật đúng sai về lập trường của Trung Quốc khi họ biện hộ cho những vi phạm tại khu vực bãi Tư Chính.
Còn nữa