Mấy hôm nay có câu chuyện rất được quan tâm là chuyện Vũ “nhôm” (Đà Nẵng) bỏ trốn.
Mấy hôm trước cũng có câu chuyện chưa có tiền lệ là chuyện “nâng đỡ không trong sáng một cô gái” ở tỉnh Thanh Hóa.
Nếu chỉ là một doanh nhân “chân chỉ hạt bột”, vì sao Vũ “nhôm” lại bị truy tố tội danh “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”?
Nói Vũ “nhôm” đánh cắp “tài liệu bí mật nhà nước” thì có thể hiểu, nói “làm lộ” có nghĩa là Vũ “nhôm” có điều kiện tiếp cận hoặc quản lý tài liệu bí mật.
Vì Vũ “nhôm” chưa bao giờ được chính thức công nhận là người của cơ quan công quyền nên không thể quản lý tài liệu mật, vậy chỉ còn khả năng Vũ “nhôm” được tiếp cận các tài liệu mật.
Nếu quả thật như vậy thì phải xem ai/cơ quan nào và vì sao lại để Vũ “nhôm” tiếp cận các tài liệu này?
Tại buổi khám xét nhà riêng Vũ “nhôm”, chỉ có người chú đại diện cho gia đình, như vậy cả Vũ “nhôm” và vợ con đều không có mặt tại nơi cư trú.
Nói cách khác người này và vợ con đã cao chạy xa bay và hiện chưa biết trốn ở đâu.
Trước khi đào tẩu, Vũ “nhôm” đã kịp tẩu tán tài sản, thoái vốn tại một số cơ sở kinh doanh với số tiền gần 700 tỷ đồng.
Những kẻ như Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh và Vũ “nhôm” đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày rời bỏ tổ quốc.
Với họ, không có khái niệm lòng trung thành, không có tình yêu đất nước, nhân dân.
Họ thực sự chỉ là loài tầm gửi ký sinh trên mảnh đất này, trên đôi vai những người mẹ nghèo chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai cho đất nước được như hôm nay.
Trên mạng xã hội, có người gọi bọn gian thương giàu có thủ sẵn hộ chiếu nước ngoài trong túi, sẵn sàng rời bỏ tổ quốc khi “đánh hơi” được nguy hiểm là “Hèn đại gia”.
Gọi thế không sai nhưng chưa cho thấy hết bản chất của họ, những người này chẳng khác gì cha con Trần Ích Tắc ngày xưa, thấy lợi là tối mắt, bố mẹ họ còn bỏ nói gì đến quốc gia, dân tộc, nói chung, đều là hạng bán nước, buôn dân.
Khi Bầu Kiên, Hà Văn Thắm và hàng loạt doanh nhân, quan chức “tay nhúng chàm” chấp nhận đứng trước vành móng ngựa, chấp nhận “bóc lịch” sau song sắt, người ta cho rằng ít nhất những người này vẫn còn chút khí chất quân tử, dám làm, dám chịu, nói như ngôn ngữ dân quê là “có gan ăn cướp, có gan chịu đòn”.
“Hèn” là bậc thang cao nhất, danh giá nhất mà những kẻ lắm tiền phạm pháp đang lẩn trốn có được trước khi tụt xuống nấc thang cuối cùng để trở thành “rác rưởi”.
Gọi họ là “Rác gia” lúc đầu hơi lạ tai song chả lẽ lại gọi là “đại gia rác rưởi”?
Để trở thành “Rác gia”, liệu có thể “một mình một ngựa”?
Câu trả lời là không thể.
Với những người kinh doanh “cò con”, chẳng hạn bán bia vỉa hè, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định:
“Phải có chống lưng thì mới dám bán công khai. Tôi đã điều tra rất kỹ, 87% các quán có công an đứng sau.
Tôi xin nói ở đây không phải chỉ có Công an Thành phố mà có cả các cục nghiệp vụ của Bộ”. [1]
Dẫn lời ông Chung, báo Tienphong.vn viết: “Có tình trạng lãnh đạo địa phương đứng sau các bãi giữ xe.
Nếu không chấn chỉnh, sẽ chỉ đích danh bãi xe nào của ông Bí thư, Chủ tịch quận". [2]
Kinh doanh “cò con” thì dựa vào “cò” bé, kinh doanh tầm cỡ tất phải dựa vào “cò” lớn hơn.
Những “cò lớn” ấy chắc chắn phải là người nhà nước, phải là quan có chức, có quyền.
Thế nên thay vì dùng cụm từ rườm rà “một bộ phận không nhỏ cán bộ” xin dùng cụm từ rút gọn là “Mo quan”.
“Mo quan” tức là “Quan mặt mo”. Vậy tìm “Mo quan” ở đâu?
Tìm ở nước ngoài, ở các nước phát triển có lẽ hơi khó, xin nêu hai ví dụ:
Tại Anh Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon đã quyết định từ chức chỉ một ngày sau khi ông lên tiếng xin lỗi vì “đã đặt tay lên đầu gối của nữ phóng viên Julia Hartley-Brewer” trong một bữa tiệc tối từ năm 2002.
Bộ trưởng Tái thiết Nhật Bản Masahiro Imamura đã nộp đơn từ chức vì lỡ lời về vụ động đất - sóng thần diễn ra năm 2011 sau câu nói:
“Thảm họa xảy ra ở vùng đông bắc Tohoku vào năm 2011 còn tốt hơn là ở gần thủ đô Tokyo”.
Mới chỉ “đặt tay lên đầu gối” phụ nữ, vị Bộ trưởng Anh Quốc đã tự động xin từ chức.
Thế còn ở Việt Nam mình “nâng đỡ cả một cô gái” mà lại “nâng đỡ không trong sáng” nhưng không chịu từ chức gọi là “mặt mo” có xứng đáng?
Có người bị cách hết chức vụ trong Đảng, có người bị Đảng kỷ luật, bị Chính phủ kỷ luật mà hình thức kỷ luật không phải mức thấp nhất (khiển trách) nhưng vẫn kiên quyết không viết đơn từ chức, vậy gọi là “Mo quan” có oan cho họ?
Dương Hằng Nga, "nữ anh hùng" hay đơn giản chỉ là "ăn cơm chúa, múa tối ngày?" |
Ở cơ quan nọ khi tìm tài liệu lưu trữ thì phát hiện bị mất, đồng liêu chỉ đích danh tên người phụ trách bộ phận này, lại còn nhiều lần đề nghị công an vào cuộc điều tra, đến nay chả thấy ai từ chức.
Bà Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai bị Trung ương thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo do “vi phạm nghiêm trọng các qui định pháp luật trong quá trình đảm nhiệm công tác, vi phạm Luật phòng chống tham nhũng”, bị dân chúng đề nghị xem xét tư cách đại biểu Quốc hội liền đăng đàn nói đại ý:
“Trước kỳ họp lần này, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh đã tổ chức tiếp xúc ở 11 huyện, thị và chỉ có 4 ý kiến của cử tri phát biểu liên quan đến tư cách đại biểu Quốc hội của bà”. [3]
Vậy là cả 11 huyện, thị xã trong tỉnh chỉ có 4 ý kiến cử tri đề nghị xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của bà Mỹ Thanh.
Liên quan đến vụ việc, báo điện tử Dantri.com.vn trong bài: “Quốc hội với “ý Đảng, lòng Dân” trong vụ việc bà Mỹ Thanh” viết:
“Việc kỉ luật nghiêm khắc với hình thức cảnh cáo (chỉ sau khai trừ) đối với bà Mỹ Thanh là “ý Đảng”, đề nghị bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội với bà Thanh là “lòng Dân”. [4]
Sau bài viết của Dantri.com.vn không thấy có ý kiến phản đối từ chính quyền tỉnh Đồng Nai, thế nhưng sau bài viết “Ai để doanh nghiệp “sỉ nhục chính quyền?” thì có ngay ý kiến phản đối của cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng.
Nội dung cũng được Dantri.com.vn trích dẫn như sau:
“Sở cũng cho rằng: Bài báo đã cố tình đưa thông tin của một vài “cá nhân” để lập luận cho rằng đó là “người dân Đà Nẵng” làm sai lệch vấn đề:
“Đến nay, việc thi hành kỷ luật đối với ông Thơ, người dân Đà Nẵng vẫn không cảm thấy hài lòng”. [5]
Xin không tranh luận về chuyện “một vài cá nhân” hay “chỉ có 4 người”, vấn đề nên xem xét là hình thức xử lý và “độ trễ” của các quyết định của cơ quan công quyền.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ:
“Vi phạm của bà Bà Phan Thị Mỹ Thanh là nghiêm trọng;
Vi phạm, khuyết điểm của ông Ngô Văn Tuấn (Phó Chủ tịch Thanh Hóa) là rất nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, có hệ thống, kéo theo một số tổ chức đảng và nhiều cán bộ đảng viên vi phạm, phải kiểm điểm xử lý kỷ luật.
Quá trình kiểm điểm, ông Tuấn chưa nghiêm túc tự phê bình, thiếu thành khẩn nhận khuyết điểm, vi phạm; [6]
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật”. [7]
Vi phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng nhưng không (hoặc chưa) bị khai trừ khỏi Đảng, có phải như thế những người này vẫn đủ tư cách đảng viên, vẫn đủ tư cách làm Chủ tịch, Phó chủ tịnh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương?
Một khi đã chỉ đích danh những cá nhân thuộc “bộ phận không nhỏ”, đã kỷ luật cảnh cáo mà vẫn để họ trong hàng ngũ của Đảng liệu có làm giảm sút sức chiến đấu của Đảng?
Nếu bị kỷ luật mà vẫn tại vị thì uy tín cơ quan công quyền có bị ảnh hưởng?
Nếu không phải vì có “Mo quan” thì vì sao lại có chuyện “thất lạc tài liệu” ở Bộ Nội vụ, “tẩu tán nhân sự” tại Thanh Hóa và “tẩu tán tài sản” tại Đà Nẵng (liên quan đến Vũ “nhôm”)?
Và thêm nữa, một Chỉnh phủ minh bạch, kiến tạo có nên có nhiều “Mo quan” như vậy?
Chờ đợi người ta viết đơn xin từ chức có lẽ là sự chờ đợi “dài nhất thế kỷ”, cũng như sợi dây kinh nghiệm là sợi dây dài nhất đất nước.
Cơ quan chức năng có thể “chờ”, nhưng người dân không muốn “đợi”.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://thanhnien.vn/viet-nam/87-quan-bia-via-he-ha-noi-co-cong-an-chong-lung-806292.html
[3]http://vneconomy.vn/bi-ky-luat-pho-bi-thu-dong-nai-gui-don-khieu-nai-20171024110111563.htm