Nhiều phát biểu gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho công tác cán bộ, trong đó nổi bật là những chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng…
Mỗi nhiệm kỳ, hội nghị lần thứ tư thường tập trung bàn về công tác xây dựng Đảng với trọng tâm là công tác cán bộ cùng với các hoạt động kinh tế, xã hội.
Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 10 họp từ ngày 15/10/2007 đến ngày 24/10/2007 đã thảo luận một số vấn đề về sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức các ban đảng và các cơ quan nhà nước, văn kiện hội nghị nhấn mạnh:
“Đây là một vấn đề có tính khoa học về tổ chức, nhằm tạo ra cơ chế vận hành thông suốt trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề hết sức hệ trọng, nhạy cảm, cần được nghiên cứu, thảo luận để đi đến các quyết định đúng đắn”. [1]
Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 11 (tháng 12/2011), tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với một số đề án, báo cáo về công tác xây dựng đảng, phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Từ ngày 04/10/2021 đến ngày 07/10/2021, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 đã họp tại Hà Nội, bên cạnh các nội dung về kinh tế, xã hội, phòng chống dịch Covid-19, Hội nghị khẳng định “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sửa đổi, bổ sung quy định về những điều đảng viên không được làm; và một số vấn đề quan trọng khác”.
Ảnh minh hoạ: Tuyengiao.vn |
Gần 4 nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương (từ khoá 10 đến khóa 13) kéo dài khoảng 20 năm, trong thời gian đó nhiều nghị quyết, văn kiện về công tác cán bộ đã được Trung ương công bố, đặc biệt là quyết tâm của các vị lãnh đạo cấp cao nhất thể hiện qua phát biểu và chỉ đạo thực tế.
Công tác cán bộ dịp Đại hội Đảng lần thứ 13 được coi là chặt chẽ, bài bản nhất từ trước đến nay, tuy vậy chỉ sau gần một năm đã có không ít người được quy hoạch, được lựa chọn giao trọng trách lại trở thành tội phạm bị khởi tố như Phan Mạnh Cường - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Thái Nguyên; bị khai trừ khỏi đảng như Lê Hùng Sơn - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, Đàm Quang Vinh - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai;
Hai tháng cuối năm 2021, cơ quan chức năng đã tiến hành xem xét, kỷ luật hàng loạt Giám đốc sở như Đinh Quý Nhân, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Thanh Tú - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai, Hoàng Văn Nhu - nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Giang, Trần Hồng Thắm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo do các sai phạm trong thời gian giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Cần Thơ,…
Vụ thổi giá kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á vào cuối năm 2021 đã dính đến hàng loạt cán bộ các tỉnh, thành phố và cơ quan cấp bộ. Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cho biết:
Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt: Việt đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng; số tiền “hoa hồng” cho các “đối tác” là gần 800 tỷ đồng. [2]
Một bài đăng ngày 25/11/2021 trên báo Quân đội Nhân dân điện tử (Qdnd.vn) viết:
“Điều đáng lưu ý là có rất nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật Đảng, bị pháp luật xử lý. Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao còn thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng”. [3]
Nhận định trên Qdnd.vn cho thấy sự quyết tâm không ngừng nghỉ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ gần 20 năm qua vẫn chưa mang lại kết quả mong đợi.
Những người làm khoa học tự nhiên sau nhiều thử nghiệm không thành công thường sẽ bỏ cách cũ, tìm cách mới. Trong thời đại kỹ thuật số, sẽ không có nhiều thời gian cho sự chờ đợi bởi thời gian là tiền bạc, là phát triển hay phá sản, là dẫn đầu hay theo đuôi.
Liệu đã nên xem xét lại tính “truyền thống” của công tác cán bộ, tính khoa học của “Quy trình” xây dựng đội ngũ cán bộ được áp dụng nhiều năm qua?
Nếu quy trình là khoa học, là đúng đắn thì chắc chắn phải dẫn tới thành công.
Sáu mươi năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dặn dò cán bộ:
“Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”. [4]
Có thể thấy các vị lãnh tụ, lãnh đạo cao nhất ngay từ khi thành lập Đảng đã luôn đặt công tác cán bộ lên hàng đầu, tuy nhiên bên cạnh ý kiến trên Qdnd.vn, một bài đăng trên Tạp chí Cộng sản tháng 10/2020 đã phải viết:
“Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi... Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ là một trong những điểm yếu, cản trở sự phát triển”. [5]
Suy nghĩ của người viết có đôi chút khác biệt, những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để có đột phá lớn về đổi mới công tác cán bộ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong bài đăng trên Báo Nhân Dân số 2147, ra ngày 03/02/1960 dưới bút danh Trần Lực, đó là nguyên tắc “Nhân dân giao quyền cho cơ quan nhà nước thông qua bầu cử”, cụ thể: [6]
“Chế độ tuyển cử của chúng ta thực hiện dân chủ đồng thời thực hiện sự đoàn kết toàn dân, mọi công dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử. Việc tuyển cử tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.
Hiểu một cách chính xác lời Hồ Chủ tịch “Nhân dân giao quyền cho cơ quan nhà nước thông qua bầu cử” nghĩa là bầu cử nhân sự toàn bộ “cơ quan nhà nước” chứ không chỉ các cơ quan dân cử (Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân dân).
“Cơ quan nhà nước” theo cách hiểu chung nhất bao gồm ba loại:
1. Cơ quan quyền lực nhà nước: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất; Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực ở địa phương;
2. Cơ quan hành chính Nhà nước: Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, huyện và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân;
3. Cơ quan tư pháp: Tòa án, Viện kiểm sát.
Như vậy, việc lựa chọn cán bộ cho “cơ quan nhà nước” thực hiện đúng theo giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải theo hướng “bầu cử bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.
Trong trường hợp đặc thù có thể thay thế bầu cử bằng cách thi tuyển công khai, minh bạch các chức danh lãnh đạo, làm được như vậy tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp…” không thể xuất hiện.
Vậy “quy trình” đang áp dụng bao gồm “quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển” cán bộ có phải là biện pháp duy nhất đúng để bảo đảm tuyển chọn được cán bộ đủ tâm và đủ tầm?
Dễ nhận thấy hiện tượng một cán bộ muốn được bổ nhiệm vào chức vụ nào đó thì phải được quy hoạch vào vị trí đó, quá trình này không liên quan đến thi tuyển hoặc bầu cử và cũng không diễn ra chỉ trong một vài ngày.
“Quy hoạch” cán bộ là quá trình diễn ra hàng năm trời trước bầu cử, bầu cử là sự hợp lý hóa quy hoạch đã dự kiến.
Chính giai đoạn “quy hoạch” này khiến không ít người đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên để đẹp lòng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Không ít người được quy hoạch mong các “ông tiềm năng” bị đẩy đi chỗ khác, đi đâu, đi thế nào không cần biết, miễn là… đi.
Quy hoạch diễn ra không phải chỉ trong một vài tháng mà có thể trong một hoặc vài năm, vì vậy chỉ những người có tham vọng mới đủ kiên nhẫn trụ vững, và lẽ nào trong quá trình đó những thứ bị “thiếu” lại không cần chạy cho đủ?
Chạy xong đương nhiên phải thu hồi vốn, đây là kinh tế thị trường mà.
Khi mới nhận chức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cựu tướng Công an Nguyễn Đức Chung phát biểu: “Chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”.
Ông Chung muốn nói lỗi do vị Chủ tịch - Kiến trúc sư tiền nhiệm hay do chính … Quy hoạch?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=779
[2] http://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-an-ninh-trat-tu/bo-cong-an-thong-tin-ve-ket-qua-dieu-tra-lien-quan-den-cong-ty-co-phan-cong-nghe-viet-a-d22-t30828.html
[3] https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/chong-tham-nhung-tieu-cuc-xay-dung-con-nguoi-678509
[4]https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/817028/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-can-bo-va-cong-tac-can-bo.aspx
[5] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/817028/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-can-bo-va-cong-tac-can-bo.aspx
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, trang 375 “Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họ thứ 11 Quốc hội khoá 1 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. (Trần Lực – Báo Nhân Dân số 2147, ngày 03/02/1960)