Ở vị trí trung tâm của Hà Nội Lotte Center được kỳ vọng sẽ là trung tâm mua sắm của thủ đô, tuy nhiên sau những ồn ào ngày đầu khai trương Lotte Cente bỗng trở nên vắng vẻ đặc biệt khu vực mặt hàng ẩm thực. Nguyên nhân do giá cả quá đắt so với mặt bằng chung.
Đơn cử, một chiếc bánh ngọt Macaron giá 100.000 đồng; một đĩa mì xào giá 200.000 đồng; bún bò Nam bộ 175.000 đồng/bát, phở bò 130.000 đồng/bát; một đĩa cơm rang giá 200.000 đồng, bún chả 175.000 đồng/suất…, đều chưa bao gồm 10% thuế VAT.
Cảnh vắng vẻ của Trung tâm thương mại Lotte Center |
Là nhân viên văn phòng một công ty, chị Nguyễn Thị Loan (Hà Nội) cho biết, buổi trưa nhiều lần vào thăm gian hàng thực phẩm tuy nhiên giá đắt đỏ. “Thường chỉ người nước ngoài chủ yếu người Hà Quốc ăn tại đây, với giá như vậy chắc cũng chỉ đáp ứng nhu cầu cho khách hàng là người Hàn Quốc đàng làm việc tại Hà Nội”, chị Loan cho biết.
Về định hướng khách hàng, Tổng giám đốc Lotte Coralis Việt Nam - ông Lee Jong Kook cho biết, đối tượng hướng đến của Lotte Center Hà Nội là những vị khách cao cấp, không quá nhạy cảm với những biến động của nền kinh tế.
Như vậy có thể nói giá mặt hàng tại Lotte Center không hướng đến đa số người tiêu dùng mà hướng đến khách hàng phân khúc trung và cao cấp. Tuy nhiên ngay cả khi định hướng như vậy, Lotte Center cũng gặp khó khi tọa lạc tại khu vực Đào Tấn (Ba Đình – Hà Nội).
Theo phân tích TS Đào Xuân Khương - chuyên gia bán lẻ hiện đại, Lotte Center bị bao vây bởi các siêu thị, trung tâm thương mại. Theo TS Khương, khi đi vào đầu tư xây dựng Lotte Center có thể nhắm đến lượng khách hàng tiềm năng là người Hàn Quốc đang sống làm việc tại khu vực Trung Hòa Nhân Chính (Cầu Giấy).
Tuy nhiên quãng đường từ khu vực Trung Hòa sang Đào Tấn khá xa, giao thông tắc nghẽn là bước cản trở rất lớn. Cùng với đó, Lotte Center phải cạnh tranh với trung tâm mua sắm như Parkson Keangnam, Grand Plaza.
Trong khi đó với giá cả các mặt hàng theo TS Đào Xuân Khương, đó không là vấn đề then chốt khiến khách hàng quay lưng. Nêu ví dụ TS Khương cho biết, một lon Coca-Cola bán quán nước chỉ 7.000 đồng nhưng ngay trong siêu thị giá đã phải 10.000 đồng, còn với các quán ccaffe có view đẹp nhìn được cảnh đẹp thành phố giá có thể 30.000 đồng.
“Trong bán lẻ không có khái niệm giá đắt, cùng một lon Coca Cola giá bán ở vỉa hè khác với một quán nước, giá khi đó có thể gấp 2 - 3 lần nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận vì ở đó người tiêu dùng được đáp ứng dịch vụ tương ứng. Dịch vụ như lon Coca Cola sạch để người ta có thể uống trực tiếp, dịch vụ là lon được làm lạnh, có ống hút, được đưa đến tận nơi…”, TS Khương phân tích.
Một ví dụ khác, cách đây không lâu người Hà Nội từng sửng sốt khi một bát phở bò Kobe giá tới gần 1 triệu đồng thu hút không ít người đến thưởng thức. Dù sau đó món phở bò tiền triệu này bị đưa ra khỏi thực đơn do nghi vấn thị bò Kobe giả. Tuy nhiên cái tên phở bò Kobe vẫn mang lại ấn tượng mạnh và người Hà Nội vẫn sẵn sàng bỏ ra số tiền khủng để thưởng thức món ăn này.
Lý giải việc người Hà Nội sẵn sàng bỏ ra cả triệu đồng ăn bát phở, TS Khương cho rằng điểm mấu chốt là dịch vụ. theo TS Khương nếu ăn bát phở bò dù không phải Kobe nhưng ở nhà hàng có hướng nhìn ra Hồ Tây được đầu bếp hàng đầu chế biến, được hưởng dịch vụ xứng đáng thì khách hàng vẫn sẵn sàng móc hầu bao một cách vui vẻ.
Vì vậy trở lại Lotte Center. ông Khương khẳng định việc khách hàng quay lưng là do dịch vụ không tương xứng với giá trị đồng tiền khách hàng bỏ ra. Nếu dịch vụ kém thì không chỉ người tiêu dùng Việt mà ngay cả khách nước ngoài như Hàn Quốc cũng sẽ một đi không trở lại với Lotte Center.