Lotte Center ế ẩm, đìu hiu: Vì đâu nên nỗi?

05/10/2014 08:48
NGUYỄN QUÂN
(GDVN) - Nguyên nhân nào khiến hàng loạt gian hàng cao cấp tại Trung tâm thương mại Lotte Center Hà Nội đã đồng loạt giảm đến 50% giá bán vẫn ế ẩm, vắng tanh?

Giảm 50% vẫn ế

Ngay sau ngày khai trương, mọi hoạt động của Tòa nhà Lotte Center Hà Nội đều thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Nằm ngay trên phố Liễu Giai, ở vị trí đắc địa, với tổng mức đầu tư 400 triệu USD gồm các hạng mục: Khách sạn, căn hộ dịch vụ, văn phòng, trung tâm thương mại, tòa nhà 65 tầng mang hình chiếc áo dài Việt Nam được chủ đầu tư kỳ vọng sẽ là nơi phục vụ lượng khách hàng tìm đến mua sắm. 

Cũng sau ngày khai trương, hàng loạt gian hàng cao cấp tại Trung tâm thương mại Lotte Center Hà Nội đã đồng loạt giảm đến 50% giá bán để thu hút khách hàng.

Hàng loạt gian hàng tại Lotte Center Hà Nội rơi vào cảnh ế ấm.
Hàng loạt gian hàng tại Lotte Center Hà Nội rơi vào cảnh ế ấm.

Việc giảm giá bán đến 50% sản phẩm tại các Trung tâm thương mại hạng A tại Hà Nội là một điều hiếm thấy. Hiện tượng này chỉ từng xảy ra tại Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza trước khi nó đóng cửa để cơ cấu lại gian hàng. Hoặc tại Trung tâm thương mại Grand Plaza trước khi đóng cửa “vô thời hạn”. Trong khi đó, tại Lotte Center Hà Nội, việc giảm giá đến 50% giá bán lại là hoạt động phổ biến, liên tục được các gian hàng áp dụng. 

Tuy nhiên, tròn một tháng sau khai trương, đến nay, trung tâm thương mại tại tòa tháp cao thứ nhì Việt Nam đang rơi vào tình cảnh vắng vẻ, buồn tẻ.

Vì đâu nên nỗi?

Việc đại gia xứ Hàn đang bỏ trống một danh mục đầu tư quan trọng là rạp chiếu phim, một trong những dịch vụ giải trí không thể thiếu tại các tòa cao ốc vui chơi, giải trí, mua sắm là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng ế ấm, vắng khách của Lotte Center.

Thông thường ở các trung tâm thương mại khác như Lotte Keangnam, Royal City, Time City… rạp phim luôn thu hút lượng lớn khách hàng tới để mua vé vào các phòng chiếu.

Ngoài ra, xen kẽ khoảng thời gian chờ đợi đến giờ chiếu sẽ là lúc các khách hàng đi xuống các khu mua sắm, ăn uống của tòa nhà và sẽ thúc đẩy việc giao thương trong trung tâm thương mại…

Theo lý giải của ông Lee Jong Kook - Tổng giám đốc Lotte Coralis Việt Nam, đối tượng hướng đến của Lotte Center Hà Nội là những vị khách cao cấp, không quá nhạy cảm với những biến động của nền kinh tế. Về việc không có phòng chiếu phim, khu vui chơi giải trí, vị này cho rằng, âm thanh của rạp chiếu phim có thể gây ồn ào ảnh hưởng tới các vị khách ở khách sạn và những người dân sống trong các căn hộ cho thuê.

Tuy nhiên, doanh thu tại các rạp chiếu phim đông khánh mỗi khi có những bộ phim bom tấn là một khoản lợi nhuận không nhỏ đối với chủ đầu tư. 

Bạn Khánh Linh (Học viện Ngoại thương) chia sẻ: Mình có đến Lottle Center hôm khai trương và quay lại đó sau mấy ngày. Hôm đầu chật cứng là nhờ SNSD được mời về nên có một nhóm fan cuồng rất đông đến để gặp thần tượng, Thêm nữa, là có một lượng lớn người hiếu kì với tầng cao nhất của tòa nhà này (sàn kính chịu lực) nên kéo nhau đến tham quan. Sau vụ sự cố thang máy vừa rồi thì dân tình cũng đủ hết hồn, lượng người giảm là điều dễ hiểu. 

Ngoài ra thì tầng hầm bán đồ (thực phẩm và nhu yếu phẩm) có quá ít mặt hàng. Nhìn qua tưởng nhiều, ai dè được lèo tèo vài chủng loại. Hôm đó mình vô chơi, tiện thể mua chai sữa tắm. Thế mà quanh quẩn chỉ có vài chai sữa tắm thương hiệu thông dụng (Dove, Doublerick,... ) nói chung là rất ít. Ở đây không có rạp chiếu phim, tiện ích cũng không có gì quá nổi bật so với Royal City hoặc Lotte Keangam".

Một lý do khác khiến nhiều khách hàng Việt không muốn đến Lotte Center là do giá bán các mặt hàng ở đây quá “chát”, khách hàng phàn nàn về việc giá bán đồ ăn đến mức “cắt cổ”, một chiếc bánh ngọt Macaron giá 100.000 đồng, một đĩa mì xào 200.000 đồng, bún bò Nam bộ 175.000 đồng/bát, phở bò 130.000 đồng/bát, một đĩa cơm rang giá 200.000 đồng, bún chả 175.000 đồng/suất…, đều chưa bao gồm 10% thuế VAT.

Giá bán “cắt cổ”, Lotte Center chỉ dành cho giới thượng lưu?
Giá bán “cắt cổ”, Lotte Center chỉ dành cho giới thượng lưu?

Một lon Coca Cola ở Top of Hanoi có giá là 100 nghìn đồng, trong khi ở "dưới mặt đất", lon Coca Cola chỉ có giá 8 nghìn đồng, tính ra đắt gấp 12 lần. Một chai bia Hà Nội thông thường có giá khoảng 8 nghìn, thì ở đây mức giá là 120 nghìn, đắt gấp 15 lần.

Khách hàng nói gì?

Chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) đưa ra nhận định: Tại sao vắng khách ở các Trung tâm thương mại cao cấp? Theo tôi, có lẽ do các nhà đầu tư khi xây dựng không nghĩ tới các khách hàng là bình dân. Bao nhiêu người đủ tiền để tới các trung tâm này mua sắm? Đời sống của người dân còn nhiều người khổ lắm, nên các Trung tâm thương mại này nên mở bán nhiều mặt hàng bình dân, giá cả phải chăng. Bên cạnh đấy là các dịch vụ gửi xe nên thu giá như thành phố quy định. Phải thế thôi, nhiều khi kinh doanh phải mất 1,2 năm mới kéo khách đến được.

Cùng suy nghĩ, anh Tùng (nhân viên một công ty truyền thông ở Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Trong thời buổi kinh tế vẫn chưa thoát khỏi suy thoái như hiện nay, các nhà đầu tư cần nhất là đưa ra giá cả hợp lý. Chứ cứ nói trung tâm thương mại là đưa ra giá trên trời thì ai mà dám vào. Vấn đề đầu tiên cần xác định là sẽ tiếp cận khách hàng tại nơi đặt Trung tâm đó là loại khách hàng nào? Nguồn gốc hàng hóa phải rõ ràng. Nhà đầu tư phải làm Marketing thật tốt thì lòng tin của người tiêu dùng mới vực lại được trong thời kỳ khó khăn.

Một bạn trẻ khác nhìn nhận, không phải là không thể thay thế được chợ truyền thống, mà là khi đã vào đến khu Trung tâm thương mại thì giá cả của các mặt hàng lại đội lên quá cao. Thu nhập tính theo mức sống của đại đa số người dân lại không thể theo kịp, vì vậy "vắng như chùa bà đanh" là đúng quá rồi. Có chăng vào đó chỉ là đi chơi, chụp ảnh, up lên trang xã hội... nhưng cũng chỉ vài lần thôi.

Chỉ sau 1 tháng khai trương, hàng loạt các nhà hàng cao cấp theo phong cách Hàn, Nhật, Việt… đều lâm vào tình trạng ế ẩm, đìu hiu và nhiều người sau khi ăn ở đây một lần không còn muốn quay lại.

Ngoài ra, việc trung tâm thương mại hiện đại vắng khách, ngoài các lý do khách quan như: kinh tế khó khăn, dòng khách hạng sang cắt giảm chi tiêu, khách tầm trung tìm về với chợ truyền thống, môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các Trung tâm thương mại cao cấp trên thị phần nhỏ hẹp và giữa Trung tâm thương mại với các cửa hàng dân sinh với ưu thế về giá cả và tính thuận tiện…

Có thể Lotte Center đã định hình phân khúc đón khách hàng  cao cấp và phần lớn là khách Hàn Quốc, phục vụ người dân chỉ là phụ nên sự vắng vẻ của tòa nhà này là điều dễ hiểu. Về lâu dài, Trung tâm thương mại này có đứng vững hay không, thời gian sẽ trả lời khi khách hàng có sự trải nghiệm…

NGUYỄN QUÂN