Mới đây, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã công bố các công trình đoạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2021. Ngành Dầu khí có 7 công trình nghiên cứu khoa học công nghệ đoạt giải.
7 công trình của ngành Dầu khí tự hào được trao giải trong đợt này gồm:
Lĩnh vực Cơ khí – tự động hóa có công trình “Thiết kế, chế tạo và ứng dụng thiệt bị HABE (Hydraulic Extendable Bail Arm/Quang treo thuỷ lực” của kỹ sư Nguyễn Văn Hiếu (chủ nhiệm) và các cộng sự Công ty TNHH MTV Giếng khoan Dầu khí PVD (PVD Well Services) – Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đạt giải Ba.
Công trình “Thiết kế, chế tạo máy test động Mechanical seal” của kỹ sư Nguyễn Anh Khoa (chủ nhiệm) và các cộng sự Xưởng cơ khí – Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đạt giải Khuyến khích.
Lĩnh vực Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới có công trình “Tối ưu nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà máy Đạm Cà Mau” của kỹ sư Văn Tiến Thanh và các cộng sự Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đạt giải Ba.
Trong lĩnh vực Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên có các công trình: Công trình “Quy trình tổng hợp dung dịch NH3” của kỹ sư Phạm Thường (chủ nhiệm) và các cộng sự Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đạt giải Ba.
Công trình “Giải pháp và tái sử dụng xúc tác RFCC đã qua sử dụng” của kỹ sư Huỳnh Công Vĩnh (chủ nhiệm) và các công sự Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt giải Ba.
Công trình “Tăng nhiệt độ điểm chớp cháy cho sản phẩm DCO đáp ứng tiêu chuẩn FO (FP) của BSR làm tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất MFO của BSR” của thạc sỹ Nguyễn Hoàng Tri (chủ nhiệm) và các cộng sự Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt giải Ba.
Công trình “Chính xác hoá phân bổ đặc tính chất lưu PVT bằng áp dụng nghiên cứu cân bằng nhiệt động học kết hợp với phương trình trạng thái” của thạc sỹ Nguyễn Hoàng Đức (chủ nhiệm) và các cộng sự Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đạt giải Khuyến khích.
Công nhân, kỹ sư Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã làm chủ khoa học công nghệ lọc hóa dầu. Ảnh: BSR |
Các tác giả đoạt giải là những cán bộ, kỹ sư đã luôn phát huy và đẩy mạnh phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với mong muốn tạo ra được nhiều giải pháp hữu ích, sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả nhất cho ngành Dầu khí nói riêng và cho xã hội nói chung.
Trong đó, công trình của kỹ sư Nguyễn Hoàng Tri và cộng sự tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn từng là một trong 3 giải pháp đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 12 (2020 - 2021). Công trình ra đời từ khi phân xưởng RFCC - trái tim của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được đưa vào chạy thử (tháng 4/2009) và vận hành thương mại.
Vấn đề là nhiệt độ điểm chớp cháy của dầu DCO không đạt được giá trị thiết kế 1000 độ C và có nhiều thời điểm xuống thấp hơn giá trị tiêu chuẩn 490 độ C. Có lúc chỉ tiêu này xuống dưới 460 độ C, là ngưỡng an toàn tối thiểu cho phép tương ứng với điều kiện lưu chứa trên thực tế của sản phẩm này tại khu vực bể chứa sản phẩm.
Để giải quyết vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Tri cho biết, nhà máy phải trộn thêm phân đoạn residue tại phân xưởng CDU (là nguyên liệu có giá trị kinh tế cao của phân xưởng RFCC) vào phân đoạn DCO.
Trong khi đó, việc phối trộn residue chất lượng cao vào dầu DCO và bán với giá của dầu FO sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế. Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực làm việc và mạnh dạn đưa ra giải pháp cải thiện thành công chỉ tiêu nhiệt độ chớp cháy của phân đoạn DCO mà không cần phải phối trộn residue.
Công trình “Chính xác hoá phân bổ đặc tính chất lưu PVT bằng áp dụng nghiên cứu cân bằng nhiệt động học kết hợp với phương trình trạng thái” của thạc sĩ Nguyễn Hoàng Đức (chủ nhiệm) và các cộng sự Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đạt giải Khuyến khích.
Các công trình đạt giải VIFOTEC nói chung và các công trình của ngành dầu khí nói riêng đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết được các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng.
Dự và phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, phát triển khoa học và công nghệ là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải đi tiên phong, nêu gương sáng “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá” vì sự nghiệp chung; đội ngũ trí thức, doanh nhân đóng vai trò nòng cốt trong lao động, sáng tạo; phát huy vai trò chủ thể và sức sáng tạo vĩ đại của nhân dân.
Các tác giả, nhóm tác giả nhận giải Ba – Giải thưởng VIFOTEC năm 2021. Ảnh: TTXVN |
Ngay sau lễ trao giải, thay mặt Ban tổ chức, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát động “Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022”. Giải thưởng năm 2022 sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ trọng điểm, như: Cơ khí tự động hóa; vật liệu; thông tin, điện tử và viễn thông; sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Năm 2021 đã có 110 công trình được gửi về tham dự cuộc thi giải thưởng VIFOTEC. Ban Tổ chức giải thưởng đã xem xét và trao giải cho 45 công trình thuộc 6 lĩnh vực: Cơ khí - tự động hóa; Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Công nghệ vật liệu; Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.