Giao đất 99 năm là tạo ra sự vượt trội và đột phá cho đặc khu

24/05/2018 06:19
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đó là nhấn mạnh của đại biểu Nguyễn Văn Thân tại phiên thảo luận về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Giơ biển tranh luận tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, với tinh thần thử nghiệm, vượt trội và đột phá, có lẽ Chính phủ sẽ phải tìm những người có kinh nghiệm và trình độ để đảm nhiệm vị trí chủ tịch đặc khu

“Vì thế, nếu những việc lớn, quan trọng mà chủ tịch đặc khu không quyết được thì tôi nghĩ là lại quay về cái không phải đột phá, cái cũ như chúng ta hiện nay chứ không phải ở khu kinh tế đặc biệt đang làm”, đại biểu nói.

Về các ý kiến không đồng tình việc giao đất 99 năm, đại biểu Thân cho rằng, đấy là đảm bảo tính vượt trội và đột phá, chứ nếu chúng ta không làm, không đưa ra thì các nhà đầu tư người ta sẽ nhìn vào, so sánh với nước khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: Quochoi.vn)

“Tôi được biết là người ta đã làm rồi. Nếu chúng ta không vượt trội hơn ở điểm đó thì các nhà đầu tư sẽ không vào. Chúng ta cũng không có lo ngại gì, vì tài sản, công trình của họ ở đất nước mình.

Tôi thấy điều này rất hay, vừa đảm bảo được vấn đề kinh tế đất nước, vừa đảm bảo được vay vốn và sử dụng người tài. Tôi nghĩ rằng kể cả người ấy tình nguyện làm công dân của nước Việt Nam cũng nên mời người ta vào làm công dân", ông Thân nói.

Đại biểu Thân bày tỏ đồng tình với ý kiến là Hội đồng nhân dân giám sát quyền lực và không đồng ý với tinh thần là Hội đồng nhân dân lại bầu Chủ tịch đặc khu.

“Bởi vì, trong khu kinh tế đặc biệt, dân ít, lực lượng hiểu biết về kinh tế vượt trội mà 15 thành viên, tôi nghĩ trong các đại biểu ấy kiến thức về vấn đề này ít.

Chúng ta đi nhiều còn nhiều bỡ ngỡ thì 15 vị ấy lại bầu Chủ tịch đặc khu, tôi nghĩ là thiếu khách quan. Tỉnh sẽ trình lên Thủ tướng và Thủ tướng quyết định chủ tịch đặc khu thì hay hơn”, đại biểu Thân nói.

Là đại biểu tại tỉnh Quảng Ninh, nơi có Vân Đồn, một trong 3 đặc khu trong dự án luật, Đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, từ kỳ họp thứ 4 đến nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và hoàn thiện cơ bản dự thảo luật.

Đại biểu Lan có thêm đóng góp để hoàn thiện dự án Luật.

Về cơ chế hỗ trợ nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho đặc khu, Khoản 5, 6 Điều 39 ghi,  ngân sách trung ương quy định bổ sung có mục tiêu cho ngân sách đặc khu về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật xã hội và bảo vệ môi trường quan trọng với mức hỗ trợ do Quốc hội quyết định.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định bổ sung ngân sách mục tiêu của Trung ương cho ngân sách đặc khu. Sau đó Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ giao dự toán.

Giao đất 99 năm là tạo ra sự vượt trội và đột phá cho đặc khu ảnh 2Trao quyền lớn cho chủ tịch đặc khu nhưng cần làm rõ trách nhiệm cá nhân

“Theo tôi quy định như vậy chưa rõ về mức hỗ trợ, về thời gian hỗ trợ và quy trình thủ tục tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư hạ tầng của đặc khu còn mất một thời gian khá dài.

Do vậy, đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh quy định cụ thể hơn mức bổ sung ngân sách nhà nước đầu tư có mục tiêu cho các đặc khu trong những năm đầu. Rõ hơn về mức hỗ trợ, về thời gian hỗ trợ và có thể quy định theo tỷ lệ trên tổng mức đầu tư.

Như vậy sẽ vẫn đảm bảo được với khả năng bố trí ngân sách cũng như vẫn đảm bảo với việc thực hiện quyết tâm của Trung ương đối với việc phát triển ba đặc khu.

Tiếp đó, nội dung của dự thảo luật hiện nay vẫn còn một số điểm quy định thực hiện như luật hiện hành. Ví dụ như vấn đề về nhà ở, vấn đề về quản lý, sử dụng công chức, vấn đề về đầu tư công v.v...

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo luật tiếp tục rà soát thêm các cơ chế chính sách đặc thù để quy định theo tinh thần kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 21.

Đó là quy định ngành nghề ưu tiên và chính sách vượt trội đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế, phải phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, lợi thế của đặc khu và cũng phải được quy định trong luật.

“Đề nghị sẽ xem xét, điều chỉnh một số các nội dung cụ thể, ví dụ đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh một số quy định về giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu thực hiện thu hồi đất đối với một số dự án kinh tế  xã hội và đấu thầu dự án theo kế hoạch do Hội đồng nhân dân quyết định.

Như vậy, rất phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay và cũng đáp ứng với việc thực hiện thu hồi đất để có thể giao được cho các nhà đầu tư và cử tri nhân dân cũng rất đồng tình theo phương án này”, đại biểu Lan nhấn mạnh.

Đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh khoản 4 Điều 16 giảm thời hạn thực hiện giải ngân vốn đầu tư thấp hơn so với mức thời gian có thể hoàn thành đầu tư từ 5 đến 8 năm, có thể giảm hơn so với mức này.

Bởi vì Chủ tịch đặc khu đã tiến hành thu hồi đất và giao mặt bằng đất cho nhà đầu tư. Do vậy thời gian để hoàn thành giải ngân dự án đầu tư thì vốn đầu tư có thể rút ngắn hơn.

Giao đất 99 năm là tạo ra sự vượt trội và đột phá cho đặc khu ảnh 3Không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành

Đại biểu Lan đề nghị mở rộng đối tượng xem xét phù hợp tạo điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại đặc khu tại khoản 1 Điều 34, nội dung cụ thể đoàn đại biểu sẽ tham gia chi tiết.

"Chúng tôi đề nghị với hướng mở rộng đối tượng và xem xét các điều kiện phù hợp với thực tế để đảm bảo được tính đột phá cũng như các đối tượng sẽ tham gia phát triển kinh tế tại đặc khu ở đây", vị đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu.

Các nội dung liên quan để chuẩn bị cho phương án tổ chức bộ máy chính quyền đặc khu cũng như thực hiện các giải pháp để xây dựng hoàn thành quy hoạch đặc khu và các nhiệm vụ để khi có luật là có thể triển khai thực hiện được ngay.

“Do vậy, chúng tôi cũng đề nghị kỳ này Quốc hội xem xét ý kiến các đại biểu đã phát biểu tại đây cũng đã có rất nhiều ý kiến mà chúng tôi đồng tình cả về lĩnh vực tư pháp cũng như các cơ chế chính sách kinh tế - xã hội đã đảm bảo để có thể thông qua dự án luật.

Và Bộ Quốc phòng cũng như Bộ Công an đã có đề án riêng để đảm bảo về lĩnh vực an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Quốc hội sẽ thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 5 và để kỳ họp thứ 6 có thể ban hành nghị quyết thành lập 3 đặc khu kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới”, đại biểu Lan bày tỏ quan điểm.

Đỗ Thơm