Chuyển đổi số giúp Trường ĐH Sao Đỏ không bị đứt gãy trong quá trình đào tạo

30/01/2022 06:46
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngay từ năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 mới xảy ra làm ảnh hưởng lớn tới giáo dục và đào tạo, nhà trường đã đẩy mạnh chuyển đổi số để không đứt gãy đào tạo.

Trường Đại học Sao Đỏ cũng là một trong các đơn vị đào tạo của Bộ Công Thương đã thành công trong việc chuyển mình phát triển theo xu hướng chuyển đổi số và đã thu được những kết quả khả quan. Là một trong những trường đại học trong tâm dịch khi làn sóng thứ 3 của dịch COVID- 19 hoành hành tại Hải Dương, trường đã vượt quá sóng gió, đảm bảo việc đào tạo không bị đứt gãy. Một trong những điều kiện tiên quyết để Trường Đại học Sao Đỏ vượt qua khó khăn chính là việc chuyển đổi số thành công.

Nhân dịp xuân Nhâm Dần, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ về quá trình chuyển đổi số của nhà trường.

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phóng viên: Xin Tiến sĩ cho biết, nội dung chủ đạo mà nhà trường tiến hành chuyển đổi số là gì?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên: Trường Đại học Sao Đỏ đã định hướng chuyển đổi số từ năm 2010. Nhà trường đã sử dụng hệ thống phần mềm rất có hiệu quả trong công tác quản lý các hoạt động đào tạo, nhân sự, tài chính. Từ năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng lớn tới giáo dục và đào tạo, nhà trường đã đẩy mạnh chuyển đổi số để quá trình đào tạo không bị đứt gãy, Trường đại học Sao Đỏ đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: nâng cấp công nghệ, bồi dưỡng đội ngũ, phát triển nguồn học liệu số và thay đổi bổ sung các chính sách kịp thời phù hợp.

Nhà trường chú trọng việc bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy và quản trị bởi các thầy cô phải là người làm chủ công nghệ, tạo ra nguồn học liệu số và giúp sinh viên học tập đạt được chuẩn đầu ra của các học phần. Người quản trị giúp toàn bộ hệ thống được thông suốt trong quá trình tổ chức dạy – học, kiểm tra đánh giá, cơ sở dữ liệu được bảo mật, đồng bộ, nhất là dữ liệu kết quả học tập đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, minh bạch.

Phóng viên: Tiến sĩ có thể cho biết quá trình số hóa học liệu của nhà trường được tiến hành như thế nào? Những trụ cột để chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường Đại học Sao Đỏ là gì?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên: Có thể xem “Số hóa học liệu” như một phần quan trọng của quá trình “Chuyển đổi số”, nhất là trong việc dạy – học trực tuyến. Tài liệu, giáo trình phục vụ dạy – học được nhà trường cập nhật, bổ sung và được số hóa đưa vào thư viện số. Ngoài ra nhà trường còn triển khai đưa bài giảng điện tử và bộ câu hỏi ôn tập của từng học phần lên hệ thống E-learning để sinh viên học và ôn luyện, tự kiểm tra trình độ. Trong năm học 2020 - 2021, nhà trường đã đưa gần 1000 tài liệu, bài giảng lên hệ thống để phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học.

Trong giai đoạn 2015-2020 nhà trường đã định hướng chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đang tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, Nhà trường đã thực hiện quản lý đào tạo trên hệ thống phần mềm ngay từ những năm đầu đào tạo đại học. Hàng năm đều có sự cập nhật và bổ sung các tính năng của các phần mềm quản lý. Cùng với việc áp dụng các phần mềm, nhà trường xây dựng quy chế quản lý đào tạo dựa trên nền tảng số; xây dựng quy định quản lý thi trực tuyến, quy định quản lý hoạt động truyền thông qua cổng thông tin điện tử và Fanpage của trường, quy định về quản lý hệ thống công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của nhà trường, ngoài ra nhà trường đã xây dựng chính sách khuyến khích giảng viên xây dựng các bài giảng, học liệu số một cách có hệ thống để chia sẻ trực tuyến trên Cổng thông tin học tập trực tuyến Trường Đại học Sao Đỏ, SDU E-LEARNING.

Nhập học trực tuyến ở Đại học Sao Đỏ. Ảnh Trường Đại học Sao Đỏ

Nhập học trực tuyến ở Đại học Sao Đỏ. Ảnh Trường Đại học Sao Đỏ

Nhà trường đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số. Năm 2020 đã đầu tư thêm 01 đường truyền Internet cáp quang tốc độ cao, lắp đặt hệ thống camera, wifi tốc độ cao phục vụ cho việc kết nối mạng của hơn 1000 máy tính để phục vụ cho công tác nghiệp vụ trên không gian số, đào tạo trực tuyến. Bên cạnh đó, nhà trường còn có đầu tư trang thiết bị quay video chuyên nghiệp để dựng các bài giảng trực tuyến, triển khai mô hình vừa học trực tiếp vừa học trực tuyến để đáp ứng yêu cầu học tập của sinh viên, đặc biệt là sinh viên đang trong vùng dịch, chưa lên trường học tập được.

Nhà trường đã tự phát triển hệ thống quản lý công việc; Cổng thông tin học tập trực tuyến Trường Đại học Sao Đỏ - SDU E-LEARNING, cổng thông tin nhập học trực tuyến; phần mềm thu thập thông tin phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; các phần mềm phục vụ nghiên cứu khoa học; quản lý vật tư, trang thiết bị; quản lý ký túc xá…phù hợp trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó nhà trường cũng rất chú trọng đầu tư vào trang Website, cải tiến giao diện, đầu tư nội dung thông tin, bài viết, video sống động, cổng giao tiếp qua Fanpage của trường cũng được đầu tư khai thác cho công tác truyền thông với gần 500 video đã được đưa lên trong năm học 2020-2021.

Ngoài việc đầu tư về trang biết bị, hệ thống phần mềm, nhà trường đã hợp tác liên kết với thư viện số của các trường đại học khác để giảng viên và sinh viên có thể khai thác tư liệu cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Giai đoạn 2015-2020 nhà trường đã có định hướng phát triển chuyển đổi số, tuy nhiên đến năm 2020 được thúc đẩy mạnh mẽ lên một tầm cao mới để ứng phó với sự tác động của đại dịch Covid-19.Cụ thể: Công tác tuyển sinh được chuyển đổi số ở mức độ cao, Nhà trường xây dựng cổng thông tin giúp thí sinh có thể dự các buổi tư vấn ngành nghề, nộp hồ sơ xét tuyển, nhận kết quả xét tuyển, nhận giấy báo nhập học, làm thủ tục nhập học… hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến, vì vậy đã tối ưu hóa quy trình tuyển sinh đại học năm học 2021- 2022.

Hơn 1000 tài liệu, giáo trình được số hóa hoàn toàn, video, bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi ôn tập đưa vào thư viện số và cổng thông tin học tập trực tuyến để sinh viên có thể truy cập, đọc, nghiên cứu trong bất cứ thời gian nào, địa điểm nào có kết nối Internet. Hệ thống phòng học lý thuyết được đầu tư trang thiết bị cho đào tạo kết hợp trực tiếp và trực tuyến; phòng thực hành thực nghiệm có các phần mềm ứng dụng đi kèm với thiết bị của các ngành. Hệ thống quản lý thi trực tuyến được bảo mật, an toàn, chính xác, công khai, minh bạch.

Ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp chuyển đổi số ở Đại học Sao Đỏ diễn ra thuận lợi.

Ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp chuyển đổi số ở Đại học Sao Đỏ diễn ra thuận lợi.

Xây dựng văn hóa trường đại học là một trong những nội dung được nhà trường rất chú trọng. Văn hóa giao tiếp, ứng xử trên không gian mạng đã được cụ thể hóa vào quy chế văn hóa nhà trường. Được cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường hưởng ứng, thực hiện nghiêm. Sinh viên thường xuyên được giảng viên chủ nhiệm/cố vấn học tập tuyên truyền, cố vấn tâm lý, phương pháp học, giao tiếp trên không gian mạng hiện đại, đảm bảo thuần phong, mỹ tục văn hóa trong nhà trường.

An ninh mạng là một trong những công tác được quan tâm tại trường với nhiều hạng mục đã triển khai hiệu quả như: Đầu tư hệ thống tường lửa của CISCO, trang bị phần mềm diệt virus cho các máy tính thực hiện công tác nghiệp vụ. Nhà trường cũng đã xây dựng các quy định về công tác bảo mật tài khoản truy cập các hệ thống trực tuyến như email, thư viện điện tử, phần mềm quản lý đào tạo…

Đào tạo nhân sự cho chuyển đổi số: Đội ngũ giảng viên của trường với 248 người trong đó 208 người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ (chiếm 83,9%) là lực lượng tiên phong và đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số. Trong năm học 2020-2021 nhà trường đã tổ chức 2 đợt tập huấn cho toàn bộ giảng viên về phương pháp giảng dạy trực tuyến, làm học liệu theo chuẩn SCORM, sử dụng các công cụ giảng dạy trực tuyến, các phần mềm chuyên dụng của từng ngành. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên đều được tổ chức tập huấn sử dụng các phần mềm cho chuyên môn như phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm kế toán, phần mềm tuyển sinh…; tập huấn kỹ năng giao tiếp với sinh viên trên không gian mạng cho đội ngũ giảng viên chủ nhiệm, cố vấn học tập, tổ truyền thông và phòng công tác sinh viên. Đội ngũ kỹ thuật viên tin học phục vụ chuyển đổi số cũng được tập huấn về quản trị mạng, bảo trì, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin.

Phóng viên: Văn hóa nhà trường cũng là một trong những thành phần giúp cho quá trình chuyển đổi số của trường đại học đạt hiệu quả cao. Ở Trường Đại học Sao Đỏ việc này được thực hiện như thế nào, thưa cô?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên: Văn hóa tổ chức của một trường đại học là hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống được tạo ra trong quá trình lịch sử, được các thành viên trong nhà trường thừa nhận, làm theo và in dấu ấn trong các hình thái vật chất và tinh thần, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho nhà trường. Trường Đại học Sao Đỏ xác định sứ mạng “Đào tạo gắn với nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực tế, nhà trường gắn với doanh nghiệp. Sinh viên ra trường có sức khỏe; năng lực và kỹ năng toàn diện; tự tin, sáng tạo; có việc làm thu nhập ổn định và cơ hội thăng tiến”.

Cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường luôn tin tưởng vào chính sách phát triển của từng giai đoạn, luôn thấu hiểu và thực hiện theo triết lý giáo dục “Chất lượng toàn diện - Hợp tác sâu rộng - Phát triển bền vững” tạo nên bản sắc riêng của Đại học Sao Đỏ. Cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường chung sức, đồng lòng, chịu khó, sáng tạo, nhạy bén với thời cuộc, tất cả vì thế hệ trẻ đã tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ, bắt nhịp ngay với văn hóa làm việc từ xa:

Một buổi Seminar ở Đại học Sao Đỏ.

Một buổi Seminar ở Đại học Sao Đỏ.

Văn hóa giao tiếp, ứng xử trên không gian mạng đã được Nhà trường cụ thể hóa vào quy định; cán bộ giảng viên, sinh viên đã bắt nhịp ngay với việc chuyển đổi từ giảng đường, công sở trực tiếp trở thành trực tuyến, hiệu quả, chất lượng công việc được đảm bảo. Nhà trường có bộ phận thanh tra, hệ thống camera giám sát 100% các tiết dạy - học, kiểm tra đánh giá nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy trực tuyến như trực tiếp. Nhà trường đang triển khai áp dụng KPI vào đo lường, đánh giá kết quả công việc đối với giảng viên được đánh giá bằng giờ lên lớp, chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng; kết quả làm việc của chuyên viên khối văn phòng được đo lường bằng các sản phẩm tạo ra theo chức năng nhiệm vụ của các đơn vị như: kế hoạch, quy chế, báo cáo… đều được phê duyệt và triển khai trực tuyến để thực hiện.

Ngoài ra hệ thống giảng viên chủ nhiệm, tổ tư vấn tâm lý của nhà trường tích cực truyền thông, thường xuyên theo dõi tư tưởng của sinh viên trên không gian mạng nhằm tư vấn, cung cấp thông tin… kịp thời cho sinh viên, giúp sinh viên giải quyết được các vướng mắc trong quá trình học tập tại trường.

Phóng viên. Nhà trường đã thu được những kết quả cụ thể nào trong quá trình chuyển đổi số? Đặc biệt là trong năm học 2020-2021 trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài quá trình chuyển đổi số đã phát huy như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên: Trong quá trình chuyển đổi số nhà trường đã rất chú trọng vào công tác quản lý, tổ chức quá trình dạy – học và nghiên cứu khoa học.

Trong công tác quản lý:Nhà trường đã có các quy định cụ thể và hệ thống phần mềm dành cho quản lý trong các lĩnh vực như: Quản lý công việc, quản lý đào tạo, quản lý nhân sự, quản lý vật tư, quản lý tài chính… và triển khai những dịch vụ công trực tuyến đã giúp cho quá trình điều hành các hoạt động trong nhà trường nhanh chóng, chính xác.

Về tổ chức quá trình dạy – học và nghiên cứu khoa học: Đội ngũ giảng viên và nhân viên phục vụ đào tạo làm chủ được công nghệ số giúp linh hoạt hơn trong phương pháp giảng dạy, không bị gián đoạn việc dạy-học đảm bảo tiến độ năm học. Bên cạnh đó sự trải nghiệm công nghệ giúp giảng viên nâng cao thêm kỹ năng dạy học; sinh viên được tiếp cận những bài giảng thực tế, đa dạng hơn qua công nghệ thực tế ảo, lập trình giả định, làm tối ưu cách thức học tập toàn diện bởi vì sinh viên có thể truy cập tài liệu học tập không giới hạn. Kho tài liệu chuẩn xác và tiết kiệm nhiều chi phí khi mua các tài liệu liên quan, in ấn. Hơn thế, giảng viên và sinh viên kết nối với nhau dễ dàng bằng cách chia sẻ tài liệu, các kiến thức học tập chuyên sâu hoặc hỗ trợ sinh viên nâng cao kiến thức mới.

Trong giờ học ở Đại học Sao Đỏ.
Trong giờ học ở Đại học Sao Đỏ.

Hiện nay, nhà trường đã có cơ sở hạ tầng rất tốt phục vụ đào tạo như hệ thống máy chủ, đường truyền cáp quang, wifi tốc độ cao và phần mềm ứng dụng, an ninh mạng. Với hệ thống E-learning, thư viện số có trên 1000 tài liệu, giáo trình, bài giảng điện tử và các ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài kiểm tra hỗ trợ cho dạy – học và nghiên cứu khoa học.

Trong năm học 2020-2021 trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài quá trình chuyển đổi số đã giúp Nhà trường tổ chức hiệu quả trong quản lý điều hành các hoạt động đào tạo và phục vụ đào tạo thông qua hệ thống phần mềm, không gian mạng; Giảng viên chủ động và linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá; Sinh viên tích cực, chủ động trong học tập và nghiên cứu khoa học thông qua kho tài liệu số không giới hạn và sự hỗ trợ của giảng viên/cố vấn học tập; Giảng viên/cố vấn học tập kiểm soát được quá trình tham gia học tập của sinh viên thông qua lịch sử học tập, kịp thời điều chỉnh giúp sinh viên tiến bộ hơn trong học tập; Chất lượng đào tạo được đảm bảo như học trực tiếp tại trường và tiến độ đào tạo năm học không bị kéo dài, sinh viên ra trường đúng hạn, đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Phóng viên: Trong quá trình triển khai, đâu là khó khăn, thách thức nhất khi chuyển đổi số tại Trường Đại học Sao Đỏ, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên: Trong giai đoạn vừa qua nhà trường đã từng bước chuyển đổi số và đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên cũng còn có những khó khăn, thách thức như hạn chế về tài chính nên việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, trang thiết bị (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ Internet … còn chưa được như mong muốn.

Việc xây dựng kho học liệu số (như sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng), xây dựng chương trình học trực tuyến, thời lượng học, kiểm tra đánh giá trực tuyến mất rất nhiều thời gian, công sức và tài chính.

Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra trong năm học qua, nhà trường đã chủ động điều chỉnh tiến độ đào tạo, sinh viên chỉ học lý thuyết trực tuyến, còn thực hành về trường học trực tiếp tại các trung tâm thực hành thực nghiệm của trường. Trong năm học 2020-2021, thời gian sinh viên hiện diện tại trường hơn 6 tháng vì vậy thời lượng dành cho thực hành đảm bảo với kế hoạch tiến độ của các ngành, tuy nhiên có 1 số lượng ít sinh viên trong vùng dịch, thuộc diện cách ly sau khi hết cách ly trở về trường học thì cường độ học tập trong tuần có căng hơn đôi chút nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe và chất lượng đào tạo.

Phóng viên: Vậy theo kinh nghiệm của nhà trường thì cô có khuyến nghị ra sao để quá trình chuyển đổi số được thành công?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên: Với quá trình chuyển đổi số diễn ra tại Trường Đại học Sao Đỏ, tập thể lãnh đạo nhà trường nhận thấy rằng, để chuyển đối số thành công cần có chính sách, hoạch định đầu tư chính xác, linh hoạt, khuyến khích dạy – học; xây dựng được quy chế, quy định quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng. Tạo sự đồng thuận, chia sẻ, đồng thuận của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Trường Đại học Sao Đỏ đã xây dựng định hướng chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nhà trường sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số của trường để có cơ sở khoa học triển khai toàn diện và có chiều sâu hơn công tác chuyển đổi số. Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo Thạc sỹ được học tập tối thiểu 30% thời lượng trong môi trường số.

Đầu tư các phòng học được chuyển đổi số phù hợp với yêu cầu đào tạo các ngành. Xây dựng nguồn học liệu số: đảm bảo 100% giáo trình các học phần được số hóa. Tăng cường kết nối giảng viên, sinh viên của trường với sinh viên quốc tế tại các trường đối tác qua các công cụ số để trao đổi học thuật, kinh nghiệm học tập.

Để thành công, nhà trường cũng đề nghị các cấp các ngành có cơ chế, tạo điều kiện cấp kinh phí hỗ trợ nhà trường trong quá trình chuyển đổi số để có cơ sở hạ tầng tốt hơn nữa phục vụ đào tạo.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Trần Phương