“Điểm đáng lo ngại nhất của giáo dục ở VN hiện nay là đạo đức”

16/03/2012 17:54
BBT
(GDVN) - TS. Nguyễn Quang Huy khẳng định như vậy trong cuộc giao lưu trực tuyến toàn cầu bàn về đổi mới phương pháp dạy và học ở Việt Nam.



1. Kính gửi anh Nguyễn Quang Huy, là một nghiên cứu sinh anh nghĩ gì về cách trình bày của một TS khi thông tin không có nguồn và không có cơ sở kiểm chứng? (levinhtanbidv@yahoo.com)

TS. Nguyễn Quang Huy: Tôi thấy hiện nay đa phần chúng ta khi trình bày 1 vấn đề hoặc đưa ra 1 thông tin rất nhiều khi dựa trên nguồn thiếu tin cậy hoặc không có căn cứ. Ngay cả báo chí có khi vội vàng cũng lấy thông tin từ nguồn chưa kiểm chứng. Điều này rất nguy hiểm và có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng khi thông tin hay kiến thức sai lệch được phổ biến.
Vì vậy tôi cho rằng người làm khoa học nói riêng và tất cả những người làm công việc liên quan đến khoa học, giáo dục hay truyền thông, cần phải nghiêm túc rèn luyện thói quen “nói có sách, mách có chứng”.
Mỗi khi truyền đạt thông tin kiến thức đều cần tự mình tìm hiểu kiểm chứng lại, đồng thời công khai nguồn khi truyền đạt. Việc đưa ra dẫn chứng, luận điểm cho những gì mình nói ra không chỉ làm tăng độ tin cậy cho kiến thức, mà còn giúp người nghe có thể tự mình tìm hiểu nghiên cứu thêm, giúp kiểm chứng lại độ chính xác của thông tin.
2. Chào anh Quang Huy. Anh cho em hỏi trước đây anh học ở Việt Nam hay không? Anh có thể đánh giá thế nào về hình thức dạy và học ở trường trước đây anh học? (Nguyễn Mạnh Hùng, Vân Đình, Hà Nội)
TS. Nguyễn Quang Huy: Chào bạn, tôi trước đây cấp 3 học chuyên toán tại trường ĐH Tổng Hợp. Sau đó, tôi học ở ĐH Bách Khoa Hà Nội 2 năm trước khi sang Singapore du học.
Tôi rất thích khoảng thời gian học cấp 3 và ĐH trong nước! Về môi trường học thì có lẽ hiếm nước nào có nhiều hoạt động sinh viên cũng như các hoạt động giữa các thành viên trong lớp học như ở Việt Nam. Về giáo trình thì có lẽ mỗi nền giáo dục có 1 đặc trưng riêng, nhưng những kiến thức được truyền đạt trong trường phổ thông cũng như ĐH ở Việt Nam không hề thua kém hay lạc hậu hơn so với các nước khác.
Công bằng mà nói, khoa học tự nhiên của Việt Nam ở bậc phổ thông còn sâu và kỹ hơn Singapore rất nhiều. Vì vậy, các bạn sinh viên Việt Nam khi học ở Singapore luôn có lợi thế trong các môn tự nhiên.
Về hình thức dạy, ĐH ở Singapore đa phần dùng máy chiếu bài giảng để tiết kiệm thời gian cho sinh viên chép bài. Giáo viên trước khi lên lớp đều ôn lại bài giảng dựa trên slide đã chuẩn bị sẵn, đồng thời dựa trên phản hồi của sinh viên để cải tiến nội dung bài giảng, nhấn mạnh vào những điểm sinh viên gặp khó khăn khi tiếp thu.
Nhờ vậy bài giảng của kỳ sau sẽ tốt hơn kỳ trước, của năm sau tốt hơn năm trước. Tôi nghĩ rằng ĐH ở Việt Nam có thể học hỏi và sử dụng các phương tiện tương tự để nâng cao chất lượng giảng dạy.



3. So với cách dạy của giảng viên Singapore, anh có đồng tình với cách dạy và giảng của GS. Lê Thẩm Dương không? (Trần Văn Minh – ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN)
TS. Nguyễn Quang Huy: Tôi nghĩ rằng rất khó so sánh giữa giảng viên Singapore và Việt Nam. Phương pháp giảng dạy và truyền đạt thường chịu ảnh hướng lớn bởi nền văn hoá của mỗi nước, cụ thể ở đây là mối quan hệ giữa thày giáo và sinh viên.
Ở Singapore nói riêng, và có lẽ các nước phương Tây, Mỹ, quan hệ giữa giáo viên và sinh viên ở bậc đại học thường “ngang hàng” hơn, đôi khi gần như là đồng nghiệp làm việc với nhau. Vì vậy cách thức truyền đạt ở môi trường đại học sẽ mang tính chia sẻ hơn là dạy dỗ. Đồng thời họ cũng phải áp dụng những chuẩn mực về đạo đức nhất định như: Không dùng từ nóng, không dùng từ ngữ khiếm nhã vì có nhiều sinh viên quốc tế và có 1 uỷ ban độc lập đánh giá giáo viên.
Ngược lại ở Việt Nam, ngay cả ở bậc đại học hay thậm chí trên đại học, người thày vẫn có vai trò như ở các bậc phổ thông: “Một ngày làm thày, cả đời làm cha”.
Bản thân các giáo viên ở bậc đại học, nhất là các thày cao tuổi, vẫn coi học sinh như con cháu mình. Do đó sẽ có những lúc cao hứng và thoải mái “như ở nhà”.
Một cách thẳng thắn, tôi không đồng tình với TS. Lê Thẩm Dương về cách sử dụng từ ngữ như vậy trong môi trường giáo dục. Nhưng tôi nghĩ rằng TS. Lê Thẩm Dương hi vọng cách diễn đạt như vậy có thể tạo cảm hứng cho cả người giảng lẫn người học, và sự nỗ lực để truyền cảm hứng cho bài giảng là điều đáng trân trọng.

4. Chào anh Quang Huy! Anh có thể cho biết sự khác biệt giữa cách giảng dạy của Việt Nam và nước ngoài không hiện nay như thế nào? (Minh Đức – Đà Nẵng)
TS. Nguyễn Quang Huy: Trong các câu trả lời ở trên, tôi đã so sánh khá nhiều mặt của phương pháp giảng dạy giữa Việt Nam và nước ngoài. Ở đây tôi chỉ xin tóm tắt lại:
1. Về giáo trình, kiến thức: Chúng ta không khác biệt nhiều so với thế giới. Dĩ nhiên do ảnh hưởng từ trước, chúng ta nhấn mạnh hơn vào khoa học tự nhiên, và đó là 1 ưu điểm, thể hiện ở sự trội hơn của sinh viên Việt Nam trong các môn tự nhiên khi du học ở nước ngoài.
2. Về cơ sở vật chất, phương tiện giáo dục: Chúng ta chưa trang bị được đồng bộ các hệ thống hỗ trợ giảng dạy tiên tiến như máy chiếu, bảng viết hay thậm chí các hệ thống trợ giúp học từ xa. Tuy nghiên tôi cho rằng điểm khác biệt này không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục
3. Về trình độ giáo viên: Chất lượng giáo viên ở Việt Nam đang đi lên rất nhanh, do thế hệ cuối 7x, đầu 8x du học ở nước ngoài quay trở về tham gia giảng dạy. Thế hệ trước được đào tạo ở Liên Xô (cũ), Ba Lan, Trung Quốc, vv… cũng có bề dày kinh nghiệm và kiến thức cơ bản rất tốt. Các trường của chúng ta chỉ kém các trường đại học lớn trên thế giới ở khả năng làm nghiên cứu khoa học.
Có lẽ điểm đáng lo ngại nhất của giáo dục ở Việt Nam hiện nay là ở mặt đạo đức: Đạo đức của người thày, đạo đức của người trò, và đạo đức trong mối quan hệ giữa thày và trò cũng như gia đình trò. Đây là 1 chủ đề lớn và đã được đề cập đến ở rất nhiều nơi nên tôi xin phép không đi vào chi tiết.
Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng nếu chúng ta giải quyết được bài toán đạo đức này, thì chất lượng giáo dục chúng ta sẽ có thể sánh ngang với các nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới
Điểm nóng
Hà Nội: Những con đường đầy bao cao su
Góc ảnh độc giả
Những kiểu ăn mặc lố lăng, phản cảm
Hình ảnh Chướng mắt ở cửa Phật
Những đám cưới khủng, đình đám
Hình ảnh "cái bang" chỉ có ở VN
BBT