Giáo dục phải thành một chuỗi gắn kết từ mầm non đến đại học

28/01/2020 07:25
LÃ TIẾN
(GDVN) - Giáo dục phải thành một chuỗi gắn kết từ mầm non đến đại học, để từ đó các cấp học có thể chia sẻ với nhau cách làm hay, kinh nghiệm quý trong toàn ngành.

Đó là những chia sẻ của Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp đầu xuân năm mới Canh Tý 2020.

Phó giáo sư Lê Quốc Tiến cho biết, hiện cả nước có 220.000 cử nhân khối ngành liên quan đến kinh tế, quản trị kinh doanh đang thất nghiệp sau khi ra trường.

Thực trạng này bắt nguồn chính từ việc định hướng cho học sinh (nhất là học sinh trung học phổ thông) chọn trường, chọn ngành nghề để đăng ký thi đại học trong thời gian qua.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đưa ra ví dụ, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn có hơn 500 học sinh khối 12 thì có khoảng 300 em thi ngành kinh tế.

Qua khảo sát, nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn Hải Phòng cũng trong tình trạng tương tự, từ đó dẫn tới tình trạng khủng hoàng thừa khối các sinh viên kinh tế, quản trị kinh doanh.

Thực tế mấy năm gần đây, Hải Phòng có tốc độ phát triển đột phá song lại thiếu một lực lượng lao động lớn các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin...

Trong khi đó, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn nhất nhì cả nước, thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn mạnh và nhu cầu về nhân lực rất cao.

Lãnh đạo Bộ đã rất cầu thị, tôi tin năm mới giáo dục sẽ có bước chuyển tốt
Lãnh đạo Bộ đã rất cầu thị, tôi tin năm mới giáo dục sẽ có bước chuyển tốt

“Tuy nhiên, những cái chúng ta có thì họ không cần nhiều. Thứ họ cần là kỹ thuật, là cơ điện tử… thì chúng ta thiếu buộc họ phải đi tìm từ các thành phố khác đưa về làm.

Điều đó cho thấy, định hướng giáo dục của chúng ta đang đi hơi chệch hướng với tình hình xu thế”, Phó giáo sư Lê Quốc Tiến nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng này, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo thành phố Cảng đưa ra lời khuyên: “Các em học sinh hãy học những thứ mà xã hội đang cần như các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, điện- điện tử xây dựng.

Cùng với đó, các em học sinh có thể trang bị cho mình chứng chỉ MOS (chứng chỉ Tin học văn phòng chuẩn quốc tế do Microsoft cấp) và chứng chỉ IELTS hoặc tương đương.

Có trong tay ba thứ này, chỉ học hết năm thứ nhất đại học, các doanh nghiệp đã đến tuyển dụng các em rồi”.

Phó giáo sư Lê Quốc Tiến nêu quan điểm, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đang hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục thành một chuỗi gắn kết từ mầm non tới tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tới đại học, từ đó các cấp học có thể chia sẻ với nhau cách làm hay, kinh nghiệm quý để nhân rộng trong toàn ngành.

Sau khi các em sinh viên ra trường đi làm nghề, các em có thể tiếp tục học tập để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nhằm hướng tới mục tiêu học tập suốt đời.

Phó giáo sư Lê Quốc Tiến cho rằng: Giáo dục phải thành một chuỗi gắn kết từ mầm non đến đại học (Ảnh: Lã Tiến)
Phó giáo sư Lê Quốc Tiến cho rằng: Giáo dục phải thành một chuỗi gắn kết từ mầm non đến đại học (Ảnh: Lã Tiến)

Để thực hiện được mục tiêu này, theo Phó giáo sư Lê Quốc Tiến, các em học sinh, sinh viên phải tập trung cao học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, trong đó chú trọng phát huy năng khiếu từng cá nhân.

Cùng với đó, các em phải được rèn thái độ gương mẫu, nghiêm túc trong học tập, thường xuyên cập nhật kiến thức và tích cực rèn luyện thân thể để có sức khỏe.

“Trước đây, học sinh thường học thuộc lòng theo mẫu sẵn, nhưng giờ đây phải thay đổi tư duy, học sinh phải chủ động tìm kiếm kiến thức và áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

Trong quá trình học tập, học sinh phải được đánh giá theo tiêu chuẩn toàn cầu”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhấn mạnh.

Cùng với đó, ngành giáo dục phải từng bước nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, để các em học sinh làm quen và thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.

Các địa phương cần tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học giúp các nhà trường có điều kiện giảng dạy tốt hơn.

Phó giáo sư Lê Quốc Tiến cũng nhấn mạnh: “Thầy, cô giáo phải là người tư vấn, hỗ trợ để học sinh phát huy được khả năng của các em.

Để làm được việc đó, giáo viên phải thường xuyên quan tâm, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh, từ đó có những tư vấn, định hướng đúng đắn cho học sinh của mình”.

LÃ TIẾN