Cuộc gặp gỡ với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên - Phó trưởng bộ môn Công nghệ Chế tạo máy, viện Cơ Khí, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo, Nghiên cứu và Đổi mới Công nghệ Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã cho tôi những góc nhìn mới về công việc nghiên cứu của những người làm khoa học.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên tôi được gặp một nhà khoa học "đời thường" đến như vậy. Những câu chuyện về hành trình nghiên cứu của thầy cũng thật giản dị, tự nhiên như những thước phim về cuộc sống hằng ngày.
Khoa học xuất phát từ cuộc sống, nào đâu phải điều gì quá lớn lao!
Sinh ra ở một vùng quê nghèo tỉnh Hưng Yên, từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Ngọc Kiên đã quá quen thuộc với công việc đập đất, cấy cày. Thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của người nông dân, cậu đã quyết tâm theo đuổi con đường học vấn, mong ước thay đổi tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên - Phó Trưởng bộ môn Công nghệ Chế tạo máy, Viện Cơ khí, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo, Nghiên cứu và Đổi mới Công nghệ Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Phạm Minh) |
Năm 1998, cậu trở thành sinh viên chuyên ngành Cơ khí điện máy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cũng từ đây, cậu có cơ hội tiếp cận với bầu trời tri thức mới, biết thế nào là chế tạo, nghiên cứu sản phẩm.
“Cho đến năm học thứ 4, tôi mới được thực tập, bắt đầu làm quen với máy móc. Ngày đầu, thầy giáo đã giao bản vẽ, phôi và yêu cầu tôi gia công trong 2 giờ đồng hồ.
Lúc đó tôi sợ lắm, cầm máy đứng loay hoay không dám đưa mũi khoan vào, lại sợ dụng cụ bị gãy, về thầy sẽ trách mắng. May mắn sau đó được các thầy giúp đỡ, thầy giáo còn nói với tôi rằng: làm cơ khí phải mạnh mẽ, táo bạo, dám nghĩ dám làm.
Từ đó, tôi trở nên cứng rắn hơn, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vừa có tư duy học thuật, trải nghiệm thực tế, kết hợp logic các vấn đề trong kỹ thuật cơ khí, tôi ngày càng trưởng thành hơn”, Tiến sĩ Kiên nhớ lại ngày mới vào nghề.
Chia sẻ quan niệm về khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên cho biết, với thầy, khoa học không phải là những gì quá lớn lao, cao xa. Khoa học xuất phát từ chính cuộc sống, từ những vấn đề diễn ra hằng ngày quanh ta, khoa học là để phục vụ con người.
“Ngày trước tôi vẫn luôn tự hỏi, người Việt mình cần cù, trí tuệ nhưng vì sao đất nước vẫn nghèo, nhân dân vẫn còn cực khổ. Bây giờ cuộc sống hội nhập, giao lưu và mở mang tri thức, mình phải ứng dụng những văn minh khoa học thế giới giải quyết những vấn đề xung quanh mình” - Mang theo những trăn trở đó, những nghiên cứu, sáng tạo của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên luôn hướng về cuộc sống của những người dân lao động.
Đi đến đâu, quan sát thấy người dân làm việc cực nhọc, nhà nghiên cứu lại nảy ra ý tưởng sáng chế những máy móc, thiết bị hỗ trợ quá trình lao động sản xuất.
Những nghiên cứu phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên phải kể đến như máy phay khoan tâm sen liên tục, máy bóc long nhãn, máy tra hạt tự động, máy chiết xuất tinh dầu, hệ thống máy cắt miến sợi nhỏ xuất khẩu tự động, máy đột hạt cho doanh nghiệp làm ô mai,...
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên luôn tâm niệm, khoa học xuất phát từ cuộc sống, phục vụ cuộc sống con người (Ảnh: Phạm Minh) |
Trong một chuyến đi thực tế, chứng kiến người dân lấy tơ sen bằng cách thủ công để dệt khăn, mỗi ngày, trung bình một người chỉ có thể rút 200 cọng sen. Để quá trình rút tơ sen được tự động hóa, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Kiên đã chế tạo thành công máy lấy tơ sen.
Đề tài này mới ở mức nghiên cứu cơ bản, sắp tới sẽ liên kết với doanh nghiệp để hoàn thiện công nghệ và tiến hành chuyển giao.
Mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên và nhóm nghiên cứu cũng chế tạo thành công máy đan giỏ tự động, hỗ trợ cho những người thợ thủ công làng nghề Phú Vinh (Chương Mỹ - Hà Nội).
Tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp như lá sả, rơm, rạ, lá cói,... tạo thành những sợi đan, sau đó máy móc sẽ làm nhiệm vụ đan giỏ, vừa tăng năng suất lao động, vừa giúp người dân giảm bớt công việc.
Là một nhà khoa học nhưng Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên không ngại xắn quần, lội xuống ruộng sâu để tìm giải pháp cùng những người nông dân.
Trở thành chuyên gia cho chương trình “Sáng kiến và giải pháp” của VTV, Tiến sĩ Kiên sẵn sàng hỗ trợ những người nông dân, những nhà sáng chế không chuyên để họ hoàn thiện sản phẩm máy móc của mình.
“Tôi còn nhớ có lần về Phú Xuyên để hỗ trợ cho một bác nông dân chế tạo ra máy lồng thủy phi cơ. Ruộng đồng nơi đây vốn sâu và lầy, máy lồng bình thường không hoạt động được. Chính vì vậy, một người dân đã cải tiến chiếc máy lồng khắc phục vấn đề này.
Hôm đó, tôi cùng bác nông dân mang máy ra đồng, trời mưa như trút nước, phải trú mưa trong trang trại của người dân. Sau đó, chúng tôi cùng lội ruộng để thử nghiệm máy. Nhiệm vụ của tôi là hỗ trợ, tự vấn và giúp bác nông dân hoàn thiện sản phẩm đó”, Tiến sĩ Kiên nhớ lại kỷ niệm ngày trước.
Người thầy truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học
Với quan điểm khoa học từ cuộc sống, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên vẫn luôn gửi gắm tâm tư đến học trò: “Hãy quan sát mọi thứ xung quanh mình, các em mỗi người đến từ một vùng quê khác nhau, cuộc sống khác nhau, vấn đề khoa học đều nằm ở đó.
Khi bố mẹ, ông bà chúng ta lao động, sản xuất cực nhọc, vất vả, các em hãy nghĩ xem mình có thể sáng tạo được sản phẩm gì?”
Ghi nhớ lời dạy của thầy, nhiều sinh viên đã chủ động đề xuất những ý tưởng nghiên cứu mới. Có em gia đình làm nghề gói bánh giò đã xin được chế tạo máy gói bánh. Và cuối cùng, thầy trò nhóm nghiên cứu lại chế tạo nên chiếc máy gói bánh giò tự động.
Tâm huyết với công việc nghiên cứu, thầy Nguyễn Ngọc Kiên còn lan tỏa đam mê khoa học đến với bao thế hệ sinh viên đại học Bách khoa (Ảnh: Phạm Minh) |
Đầu năm 2020, sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán, làn sóng dịch Covid tràn vào Việt Nam. Khi nhìn thấy mọi người dùng lọ xịt tay sát khuẩn, sinh viên của thầy Kiên lại đăng ký đề tài chế tạo máy rửa tay tự động.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên chia sẻ: “Sau khi hoàn thành, có người hỏi: Anh có trí tuệ, sản phẩm, sao không bán nó đi?
Trong hoàn cảnh đất nước đối mặt với khó khăn, khi các bác sĩ, lực lượng công an, quân đội là những chiến sĩ làm việc ngày đêm nơi tuyến đầu chống dịch. Bản thân mình không trực tiếp tham gia thì nên dùng trí tuệ, làm ra những sản phẩm khoa học công nghệ để đồng hành cùng các chiến sĩ, cùng nhân dân và đất nước.
Tôi đã nói với học trò rằng: Bước vào cuộc chiến này, thầy trò chúng ta sẽ là những chiến sĩ trên mặt trận khoa học. Khi mọi người phát quà từ thiện, mở cây ATM gạo,... thì thầy trò chúng ta có thể dùng trí tuệ, tri thức - đó cũng là một cách làm từ thiện”.
Sản phẩm máy rửa tay tự động của nhóm nghiên cứu đã được tặng cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bệnh viện 108, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện tai mũi họng Trung ương và một số trường học.
Chính thầy Kiên đã tự mình đến các bệnh viện để lắp đặt máy giữa cơn bão dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Biết ơn người thầy đã hướng dẫn, chỉ dạy và đưa mình đến với nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên tự đặt ra nhiệm vụ cho bản thân là phải dìu dắt sinh viên học tập, nghiên cứu thành công.
Năm 2009, thầy thành lập Câu lạc bộ sinh viên Cimlab dành cho những sinh viên giỏi, đam mê nghiên cứu khoa học.
Thời gian đầu, để sinh viên có kinh phí làm nghiên cứu, không ít lần thầy giáo phải tự lấy tiền lương của mình để hỗ trợ các em.
Hơn 10 năm qua, Cimlab trở thành chiếc nôi đào tạo, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu cho biết bao thế hệ sinh viên bách khoa. Nhiều sinh viên đã trưởng thành, mở công ty cho riêng mình, có thành viên đang học tập, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Chia sẻ về nghề giáo, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên tâm sự: “Được làm nghiên cứu khoa học là một niềm hạnh phúc, cộng thêm vai trò của người thầy, niềm hạnh phúc càng được nhân đôi.
Nghề giáo mang đến cho tôi nhiều niềm vui và nhiều điều ý nghĩa, tôi luôn biết ơn vì các em đã trở thành sinh viên của mình, để tôi có được cơ hội dạy các em học tập, nghiên cứu, đem trí tuệ của người Việt để làm giàu cho người Việt và sáng tạo cho xã hội”.